Về quê... vinh quy bái tổ

Trịnh Sinh |

Chuyện vinh quy bái tổ có từ thời Lý. Theo thư tịch thuộc loại cổ nhất ở nước ta, được soạn thảo vào năm 1335, thì những người đỗ đạt ở kinh kỳ sẽ có hẳn một ân huệ là được vinh quy bái tổ “An Nam thành lập quốc gia, họ Lý đặt phép khoa cử ba năm một kỳ thi, lấy trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang, thành ra điển lệ. Những người thi đậu được ban cấp áo mũ, võng ngựa vinh quy”.
Trong lịch sử dài dặc của nước Đại Việt từ bấy, có nhiều cách vinh danh cho những người đỗ đạt. Ở tầm quốc gia, đó là được khắc tên vào bia đá ở Quốc Tử Giám, nay vẫn còn hằn sâu nét chữ lưu đến muôn đời.

Cái vinh danh nữa, chính là... về quê, vinh danh với làng nước. Người xưa cũng vậy, mà nay cũng thế. Ai “thành đạt” mà chẳng có lúc về quê thắp nén hương thơm cảm tạ tiền nhân, tiên tổ.

Quê hương là một thước đo, theo một thang bậc giá trị vĩnh hằng, đánh giá một đời người. Có những người về quê với bảng vàng, nhưng có những người sau khi xa quê, chẳng dám một lần... “vác mặt về quê” vì đã vượt quá cái lằn ranh tưởng lỏng lẻo mà hóa ra chặt chẽ. Đó là phạm một chuyện gì đó trong đời về đạo đức, về tội đồ mà người quê không chấp nhận.

Tranh giấy thờ ngựa trắng, lọng và người hầu.
Tranh giấy thờ ngựa trắng, lọng và người hầu.

Trong lịch sử nước ta, có một thời mà các quý tộc Kinh Kỳ đổ về quê, bỏ tiền ra công đức xây đình chùa. Chính chiếc trống đồng “Cảnh Thịnh” vừa được tôn vinh là bảo vật Quốc gia được ra đời trong bối cảnh như vậy. Nguyên là có một bà vợ một viên Tổng thái giám Giao Quận Công tên là Nguyễn Thị Lộc đã có công xây nhiều chùa, trong đó có chùa Nành, xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay chính là làng Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Mặc dù đi tìm mỏi mắt trong thư tịch xưa về quê của bà Nguyễn Thị Lộc nhưng không thấy ghi. Nhưng tôi đoan chắc rằng, nhiều khả năng làng Nành là quê nội hay quê ngoại của bà. Sau 64 năm bà giúp làng Nành dựng chùa, dân làng nhớ tới công lao của bà nên đã đúc trống đồng Cảnh Thịnh. Hoa văn trên trống rất đẹp, nhưng đáng chú ý là 272 chữ Hán được khắc trên trống ca ngợi công đức của bà. Âu cũng là một trong những nét ứng xử đẹp và có hậu của người dân quê đối với những người ra đi từ lũy tre làng, có đóng góp về quê và được dân quê ghi lòng tạc dạ. Trống được đúc vào năm 1800 dưới thời Tây Sơn.

Những chuyện các bà hoàng, bà chúa thời vua Lê, chúa Trịnh về quê dựng chùa làng như vậy nhiều vô kể. Sử sách ghi lại mà truyền thuyết còn lưu truyền. Đến khi từ giã cõi đời, các bà quý tộc này lại có nguyện vọng được đưa về nơi chôn rau cắt rốn để an táng. Cả một thời Lê Trung Hưng là như vậy. Mà cái thời này lại có tục ướp xác độc đáo của nước ta. Giới khảo cổ trong vài chục năm qua cứ đào một ngôi mộ ướp xác nào, trong quan ngoài quách, thịt da còn nguyên bên cạnh túi trầu cau còn xanh tươi, là trúng phóc một mộ quý tộc thời này. Trong đó có nhiều bà hoàng, bà chúa trở về lòng đất quê mẹ.

Lại cũng vào cái thời Lê Trung Hưng ấy, các vị Quận công cũng lại lo chuyện hậu sự bằng cách xây lăng đá. Con đường trở về làng của họ, khi sống là vinh quy bái tổ, khi chết cũng lại về làng yên giấc ngàn thu. Chính nhờ chuyến đi mãi mãi về làng này, mà chúng ta có một kho di sản nghệ thuật lăng đá độc đáo. Một trong những lăng đá đẹp nhất là lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), thờ La Quận công, được dựng nên vào năm 1729. Đường thần đạo vào lăng có tượng đá quan hầu đang dắt ngựa. Tượng to gần bằng người thật và được điêu khắc với mỹ thuật đẹp đẽ bằng đôi tay tài khéo làng quê.

Trục thần đạo vào lăng Dinh Hương có 2 tượng đá.
Trục thần đạo vào lăng Dinh Hương có 2 tượng đá.

Bên cạnh đó còn có cổng đá, bệ đá và cả những bức tường bao quanh bằng đá ong. Thời gian như ngưng đọng tại chốn này. Quả là những di tích lăng đá tuyệt đẹp, giúp cho mấy trăm năm sau, người làng còn nhớ đến một người làng xuất chúng và người trong nước có dịp đến thăm một di sản quốc gia.

Cũng lại cái làng có trống đồng Cảnh Thịnh có một chuyện trở về quê hương, nhưng lại theo một cách hoàn toàn khác. Công chúa Ngọc Hân, con thứ chín của vua Lê Hiển Tông được gả cho hoàng đế Quang Trung trong một lần ra bắc. Bà được phong làm Bắc cung Hoàng hậu. Khi Quang Trung băng hà, bà nổi tiếng với bài văn “Tế vua Quang Trung” và “Ai tư vãn” tiếc thương vị anh hùng mất sớm. Sau đó bà mất ở Huế khi mới 29 tuổi. Hai người con cũng chết sau đó không lâu.

Khi nhà Tây Sơn mất, bà mẹ ruột là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền đã đưa ba mẹ con nay đã là ba bộ hài cốt về quê vì sợ sự trả thù của triều đình mới lên. Mà rồi cũng không yên, cũng bị quật mồ và vứt hài cốt xuống sông, truyền thuyết nói vậy. Thế mới biết, tục ngữ nói “lá rụng về cội” thật đúng với trường hợp của bà công chúa - hoàng hậu đoản mệnh này.

Vinh quy bái tổ cũng là một đề tài được các nghệ sĩ dân gian chú ý tạo hình. Tranh dân gian Hàng Trống cũng đã có một bức tranh giấy khá đẹp với cách phối màu đặc thù và cách nhấn mạnh các đường viền, gần gũi với nghệ thuật đồ họa hơn là hội họa. Viên quan cưỡi ngựa, mặc áo dài có hoa văn mây cuộn, đầu cuốn khăn, chân đi dép hài. Lọng che trên đầu và bốn tên lính hầu cầm quạt vây quanh. Cái cảnh này rõ ràng là võng lọng vinh quy.

Viên quan cưỡi ngựa về làng, tranh dân gian Hàng Trống.
Viên quan cưỡi ngựa về làng, tranh dân gian Hàng Trống.

Cũng đề tài này, nhưng lại có mặt trong tranh khắc gỗ mà Henry Oger đã thu thập được vào đầu thế kỷ 20 ở ta. Cũng lại một viên quan cưỡi ngựa, đội mũ cánh chuồn, áo dài, có ba người hầu cầm lọng che, cờ quạt. Xem ra cái mô-típ cưỡi ngựa có người hầu và lọng che là một biểu tượng lặp đi lặp lại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam và ăn sâu vào tâm thức người Việt như một sự trở về thành đạt.

Cái biểu tượng này còn gặp ở hai  bức tranh thờ bằng giấy khá đẹp ở đền Độc Lôi, Nghệ An, thế kỷ 18. Đó là cặp tranh ngựa hồng và ngựa bạch. Cũng có ngựa, quân hầu cầm quạt, cầm cờ, che lọng và dắt cương ngựa. Chỉ thiếu mỗi nhân vật chính là ông quan. Dường như những lọng che, ngựa, lính hầu đủ để trở thành biểu tượng bất di bất dịch của sự vinh hoa phú quý mà dân làng Việt từ ngàn năm trước hình dung về cuộc trở về quê của những người con đỗ đạt.

Làng quê còn “bám” chặt vào đời người Việt trong cái thời buổi cuối thời phong kiến, đầu thời thực dân. Nhiều làng có người đổ ra Hà Nội làm đủ trăm nghề, từ kim hoàn đến rèn sắt, dệt vải. Đấy là một cuộc di cư tự do góp phần làm đẹp cho một phố cổ Hà Nội bây giờ. Họ tập trung thành từng phường, mà đến nay còn lưu dấu ở tên gọi các phố như Hàng Bông, Hàng Vải, Hàng Bạc. Ra đến thị thành, họ vẫn lưu luyến quê hương, làng nước bằng cách xây đình làng giữa phố chợ, vẫn giữ cái tên của ngôi đình gốc quê hương, để có chỗ quần tụ, lễ hội chân quê cho người xa xứ.

Quan và lính hầu, tranh khắc gỗ của Henry Oger.
Quan và lính hầu, tranh khắc gỗ của Henry Oger.

Vào cái thời điểm mà nhiều người quê ra Hà Nội làm ăn, trở thành các nhà tư sản giàu có, họ cũng không quên đổ tiền về quê để đúc chuông, tạo tượng cung tiến hay xây biệt thự chốn quê hương để thỉnh thoảng Tết lễ đi về. Làng Cự Đà là một ví dụ như vậy. Để không quên cái gốc rễ làng quê, các nhà tư sản còn đặt tên cho doanh nghiệp của mình mở đầu là chữ Cự như Cự Doanh, Cự Chân chẳng hạn.

Xã hội Việt Nam vốn từ ngàn đời đã là xã hội nông nghiệp với đa số là nông dân. Vì thế mà làng và văn hóa làng đã trở thành hồn cốt của người Việt. Cái chất nhà nông đã làm cho người Việt lãng mạn hơn, lạc quan hơn, cố kết với nhau mạnh hơn. Điều đó cũng có nhiều mặt hay dở mà bài này không bàn đến. Chỉ riêng góc độ nhớ làng, nhớ quê, thậm chí muốn về quê để nhắm mắt xuôi tay, thì hẳn đã ăn vào máu của người Việt từ bao đời rồi.

Trịnh Sinh
TIN LIÊN QUAN

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.