10 quốc gia EU trong tình trạng đáng lo ngại nhất về COVID-19

Thanh Hà |

10 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng "rất đáng lo ngại" về COVID-19, cơ quan dịch bệnh của khối 27 thành viên nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo đại dịch đang tồi tệ hơn trên khắp lục địa.

Dự kiến ​​tăng 50% trong 2 tuần tới

"Tình hình dịch tễ học tổng thể có đặc trưng là tỉ lệ báo cáo ca bệnh tổng thể cao, tăng nhanh và tỉ lệ tử vong thấp nhưng tăng chậm" - Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu cho biết.

Trong đánh giá rủi ro hàng tuần mới nhất, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu liệt kê 10 quốc gia EU trong danh sách đáng lo ngại nhất: Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia.

“Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất" - cơ quan này lưu ý.

Đức nằm trong số 13 quốc gia EU khác được xếp hạng là "lo ngại cao" và Pháp nằm trong 3 quốc gia thuộc nhóm "lo ngại vừa phải". Trong khi đó, Italia, Malta, Tây Ban Nha và Thụy Điển ở nhóm lo ngại thấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, có 4 quốc gia bị nâng lên cảnh báo cao hơn kể từ lần đánh giá trước và 5 quốc gia được hạ cấp.

Cơ quan này lưu ý, tỉ lệ thông báo ca bệnh, tỉ lệ tử vong, nhập viện và ICU đều được dự báo tăng trong hai tuần tới. Số ca mắc COVID-19 và tử vong dự kiến ​​tăng khoảng 50% trong 2 tuần tới, đạt tỉ lệ hàng tuần là 300 ca mắc mới và 2,7 ca tử vong trên 100.000 dân.

Đánh giá hàng tuần của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu xem xét tình hình dịch ở 27 quốc gia EU cũng như Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Trở lại là tâm dịch

Châu Âu lại trở thành tâm dịch khiến chính phủ một số nước phải cân nhắc tái áp đặt các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 khi Giáng sinh sắp tới.

Châu Âu chiếm hơn một nửa số ca lây nhiễm trung bình trong 7 ngày trên toàn cầu và khoảng một nửa số ca tử vong mới nhất, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi virus lần đầu tiên xâm nhập vào Italia.

Đợt lây nhiễm mới xuất hiện khi các chiến dịch tiêm chủng thành công giúp tình hình dịch ổn định trong những tháng trước mùa đông và cũng là mùa cúm.

Khoảng 65% dân số của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) - bao gồm Liên minh Châu Âu, Iceland, Liechtenstein và Na Uy - đã tiêm 2 liều vaccine, theo số liệu của EU. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng chậm lại trong những tháng gần đây.

Tỉ lệ tiêm chủng ở các nước Nam Âu là khoảng 80% trong khi ở các nước Trung, Đông Âu và Nga, tỉ lệ chậm hơn dẫn tới các đợt bùng phát gây sức ép cho hệ thống y tế.

Đức, Pháp và Hà Lan cũng đang ghi nhận gia tăng ca nhiễm COVID-19, tạo ra thách thức ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao. Dù vậy, chắc chắn, số ca nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về tỉ lệ bao phủ vaccine, tỉ lệ tiêm nhắc lại cũng như các biện pháp giãn cách xã hội khiến việc đưa ra nhận định cho tình hình chung của khu vực khá phức tạp.

Theo dõi sát tình hình

Theo các nhà virus học và chuyên gia y tế công cộng, tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số nơi, suy giảm khả năng miễn dịch ở những người được tiêm chủng sớm và chủ quan trong việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội khi nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể là nguyên nhân của đợt bùng phát lây nhiễm mới.

"Điều học được ở đây là không nên rời mắt khỏi quả bóng" - Lawrence Young, nhà virus học tại Trường Y Warwick của Vương quốc Anh, cho biết.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần tính đến ngày 7.11 cho thấy, Châu Âu, bao gồm cả Nga, là khu vực duy nhất ghi nhận ghi nhận số ca bệnh tăng, tăng 7%, trong khi các khu vực khác có xu hướng giảm hoặc ổn định. Tương tự, Châu Âu báo cáo số người chết tăng 10%, trong khi các khu vực khác đều có số người chết giảm.

Tình hình COVID-19 đáng lo ngại khiến chính phủ và các doanh nghiệp lo ngại đại dịch kéo dài ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế vừa nhen nhóm, đặc biệt khi các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương được nối lại trong tuần này và nhiều biên giới bắt đầu mở cửa trở lại.

Tại Đức, một số thành phố đã hủy bỏ chợ Giáng sinh một lần nữa, trong khi Hà Lan vừa tuyên bố đợt tái phong tỏa một phần áp dụng với các nhà hàng, cửa hàng và các sự kiện thể thao từ 13.11.

Theo các nhà khoa học, hầu hết các nước EU đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, mở rộng tiêm chủng cho nhiều dân số hơn và tiêm vaccine cho thanh thiếu niên nên được ưu tiên để tránh phải thực hiện các biện pháp như phong tỏa.

“Điều cấp thiết thực sự là phải mở rộng lượng người được tiêm chủng càng nhiều càng tốt" - ông Carlo Federico Perno, trưởng khoa vi sinh và chẩn đoán miễn dịch tại bệnh viện Bambino Gesù ở Rome, Italia, nhận định.

Bảo vệ trẻ em

Cơ quan quản lý dược phẩm EU đang đánh giá việc sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Số liệu của Đức trong tuần tính tới 31.10 chỉ ra, số ca bệnh cao nhất ở những người tương đối trẻ tuổi, trong khi những người trên 60 tuổi chiếm phần lớn số ca nhập viện. Tỉ lệ nhập viện của những người trên 60 tuổi không tiêm chủng cũng cao hơn đáng kể so với những người đã tiêm vaccine COVID-19.

Tháng trước, khoảng 56% bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện Hà Lan và 70% trong cơ sở chăm sóc đặc biệt là những người không tiêm chủng hoặc mới chỉ tiêm 1 liều.

Đợt bùng phát này có thể khiến EU xem xét lại cách thức tiêm liều nhắc lại, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, ông Michael Head, nhận định.

Trong nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng, các quốc gia Trung và Đông Âu cũng đã phải hành động quyết liệt. Latvia, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở EU, áp đặt lệnh phong tỏa 4 tuần từ giữa tháng 10. Cộng hòa Czech, Slovakia và Nga cũng siết chặt các hạn chế. 

Ở Tây Âu, Đức có dự thảo luật nhằm bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội trong không gian công cộng được thực thi đến tháng 3 năm sau. Đức ghi nhận kỷ lục 50.196 ca COVID-19 mới trong ngày 11.11, mức cao hàng ngày ngày thứ tư liên tiếp.

Các nhà virus học nhấn mạnh, riêng vaccine COVID-19 không phải là "viên đạn bạc" để đánh bại đại dịch về lâu dài. Một số chuyên gia xem Israel như điển hình của thành công trong ứng phó. Ngoài tiêm chủng, Israel cũng tăng cường đeo khẩu trang và dùng hộ chiếu vaccine sau khi các ca bệnh tăng vọt trong vài tháng trước.

Antonella Viola, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Padua Italia nhận định, các biện pháp như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và quy định tiêm vaccine ở những địa điểm trong nhà là rất cần thiết. "Nếu thiếu một trong hai thứ này, chúng ta sẽ thấy những tình huống như chúng ta đang thấy ở nhiều nước Châu Âu những ngày này" - ông nói.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Quốc gia Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa khi ca COVID-19 tăng vọt

Thanh Hà |

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố ngày 12.11 về đợt tái phong tỏa một phần đầu tiên của Tây Âu trong mùa đông nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19.

WHO báo động về số người tử vong do COVID-19 ở Châu Âu

Thanh Hà |

Châu Âu có hơn một nửa số ca tử vong do COVID-19 của thế giới vào đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay.

Bắc Kinh phong tỏa trung tâm thương mại, nhiều khu nhà ở vì COVID-19

Thanh Hà |

Chính quyền Bắc Kinh đã phong tỏa một trung tâm thương mại và phong tỏa một số khu dân cư do bùng phát COVID-19, khi đợt bùng phát mới nhất lan đến những quận trung tâm của thủ đô Trung Quốc.

Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì mua dầu của Nga

Khánh Minh |

Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì nước này mua dầu của Nga bất chấp mức giá trần mà G7 - do Mỹ dẫn đầu - đã áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào năm ngoái.

Tài chính thông minh: 4 bước đơn giản để xử lý khoản nợ 1 tỉ đồng

Nhóm PV |

Một khán giả gửi thư về chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) với mong muốn tìm hướng xử lý khoản nợ 1 tỉ đồng đang ngày một áp lực. Trả lời, ông Bùi Ngọc Quang Phục - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ hướng dẫn 4 bước đơn giản theo thứ tự như sau để thoát khỏi "ngục tối" nợ nần.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ngành y tế cần xốc lại tinh thần

Thùy Linh |

Ngày 9.2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.

Trực tiếp Hà Nội - Công an Hà Nội: Chờ đợi bàn thắng

NHÓM PV |

Trực tiếp trận Hà Nội với Công an Hà Nội tại vòng 2 Night Wolf V.League 2023. Hai đội nỗ lực tìm kiếm bàn thắng với thế trận đôi công nảy lửa.

Đoàn công tác Báo Lao Động dâng hương tại di tích Ngã ba Đồng Lộc

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Chiều ngày 9.2, đoàn công tác Báo Lao Động do ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Giám đốc Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng dẫn đầu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (ở thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc).

Quốc gia Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa khi ca COVID-19 tăng vọt

Thanh Hà |

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố ngày 12.11 về đợt tái phong tỏa một phần đầu tiên của Tây Âu trong mùa đông nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19.

WHO báo động về số người tử vong do COVID-19 ở Châu Âu

Thanh Hà |

Châu Âu có hơn một nửa số ca tử vong do COVID-19 của thế giới vào đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay.

Bắc Kinh phong tỏa trung tâm thương mại, nhiều khu nhà ở vì COVID-19

Thanh Hà |

Chính quyền Bắc Kinh đã phong tỏa một trung tâm thương mại và phong tỏa một số khu dân cư do bùng phát COVID-19, khi đợt bùng phát mới nhất lan đến những quận trung tâm của thủ đô Trung Quốc.