“Nhìn bản đồ thế giới, không hiếm những thành phố, Thủ đô đã và đang xây dựng, phát triển bề thế cùng với dòng sông lịch sử:
Pa-ri với sông Xen; Luân Ðôn với sông Thêm-dơ; Bu-đa-pét với sông Ða-nuýp; Seoul với sông Hàn....”.
Ngoặc kép, là đề từ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu trong dịp Hà Nội và Seoul ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu Dự án phát triển sông Hồng với ước mơ “Kỳ tích sông Hồng” trong... nay mai.
Thời điểm: 2006.
Mới đó mà đã... 15 năm. Ông Triệu đã về hưu. Còn đề án, trị giá 5 triệu USD thì cũng... chìm rồi.
Trước “người Hàn”, từ 1994, dự án “Trấn Sông Hồng” đã được “người Singapore” đề xuất, mô hình kiểu như một tiểu khu ở đảo quốc sư tử, tổng mức đầu tư dự kiến 240 tỉ đồng. Tất nhiên, nó cũng mất tăm.
Tại sao dự án của “người Hàn”, người Singapore bị gác lại?
Dân không biết. Vì có ai nói cho dân biết đâu.
Chỉ biết là mấy chục năm quy hoạch treo. Hàng trăm ngàn ha đất 2 bên bờ Sông hoặc bỏ hoang, hoặc bị lấn chiếm. (Chỉ từ tháng 12.2019 đến 11.2020 đã có tới 59 vụ vi phạm về đê điều, trong đó khu vực sông Hồng luôn là điểm “nóng”).
Mấy chục năm quy hoạch treo, đôi bờ Sông Hồng trở thành bãi rác, trở thành bãi phế liệu, mấy trăm ngàn dân sống cảnh “đi không được, ở không xong”. Chính quyền địa phương, trước một cái đơn xin sửa nhà thì “Cho làm hay không cho làm. Cho làm đến mức độ nào. Nếu để bà con xây dựng không có phép là mình có lỗi, mà không để cho bà con làm thì áy náy..” - Lời ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai (nguồn VOV).
Liệu chúng ta có thể nói đến một kỳ tích sông Hồng với một quy hoạch treo hàng chục năm, với một cái thế phát triển “quay lưng ra sông”?
Nhắc đến quy hoạch sông Hồng, đến giấc mơ “kỳ tích sông Hồng” có lẽ, không thể không nhắc đến sông Hàn.
Những năm cuối thập niên 196x, một trong những điều thần kỳ tạo nên “Kỳ tích sông Hàn” là việc xây dựng Seoul của thị trưởng Kim Hyun Ok với một sự quyết đoán đến mức sẵn sàng va chạm và san phẳng mọi trở lực theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tới nhiệm kỳ giai đoạn 2002-2006, khi làm thị trưởng Seoul, ông Lee Myung Bak- người sau này trở thành tổng thống Hàn Quốc- đã bất chấp mọi ý kiến phản đối để quyết tâm đập bỏ hẳn một con đường cao tốc và xanh hoá con kênh đen Cheonggyecheon.
Cả hai, đều được gọi là những “thị trưởng máy ủi”.
Quy hoạch sông Hồng được tái khởi động. Dân mừng lắm. Nhưng làm thế nào để lại không bung, không toang thì lại cần những người lãnh đạo thực sự quyết đoán, cần thực sự những thị trưởng máy ủi, để ít nhất nó không bị treo thêm vài chục năm nữa.