Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa họp, cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được TP Hà Nội ban hành vào tháng 6 tới, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh.
Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trước đây mọi người nói "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng", nhưng với quy hoạch này "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển". Việc đồ án tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Điều này cũng đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua.
Thời gian gần đây, để góp phần hiện thực hóa đồ án hai bên sông Hồng, Hà Nội đã triển khai một số công trình hạ tầng giao thông hiện đại. Trong đó, Thành phố đã phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Bên cạnh đó, cầu Vĩnh Tuy 2 vừa được khởi công xây dựng, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở… sẽ được triển khai trong năm nay.
Các dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng và tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân, giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi. Ngoài việc tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, các dự án cũng tạo động lực để phát triển đô thị hai bên sông.
Nói về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đồ án quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng là quy hoạch đa mục tiêu. Các công trình hạ tầng hiện đại đang và sẽ xây dựng thời gian tới góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị hai bên bờ sông, để kỳ tích sông Hồng sớm thành hiện thực.
Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng sẽ giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân. Không chỉ trong nước, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư của cả trong và ngoài nước đã chờ đợi từ nhiều năm nay. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô.
Ông Nghiêm cũng phân tích, trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Chính vì vậy, để quy hoạch và phát triển sông Hồng đều phát triển đồng bộ, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn.
“Các khu vực được quy hoạch trong đồ án hai bên sông Hồng có thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, du lịch, kết nối với cả vùng. Đồ án giúp phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông” – ông Nghiêm nhận định.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng, việc quy hoạch đồ án hai bên sông Hồng cũng đối diện với không ít thách thức cần phải giải quyết. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt cũng phải được xem xét… Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.