Cùng với một số địa phương phát huy hiệu quả và mang lại những đổi thay rõ rệt thì không ít nơi lại đang “mắc kẹt” khi triển khai chương trình. Trong đó có vấn đề triển khai đầu tư công chậm, tỉ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.
Tại một số diễn đàn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ ra trách nhiệm của một số bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng; Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp có một số chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; một số địa phương chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện chương trình.
Kinh phí thực hiện chương trình được Ngân sách Nhà nước bố trí tối thiểu là 196.332 tỉ đồng. Nghĩa là không lo thiếu tiền. Song câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” khi mà nông thôn đang cần nguồn lực bứt phá là quá phi lý.
Vấn đề ở đây là việc ban hành chính sách có kịp thời và thực thi chính sách hiệu quả hay chưa?
Về một số vấn đề chính sách xã hội, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ ngày 2 - 8.10.2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế” và “Chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Quan điểm của Đảng đã rất rõ, việc ban hành và thực thi chính sách trong xây dựng nông thôn mới là hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.
Xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng sức sống mới, hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vì vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khi đề cập đến chính sách xã hội: “Phát huy truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", nhân ái, nghĩa tình, "thương người như thể thương thân" của nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội”.
Chần chừ, ngại khó và thiếu quyết tâm trong triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới là có lỗi với đất nước, với nhân dân.