Về Huế mà nhớ... Hội An

HOÀNG VĂN MINH |

Huế, “xứ sở của những người đi ngủ trước... gà” - như lời đùa mà... thật của khách du lịch - vừa khai trương thêm một phố đi bộ để tạo cớ thức khuya và tiêu tiền cho du khách và người dân. Nhưng rồi sau những “lấp lánh” ban đầu, phố đi bộ đang có nguy cơ biến thành phố ăn đêm, nhậu đêm… có tổ chức như bao phố đi bộ khác của cả nước. Về Huế mà nghe nhớ… Hội An, nhớ con phố đi bộ dù sao cũng là phố đi bộ!

Thêm một chốn để mà thức khuya

Lâu lắm về Huế mới có cảm giác nấn ná muốn ở lại thêm bữa nữa để chờ đợi một điều gì đó mới lạ, nên tôi không chịu về. Lần này là chờ cho đến tối thứ sáu để được đắm mình vào phố đi bộ nối ba đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu và Chu Văn An. Đây là tuyến phố đi bộ thứ hai của Huế (phố đi bộ đầu tiên ở Huế trên đường Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc sông Hương, từ Trung tâm Dịch vụ Festival đến cầu Tràng Tiền).

Cảm giác hồi hộp bởi từ chiều, sau nhiều tháng quay lại một vòng các tuyến phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu - nơi thường gọi là “khu phố Tây” của Huế, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt. Đường phố trở nên sạch đẹp, hàng quán bài trí trang hoàng có gu. Và tất cả những mặt tiền cũng như lề đường, người dân đã và đang hối hả “đập” ra làm lại để biến thành một cái quán hay góc quán nào đó trong những thứ đang thịnh hành là ăn nhậu, cà phê hoặc bán một thứ gì đó.

Chả là thành phố Huế vừa đổ vào đây ngót nghét 50 tỉ đồng để đắp vá cơ sở hạ tầng. Và ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế - tự hào nói rằng, 3 tuyến đường này “được đánh giá là một trong các tuyến phố có hệ thống hạ tầng chất lượng cao, mẫu mực của cả nước”. Một nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành du lịch nhằm tạo thêm một khu vui chơi giải trí về đêm, vốn rất thiếu vắng ở vùng đất mà người ta hay nói đùa là “đi ngủ trước gà”!

Ông Thành nói thêm: “Đây còn là những tuyến phố văn minh kiểu mẫu, phố không rác, kinh doanh mẫu mực, đồng thời tạo thói quen đi bộ, rèn luyện sức khỏe”. Và cũng theo ông Thành, “có đến 202 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và cả ngoài khu vực, đặc biệt là các gia đình, cá nhân dù không kinh doanh nhưng đã đồng hành, chia sẻ, ủng hộ, tham gia góp ý cho tuyến phố Tây thành phố đi bộ cuối tuần”.

Rồi cũng đến giờ người ta đặt cái bồn hoa rào đường kiểu như ở phố cổ Hội An. Mấy ông bảo vệ chặn xe đợt này bỗng dưng hướng dẫn ân cần, nhẹ nhàng hơn những đợt khác và nơi khác. Rồi cũng chen lấn trong dòng người không biết mô ra mà đông quá trời đông kéo nhau đi lững thững ngắm nghía hai bên đường và ngắm nhau.

Sự đông vui khiến cảm giác như Huế đang trở lại với những Festival thời kỳ đầu. Dò dò hỏi hỏi một hồi mới phát hiện hơn hai phần ba dòng người chen chúc giữa đường kia là dân Huế. Số còn lại là khách du lịch thì cũng hơn hai phần ba là “bọn” nước ngoài đang ở Huế trong dịp này. “Hồn vía của phố đi bộ đây rồi”, tôi kéo tay Thành - thổ địa đi cùng dừng lại ở một ngã tư khi thấy trước mặt là sân khấu đang nhún nhảy âm nhạc. Nhưng lập tức là cảm giác thất vọng khi trên “nghệ thuật đường phố” chỉ là một nhóm nhạc loại “cây nhà lá vườn”. Họ nghiệp dư đến mức ca sĩ mặc cả quần lửng và phía trước còn mở nguyên cả cái… va ly để “ông đi qua bà đi lại”.

Thành lắc đầu ngán ngẩm, bảo “hay mình vào quán bia nghỉ một lát?”. Thật ra thì ở đây còn có một lựa chọn khác là cà phê hoặc mấy cửa hàng ăn vặt. Nhưng thôi, chiều bạn. Ngó tới ngó lui, quán bia nào trong phố đi bộ, trong nhà hay ngoài vỉa hè đều người chật như nêm. Đành chọn chen vào một quán bên đường ở xa sân khấu giữa ngã tư đang xập xình nhạc sống, chủ yếu là trả tiền cho chỗ ngồi để đỡ mỏi chân và tiếp tục ngắm người qua lại.

Rồi sẽ lấp lánh được vài bữa?

Ngồi nhậu ở Huế mà tôi nghe nhớ Hội An - nơi có thể nói là duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này có phố đi bộ đúng nghĩa và đáp ứng được gần như mọi nhu cầu của khách đi bộ từ hệ thống chùa chiền và những lễ nghi (đáp ứng nhu cầu chiêm bái, tâm linh); hàng ăn vặt và không vặt, quán bia; những tụ điểm mua sắm; những điểm thưởng thức nghệ thuật đường phố… Là chưa nói đến việc Hội An có quá nhiều người đẹp và đa sắc tộc...

Ở Huế, chỉ có phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là có hơi hướng của Hội An khi nằm dọc bờ sông Hương và cận kề với những địa chỉ văn hóa như: Công viên tượng đài Phan Bội Châu, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán… Nhưng những nơi này đều đóng cửa vào ban đêm, nên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã trở thành phố mua sắm (chủ yếu hàng TQ) và là nơi bán cà phê, quán nhậu. Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An thì hoàn toàn không có công trình văn hóa, kiến trúc nào gắn liền với nơi này mà chỉ đơn thuần là những tuyến phố chuyên phục vụ ăn uống cho khách Tây từ mấy chục năm trước.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, người từng trải nghiệm với nhiều phố đi bộ ở Việt Nam và thế giới như: Sài Gòn, Hà Nội, Hội An, Cần Thơ, Sa Pa, Paris, Bruxelles, Berlin, Venise, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải… có một nhận xét thú vị về bệnh chung của tất cả những phố đi bộ ở Việt Nam: “Các khu phố đi bộ ở Việt Nam chủ yếu là nơi mua sắm và ăn uống về đêm, được hình thành ở những nơi có nhiều hàng quán kinh doanh, nhiều du khách lui tới và thường là tạm bợ, trừ phố đi bộ ở Hội An vốn là một khu dân cư sinh sống ổn định từ hàng trăm năm nay và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong khi đó, các khu phố đi bộ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phương Tây thì thường ở khu trung tâm, nơi có quảng trường rộng rãi, có tòa thị chính, các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng, các công trình văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu của thành phố và địa phương ấy”.

Trở lại với câu chuyện nghệ thuật đường phố với nghệ sĩ mặc quần lửng rên rỉ nhạc thất tình và cái va ly há ra giữa đường, theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đó là bệnh chung khi tại nhiều khu phố đi bộ ở Việt Nam, chính quyền hoặc một nhà tài trợ nào đó trả tiền để duy trì các chương trình nghệ thuật, thậm chí trả thù lao cho các nghệ sĩ đường phố để họ biểu diễn cho du khách và người dân địa phương xem. “Vì có nhà tài trợ, nên những chương trình biểu diễn này thường rập khuôn, thiếu sáng tạo, đôi khi biểu diễn… cho có, theo kiểu “ăn cơm chúa, phải múa cho xong”. Và, vì một lý do nào đó mà nguồn kinh phí này bị ngừng, thì các chương trình nghệ thuật trên phố đi bộ cũng chấm dứt theo.

Trong khi đó, những chương trình nghệ thuật trên các phố đi bộ ở nước ngoài thường là những chương trình đặc sắc, có nơi thu phí vào cửa; còn các nghệ sĩ đường phố thì kiếm tiền từ những đồng xu nhỏ do du khách trực tiếp ủng hộ sau khi xem họ biểu diễn. Vì thế nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những tiết mục hay hơn, hấp dẫn hơn để thu hút du khách và kiếm tiền từ họ” - ông Sơn nói.

Chưa kịp hết nhớ Hội An thì chợt nghe cô bé ngồi bàn bên, hình như đến từ Quảng Ninh than phiền lội hết 3 tuyến phố mà không biết mua gì của Huế để mang về làm kỷ niệm. Chợt nhớ Huế một thời là trung tâm sản xuất hàng mỹ nghệ của cả nước, gần đây năm nào Huế cũng tổ chức thi làm mẫu, nhưng hàng lưu niệm ở Huế chưa bao giờ có cái khả dĩ để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng TQ. Nếu có thì cũng cơ bản giống nhau, mua đâu cũng được nên không hấp dẫn du khách.

Lại nhớ nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nói về một thực tế cũ xưa như trái đất: “Hàng lưu niệm trong các khu phố đi bộ ở nước ngoài rất phong phú và có tính bản địa rất cao, rất nhiều mặt hàng là sản phẩm thủ công cao cấp của địa phương. Vì thế du khách rất thích lui tới những nơi này và mua sắm hàng quà của địa phương để kỷ niệm chuyến du lịch của mình”.

Thất vọng và mệt mỏi là cảm giác của tôi và rất nhiều người khác khi phải chen chúc trong những khu phố đi bộ đông đúc nhưng nhạt nhẽo ở nhiều địa phương khác và bây giờ - sắp tới có thể là Huế. Bởi nếu không có gì thay đổi trong mô hình tổ chức, quy hoạch không gian và quản lý hoạt động, thì không sớm thì muộn, phố đi bộ mới ở Huế sau những háo hức lạ lẫm ban đầu, sẽ trở lại với thân phận của một con phố ăn đêm, nhậu đêm… kéo dài thời gian có tổ chức.

HOÀNG VĂN MINH
TIN LIÊN QUAN

HĐND tỉnh “xắn tay” dẹp loạn chung cư

LÂM CHÍ CÔNG - QUANG ĐẠI |

Chưa bao giờ các đô thị ở Nghệ An, đặc biệt là thành phố Vinh, các dự án đất đô thị, chung cư mọc lên dày đặc như hiện nay. Cùng với đó là lời ta thán của dân về chất lượng công trình, hạ tầng quá tải, vi phạm pháp luật về xây dựng… Đến mức, cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An phải ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề, “tuyên chiến” với những nhóm lợi ích chằng chịt phía sau các dự án.

Vượt “rừng” định kiến, nuôi 2 người con đồng đội

Lục Tùng |

“Lòng tôi quặn thắt khi kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái có “H”. Lúc đó toàn thân cháu đầy ghẻ lở, sưng tấy, rỉ máu. Vợ chồng tôi tự tay giặt giũ và bôi thuốc...”. 

Trà Bui vẫn đang là ốc đảo

THANH HẢI |

Hơn một tháng, kể từ ngày cơn bão số 12 - Damrey quét qua duyên hải miền Trung, làm 123 người chết và mất tích, hàng ngàn nhà dân bị sập đổ, vùi lấp… đến nay, người dân khắp nơi đã gượng dậy, tái thiết. Tuy nhiên, gần 6.500 người dân tộc thiểu số xã Trà Bui, huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn còn cô lập. Người Trà Bui hiện kết nối với cộng đồng chỉ duy nhất bằng con đường thủy, vượt qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2…

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

HĐND tỉnh “xắn tay” dẹp loạn chung cư

LÂM CHÍ CÔNG - QUANG ĐẠI |

Chưa bao giờ các đô thị ở Nghệ An, đặc biệt là thành phố Vinh, các dự án đất đô thị, chung cư mọc lên dày đặc như hiện nay. Cùng với đó là lời ta thán của dân về chất lượng công trình, hạ tầng quá tải, vi phạm pháp luật về xây dựng… Đến mức, cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An phải ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề, “tuyên chiến” với những nhóm lợi ích chằng chịt phía sau các dự án.

Vượt “rừng” định kiến, nuôi 2 người con đồng đội

Lục Tùng |

“Lòng tôi quặn thắt khi kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái có “H”. Lúc đó toàn thân cháu đầy ghẻ lở, sưng tấy, rỉ máu. Vợ chồng tôi tự tay giặt giũ và bôi thuốc...”. 

Trà Bui vẫn đang là ốc đảo

THANH HẢI |

Hơn một tháng, kể từ ngày cơn bão số 12 - Damrey quét qua duyên hải miền Trung, làm 123 người chết và mất tích, hàng ngàn nhà dân bị sập đổ, vùi lấp… đến nay, người dân khắp nơi đã gượng dậy, tái thiết. Tuy nhiên, gần 6.500 người dân tộc thiểu số xã Trà Bui, huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn còn cô lập. Người Trà Bui hiện kết nối với cộng đồng chỉ duy nhất bằng con đường thủy, vượt qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2…