Sau vinh danh là... “đóng cửa”

Trúc Huệ |

Sau khi báo Lao Động đăng phóng sự “Vào rừng mở lớp học tình thương” năm 2008, vợ chồng nhà giáo “không hưởng lương” Trần Văn Nhâm - Lê Ngọc Lệ ở Kiên Giang được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết đến và quan tâm giúp đỡ… Tuy nhiên, trái với thái độ trân trọng của nhiều tổ chức, địa phương lại nhiều lần doạ “đóng cửa” lớp học này trong sự bất bình của người dân.

Đóng cửa “trường không cửa”

Trở lại “Lớp học tình thương” (LHTT) của thầy Nhâm, cô Lệ ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) trong những ngày nơi đây đang nóng với chuyện sắp bị “đóng cửa”. Trước mắt tôi, lớp học phong phanh tre, lá và không hề có cửa này vẫn đầy ắp tiếng ê, a… Nguyên nhân “đóng cửa” bắt nguồn từ kết luận thanh tra số 942/KL-SGDĐT ngày 29.7.2014 của Sở GDĐT Kiên Giang cho rằng LHTT chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện nay và quy trình “hợp thức hoá” học bạ học sinh do ông Nhâm, bà Lệ dạy, chuyển giao cho trường Tiểu học Tân Thạnh 1 là sai. 

Mặt khác hệ thống trường công đã hình thành đều khắp địa bàn xã Tân Thạnh… nên đề xuất xử lý: Từ năm học 2014-2015, ông Nhâm, bà Lệ không được duy trì việc dạy học chính khoá như trước nay để chuyển sang dạy bồi dưỡng thêm ngoài giờ lên lớp đối với học sinh yếu, kém… Sau đó ngày 9.9.2014, UBND huyện An Minh triển khai thực hiện kết luận của Sở GDĐT Kiên Giang bằng việc ban hành công văn số 218/UBND-VP chỉ đạo Phòng GDĐT, UBND xã Tân Thạnh tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân đưa con em đến lớp công lập và tổ chức phúc tra việc thực hiện kết luận đối với ông Nhâm, bà Lệ…

Thực hiện chỉ đạo này, UBND xã Tân Thạnh gởi thông báo truyền đạt nội dung này đến tận từng nhà phụ huynh có con em theo học tại LHTT để giải thích: Học ở đây sẽ không được hợp thức hoá học bạ như trước… Với việc huy động cả ban bệ tham gia can thiệp, xử lý quyết liệt, nhiều người tin như đinh đóng cột: LHTT sẽ kết thúc vai trò lịch sử sau 13 năm. Thế nhưng thực tế lại khác. LHTT vẫn còn hơn 40 học sinh bám trụ, trong đó có nhiều trường hợp phải vượt nhiều trở ngại cả về tâm lý lẫn địa lý. Điển hình là chị Nguyễn Thị Bích. Nhà ở ấp Xẻo Lá (xã Tân Thạnh) cách điểm trường 4 - 5km, lại đang có con nhỏ 6 tháng, nhưng mỗi ngày chị vẫn đều đặn chở con lớn Trần Hải Đông đến LHTT, rồi quay về cho con nhỏ bú, sau đó quay lại rước… Đáng nói là chị Bích đi lại bằng xe đạp và gần nhà có 2 điểm trường tiểu học công lập. Chị Bích cho biết, nếu học buổi chiều, chị phải mang đèn đi đón con, vì 6h tối mới về tới nhà. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thạnh Võ Văn Khanh xác nhận: “Qua những buổi vận động, tôi và đoàn công tác cũng nghe nhiều phụ huynh bày tỏ quyết tâm đưa con em đến LHTT”. Không phải người dân muốn chống lệnh, đơn giản họ chỉ lựa chọn “vì tương lai con em chúng ta”.

“Trên” khen - “dưới”… đóng

Có sự trùng hợp là sau mỗi lần được tôn vinh là LHTT đối mặt với nguy cơ “đóng cửa”. Năm 2000, sau khi 2 người con trúng tuyển đại học, vợ chồng giáo viên Trần Văn Nhâm, Lê Ngọc Lệ (cùng SN 1954) rời Rạch Giá về quê cũ sinh sống. Chứng kiến những đứa trẻ học lớp 2 - 3 trong ấp Xẻo Nhàu A vẫn chưa đọc được chữ, hoặc không có điều kiện đến lớp học vì đường xa…, hai vị giáo già mở lớp rèn chữ, luyện vần ngay giữa căn nhà lá ọp ẹp của mình. Không đủ bàn ghế, học sinh phải bò ra trên tấm đệm trải dưới đất để học. 

Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, học trò đã đọc được chữ, làm được toán… Vì vậy ngày 25.8.2001, 34 hộ dân và 3 tổ trưởng của ấp Xẻo Nhàu A đồng loạt ký đơn xin và được bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng GDĐT An Minh cho phép mở lớp dân lập (được hợp thức hoá học bạ cho học sinh) dưới sự quản lý của Trường Tiểu học Tân Thạnh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, LHTT bị ông Nguyễn Thanh Nhanh - Chủ tịch xã Tân Thạnh trong tình trạng “có rượu” xông vào lớp học yêu cầu trình “giấy phép”, sau đó thu hồi bằng cách nhét vào túi với lý do “bây giờ cơ chế giáo dục thay đổi”. Đến khi phụ huynh có mặt tại hiện trường kịch liệt phản ứng, ông Nhanh mới chịu làm biên nhận “rút” giấy phép. Lớp học chỉ được trả “tự do” sau khi báo Lao Động phản ánh qua bài “Chủ tịch xã “quậy” LHTT”.

Ngày 15.12.2008, báo Lao Động tiếp tục có phóng sự “Vào rừng mở LHTT”. Từ bài viết này, thầy Nhâm, cô Lệ được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VII - 2009 tại Hà Nội. Và LHTT lại đối mặt với nguy cơ “xoá sổ” mới khi huyện đề xuất “trả” lớp học về hệ thống Hội Khuyến học của xã, chịu quản lý trực tiếp của Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Nguyễn Thanh Nhanh - người từng có hành vi bất thường với hoạt động của LHTT trước đó. 

Tính chất của lớp cũng sẽ thay đổi khi không được gọi là LHTT, mà chỉ là lớp bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh các lớp công lập theo yêu cầu của cộng đồng... Thậm chí, kết quả học tập tại đây không còn được ghi nhận vào học bạ như nhiều năm trước. Qua phản ánh của Báo Lao Động (Bài “LHTT bên bờ vực bị “xoá sổ”), lớp học mới “thoát chết”. Sau sự kiện này, nhiều cơ quan truyền thông tiếp tục biểu dương, vận động nhiều “nhà hảo tâm” trợ giúp dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, chỉnh trang lớp học… Gần đây nhất là ngày 10.6.2014, sau khi VTV3 thực hiện Chương trình “Điều ước thứ 7” và tổ chức chỉnh trang lớp học, tặng bàn ghế mới, cầu trượt cho học sinh vui chơi… thì ngày 22.7.2014, lớp học được Thanh tra Sở GDĐT “làm việc” và ngày 29.7.2014 có kết luận như đã trình bày.

Đúng hướng, nhưng có “vướng”?

Thực tình, ngay từ những bài viết đầu tiên về LHTT, chúng tôi cũng phần nào hình dung được “đoạn kết” của LHTT này. Nhưng cách hành xử kiểu “hết xôi rồi việc” của cơ quan chức năng với LHTT này khiến tôi bị sốc. Chuyện cơ sở vật chất, rồi bằng cấp của giáo viên LHTT thiếu chuẩn là có thật. Nhưng nếu xem đó là cơ sở để “đóng cửa” thì chưa công bằng, nếu so với nhiều điểm trường trên địa bàn huyện An Minh phải học dưới cột điện lủng lẳng dây và bình cao áp, hay thường xuyên bị triều cường đe doạ ngập… Ngoài ra, nếu cho rằng giáo viên LHTT không đạt chuẩn để “đóng cửa” là có phần “máy móc” của nạn “xem trọng bằng cấp hơn chất lượng”. Không cần tranh luận, chỉ nhìn vào hình ảnh hàng trăm phụ huynh “từ chối” điểm trường công gần nhà để đi hàng cây số đến với LHTT là bằng chứng sinh động nhất về chất lượng thực của giáo viên LHTT.

Bất ngờ hơn, chúng tôi còn phát hiện kết luận thanh tra của Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang chưa sát thực tế. Điển hình là nhận định “LHTT dạy chỉ có 2 môn văn - toán”. Không chỉ có nhiều phụ huynh khẳng định và tài liệu học tập của học sinh cho thấy: LHTT học đủ các môn như chương trình tại các điểm trường công, mà ngay cả khi chúng tôi đề nghị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạnh 1 Nguyễn Văn Nhanh - nơi lưu giữ toàn bộ học bạ và chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho LHTT - cung cấp tài liệu thể hiện cho điều này, thì ông Nhanh “thoái thác”: “Chúng tôi đã hợp thức hoá hết rồi”. Trong khi đó, phía thầy Nhâm, cô Lệ đưa ra nhiều chứng cứ chống lại kết luận đó. Chìa ra xấp thời khoá biểu do Trường Tiểu học Tân Thạnh 1 cung cấp, thầy Nhâm cho biết thêm: “Từ lúc được Phòng GDĐT An Minh chấp thuận vào năm 2011 đến nay, LHTT luôn tuân thủ theo hướng dẫn của trường Tiểu học Tân Thạnh 1, từ thời khoá biểu cho đến ra đề thi”.

Rõ ràng, sự ra đời của LHTT đã từng giúp cho ngành giáo dục địa phương giảm bớt gánh nặng áp lực thiếu trường, thiếu giáo viên, thậm chí tạo được tiếng vang vì chất lượng đào tạo và tấm lòng cống hiến của công dân tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, trái với tình cảm, nghĩa cử mà nhiều tổ chức, cá nhân bên ngoài dành cho LHTT, suốt hơn 10 năm qua địa phương chưa một lần “ghi nhận” công sức này, nhưng rất sốt sắng với việc tìm “tội” để “phạt”. Cương quyết “đóng cửa” trường “thiếu chuẩn”, nhưng lại thiếu giải pháp thiết thực để nâng chất dạy học đối với các điểm trường “thiếu… lòng tin của người dân”, cách xử lý của ngành giáo dục Kiên Giang trong trường hợp này chưa tạo được sự đồng thuận và an tâm cho dư luận xã hội.

Trúc Huệ
TIN LIÊN QUAN

Bãi biển đẹp bậc nhất Bắc Trung Bộ bị nhuộm đen

QUANG ĐẠI |

Trước hiện tượng bãi biển Cửa Lò bị nhuộm đen khoảng 1km từ 3 ngày qua bởi một lượng mùn, rác khổng lồ, cơ quan chức năng thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã lên tiếng giải thích.

Khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu tại CDC Hà Giang liên quan Công ty Việt Á

Diệu Loan |

Nhóm cán bộ, lãnh đạo CDC Hà Giang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vi phạm đấu thầu trong quá trình mua kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Mỹ phủ nhận đề nghị Nga đổi đất Ukraina lấy hòa bình

Khánh Minh |

Nhà Trắng phủ nhận thông tin Mỹ đề nghị với Nga "20% lãnh thổ Ukraina" để đổi lấy hòa bình.

Đầu năm, người dân TPHCM đến phường chứng thực hồ sơ xin việc làm tăng cao

Huân Cao |

TPHCM - Từ ngày 27.1 (mùng 6 Tết đến nay), nhiều người dân đến UBND phường trên địa bàn TPHCM, chủ yếu để chứng thực hồ xin việc làm. Lượng hồ sơ chứng thực xin việc làm chiếm tỷ trọng lớn trong các hồ sơ hành chính, cho thấy nhu cầu tìm việc làm của người dân tăng cao ngay từ những ngày đầu năm.

Phiền hà, mất thời gian đi xin giấy xác nhận cư trú thay sổ hộ khẩu

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Nhiều ý kiến cho rằng, việc phải xin giấy xác nhận cư trú để thay thế sổ hộ khẩu sẽ làm phát sinh thêm thủ tục, gây phiền hà, mệt mỏi và mất thời gian cho người dân.

Có việc lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế, thương mại hoá

ĐÌNH TRƯỜNG |

Ngày 3.2, trao đổi với PV, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - thông tin thêm xung quanh việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội...

Tài xế ôtô say rượu, chống đối khiến CSGT phải nhập viện

Trần Trọng |

Hòa Bình - Lực lượng chức năng vừa bắt giữ đối tượng có nồng độ cồn ở mức cao, chống đối lực lượng CSGT khi bị yêu cầu kiểm tra.

Công viên Thống Nhất trồng 10.000 cây hoa hồng dọc tuyến rào sắt được dỡ bỏ

Nhóm PV |

Sáng 3.2, Công viên Thống Nhất tổ chức trồng cây dịp đầu năm mới. Đây là dịp để công viên thiết kế hàng rào cây, hoa nơi những hàng rào sắt trước đó đã bị phá rỡ. Việc này vừa tạo thêm vẻ đẹp cho cảnh quan công viên, vừa giúp ngăn các phương tiện tự do di chuyển trong công viên sau khi hàng rào sắt bị phá dỡ.