Phương tiện công cộng bên Singapore: Nhìn người lại ngẫm đến ta mà... buồn

GHI CHÉP CỦA VƯƠNG HÀ |

Bất ngờ với tôi nhất khi sang Singapore là ngay chuyến tắc xi đầu tiên từ sân bay về nhà trọ, tôi thấy ông lái xe khá lớn tuổi. Sau đó, trên những chuyến xe buýt, tắc xi và đặc biệt ở sân bay có không ít vị ở tuổi 80 vẫn làm việc. Đặc điểm chung của các vị lái xe là rất vui chuyện, kể cả với người rất ngô ngọng ngoại ngữ như tôi. Họ rất tự hào về những rặng cây xanh, những bụi hoa các màu lúp xúp bên đường và cuộc sống dễ chịu của mình.

Thân thiện từ người lái xe

Sang Singapore khám bệnh, tôi đến ở thuê một buồng trong căn hộ chung cư (khoảng 120m2) của chị Huyền. Phòng bên rộng khoảng 12m2 có 5 cháu học sinh gồm 2 nữ sinh Việt Nam ở cùng 3 cậu con trai (trong đó có 1 là người Ấn Độ và 1 là Philippinnes). Thấy tôi tỏ ra ái ngại việc các cháu ở chung như vậy, Huyền (người Hà Nội, sang đây định cư được khoảng dăm năm cùng 2 đứa con) cho biết, tất cả các em đó đều làm gia sư đấy, học giỏi và ngoan lắm đang chờ ngày vào đại học. May nhờ ở cùng, tôi hiểu thêm được cuộc sống tự lập của các cháu ở xứ người và còn được các cháu giúp tư vấn nhiều thứ, đặc biệt là nhờ các cháu luyện cấp tốc mấy câu tiếng Anh để có thể đi xe buýt, tàu 
điện ngầm.

Buổi chiều rỗi rãi đầu tiên, tôi đã chọn công viên Bishan để thưởng ngoạn. Bởi luôn ám ảnh trong đầu những ấn tượng không mấy tốt đẹp về loại hình xe buýt bên mình, tôi quyết chọn phương tiện này bên xứ người để xem họ vận hành ra sao. Quyết định này không dễ với tôi, bởi lẽ, thời gian còn lại trong ngày không nhiều, đấy là chưa nói, tiếng Anh bập bẹ học cách đây đã hơn ba chục năm hầu như không được dùng. Và lý do rất quan trọng khác là, không hiểu sao, những hình ảnh về xe buýt ở Hà Nội tôi chỉ nhớ những cú ép vào bến kinh hồn, những cú tai nạn làm gãy chân nữ sinh, cái chết cho ông lão khi họ chưa kịp lên xe, xuống xe xong, lái xe đã vội rồ ga lao đi; hoặc tôi thật ngây thơ khi thấy cửa đã khép mà vẫn cố vẫy tay để ông tài xế mở cửa 
cho mình…

Bến xe tôi chờ là trục cao tốc xuyên qua trung tâm quốc đảo với 12 làn xe. Mỗi hướng có 6 làn, nhờ vậy, giữa thành phố mà ôtô chạy cứ vun vút, chắc phải trên 100km /giờ. Và tôi cũng bất ngờ khi những chiếc xe máy (tuy rất ít) còn lao nhanh hơn ôtô. Nhiều lái xe cũng lạng hết từ làn này sang làn khác, dù họ trang bị bảo hiểm như dân đua xe, tôi nhìn cũng… hoảng hồn.

Xe tuyến số 57 đỗ, tôi hối hả lên và ung dung đi thẳng vào giữa xe. Trước cách nhìn của lái xe và chẳng thấy ai có vẻ là phụ xe, tôi đã hiểu ngay tình thế, ngượng cứng người. Rất nhanh, tôi lên nói xí xộ với lái xe. Rất may, tài xế cũng hiểu, liền giở bản lịch trình kèm theo số tiền tôi phải trả theo cung đường. Và tôi cũng thở phào khi mình nghe cũng hiểu, để rồi tự đút từng đồng đô và đồng xen lẻ vào một cái hộp kính trong suốt. Khi đã đủ tiền, lái xe ấn cái rụp, tiền rơi xuống cái thùng phía dưới và tờ hóa đơn tự động chạy rè rè ra trên máy in. Tôi thầm nghĩ, rất may rất ít hành khách như tôi, nếu không lái xe chỉ có… ốm. Vậy mà, ông quay lại nhìn tôi cười rất thân thiện. Tôi liền nhờ ông ta nhớ gọi tôi xuống khi đến bến. Lái xe giơ ngón tay cái lên lắc lắc mấy cái và Ok rất hiền. Và nếu như bên ta cứ lên xe, mua một vé đồng hạng là đi vô tư từ đầu tới cuối bến hoặc không ít người sử dụng vé tháng (với giá 100.000 đồng) để đi tập thể dục buổi sáng, thậm chí để “đi pinic” khắp thủ đô. Còn bên này, lúc xuống họ đều phải quẹt thẻ ở cửa xuống để tính tiền từng chặng đi.

Quen với phong thái Việt Nam, nên tôi không khỏi bất ngờ khi thấy lái xe buýt bên này có thể chờ khách đang rảo bước từ cách đó cả hai chục mét đến. Thậm chí lái xe còn nhìn vào gương chiếu hậu để chờ nốt một vị khách nữa cũng đang giơ tay vẫy vẫy. Hình ảnh đó khiến tôi tự đặt câu hỏi: Đó là kết quả phương pháp quản lý hay họ được rèn quá tốt về ứng xử? Và rất có thể là cả hai. Đúng là chuyện lạ với ta.

Trong chuyến đi khu vui chơi Santosa tôi lại chọn phương tiện là tàu điện ngầm. Phương tiện này cũng vậy, khách đều phải dùng thẻ hoặc mua vé tự động. Phần đông việc mua vé chỉ là những người du khách nước ngoài như tôi. Cũng may, dân ở đây nhiệt tình, họ hướng dẫn cách tra tuyến, chặng đi thể hiện trên màn hình để đút những đồng tiền xu vào lấy vé. Ngồi trên tàu điện ngầm, tôi lại thấy tiếc và buồn cho Hà Nội khi dự án về nó đã gần hai chục năm rồi mà gần như vẫn bất động. Lúc này, tôi chợt nhớ lại cách đây 7 năm đi Hàn Quốc, nhờ Vũ Duy Hưng (lúc đó là Trưởng phân xã của TTXVN tại Hàn Quốc) đưa đi nên tôi không phải “đánh vật” với mấy con chữ để giải quyết những thủ tục rất đơn giản này. Chỉ có cảm giác rằng, ngày đó bên Hàn việc bán vé tàu cũng chưa tự động hóa, tinh giản sức người như xứ sở này.

Càng đi tôi càng thấy, họ tận dụng thiết bị hiện đại để tinh giản tối đa biên chế. Theo tôi, Việt Nam thừa sức để trang bị những thiết bị này, vấn đề là tư duy của nhà quản lý. Tôi cũng hiểu, vấn đề là đồng bộ, chứ một số bộ, ngành đều đã tính. Ví dụ cụ thể nhất, những đồng tiền xu của ta đã lưu thông rồi lại phải xếp xó, thật uổng và phí. Tôi nghĩ, việc lắp thiết bị trên ôtô buýt như Singapore cũng như nhiều nước trên thế giới không có gì quá sức với ta, vậy mà, không hiểu sao chúng ta cũng có những dự án kiểu này mà sao khó triển khai đến vậy? Dù rằng, các nhà quản lý thấy rõ hơn ai hết những lợi đơn, lợi kép từ những khoản đầu tư này. Đây mới chỉ là việc rất nhỏ còn khó triển khai đến thế, vậy thì việc lớn hơn một chút, trách gì chẳng lúng túng. Tại sao và tại sao ???

Các cụ vẫn làm việc ở nơi đòi hỏi rất nhanh nhẹn

Trong các chuyến đi xe buýt trước tôi chỉ mải ngắm cách ứng xử của hành khách và cảnh hai bên đường, nhưng tôi bất chợt nghĩ phải chụp ảnh những ông lái xe đã lớn tuổi, bởi thấy họ hiện diện không ít. Với ý định đó, trong chuyến đến khu giải trí Sentosa, lúc đi chọn hành trình tàu điện ngầm, lúc về, tôi lại chọn đi bằng xe buýt. Cùng đi lần này với tôi có Huyền (cô chủ nhà trọ) dẫn đường. Trước đề nghị của tôi, Huyền “truyền nghề” cấp tốc mấy câu tối thiểu để có thể xin phép chụp ảnh ông lái xe. Xí xố ngọng nghịu mấy câu, ông ta Ok liền. Thấy tôi cứ loay hoay với cái điện thoại trên tay, lái xe tủm tỉm cười. Hỏi tuổi, ông nói mới 60 tuổi. Lúc đó muốn hỏi bên này khi nào nghỉ hưu, sao lái xe buýt lại về hưu muộn như thế, nhưng không nói được vì… tôi dốt. Sau đó, nhờ về bổ túc cấp tốc, tôi chỉ có hỏi được một số lái xe tắc xi (có vị tuổi 70) kiểu rất đơn giản “lớn tuổi không nghỉ làm à?” và câu trả lời là: No.

Nhưng ra sân bay làm thủ tục về nước, tôi bất ngờ hơn, bởi còn một số người già hơn nữa vẫn phục vụ tại đây. Trong đó, có 2 ông cụ chắc cũng chạc 75 - 80 tuổi gì đó (qua ăn mặc tôi đoán chắc là người Hoa - ờ, lúc này tôi mới chợt thắc mắc, sao các cụ này không mặc đồng phục nhỉ?) vẫn đứng trước quầy làm thủ tục để hướng dẫn khách ở cửa số 4. Không hiểu có phải do tôi nói năng ngô ngọng quá, các cụ không hiểu được hay sao mà cứ chỉ tôi sang cửa số 2. Nhưng khi sang cửa đó, một thanh niên hướng dẫn bên đó chỉ quay lại cửa số 4. Nhưng sang đó, 2 ông cụ này vẫn cương quyết chỉ ngược sang bên kia. Và vị thanh niên vẫn nhã nhặn chỉ ngược lại. Lần này, thay vì hỏi 2 ông cụ tôi cứ xếp hàng làm thủ tục đúng như chàng trai trẻ ở cửa bên kia chỉ dẫn. Tôi hồi hộp chờ cô nhân viên làm thủ tục. Hú hồn, mọi việc đều êm xuôi.

Và vào cửa chờ ra máy bay, tôi khựng lại khi thấy cụ già đứng vững chãi điều khiển chiếc xe chạy khá nhanh kéo rồng rắn phía sau các xe đẩy hành lý. Lúc đó định lấy điện thoại ra “chộp” nhưng không kịp. Xe dài như “con rồng” đó đã vút qua. Thời gian không cho phép chờ, tôi chỉ kịp ra xin phép chụp ảnh các cụ khác đang bê những bảng cồng kềnh, gom xe đẩy. Và được biết, các cụ đều ở tuổi xấp xỉ 80, nét mặt vẫn hồng hào. Lúc đứng vào hàng rồi, cụ còn vẫy tay chào tôi rất thân mật.

Tạm biệt xứ sở đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp và nghĩ suy.

 
GHI CHÉP CỦA VƯƠNG HÀ
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.