Phước duyên cửa Phật

XUÂN NHÀN |

“Cực bao nhiêu cũng không nản, miễn trẻ bình an là mình hoan hỉ thôi” - sư cô Thích Nữ Minh Tâm (Niệm Phật đường Mỹ Hóa, Phù Cát, Bình Định) nhẹ nhàng như không khi chúng tôi bày tỏ ái ngại trước việc tháng trước có tới 3 đứa trẻ trọng bệnh, nối đuôi chữa trị tận Sài Gòn, Quy Nhơn. Hơn 10 năm, chưa kể nhóm người già neo đơn, không nơi nương tựa, cơ sở tu hành này đã tiếp nhận, cưu mang, giúp tái sinh 35 mảnh đời bị chính người thân, gia đình chối bỏ.

Những sinh linh lăn lóc trước cổng chùa

Ngồi đổ mấy tấm ảnh ra máy tính, tôi cứ ngẩn ngơ trước khuôn mặt chứa chan cảm xúc của bé Hồ Tâm Niệm. Cặp mắt no tròn trong veo, vời vợi hun hút buồn như già thêm chục tuổi ấy, phút chốc đã lại tinh nghịch, sáng trưng quá đỗi trẻ thơ. Bữa ra Mỹ Hóa, đứa bé mang hình hài thần tiên kia lấy đi của tôi ít nhiều hồn vía. Tâm Niệm dường như đủ chín chắn để tự lãnh trách nhiệm dẫn dắt cái đám đông nhốn nháo 7, 8 chúng bạn, có đứa gấp đôi tuổi nó. Chỉ cần “khẩu lệnh” từ ni cô Quảng Như: “Chào chú đi các con”, “chiếc áo xám” Tâm Niệm đã nhanh nhẹn tách ra, kéo theo bé áo vàng Hồ Tâm Hoa. Chắp tay trước ngực “A di đà Phật” xong, nó lặng lẽ đứng yên, níu giữ chặt cứng, tay trong tay Tâm Hoa, kiên nhẫn chờ số còn lăng xăng bên ngoài xáp vô, ráp thành đội hình côi cút. Tôi đã sai khi nghĩ “áo xám” với “áo vàng” nhất định là anh em máu mủ chi đây. Chúng thực ra chỉ giống nhau ở thân phận một sinh linh vất vưởng.

Sư cô Minh Tâm kể: “Tâm Niệm được “gửi” tới chùa hồi tháng 11.2013. Người mẹ - có lẽ chỉ người mẹ thôi - gói nó bằng tấm khăn mỏng, đặt trước cổng chùa. Sáng quét dọn Phật đường, tôi ẵm vô, nhờ y tế xã lên băng rốn, chăm sóc mỗi ngày, rồi trình báo, xin làm thủ tục nhập khẩu. Ngày Niệm tròn năm, người mẹ tìm tới, tha thẩn một ngày bên con rồi ra đi biền biệt. Nghe nói là đi lấy chồng. Cô ấy là học sinh, vì lầm lỡ nên không dám dưỡng nuôi. Chắc chắn cũng khổ tâm, day dứt lắm”. Tâm Niệm dù gì vẫn được lưu chút ấm áp nhờ mảnh khăn dùng dằng mẫu tử. Trường hợp “quá duyên” của Tâm Hoa trần trụi, bụi bặm, đau lòng. Đứa bé đỏ hỏn, ngo ngoe xuất hiện trước chùa Mỹ Hóa một sáng sương sa lạnh lẽo đầu năm 2014, trong lòng chiếc hộp giấy đựng mì tôm. Pháp danh Tâm Hoa, cũng là tên gọi như số đông trẻ khác, là do nhà chùa đặt cho nó. Tận giờ Hoa vẫn chưa có cơ may biết được người miễn cưỡng đưa nó đến cõi nhân gian là ai.

Chuyện thân phận hai đứa trẻ, lan man như trên là do mấy bức ảnh, chứ ở Mỹ Hóa, có quá nhiều trường hợp như Hoa, như Niệm. Bé Đặng Thị Thảo bị bỏ rơi ở ngã ba đường, tím tái dưới miệng túi ba lô, được người dân đi tập thể dục sớm lượm về. Bởi nó oặt eo, khó nuôi, kẻ có lòng nọ bèn “xin sư cô nhón tay làm phúc”. Nguyễn Thị Hằng mắc chứng bại não, xiêu vẹo, ngẩn ngơ, nương náu Niệm Phật đường nay đã 6 năm. Có gia đình trên An Khê (Gia Lai) tan đàn xẻ nghé, lũ con lắt nhắt, ốm đau quặt quẹo được một cơ sở thờ tự đón về. Vào 3, ra 2, một đứa mất đi sau chuỗi ngày vật vã, đớn đau vì bạo bệnh. Đã vậy đứa út đang trong tình trạng sống nay chết mai, vì chứng nhiễm trùng máu. Đồng đạo gửi xuống, sư cô Minh Tâm lại dang tay đón nhận.

“Đến hay đi cũng tại chữ duyên. Đã phát tâm, chớ nên hẹp lượng” - sư cô lý giải công việc của mình cùng nhóm Phật tử loanh quanh vùng Cát Hanh, Mỹ Hiệp. Năm 2014, có 6 trẻ mồ côi hoặc vô thừa nhận trôi dạt tới đây. “Thỉnh thoảng, có người tìm tới như giải pháp tạm thời. Tết rồi, trên đường từ Tuy Hòa (Phú Yên) về Bồng Sơn sum họp gia đình, một sinh viên nhờ nuôi bé gái 15 ngày tuổi. Đứa bé được mẹ nhận lại ngay sau kỳ nghỉ. Chúng tôi không lẩn tránh mà cũng không giành giật” - giọng nhà sư nhỏ nhẹ, hiền từ.

 

 Tâm Niệm và Tâm Hoa. Ảnh: X.N 

Khi sư... ăn chực

Nhóm từ thiện thân hữu do hai nữ cán bộ hưu trí Huỳnh Thị Thùy Trang, Cao Thị Thụy từ Quy Nhơn ra Mỹ Hóa, khệ nệ ôm theo mớ quà Trung thu trị giá 3 triệu đồng gồm đường, sữa, bánh kẹo, đồ chơi. Bà Trang tự giới thiệu: “Mấy chị em ngày rộng tháng dài nên rủ rê đi. Ai góp bao nhiêu cũng phải, thiếu thì xin thêm”. Bạn đồng hành với bà Trang là một tín nữ từng cất công về Mỹ Hóa, kể: “Bảy, tám năm trước, chùa còn hoang vu lắm. Gian điện thờ mới bỏ móng dở dang. Tới lui, chỉ lủi thủi hình bóng sư cô. Dỡ đất, trồng mì, mót khoai lang, gánh nước...”. Dòng hồi ức rộn ràng nơi bà Thụy kéo sư Minh Tâm bùi ngùi quay về quá khứ chưa xa: “Ra đời từ trước 1975 nhưng năm 2003, khi tôi được Hòa thượng viện chủ chùa Long Hòa Thích Giác Trí đưa về, Niệm Phật đường chỉ là gian nhà nhỏ lợp 8 tấm tole. Đi theo tôi, ban đầu là 1, sau đến 3 tiểu ni. Đứa do mẹ điên dại, bị hãm hiếp mà sinh ra. Đứa gia đình khánh tận bởi người nhà mắc bệnh ung thư. Đứa cả cha lẫn mẹ dở dại dở khôn, phải lê la xó chợ đầu đường bằng nghề hát dạo. Cái thời gạo đong từng lon, mì mua từng gói, sữa chắt bóp từng hộp ấy, qua được là nhờ tấm lòng độ lượng, nhân ái của gia đình Phật tử, nhờ rau rừng, lá ngót, lá sam. Có dạo, hễ tới bữa là tôi kiếm cớ lánh mặt. Để thêm một phần ăn cho các cháu, riêng mình thì lay lắt qua ngày bằng chén cơm xin nhà này, nhà nọ”.

Sau 12 năm, dù chưa phải đã bề thế, Mỹ Hóa cũng kịp gầy dựng cho mình, cho đạo hữu một cơ ngơi đủ trang nghiêm cho Phật sự. Điều không ngôi chùa nào ở Bình Định có được là sự hiện diện líu lo của những đứa trẻ lạc loài, vô thừa nhận. Chúng đến, ở lại rồi lớn lên trong sự tận tụy và lòng thương yêu vô bờ bến của không chỉ những người chuyên tâm tu tập. Ra Mỹ Hóa bây giờ, dễ dàng bắt gặp từng nhóm Phật tử chí thành luôn sẵn sàng đưa vai gánh vác việc chung. Đã 75 tuổi, bà Trần Thị Xuân ở thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh hôm nào cũng sáng đi tối về trên chặng đường 2 cây số. “Trước cô quy y ở chùa Long Hòa. Từ ngày có sư Minh Tâm thì chuyển hẳn về đây. Liệt gường liệt chiếu thì thôi chứ nhúc nhích được chân tay mà nằm nhà là bứt rứt không yên. Ở chùa có gì làm nấy: Chẻ củi, nấu cơm, giặt quần áo, thay đồ cho lũ trẻ”. Sư Minh Tâm nói thêm: “Chuyện ăn uống của các cháu, một phần dựa vào cộng đồng Phật tử. Cách 3 ngày, các cô lại nấu ăn bên ngoài mang vô. Không có họ, nhà chùa sao đủ nhân sự căng ra. Chỉ riêng Hồ Tâm Đạo (1 tuổi, bị bệnh ruột ở ngoài da), tháng nào chúng tôi cũng đưa vào Bệnh viện Nhi đồng I thăm khám, điều trị. Tháng vừa rồi, cùng lúc có tới 3 cháu nhập viện”.

Tùy duyên

Từng có nhiều người nhắm tới Mỹ Hóa như một địa chỉ xin nhận con nuôi. Sư Minh Tâm nhớ lại: “Nhà chùa mệt mỏi tiếp khách từ sáng tới tối. Hồi Tâm Niệm chừng vài tháng tuổi, có người từ Quy Nhơn ra, hứa hẹn xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh ngôi chùa cùng khoảng cúng dường 100 triệu. Nhìn họ rơi nước mắt cũng động lòng, song chúng tôi không thể. Mình đâu có buôn bán trẻ em, cho đi rồi biết lành dữ ra sao? Hơn nữa, họ nhằm vào số trẻ lành lặn, khỏe khoắn, vậy còn những đứa tật nguyền?”.

Trừ trường hợp bất khả kháng do bệnh tật, những đứa trẻ ở Niệm Phật đường Mỹ Hóa đều có cơ hội học hành. Vị sư nữ từng nếm trải đắng cay tại một ngôi chùa mấy mươi năm trước ở Buôn Ma Thuột, khi mới 13 tuổi đã bị buộc phải rời bỏ trường lớp, nói không muốn lặp lại bi kịch của chính mình. “Hiện chúng tôi có học sinh theo học từ mầm non đến bậc học chuyên nghiệp. Các em học ở trường và cả ở nhà, qua Phật tử là giáo viên các cấp”.

Hỏi có phải tất cả đều đã được “quy hoạch” cho một lối đi duy nhất, sư Minh Tâm trả lời: “Chúng tôi dạy các em niệm kinh từ nhỏ, trước hết để chúng biết hành xử, nói năng khuôn phép, biết sống có đạo nghĩa, phẩm hạnh, biết làm điều thiện, biết vị tha nhân. Lớn lên dưới bóng từ bi, bản thân tôi mong chúng có cơ hội phụng sự Phật pháp. Tuy vậy, vạn sự tùy duyên, nhà chùa không cưỡng cầu”.

Bà dẫn một ví dụ: Tống Thị Trân, một trong cảnh đời bất hạnh đầu tiên theo bà về Mỹ Hóa. Tốt nghiệp trung cấp Phật học, Trân rẽ ngang ra đời. Hiện cô có riêng cho mình một tổ ấm đơn sơ giữa phố phường Đà Lạt.

 

 

 
XUÂN NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.