Phát khùng vì nắng hạn

Xuân Nhàn |

“Hạn chưa từng thấy”, “hạn lịch sử”, “đỉnh hạn”…, về đâu ở Bình Định những ngày này cũng chỉ nghe than trời trách đất. Đại hạn ập tới ngay sau mùa mưa lũ ngút ngàn càng khiến con người ngơ ngác trước tự nhiên. Tại Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão, Hoài Nhơn…, số nạn nhân nắng nóng liên tục tăng đột biến. Đến trung tuần tháng 7, thống kê cho thấy, có hơn 30.000 hộ dân đang lay lắt sống trong tình trạng thiếu nước.
Rửa mình thay tắm

Gần 3 tháng nay, cái giếng đào tọa lạc giữa tổ 2 - 3, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) thành “trung tâm sinh hoạt”, thành tụ điểm náo động của chừng 160 hộ dân cư. Tân khu vực trưởng Thái Văn Toàn lắc đầu ngao ngán: “Cả ngày lẫn đêm, 24/24h”. Là Toàn đang nói về đội quân đang héo hon chờ nước. Tôi chịu, không thể mường tượng được trên đời lại có một cái giếng như vậy. Nó tựa mớ “chùm bao” khuyết tật, lúc lỉu, lổn nhổn, chằng chịt, rối rắm dây nhợ, máy móc. Chỉ với đường kính chưa đầy 1 mét, trên bờ giếng nham nhở, cũ kỹ, tôi đếm có tới 15 động cơ bơm hút chồng chất lên nhau. Tất cả đều im lìm, bất động tựa hồ nín thở đợi nước. Ghé mắt nhìn qua, phía dưới điệp trùng ống nhựa là một làn nước lấp xấp. Nó “mỏng” đến nỗi không đủ ngập mấy hòn đá in bóng tròng trành. 

Người đàn ông mình trần trùng trục, quần ngắn quá gối chạy lại ngó nghiêng rồi chán nản lui ra. Đấy là Nguyễn Văn Minh ở tổ 3, nhà cách giếng vài chục bước chân. Minh bảo từ 3 giờ sáng đến giờ, suốt 5 tiếng ròng rã, anh cứ bám trụ ở đây, “một tấc không đi, một ly không rời”. “Để bơm đầy bể nước 2m3, vợ chồng con cái liên tục thay phiên ứng trực. Chầu chực 30 - 40 phút mới có nước cho 1 - 2 phút bơm lên. Cả làng khát chứ riêng chi mình. Nhường được thì nhường, còn không, đành... chụp giật vậy” - Minh rỉ rả phân bua.

“Sao không mất quách đi cho rồi, nhìn mà phát điên!” - đang dò dẫm tìm chỗ đứng chụp hình, tôi giật mình quay ngoắt lại. Tác giả lời “trù ẻo” vỗ mặt kia rõ ràng muốn phát đi một thông điệp nghiêm khắc. Người đàn bà phất phơ đuổi ruồi bên mẹt bánh mì nguội lạnh thừa dữ dằn để tôi có thể hỏi thăm danh tính. Thôi, tức nước vỡ bờ, để bà ta tự phơi bày là hơn. Hóa ra, trận lôi đình bùng phát chỉ vì gia đình bà không có cơ hội trong cuộc đua giành quyền đặt chiếc mô-tơ trên thành giếng. Hậu quả là mỗi lần lấy nước, chồng con bà phải đùm túm kéo xuống giếng bờ kè. Xa xôi đã đành, mà nước nôi cũng hiếm hoi hơn giếng trung tâm.

 Nguyễn Văn Minh tỉnh bơ trước người hàng xóm có phần cay nghiệt: “Đâu riêng bả đổ khùng. Nắng nóng kiểu này, không... điên mới lạ. Sống ở Bãi Xép (tức khu vực 1) bao nhiêu năm, có bao giờ khổ tới mức tắm chỉ dám tắm khô bằng chiếc khăn lau rồi “tráng” qua bằng 1 ca nước. Rửa người thì đúng hơn”. Hỏi Minh cách sử dụng nước, anh cho biết, phần bơm từ giếng về phải tùng tiệm, dè sẻn cho cả rửa ráy, giặt giũ lẫn nấu ăn. Nước uống thì phải chấp nhận phương thức xa xỉ, tức mua loại Suga rẻ tiền, 13.000 đồng/ bình 20 lít: “Nhà 5 người, đều đều mỗi tháng 15 bình, cứ thế nhân lên”.

“Hoang phí” nhất Bãi Xép những ngày nắng nung như lửa đổ là gia đình ông Nguyễn Hữu Phước. Ông Phước đủ nước dùng túc tắc do sở hữu cụm giếng cách nhà hơn 1km vốn được đầu tư để trồng rau cỏ. Thời buổi “nước cao, gạo kém”, mạch nước xa làng tạo nên “thế mạnh”, ông Phước mở rộng cung cấp cho 1 nhà nghỉ cạnh quốc lộ 1D (300.000 đồng/ tháng) đồng thời thiết lập hệ thống phân phối tỏa ra 25 gia đình bà con lối xóm. Mỗi đầu người nhận nước, ông thu về 15.000 - 20.000 đồng/tháng.

 

Ở nhiều nơi, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 100.000 đồng/m3. 
“Phong trào toàn dân đào giếng”

Lê Đình Huynh ở tổ 1 cho tôi xem danh sách 36 nông hộ Bãi Xép đang khóc đứng khóc ngồi vì một mùa vụ trắng tay. Tổ 1 là nơi duy nhất của Quy Nhơn có kinh tế vườn đồi. Hiện 50% trong tổng diện tích gần 60ha trồng cây ăn quả, rau củ ngắn ngày bị nắng hạn thiêu trụi: “Trừ cây xoài có khả năng cầm cự, còn lại mãng cầu, bơ, cam, bưởi đều chết như ngả rạ”. Huynh phóng xe máy dẫn tôi trườn lên con đường đồi khúc khủyu rồi cay đắng đứng nhìn vườn sả mênh mông giờ đỏ rộm một màu khô cháy. “11.000 đồng/kg sả chứ ít ỏi gì. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt giờ tan tành mây khói”, anh nói như rên. 

Người nông dân kiêm cán bộ mặt trận khu vực đau lòng không chỉ vì nguồn hoa lợi trên dưới 50 triệu đồng hoàn toàn thất thu, mà còn do nỗi ám ảnh phải quay về với con số không to tướng, phải nhặt nhạnh làm lại từ đầu trên cái di sản điêu tàn, trơ trụi: “Nắng hạn kéo thêm 1 tháng nữa, cả khu này sẽ thành đất chết, không cỏ cây nào sống nổi”. Công cuộc chống hạn của Lê Đình Huynh nay co cụm về cái giếng mới đào trước sân, giếng nước đầu tiên sau chục năm dựa dẫm khe suối tự nhiên. “Mất toi 10 triệu song chỉ đủ cho người và gia súc. Vậy đã là may, có người đào sâu 10 mét mới thấy nước, tiêu tốn hơn 20 triệu đồng”.

Cách nơi diễn ra câu chuyện hoang mang của Lê Đình Huynh chừng 100 cây số, hôm chủ nhật, 13.7, ngư dân 30 tuổi Nguyễn Thành Tâm (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) cũng lần đầu quyết định khoan giếng cho gia đình. Điều đáng nói với Tâm cùng nhiều người chung lựa chọn, còn hơn những đồng tiền rứt ruột bỏ ra, là tình trạng “hấp hối” của hệ thống cấp nước tập trung ở một xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hải, Hoài Thanh..., một dọc dài bắc Bình Định hầm hập, nứt nẻ, khát khô vì thiếu nước. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Phạm Trương mô tả cảnh tượng gần như bất lực: “Nắng nóng kỷ lục trong vòng 30 năm; hệ thống sông Lại trơ đáy; nước ngầm nhiều nơi không còn chút dấu vết”. Ông Trương Văn Thích - cán bộ phụ trách mảng tài nguyên - môi trường của xã Hoài Đức thông báo nhanh trưa 14.7: “Chỉ 3 thôn Định Bình, Lại Đức, Lại Khánh Nam thôi, người dân đã khoan, đào tới hơn 100 giếng mới. Con số trên rồi sẽ còn tiếp tục tăng nhanh”. Hoài Đức vậy là “ngon” vì còn nước mà đào, chứ xã bãi ngang Hoài Hải thì bó tay, thúc thủ.

Thấp thỏm chống hạn

Số liệu - chắc chắn sẽ lạc hậu mỗi ngày - của Sở NNPTNT Bình Định cho thấy, toàn tỉnh có 30.463 hộ thiếu nước sinh hoạt, nhiều nhất là các huyện Phù Mỹ (10.242 hộ), Hoài Nhơn (10.074 hộ). Sau đợt lũ “trăm năm có một” hồi tháng 11.2013, nông nghiệp địa phương tiếp tục xính vính khi thành nạn nhân của một thái cực khác. Hạn hán biến 1.004ha đất sản xuất thành đất hoang, làm chết 1.253ha lúa, 390ha màu và đặt 13.158ha cây trồng khác trước lằn ranh sinh tử. 

“Sau 20.7, sẽ còn có 7.083ha lúa thu tiếp tục thiếu nước”, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Nguyễn Hữu Vui dự báo. Một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, đê điều và phòng, chống lụt bão nhận xét: “Chưa năm nào mưa ít như năm nay, bình quân chỉ 41% so với trung bình nhiều năm (419mm), riêng các huyện ven biển chỉ đạt 25 - 30%. Nhiều vùng thậm chí không có mưa tiểu mãn. Mưa ít trong khi tổng lượng bốc hơi lên đến 550mm, cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện tại, nếu Cty khai thác công trình thủy lợi còn giữ được nước ở 15/16 hồ, thì xuống địa phương, tình hình là vô cùng bi đát với 140/146 hồ lâm cảnh khánh tận, lượng nước sót lại chỉ còn 9/117 triệu mét khối, tương đương 7% dung tích thiết kế. 

Trong một hành động khẩn cấp, mới đây, UBND tỉnh Bình Định quyết định tạm ứng 5 tỉ đồng hỗ trợ chống hạn cho gần 11.000ha cây trồng và 18.725 hộ thiếu nước sinh hoạt. Việc hỗ trợ được quy định chi tiết, mức độ chia sẻ dành cho người dân tăng đáng kể so với năm 2013. 

Tuy nhiên, từng đó là quá ít ỏi so với thực trạng lửa bỏng dầu sôi. Đầu tháng 7, nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bình Định cũng kịp đề xuất Chính phủ con số 101,3 tỉ đồng cho 7 nhóm giải pháp “giải hạn” vụ hè thu, chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Chưa rõ Thủ tướng chuẩn chi bao nhiêu, nếu sự hà hơi tiếp sức không đủ mạnh để có thể làm ra được điều kỳ diệu là “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”.

Lạy trời mưa xuống!

Xuân Nhàn
TIN LIÊN QUAN

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.