Phạm Tuấn Huy - “cậu bé vàng” toán học

Đức Hạnh |

Hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO), Phạm Tuấn Huy - lớp 12 Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM - đã ghi danh mình lên bảng vàng những tên tuổi toán học của Việt Nam như Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn... Huy còn là một “tay” đàn cừ khôi và một đời sống nội tâm lãng mạn.
“Chỉ biết học thôi”
Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, bà Tám - bà nội của Phạm Tuấn Huy - thủ thỉ tâm sự: “Ba mẹ chia tay từ khi thằng Tý (tên ở nhà của Huy) bắt đầu vào lớp 9, nó chọn ở với ba. Cả nhà cứ sợ nó sẽ suy nghĩ, sẽ ảnh hưởng sức khỏe và học tập. Tôi hỏi: Con có buồn không, nó lặng người một lúc rồi nói: Dạ có, nhưng đó là việc của người lớn, con không tham gia vào và chỉ tập trung cho việc học. Thằng Tý thích học toán và ngoan lắm. Ba là giáo viên bận rộn đi dạy cả ngày, không có nhiều thời gian kèm cặp nên nó thường tự mày mò làm bài trong các sách toán nâng cao do ba mua về”.
Thói quen tự giác học, làm cho đến khi hết bài tập mới nghỉ được ba rèn cho từ những năm lớp 2, lớp 3 đã theo Huy trong suốt những năm học phổ thông. Mẹ không sống cùng nên mọi việc chăm sóc, đưa đón con đi học đều do một tay ba của Huy lo liệu. Bà nội đã cao tuổi cũng giúp một phần vun vén nhà cửa và nâng đỡ tinh thần cho những đứa cháu trong ngôi nhà vắng bóng người mẹ. Bà Tám cười hiền: “Thằng Tý lớn vậy mà vụng về lắm, chỉ biết học thôi. Đi học về là ngồi vào bàn học, khi nào thấy nó mò xuống dưới nhà là y rằng đói bụng, tìm cơm”.
Đến với con đường toán học một cách tình cờ, nhưng theo thời gian Huy đã có một niềm đam mê mãnh liệt. Phát hiện năng khiếu từ năm lớp 5, nhưng sau khi thi vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, Huy mới thật sự phát huy được khả năng của mình. Huy kể: "Vào trường Trần Đại Nghĩa, cô Bích Phượng dạy toán là người đã thôi thúc em đi sâu vào môn học này. Sau một lần tìm được cách giải cho một bài toán khó, được cô và cả lớp công nhận, em cảm thấy mình tự tin hơn và càng cố gắng tìm tòi, nghiên cứu rồi mê toán lúc nào không hay. Càng đi sâu tìm hiểu toán học càng thấy có nhiều không gian cho mình thỏa thích sáng tạo". Kết quả của niềm đam mê đó là hàng loạt giải thưởng em giành được trong các cuộc thi học sinh giỏi toán.
Anh Phạm Châu Tuấn - ba của Huy - tâm sự: “Mỗi lần Huy đạt học sinh giỏi, hỏi con thích phần thưởng gì, thì Huy thường đòi đi nhà sách, đứng ở đó đọc và chọn rất lâu, thấy cuốn nào thật sự cần thiết mới mua về. Tôi nói con thích cuốn nào ba cũng mua, nhưng thằng nhỏ chọn lựa rất cẩn thận vì muốn tiết kiệm cho ba”. Báo Toán tuổi thơ, Toán học và tuổi trẻ là hai “người bạn” thân gắn bó với Huy suốt từ cấp 1 đến nay.
Toán học cũng lãng mạn

Sở thích của Huy rất dễ thương: Chơi đàn lúc rảnh rỗi, nghe nhạc thường xuyên và đặc biệt là thích... xem phim hoạt hình. Hình ảnh thường thấy của Huy khi ở nhà là hai tai gắn headphone với những bản nhạc trữ tình không lời và cặm cụi làm toán. Ít người biết rằng, Huy đã từng có 6 năm học piano hệ chính quy ở Nhạc viện TPHCM. Mẹ Huy là giáo viên dạy nhạc nên Huy thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. 

Hồi tiểu học, Huy thi đậu Nhạc viện TPHCM hệ trung cấp 9 năm, học được 6 năm (khi Huy lên lớp 10) thì phải xin nghỉ vì trường yêu cầu phải học văn hóa tại đây, trong khi đó Huy đã thi đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên toán của Trường Phổ thông năng khiếu TPHCM. Với Huy, âm nhạc là một phần quan trọng trong cuộc sống. Huy tâm sự: “Khi phải bỏ nhạc để đến với toán, em cũng rất tiếc nhưng với em, toán vẫn là niềm đam mê mạnh mẽ hơn”.

Giỏi toán nhưng rất yêu văn và lãng mạn, những lúc căng thẳng, Huy lại thả lỏng, viết ra những gì mình suy nghĩ, cảm nhận bằng những đoạn tản văn, những bài thơ cho riêng mình. Văn học là không gian để em sáng tạo, thể hiện tâm hồn, cá tính của bản thân. Ngay cả với môn toán, Huy cũng cảm nhận theo một cách rất đặc biệt: “Toán học là một thế giới của sự sáng tạo. Cái cần thiết nhất trong toán học không phải là học thật nhiều, mà phải biết sáng tạo và thể hiện sự sáng tạo đó. Toán học cũng lãng mạn không khác gì cuộc sống”.
Dáng người cao dong dỏng, đôi kính cận lấp lánh và nụ cười luôn nở trên môi, đôi lúc ngượng ngùng khi phải nói về bản thân, Huy tự nhận “em là người sống hướng nội và ít nói giống ba”. Thế nhưng, là lớp phó học tập, Huy rất tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của trường lớp, các hoạt động xã hội, cùng bạn bè làm thiệp đi bán ở chợ Bến Thành để lấy tiền mua sữa, đồ chơi cho các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ ở nhà tình thương, dạy các em kiến thức, kỹ năng sống... là cách để Huy làm dầy thêm vốn sống cho mình. Ở nhà, Tuấn Huy tích trữ hàng đống giấy nháp và báo cũ. Biết Huy ghi chép nhiều điều quan trọng trong giấy nháp, nên dù chồng giấy đã cao ngất nhưng người nhà không dám đem bán ve chai. Hành trang đi luyện thi toán quốc tế của Huy cũng có nhiều tập giấy nháp.
Giấc mơ Olympic từ năm… lớp 6
Anh Phạm Châu Tuấn kể, năm Huy học lớp 6, mọi người hỏi Huy có thích đi du học giống chị không (chị Huy du học tại Mỹ và hiện làm việc tại Nhật Bản), Huy lúc đó trả lời rất rõ ràng: “Con sẽ đi thi Olympic toán quốc tế xong rồi mới đi du học”. Lúc đó mọi người cũng chỉ cười vui, nghĩ là câu nói của một đứa bé, không ngờ Huy đã dự định cái gì là sẽ quyết tâm làm cho bằng được. Cá tính này của Huy thể hiện khá rõ khi Huy quyết định dự thi Festival đàn Organ Casio năm 2007. Chỉ có khoảng thời gian 3 tuần để chuẩn bị, Huy tự tập đàn ở nhà mà không theo học bất cứ một giáo viên nào, kết thúc cuộc thi, Huy đoạt Huy chương Vàng trong sự ngạc nhiên của cả gia đình.
Đoạt Huy chương Vàng IMO năm 2013 khi còn đang học lớp 11 đã là niềm vui lớn đối với gia đình Phạm Tuấn Huy, và trong kỳ IMO năm nay, niềm vui lại được nhân đôi cùng với chiếc Huy chương Vàng thứ 2. Huy đã chính thức nhận được học bổng toàn phần của ĐH Stanford (Mỹ) và tháng 9 này em sẽ lên đường du học. Anh Tuấn tâm sự: “Năm nay Huy đi thi tôi thấy áp lực và căng thẳng hơn năm trước. Mấy đêm con thi tôi đều không thể ngủ được, nhắn tin qua viber Huy cho biết, có một bài làm lạc đề nên tôi càng lo. 1 giờ sáng ngày 12.7, Huy báo về là được 32 điểm nhưng chưa biết có huy chương hay không, đến 3 giờ sáng cùng ngày nhận được tin: Con có huy chương vàng rồi, tôi thấy nhẹ cả người”.
Huy kể hành trang sang Nam Phi dự thi toán quốc tế của mình là... 8 gói mỳ tôm. Không hợp thức ăn nước bạn, điều kiện sống trong ký túc xá cũng không được tốt khi nhiệt độ chỉ 5-60C mà phòng không có máy sưởi, có những hôm đi thi mà tay lạnh cóng, tưởng như không thể cầm được bút. Khó khăn là vậy, nhưng với Huy và các bạn trong đội tuyển, đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ. Gần 10 ngày bên nhau, chia sẻ từng niềm vui nho nhỏ, “vay” nhau từng gói mỳ tôm đã khiến các em yêu thương và gắn bó với nhau như một gia đình. Rồi lần đầu đặt chân đến đất nước Nam Phi, lang thang trên những con đường ở Cape Town, đứng ở mũi Hảo Vọng, xuống những khu phố của người bản xứ để ăn những món ăn Nam Phi... với Huy, đó là những trải nghiệm sống rất thú vị mà nói như em là “có nằm mơ cũng không cảm nhận được”.
Mới chuẩn bị cho việc đi du học, nhưng Huy đã nghe nhớ những món cá kho, canh chua... do bà nội nấu. Nói về những dự định và ước mơ trong tương lai, Huy cho biết: “Ước mơ lớn nhất của em là được sống như chính con người mình với quan niệm: Sống để cống hiến, để làm được điều gì đó cho xã hội”.
Với Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2014 của Phạm Tuấn Huy, đến nay Việt Nam có 6 thí sinh từng 2 lần giành huy chương vàng IMO liên tiếp, đó là Ngô Bảo Châu tại IMO 1988 và 1989, Đào Hải Long tại IMO 1994 và 1995, Ngô Đắc Tuấn tại IMO 1995 và 1996, Vũ Ngọc Minh tại IMO 2001 và 2002, Lê Hùng Việt Bảo tại IMO 2003 và 2004, Phạm Tuấn Huy tại IMO 2013 và 2014. Trước đó, Phạm Tuấn Huy còn đạt được những thành tích ấn tượng gồm: Giải nhất học sinh giỏi toán cấp thành phố năm lớp 9; thủ khoa đầu vào lớp chuyên toán, Trường Phổ thông năng khiếu; Huy chương Vàng Olympic 30/4 môn toán lớp 10; Giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn toán năm lớp 11; Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2013; Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2013...
 

Đức Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.