“Nóng” chồng nóng bên quốc lộ một

XUÂN NHÀN |

Miền Trung những ngày này ở đâu cũng như chảo lửa, nhưng quốc lộ 1A đoạn qua Hoài Nhơn (Bình Định) còn “nóng” chồng nóng. “Đền bù ngang bằng quốc lộ I”… Tại Bình Định, câu nói trên thường được hiểu như “chìa khóa” giúp khai thông bế tắc cho nhiều công trình, dự án. Trớ trêu, không ít hộ dân dọc quốc lộ I lại không chia sẻ cái nhìn như vậy. Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại đoạn tuyến BOT phía bắc tỉnh này.

Nhận tiền rồi vẫn kiện

Về thôn Diễn Khánh (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) tưởng chỉ gặp Nguyễn Hữu Trí, ai dè chưa kịp ráo mồ hôi đã thấy mình bị bủa vây giữa đám đông sục sôi, bức bối. Họ hầu hết là hàng xóm láng giềng ông Trí nhưng cũng có người từ xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) bên kia đèo Phú Cũ lặn lội tìm ra. Nguyễn Hữu Trí, cái tên từng khiến giới chức địa phương nhiều phen mỏi mệt. Nhân vô Quy Nhơn tìm kiếm khả năng khiếu kiện ở Ban Tiếp công dân Bình Định, ông tạt qua chỗ tôi, trên tay khệ nệ chồng hồ sơ.

Vợ chồng con cái ông Trí tá túc tạm bợ trong gian lều 15m2… vốn là trại nuôi gà tận dụng nằm khuất sau khu đất méo mó hình tam giác. Tuyến đường mở rộng, thay vì thẳng thớm chui qua cầu xe lửa trên cao như cũ, khi tới đoạn này, bỗng bất ngờ lượn uốn sang hướng tây, biến mảnh vườn sót lại của người nông dân thành một di sản đầu thừa đuôi thẹo. Đi cũng dở, ở không xong, ông mếu máo bảo đấy chỉ là một ví dụ trong quá nhiều thua thiệt: “Giữa tháng 3, tỉnh đưa người ra cưỡng chế, bảo vệ thi công. Gia đình tôi đồng ý giao mặt bằng, nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư vì không muốn làm trễ nải công việc nhà nước chứ không có nghĩa là từ bỏ khiếu nại. Anh coi - ông Trí lục tung mớ giấy tờ ngổn ngang, lấy ra văn bản số 1126/QĐ-UBND ngày 26.2.2015 do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Hoàng Văn Công ký - đất tôi thu hồi thời điểm 2015 nhưng đền bù thì họ áp giá 2014! Nhà cấp 4 (N5) được đền ở mức giá 2,5 triệu đồng/m2. Cứ bảo đền bù theo thực tế nhưng ở đâu ra mức giá lạ lùng như thế trong khi thị trường xây dựng bét lắm cũng mất 4,5 triệu/m2…”.

Tôi coi lại hồ sơ: Hộ Nguyễn Hữu Trí sau 6 lần điều chỉnh, bổ sung phương án đền bù, diện tích phải thu hồi là 524,5m2, gồm cả đất ở lẫn đất trồng cây lâu năm. Cộng tài sản trên đất và “chính sách hỗ trợ khác”, số tiền được nhận là 969,2 triệu đồng. Ông Trí cật vấn: “Đã đành sai sót khó tránh. Nhưng giải thích làm sao việc quá nhiều hộ dân được điều chỉnh bảng giá hay kê khai tài sản nhiều lần, kể cả chuyện kỳ kèo bớt một thêm hai. 5 hộ liền kề nhà tôi thì cả 5 đều “sai sót”. Có tiếng cắt ngang từ người đàn ông mang khuôn mặt hốc hác nãy giờ vẫn im thin thít: “Tôi là Trần Phi Hổ ở xóm 4, khiếu nại quyết định phê duyệt phương án đền bù tiền-hậu bất nhất của UBND huyện Hoài Nhơn. Nhà tôi 85m2, phần bị tháo dỡ rộng 29,7m2. Ở phương án lập ngày 27.6.2014, tôi được cho phép giải tỏa lùi, được đền bù hết diện tích. Sang tháng 12, quyết định cuối cùng trao cho tôi lại cắt xén theo lối trúng đâu đền đó. Tôi… con ghẻ hay sao! Cùng xóm, bị ảnh hưởng tương tự, sao các hộ Hồ Văn Nhân, Nguyễn Anh Quang, Nguyễn Ngọc Anh, Hồ Đình Quảng lại được đền tuốt luốt từ trước ra sau?”.

Tôi muốn tẩu hỏa nhập ma giữa mê hồn trận biểu mẫu thống kê, sơ đồ, bản vẽ. Ai cũng nôn nóng, xôn xao chực “cướp diễn đàn”. Nữ thương binh Trần Thị Xiệt cùng chồng là Đặng Nhớ bước thấp bước cao nhập cuộc bằng bộ tài liệu dày 32 trang, đính kèm trích lục án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm tòa huyện, tòa tỉnh liên quan đến vụ tranh chấp đất đai hồi 2003. Nỗi ấm ức của vợ chồng bà Xiệt là Hội đồng Giải phóng mặt bằng đã thẳng tay gạt bỏ một thực tế pháp lý hiển nhiên để “đối thủ” ông bà, dù bị bác quyền quản lý sử dụng khu đất vẫn có cơ hội nhận đủ tiền đền bù. Chủ nhà Nguyễn Hữu Trí bổ sung vụ “chướng tai gai mắt” khác bên thôn Văn Cang, rồi cất công dẫn tôi tới tận hiện trường “thực mục sở thị”. Hai gian lều trại sát sạt, gần như liền kề với nhau nhưng bên trắng tay, bên thì rủng rỉnh gần 151 triệu. Trường hợp được ưu ái (phương án bồi thường ngày 27.6.2014 thể hiện chi tiết hỗ trợ nâng nền 10,1m, gấp hơn 2 lần so với 4,5m toàn tuyến) là hộ ông Ngô Văn Nhất. Lán trại ông Nhất thuộc diện xây cất trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông quốc lộ I, từng bị cưỡng chế tháo dỡ. Ông Trí so bì, giọng tràn ngập nỗi niềm chua chát: “Nhà tôi 90m2, đền bù 100% giá trị, chừng 160 triệu đồng, chẳng… vẻ vang gì cho cam so với một lán trại tạm bợ, vi phạm pháp luật”!

“Quy định ràng buộc, dân chúng chưa thông”?

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ I đoạn qua huyện Hoài Nhơn dài 28 cây số, từ Km 1125 - Km 1153, trong đó, có 20km phải giải phóng mặt bằng. Hoài Nhơn là một trong những “mặt trận” nóng bỏng trên đoạn tuyến qua Bình Định, bên cạnh huyện Phù Mỹ phía nam. Hiện ở 5 xã có quốc lộ đi qua vẫn còn 17 hộ chưa chịu nhận tiền. Số nhất thời chấp nhận đền bù nhưng trăm phương nghìn kế kêu cứu khắp nơi thì nhiều hơn, thậm chí, sẽ là không thống kê nổi nếu tính thêm đối tượng còn đang nghiêng ngó chung quanh, lặng lẽ chờ thời, “nẫu sao tui vậy”. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng Hoài Nhơn Nguyễn Văn Hiền kêu khó: “Khối lượng công việc quá nhiều. Ban đầu dự án do Bộ GTVT phê duyệt chỉ có 1.112 hộ, sau kiểm kê tăng lên tới 2.289 hộ. Hồ sơ thiết kế hướng tuyến, tim đường, hành lang bảo vệ nhiều lần thay đi đổi lại, nhất là những đoạn qua khu dân cư”.

Nhận tiền vẫn kiện. 

 

Mỗi lán trại một “thân phận”. Cả hai đều nằm ngoài mốc lộ giới.  

Chánh Thanh tra Vũ Kim Trọng cùng được UBND huyện ủy quyền trả lời PV cung cấp mấy con số thuộc phần mình phụ trách: “Tất cả có 51 đơn thuộc thẩm quyền của huyện. Đến nay, chúng tôi đã thụ lý 38 đơn; dự kiến tháng 6 thì thanh toán xong phần còn lại. Trong 22/38 trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại, 20 đơn khiếu nại sai, chỉ 2 đơn là đúng một phần”. Cả ông Trọng lẫn ông Hiền đều quả quyết trước-sau huyện luôn chủ trương làm đúng quy định, thận trọng và có cân nhắc: “Sở dĩ nảy sinh bì tị, so đo chỗ này, chỗ kia là do mình vận dụng cơ chế chính sách một cách uyển chuyển, mềm dẻo chứ không phải lúc nào cũng thẳng băng, cứng nhắc. Còn một nguyên nhân nữa là người dân thường giải thích tình huống, văn bản theo cách có lợi cho cá nhân họ. Như ông Nguyễn Hữu Trí bên Diễn Khánh ấy. Đâu phải chúng tôi cố tình nhào nặn ra hết phương án này đến phương án khác. Sự “nhảy múa của những con số”, như ông lớn tiếng chế giễu, là kết quả tiếp nhận, xử lý yêu sách liên tục thay đổi từ gia đình ông. Phương án cuối cùng chỉ được quyết định sau cuộc đối thoại với đoàn công tác của tỉnh. Tương tự là giá cả. Theo quy định, đất ở được đền bù theo giá thị trường. Thời điểm triển khai dự án là năm 2014. Sang 2015, UBND tỉnh ra thông báo tiếp áp dụng giá đã phê duyệt trước đây. Chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần giải thích…”.

Nói đi cũng nên nói lại. Nếu lấy linh hoạt làm mực thước hành xử, vậy đâu là giới hạn cho công thức “có lý có tình”? Rồi sẽ “dân vận” làm sao để những chủ hộ như Đinh Công Thanh, Trần Văn Đức, Võ Văn Sơn… bên Hoài Đức có thể ăn ngon ngủ yên bên cạnh nhóm láng giềng may mắn hơn mình. Dù gì, những người có trách nhiệm ở Hoài Nhơn đã hứa sẽ kiểm tra các trường hợp bị chỉ mặt đặt tên theo phản ánh từ ông Trần Phi Hổ. Ông Hổ có lẽ rồi sớm được như ý, căn cứ vào tuyên bố từ Chánh Thanh tra Vũ Kim Trọng: “Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện bồi thường hết căn nhà. Trong vòng một tuần, quyết định giải quyết khiếu nại sẽ được ký ban hành”.

Cái kết có hậu dành cho Trần Phi Hổ, thêm quyết định thu hồi khoản tiền đền bù sai đối tượng theo phản ánh của nữ thương binh Trần Thị Xiệt chắc chắn chưa đủ hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng dưới chân đèo Phú Cũ. Từ chỗ ông Hiền bước ra, đầu óc tôi còn váng vất nhiều điều lấn cấn, chưa thông. Chẳng hạn làm sao ở cùng một vị trí như nhau mà hai dãy lán trại bên Văn Cang, cái ảnh hưởng, cái bình yên vô sự? Người ngoài còn thế huống hồ những người dân tiềm tàng khả năng xét nét, vốn cho rằng mình bị đối xử bất công.

 

 
XUÂN NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Lái buôn quất cảnh: Tết năm nay không có bánh chưng

Thiều Trang |

Thẫn thờ nhìn bầu trời Hà Nội mang sắc xám, anh Trần Duy Toàn - lái buôn quất cảnh thở dài: "Năm nay gia đình tôi không có bánh chưng".

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm với hệ thống bảo vệ tàu tự động

Phương Ngân |

TPHCM - Ngày 18.1, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe trên địa bàn Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nghỉ Tết muộn để phục vụ người dân.

Mai vàng cổ 100 năm giá tiền tỉ đổ bộ chợ hoa Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhiều cây mai vàng cổ được các nhà vườn bày bán tập trung tại khu vực lối đi chính khiến nhiều người phải trầm trồ. Đó là những cây mai vàng cổ cao 4-5 mét, đứng sừng sững giữa chợ hoa. Người bán cây cho biết có những cây có tuổi đời chừng 100 năm, giá bán có cây lên tới 4 tỉ đồng.