Những giấc mơ ở “cao nguyên trắng”

NGUYỄN HUY MINH |

Từ cuối đông cho tới cuối xuân, các triền non cao trên dưới ngàn mét của Bắc Hà tràn ngập một màu trắng của hoa mơ, hoa lê, hoa mận. Khách đường xa đến đây trước tôi đã gọi xứ sở này là “cao nguyên trắng”, có gốc gác từ sự bừng nở tinh khôi đẹp như mơ ấy.

Tiếng Tày có một cụm từ phát âm “Pạc - ha” nghĩa là “trăm bó gianh”, người Pháp la tinh hóa thành Pakha, người Việt đọc trại thành Bắc - Hà, lâu dần trở thành tên gọi chính thức của cả một vùng rộng lớn.

1. Những năm xa xưa, Bắc Hà mang màu sắc khác. Sau giải phóng Điện Biên, Bắc Hà còn vô số phỉ, chẳng hạn ngày 10.7.1954, dưới sự chỉ huy của 3 sĩ quan Pháp, đại đội biệt kích dù của Pháp gồm 70 tên phối hợp với 300 tên phỉ mở cuộc tấn công đánh chiếm trụ sở các xã của huyện; ngày 26.7.1954 Pháp thả 700 dù tiếp tế vũ khí, lương thực cho phỉ nhằm giữ vững nơi chúng vừa đánh chiếm. Khủng bố, đe dọa, sát hại cán bộ. 

 Giống cải trồng trong trang trại rau sạch.

Cuối 1954 đầu 1955, kết thúc chiến dịch tiễu phỉ, ta tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 1.326 tên, thu gần 1.000 khẩu súng. Nhưng phỉ vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Bắc Hà, nạn tề ngụy vẫn dai dẳng 5-6 năm sau đó. Cho tới 1975 vẫn phải xử lý 152 vụ gián điệp, biệt kích, tệ nạn xã hội và có biểu hiện xưng vua. Đó là thời của rượu, thuốc phiện, du canh du cư, đốt rừng làm rẫy, đói, rách, dịch tả, dịch lỵ, đậu mùa, thương hàn, sốt rét, giang mai, viêm màng não, ho gà, bướu cổ, mê tín nặng nề, mù chữ…

Di chuyển chủ yếu bằng đường mòn, trên lưng ngựa. Thiên tai liên tiếp. Người có bệnh không chịu khám, toàn tin lời thầy bói, thầy cúng, đoản thọ cao. Không biết bao nhiêu lương thực, khăn áo đã được gửi từ miền xuôi lên Bắc Hà những năm tháng ấy. Việc bắt đầu từ dạy chữ, khám bệnh, rèn dao phát, lưỡi cày, liềm gặt, khơi dòng thủy lợi, đẩy chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn ra xa nhà dân, đào hố ủ phân xanh, dần dần nêu khẩu hiệu “mỗi người 3 gà, mỗi nhà 3 lợn”, “dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”…

Mặc dù chiến tranh biên giới 1979 không trực tiếp xảy ra ở cao nguyên này nhưng ngày 17.4.1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 168/CP hợp nhất hai huyện Bắc Hà và Si Ma Cai chung vào một huyện để vừa hợp lực sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, là hậu phương của phòng tuyến biên giới (cho tới ngày 18.8.2000 mới tái lập lại 2 huyện như cũ). Từ 1981 - 1986 đã bắt giữ 6 tên tình báo chiến thuật, 17 thám báo, 2 phản bội vượt biên, tiêu diệt 2 tên, phát hiện 2.000 nguồn tin có giá trị. Hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang, cho tới 1985, đội vận tải chỉ có 2 đầu xe đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn/km cho cán bộ nhân dân toàn huyện.

Sau đổi mới, độ tàn che phủ mặt đất toàn huyện của rừng Bắc Hà chưa được 30%, các thế lực thù địch vẫn không ngừng móc nối, cài cắm, lợi dụng kích động, đặc biệt là hiện tượng “đón vua Vàng Chứ”. Trời cho Bắc Hà bầu không khí trong trẻo, mát lành ngay cả giữa mùa hè, nên trong những năm 1989 - 1990, một mệnh lệnh chính trị đã được ban hành về việc phát triển cây ăn quả ôn đới á nhiệt đới, coi đây là đột phá khẩu trong sản xuất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Cây mận tam hoa được đẩy mạnh trồng từ đây và chỉ riêng trong năm 1990 đã được trồng trên 105ha và càng ngày càng nhân rộng thêm theo thời gian. Thời điểm này, một người dân tộc thiểu số cao lớn, đẹp trai hiếm có mang tên Giàng Seo Phử đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà. Sau này ông về xuôi, trở thành Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, một trong những chính khách người Mông nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Giống mận tam hoa được kỹ sư nông nghiệp Vũ Đức Lợi - Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu giống cây trồng huyện Bắc Hà lai tạo thành công giữa giống mận chua bản địa với giống mận ngọt của Trung Quốc, giờ đã thành đặc sản, thành niềm tự hào của cả xứ Bắc Hà. Ông Lợi di thực giống mận ngọt từ Trung Quốc về Việt Nam vào năm 1972, mới đầu trồng thử nghiệm 50 gốc trong đất của trại, rồi ghép mắt vào các gốc mận dại để cung cấp giống cho bà con. Cây mận lai nở từng chùm 3 hoa, trái hồng tím khi chín, giòn ngọt hơn các loại mận khác, dễ vận chuyển đường xa. Cuối đông cho tới cuối xuân, lần lượt mơ, lê, mận nở ngút ngàn rẻo cao. Bắc Hà được mệnh danh “cao nguyên trắng” là như thế.

2. Chị gái của ông Giàng Seo Phử, bà Giàng Thị Doa, 75 tuổi, hiện đang sống ở Bắc Hà, nhà gần lối lên trung tâm huyện. Bà cùng các con trồng hàng ngàn gốc hồng, lê, nuôi 4 con hươu, 2 con ngựa, lại mới vay Ngân hàng Nông nghiệp 170 triệu đồng làm ao nuôi cá, đã trả được 50 triệu. Cả đời bà chỉ về Hà Nội một lần, còn quanh quẩn với với sương núi và mây rừng nơi này, sống trong căn nhà có chim én về làm tổ ngay cửa ra vào, nụ cười hiền lành vẫn còn vương nét một thời nhan sắc.

Bà Giàng Thị Doa

Tráng Thín Phấn, sinh năm 1980, dân tộc Phù Lá, người phốp pháp với nụ cười chất phác như không bao giờ tắt trên môi đưa tôi đến thăm bà. Cô phụ trách chung mảng tín dụng với 13 nhân sự của Agribank khu vực Bắc Hà, quản lý 6.976 món vay, cá nhân thấp nhất 5 triệu, cao nhất 5,4 tỉ, doanh nghiệp thấp nhất 300 triệu, cao nhất 150 tỉ. Làm ngân hàng quan trọng là thu hồi nợ chứ không phải cho vay, với mỗi món vay chỉ 10 ngày không thấy tiền về là cán bộ tín dụng biết ngay đang có vấn đề gì đó. Cô và người của mình mỗi tháng 3 tuần đi cơ sở, sang cả mạn Si Ma Cai vì bên ấy chưa có ngân hàng, nơi xa nhất ngót nghét cả trăm kilômét, chăm sóc từng món vay, từng sản nghiệp, gõ cửa từng nhà, thăm nom từng dự án.

Thân gái đôi khi chẳng dám đi một mình, cô nhờ cậy được nhiều ở các đoàn thể, người phụ trách thôn bản, nên tỉ lệ nợ xấu thấp, chỉ khoảng 0,17% tổng dư nợ. Trước đây, có nơi dân không muốn cho người lạ vào bản, có nơi toàn thầy giáo, cô giáo chỉ ở được một đêm là sợ bỏ về, mạn Thải Giàng Phố còn bị tuyên truyền cứ lên đỉnh núi cắp nia vào nách bay xuống là thành vua Mèo, làm ăn toàn nợ xấu, nhưng giờ qua rồi, cô nói.

3. Một doanh nghiệp ở Bắc Hà nói với tôi, anh từng làm vận tải hành khách với 6 đầu xe, nhưng đường xấu, xe cũ nên đúng ra phải gọi là “vận tải hành hạ khách”. Nhưng đường sá lên Bắc Hà giờ đã khác, năm 2014 lượng khách trong và ngoài nước đến đây để ngắm hoa mận nở, ăn thắng cố, xem dệt thổ cẩm, dự lễ hội Say Sán, uống rượu Bản Phố nấu từ nước suối Hang Dế và ngô trồng trên sườn núi đá cao heo hút… đã lên đến 100.000 người. Làm sao để du khách đến với Bắc Hà nhiều hơn?

Lợn lòi nuôi nhân giống tại trang trại lợn sạch của Công ty Anh Nguyên.

Một người làm ăn ở Bắc Hà đã chia cao độ vùng này thành 3 phần: Vùng thượng huyện cao từ 1.500 - 1.800m, nhiệt độ bình quân năm 18,7 độ C; vùng trung huyện cao 900 - 1.200m, nhiệt độ 25 - 28 độ C; vùng hạ huyện cao dưới 900m, nhiệt độ 28 - 32 độ C. Nguyễn Cẩm Tú, GĐ Cty XNK Việt Tú chọn cho mình được một thung lũng đầy sỏi đá nhưng đủ rộng và phù hợp về khí hậu ở Thải Giàng Phố, cô muốn 4ha nơi này sẽ tụ hội và đủ năng lực sản xuất 82.000 chậu hoa địa lan Trung Quốc, 3.582 chậu địa lan Sa Pa, 3.240 gốc ly Hà Lan và 242.220 gốc hoa đường phố các loại, nhà kính trồng hoa nằm cạnh nhà hàng sinh thái, cuối năm 2015 đi vào hoạt động toàn bộ. Khi chúng tôi đến, muôn sắc của 500 loài hoa khác nhau đã tràn ngập thung lũng cằn cỗi ngày nào.

Cẩm Tú sinh năm 1980, bé nhỏ nhưng sắc sảo, bố cô là người Nam Định lên Lào Cai làm việc, cưới mẹ cô là người Dao Tuyển. Cô vốn là một trong những người tiên phong xuất khẩu gạo ở Lào Cai, năm 2008 cô lấy chồng và cũng thực sự quan tâm đến hoa từ đó. Ở Việt Nam không có nhiều vùng có thể ươm trồng được lan, cô biết điều này, hiện đã bỏ ra 40 tỉ đồng và đang vay Agribank để đầu tư thêm. “Người thiểu số có thể làm được những điều mọi người đánh giá không chuẩn. Bắc Hà còn thiếu nhiều thứ, cần thức tỉnh để hội nhập. Phải làm, không phải ngày 2-3 tiếng mà làm đủ ngày 8 tiếng, kể cả thứ 7 - chủ nhật, bởi kiếm tiền đâu có dễ. Mỗi năm có những bản làng ở đây đón không biết bao nhiêu đoàn lên cho gạo, mì tôm, quần áo… nhưng không đủ cho 2 ngày sống. Chúng ta phải sống, phải lao động, em muốn “đánh thức” mọi nhân viên của mình bằng mệnh lệnh như vậy.

Hiện đã có 200 đơn của người Bắc Hà xin vào dự án của em làm việc, nhưng em chỉ có thể tuyển được 50 người. Giờ ngày cao điểm nhất đã đón được 1.000 lượt khách đến thăm thung lũng hoa; tham gia Hiệp định TPP giá vườn của em sẽ bằng giá bên Côn Minh, chúng em sẽ sống. Chúng em là nông dân, bước lên làm dịch vụ và muốn mọi người thấy rằng, chúng em yêu đời, chúng em đón khách”, cô nói.

4. Ở một nơi còn lạc hậu, nhiều khó khăn, nếu dám nghĩ, dám làm thì sẽ có vô vàn đầu việc, Cty TNHH Anh Nguyên là một ví dụ. Tại Bắc Hà, Anh Nguyên hiện đang làm rất nhiều công việc khác nhau: Xây dựng các công trình công ích; bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí; vận tải hành khách đường bộ; cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng; trồng cây lâu năm, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; khai thác quặng; dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, điều hành tua du lịch; xây dựng công trình bưu điện, chuyển mạch, truyền dẫn mạng ngoại vi, lắp đặt thiết bị và hoàn thiện công trình xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng, mua bán đồ dùng cá nhân và gia đình, hàng nông lâm sản nguyên liệu, động vật sống, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào, máy móc thiết bị và phụ tùng thay thế, nguyên liệu phi nông nghiệp, phế liệu; gia công đồ mộc, cửa hoa sắt, sửa chữa ôtô và máy công trình; mua bán vật tư thiết bị và phụ tùng thay thế ngành thủy sản; đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện; tắm hơi, massage, cho thuê kho bãi, mua bán xuất nhập khẩu hóa chất, phân bón…

Cổng vào Thung lũng hoa của Cẩm Tú. Ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG 

 GĐ của Anh Nguyên, anh Vũ Kim Hải vốn là một kỹ sư nông nghiệp, sau 30 năm làm ăn sinh sống ở Bắc Hà, giờ anh làm rất nhiều việc liên quan đến nghề của mình: Xây trang trại lợn sạch, xây trang trại trồng rau sạch. Lợn bản địa, rau cũng bản địa. Anh nói với tôi, đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với một số siêu thị FiviMart tại Hà Nội. Trong trang trại rau sạch, tôi nhìn thấy cả những vạt cải Mèo nổi tiếng của vùng cao; trong trang trại lợn, tôi không ngửi thấy bất cứ mùi gì uế tạp, bởi chất thải của lợn trong quá trình chăn nuôi đã được các vi chất rải dưới nền chuồng phân hủy.

Anh kể, hai vị bộ trưởng đã đến tận nơi thăm mô hình trang trại của anh. Sắp tới anh sẽ cho ngăn một con đập cho nước dâng lên để nuôi giống vịt Sín Chéng lấy về từ vùng đất nghèo dân thưa Si Ma Cai. Đây là giống vịt đặc sản hiếm có, thuần chủng, nặng tới 4-5kg/con, thịt ngon, trứng to gần như trứng ngỗng, không lọt được ra ngoài mà bán. Năm 2012, Viện Chăn nuôi quốc gia đã đưa vịt Sín Chéng vào danh sách bảo tồn nguồn gene quý, và bây giờ nó cũng là một giấc mơ, tuy nhỏ thôi nhưng lấp lánh.

5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể xác nhận với tôi rằng, tỉ lệ nợ xấu của Bắc Hà nói riêng, Lào Cai nói chung luôn ở mức an toàn (0,2%, trong khi bình quân cả nước 3%). Ông nói, để hiểu Lào Cai cần nhớ 7 từ đầy khó khăn: “Vùng cao - biên giới - nhiều dân tộc”, với 25 dân tộc anh em, độ cao cơ bản 800m, mãi mãi là biên cương, phên giậu với 182km tiếp giáp Trung Quốc, một cửa khẩu quốc tế, một số cửa khẩu quốc gia, nhiều lối mở. Ông vẫn nhớ 40 năm về trước, cả tỉnh chỉ có 2 địa bàn có điện là thị xã và trung tâm huyện Bảo Thắng, không có bệnh viện đa khoa, 70% không có đường ôtô đến xã, 30% cán bộ không biết tiếng Kinh, nương rẫy đầy sỏi đá. Lạ thay nơi này sinh thủy lại rất tốt, gần trọn đời người sống ở đây ông chưa hề thấy mất mùa.

Chuyển biến kinh tế tích cực nên hiện nông nghiệp chỉ còn chiếm 16%, do công nghiệp và du lịch tăng quá nhanh; hiện Lào Cai đang được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đón 2,4 triệu khách du lịch năm 2015, gấp 4 lần năm 2010. Mỗi người dân Lào Cai hiện đóng góp gần 1 triệu đồng cho ngân sách nhà nước, cao hơn nhiều tỉnh thành trong cả nước; 2.400km đường nông thôn được xây dựng, tính từ đây có thể kéo dài qua đất mũi cực nam.

Tổng huy động vốn tín dụng tính đến hết 2015 đạt hơn 32.000 tỉ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 31.000 tỉ đồng, cả tỉnh hiện có 491 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 65.500 tỉ đồng, 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 503 triệu USD. TP. Lào Cai đã trở thành một trong số những thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam, với 21.399 xe ôtô của toàn tỉnh, chưa kể xe của thập phương đổ tới, chiều chiều người ta đã thấy cảnh tắc đường ở đô thị miền biên viễn này. “Xây dựng Lào Cai thời gian tới cần thêm 146.000 tỉ đồng”, ông tâm sự.

Tôi nghĩ rằng mình có nhiều duyên lành với miền Tây Bắc. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ tới một chuyến đi gần 20 năm trước, đêm không tìm đâu ra chỗ tá túc nên đã phải xin ngủ nhờ qua đêm trong phòng trực bảo vệ chật hẹp ở cổng UBND huyện Sa Pa. Người bảo vệ ấy tên là Thanh, trạc tuổi tôi, hai đứa cuộn chăn rả rích nói chuyện với nhau mãi không chán, bên ngoài sương nặng hạt không ngớt rơi trong tiếng thở mạnh và gõ móng ngay cạnh cửa của ngựa thồ. Bây giờ, tôi không biết Thanh đang ở đâu trong dòng đời ngày càng sôi động này.

Dịp ấy còn được Phòng Công tác chính trị PX 15 CA Lào Cai mời món khâu nhục, ăn cũng chỉ biết là ngon thôi, nhưng vì sao lại ngon thì không rõ. Chuyến này đi mới biết, khâu nhục được làm rất cầu kỳ, nhiều công đoạn, thậm chí còn phải dùng kim chọc kỹ các lỗ chân lông trên miếng bì thì món ăn tuyệt hảo ấy mới thực sự mềm rục. Vô số những kỷ niệm như vậy bồi đắp dần dần khiến đời sống tinh thần của tôi trở nên giàu có.

NGUYỄN HUY MINH
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.