BÚT KÝ - PHÓNG SỰ DỰ THI VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Người mẹ Pa Cô ươm “mầm xanh” trên “chảo lửa”

TRẦN LƯU |

Trước mắt tôi là căn nhà nhỏ xập xệ nằm xiêu vẹo ven núi rừng hoang vắng như rung lên từng chập khi cơn mưa chiều đổ về. Mùi ẩm mốc từ vách gỗ cũ kỹ xông lên nồng nặc trong không gian bề bộn nhồi nhét quanh xó nhà… Tôi thoáng nghĩ: “Sao người ta có thể ở đây?”.

Ấy vậy mà, ở nơi đó, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tình thương. Ở nơi đó, có “người mẹ Pa Cô” đã dành cả đời mình để ươm dưỡng những “mầm xanh” trên vùng “chảo lửa”...

“Cổ tích” trong căn nhà dột 

Trời chiều nhá nhem, mẹ Kăn Linh trở về nhà dưới cơn mưa dai dẳng. Nghe tiếng bước chân ngoài cửa, mấy đứa trẻ mừng rơn, chạy đến òa vào lòng mẹ - cái cách bọn trẻ con hay dùng để biểu đạt tình cảm với người lớn. Vừa mừng mẹ về, bọn trẻ vừa nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm như chưa bao giờ gặp nhà báo.

Trong căn nhà sàn cũ kỹ được làm từ những vật liệu đơn sơ đến… nhói lòng, lâu lâu, cái mùi ẩm mốc lại xông lên pha lẫn với hơi đất ngột ngạt vừa được cơn mưa chiều làm mát sau một ngày nắng hừng hực. Tôi không thể hình dung đó là nơi đã cưu mang hàng chục cảnh đời bất hạnh. Như hiểu được sự băn khoăn của khách, mẹ Kăn Linh giải thích: “Ngôi nhà trước đây khang trang hơn một chút, nhưng vì một số lý do phải dọn qua đây ở tạm. Khi có điều kiện sẽ sửa sang lại chú à”. Rồi mẹ hoài niệm về câu chuyện của hơn 30 năm trước…

Kăn Linh là gọi theo ngôn ngữ của đồng bào Pa Cô, còn tên thật của mẹ là Hồ Thị Vôi (sinh năm 1964, trú ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

“Chảo lửa Khe Sanh” một thời chiếc tranh khốc liệt. Dưới đất không có cái ăn, trên đầu bom đạn tàn phá. Sau ngày giải phóng Khe Sanh, đời sống của đồng bào Pa Cô nơi đây rất vất vả. Thuở nhỏ, thiếu nữ Kăn Linh phải theo gia đình làm đủ việc trên trời dưới đất để mưu sinh. Ký ức của mẹ về những tháng ngày khó khăn là những bữa sắn độn cơm, đôi tay chai sần, nước da sạm đen vì cái nắng trên nương rẫy.

Năm 19 tuổi, mẹ kết duyên cùng ông Hồ Văn Tàng (Kôn Linh, sinh năm 1960). Vừa tận tụy chăm lo gia đình, vừa hăng hái tham gia vào các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Mẹ được vào Ban chấp hành xã đoàn A Túc, ban chấp hành phụ nữ xã, Đội trưởng đội 6 hợp tác xã A Túc, sau đó thì làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Còn bố Kôn Linh ở nhà làm nương rẫy. Năm nào trời thương còn có cái ăn, gặp năm thất mùa, sắn và măng rừng cũng khó kiếm.

Cái duyên cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ mồ côi đến với mẹ từ năm 1986. Sau cơn bạo bệnh, một đôi vợ chồng là bà con của bố Kôn Linh qua đời, để lại 3 đứa trẻ mồ côi Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Dành và Hồ Thị Pưng. Lúc ấy, dù cơm nhà không đủ ăn, nhưng nhìn lũ trẻ tội quá, mẹ đã bồng bế chúng về nuôi dưỡng như con đẻ.

Nơi bản làng xa xôi, cách trở núi rừng, mẹ phải đi bộ hết mấy ngày đường đón các cháu về, mang theo các ống đựng cháo nấu sẵn làm thức ăn cho bọn trẻ. Ngày đi không kịp thì đêm ghé vào nhà dân ven đường xin tá túc. 

Ngày đầu về bên mẹ, bọn trẻ thiếu ăn, đứa nào cũng suy dinh dưỡng. Bé gái nhỏ nhất 2 tháng tuổi Hồ Thị Pưng da dẻ xanh xao, gầy yếu. Những mớ gạo vốn đã ít ỏi cho bữa cơm hàng ngày, giờ phải chia bớt ra dành khẩu phần cho bọn trẻ. Mẹ kể: “Mỗi lần nấu cháo cho bé ăn vào buổi sáng thì phải ngâm gạo từ đêm trước. Còn nếu cho bé ăn buổi chiều thì ngâm gạo từ lúc sáng. Gạo ngâm để xay thành bột cho bé ăn dễ tiêu, phù hợp với sức khỏe”. 

Đêm ngủ chưa tròn giấc, nghe bọn trẻ òa khóc, mẹ phải bật dậy để dỗ dành. Ban ngày, hai vợ chồng lại đầu tắt mặt tối trên nương rẫy, mong kiếm đủ miếng ăn cho bầy con nheo nhóc. Có những hôm, mẹ bế con đi khắp các bản xin những gia đình đang nuôi con nhỏ cho được bú nhờ vì không có tiền mua sữa.

Một lần, bé trai Hồ Văn Dành ốm nặng, chân răng chảy máu mấy ngày, rồi mất. “Nếu Văn Dành còn sống, giờ chắc trạc tuổi nhà báo”. Nói đến đây, giọng mẹ nghẹn lại, nỗi đau mất con ùa về trong khóe mắt.  

Đến năm 1988, mẹ Kăn Linh sinh đứa con đầu tiên. Tay bồng tay bế, lúc nấu cháo, mớm ăn, lúc lo sữa, thuốc thang cho bọn trẻ. Vất vả là thế, vậy mà mấy năm sau, khi trong bản có trường hợp của bà Hồ Thị Thỉ mang bệnh tật triền miên, chồng mất để lại 3 người con nhỏ, mẹ lại gánh gồng rước luôn cả 4 mẹ con về nuôi dưỡng.

Mẹ Kăn Linh dạy con đọc sách (ảnh: TR.L)
Mẹ Kăn Linh dạy con đọc sách (ảnh: TR.L)

Cái tình của người mẹ Pa Cô dành cho những đứa trẻ mồ côi, những phận đời cơ nhỡ vẫn dạt dào như dòng suối ngọt chảy về xuôi. Bọn trẻ được chăm sóc, cho ăn học tới nơi tới chốn. Thời điểm đông nhất, nhà của mẹ Kăn Linh là mái ấm của gần 20 người già trẻ. Trong sự kham khổ, họ đùm bọc, chia sẻ với nhau củ sắn, củ mài, bữa rau, bữa cháo.

“Bản Tăng Cô còn nghèo, nhưng giàu tình giàu nghĩa. Bà con dù khó khăn vẫn ra sức giúp đỡ, lúc thì lon gạo, củ sắn… Chính quyền đoàn thể cũng giúp đỡ rất nhiều, nên khó khăn dần qua đi. Ngoài làm nương rẫy, mỗi năm tôi vay thêm từ các nguồn chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng để đắp đỗi lo chuyện ăn mặc, học hành cho con. Đến vụ thu hoạch lại dành dụm tiền trả lại ngân hàng, sang năm nếu thiếu thì vay nữa”, nói về nỗi vất vả cùng bầy con nhỏ dại suốt hơn 30 năm mà giọng mẹ cứ nhẹ tênh như không.

Ươm “mầm xanh” cho ngày mới

Dù mới ngoài năm mươi tuổi, nhưng mọi người ở xã A Túc đều thân thương gọi cán bộ xã Hồ Thị Vôi là mẹ Kăn Linh theo cách gọi của bọn trẻ trong nhà. Chăm nom hơn chục đứa con, mẹ Kăn Linh hiểu nết ăn ở, tính tình của từng đứa.

“Bọn trẻ tội lắm, mới sinh ra đã thiếu vắng tình thương, thiếu thốn đủ bề. Tôi nuôi các cháu, chỉ mong sao chúng có được niềm hạnh phúc bình dị như những đứa trẻ khác. Nhờ trời thương, bọn trẻ lớn lên đều rất ngoan. Ngày khai giảng, chúng mặc áo rách sờn vai, mang đôi dép rách quai, nhưng chưa bao giờ đòi mẹ phải may áo mới hay mua dép mới”.

Khi lũ trẻ khôn lớn, vợ chồng mẹ lại tất bật lo công ăn việc làm, dựng vợ, gả chồng. “Tụi nó, có đứa ăn học thành tài, có đứa dù không làm việc cao sang, nhưng đã yên bề gia thất, sống hạnh phúc cùng gia đình bên nương rẫy. Bấy nhiêu đó là tôi mãn nguyện lắm rồi” - mẹ Kăn Linh tâm sự.

Bé gái Hồ Thị Pưng ngày nào giờ đã là thiếu nữ ở bản Tăng Cô, trở thành giáo viên Trường tiểu học xã Xy. Pưng lấy chồng, có nhà ở xã, lúc rảnh rỗi hay mỗi chiều tan trường đều không quên dành thời gian ghé nhà thăm mẹ. Những người con khác hay sang nhà phụ mẹ làm nương rẫy, khá giả một chút thì phụ giúp tiền nong, chăm sóc bố Kôn Linh đang nằm bệnh.

Riêng bốn người con ruột của mẹ đều đã lớn khôn. Đứa con út đang là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế, những người còn lại đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm và Y khoa với việc làm ổn định. Hồ Thị Pưng nói với giọng nghẹn ngào: “Mẹ Kăn Linh đã tái sinh tôi trên cõi đời này với tấm lòng bao dung như biển trời. Tôi luôn phấn đấu để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội để không phụ lòng dạy dỗ của mẹ”.

Mẹ Kăn Linh trong một lần chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ (ảnh: P.V)
Mẹ Kăn Linh chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ (ảnh: P.V)

Chu toàn việc nhà, mẹ Kăn Linh còn đảm việc làng, việc bản. Hơn 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, A Túc vẫn là một trong những xã nghèo của tỉnh Quảng Trị, cơ sở hạ tầng vô cùng thiếu thốn. Trăn trở trước tình cảnh đó, năm 2001, mẹ Kăn Linh quyết định hiến đất cho địa phương xây trường cấp 1 và nay đã phát triển lên đến cấp 3, rồi sau đó hiến luôn phần “đất vàng” ở vị trí đắc địa để xây dựng trụ sở UBND xã. “Có trường học, tụi nhỏ sẽ biết đọc, biết viết, không còn mù chữ. Xóa đói giảm nghèo phải bắt đầu từ giáo dục. Nghĩ vậy, nên tôi hiến đất”.

Hiến đất, không còn đất để ở, một số cán bộ xã cảm thông, tự nguyện cắt bớt phần đất của mình mời mẹ về ở cùng. Thế nhưng, mẹ đã từ chối vì không muốn làm phiền người khác. Mẹ xin người bà con trong dòng họ một mảnh đất nhỏ bên sườn đồi để tiếp tục sinh sống.

Hiện mẹ Kăn Linh đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã A Túc và nuôi dưỡng ba đứa trẻ mồ côi. Trong đó, đứa bé nhất học mẫu giáo, đứa thứ hai học lớp 1, còn đứa lớn lớp 9. Mẹ nói: “Gia đình tôi nặng nợ với bọn trẻ con, hễ thấy các cháu mồ côi không nơi nương tựa là tôi nhận về nuôi, không bỏ được”. Thế là hàng ngày, bọn trẻ lại tung tăng cắp sách đến trường, ngôi trường có một phần công sức, tấm lòng của người mẹ Pa Cô hết lòng vì việc chung và vì những đứa con.

Mẹ Kăn Linh giờ tóc đã pha sợi bạc, nước da sạm đen theo những tháng ngày cơ cực. Vẫn manh áo cũ, đôi dép cũ, mẹ, ngày hai buổi đến xã làm việc trong sự bình dị, giản đơn và chất phác. “Nghèo quá nên không có tiền sắm sửa thứ gì hết chú à”. Mẹ nói như đùa vui với nụ cười hiền hậu.  

Đến nay, mẹ Kăn Linh đã nhận không biết bao nhiêu bằng khen cho xuể. Vinh dự nhất là bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, vì “Có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mẹ nói, đồng bào Pa Cô mang họ Bác, luôn nhớ lời Bác dạy, sống với nhau có nghĩa tình, học ở Bác về tấm lòng nhân ái. Mỗi việc làm của mẹ cũng từ tiếng lòng cất lên, chứ chưa bao giờ nghĩ, làm những việc đó để được biểu dương, khen thưởng.

Nói về mẹ Kăn Linh, ông Phạm Trọng Hổ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - cho biết, từ một chiến trường ác liệt, đến nay, huyện Hướng Hóa nói chung và vùng đất Khe Sanh nói riêng đã khoác lên mình diện mạo mới. Trong sự đổi thay đáng mừng đó, những người như mẹ Kăn Linh không chỉ là tấm gương sáng, mà còn đang từng ngày ươm dưỡng những “mầm xanh”, xây dựng ngày mới trên vùng quê nghèo A Túc…

 
 
TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm chiến thắng Khe Sanh: Đô thị vàng, hoa và lấy điện từ trời

NGUYỄN PHÚC |

Hướng Hóa là một địa phương mà khi nêu tên, biết bao nhiêu người Việt từng đi qua chiến tranh phải… rùng mình vì sự khốc liệt cho một thời lửa đạn và sự khắc khoải về những nỗi đau mất mát… thời bình. 

Khe Sanh yêu kiều

LÂM CHÍ CÔNG |

Năm 1968, nhà thơ - chiến sĩ Ngô Kha viết: “Rồi sẽ thấy, và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây”. Nửa thế kỷ sau, dự cảm đó đã thành hiện thực.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm chiến thắng Khe Sanh: Đô thị vàng, hoa và lấy điện từ trời

NGUYỄN PHÚC |

Hướng Hóa là một địa phương mà khi nêu tên, biết bao nhiêu người Việt từng đi qua chiến tranh phải… rùng mình vì sự khốc liệt cho một thời lửa đạn và sự khắc khoải về những nỗi đau mất mát… thời bình. 

Khe Sanh yêu kiều

LÂM CHÍ CÔNG |

Năm 1968, nhà thơ - chiến sĩ Ngô Kha viết: “Rồi sẽ thấy, và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây”. Nửa thế kỷ sau, dự cảm đó đã thành hiện thực.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.