Ngọn đèn Việt và khát vọng Hoàng Sa

Thanh Hải |

Đầu tháng giêng năm 2016, Tổng LĐLĐVN, Báo Lao Động và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức nghi lễ đặt viên đá đầu tiên, xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Khu tưởng niệm với tượng đài “Người mẹ thắp lửa”, là không gian văn hoá tâm linh đầu tiên được xây dựng tại đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) để tưởng niệm những người con đất Việt đã ngã xuống trong suốt quá trình xác lập chủ quyền và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Công trình chưa được khởi công, nhưng đã là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước…
Cây đèn dầu mù u
Từ cuối tháng 12.2015, Hội đồng thẩm định - Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tuyển chọn được đồ án thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa với tượng đài “Người mẹ thắp lửa” của KTS Trần Văn Dũng (Cty cổ phần tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín, TPHCM). Tuy vậy, đến cuối năm 2016, KTS Trần Văn Dũng vẫn còn phải sửa chữa lại hình dáng, mẫu trang phục của “người mẹ” (tượng) và cả cây đèn dầu “thắp lửa” trên tay mẹ, để công trình được đi vào lòng người dân. Đây cũng là động thái thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của các cấp lãnh đạo.
Cuối năm gió bấc, sóng biển cồn cào dội ngược vào bờ. Ra đảo thời điểm này không có được lịch khứ hồi chủ động. Thế nhưng đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN và tác giả của Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa lên đường để lấy ý kiến của các bô lão, đại diện cho 6 họ tộc lâu đời ở Lý Sơn về hình dáng, cây đèn và cả vị trí đặt tượng “Người mẹ thắp lửa”. Đây là những đóng góp mang tính quyết định bởi họ là hậu duệ của các cai đội, dân binh của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ các thời vua - chúa nhà Nguyễn, là những “cư dân” đang đánh bắt, làm ăn ở vùng biển trời Hoàng Sa ngày nay. Hơn nữa, khu tưởng niệm được xây dựng trên chính mảnh đất, hòn đảo tiền tiêu này.
Ngoài những thông tin về ngập lũ gây chết người, ngập các làng quê ven sông, mỗi mùa mưa bão, miền Trung lại nhiều thông tin tàu cá chìm trên biển, ngư dân bị nạn khắp nơi. Nỗi đau mất mát chưa bao giờ nguôi ở dọc vùng duyên hải này. Ở các vùng biển đảo, các làng chài, vẫn còn đó những người mẹ ngóng con, những người vợ trông chồng, những người đàn bà trở thành goá phụ. Cũng giống như hình ảnh vọng phu thời chinh chiến, hay sau những cuộc tiễn đưa đàn ông ra biên ải để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước đây… Đấy cũng là hình ảnh tiêu biểu mà KTS Trần Văn Dũng đã chọn làm tượng đài “Người mẹ thắp lửa”, vượt lên cả trăm đồ án thiết kế khác, giành chiến thắng cuộc thi ý tưởng.
Ngọn đèn trên tay mẹ cũng là ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng của người Việt - tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa. Ngọn lửa ấy cũng như ngọn hải đăng soi sáng cho các ngư dân ra khơi, tìm về... “Vì vậy, cây đèn đó trước tiên phải là cây đèn bão truyền thống, chân thật, xuất xứ từ vùng đất duyên hải miền Trung”. Cụ Nguyễn Hạp - đại diện tộc họ Nguyễn ở Lý Sơn góp ý. Cụ Hạp phân tích một cách dân dã: “Người mẹ” không thể cầm đèn bão (của Pháp) hoặc đèn lồng giống ngư dân Trung Quốc được. Cây đèn ấy nhất thiết phải thuần Việt. Là cây đèn tự chế của ngư dân, cải tiến từ thân chai thuỷ tinh, vốn thắp bằng dầu mù u…
Ông Võ Hiển Ðạt - đại diện tộc họ Võ ở Lý Sơn thì góp ý với KTS Dũng: Tà áo, khăn vấn đầu của người miệt biển miền Trung không thể rộng, tung bay trước gió vậy được, mà phải bó sát người. Tác giả cần chỉnh sửa. Ðồng thời, cụ Ðạt cũng cho rằng cần cách điệu mũi thuyền (bệ đặt tượng đài) để du khách, người dân nhận diện rõ là tàu ra Hoàng Sa của ngư dân miền Trung, hoặc chí ít là hình dáng thuyền buồm của dân binh thời nhà Nguyễn ra xác lập chủ quyền Hoàng Sa năm xưa.
Hát ru kể chuyện đời biển
Câu chuyện “cây đèn dầu mù u”, “tà áo, khăn vấn đầu” trên tượng người mẹ thắp lửa được các bô lão trên đảo Lý Sơn góp ý làm giật mình cả các chuyên gia, lẫn tác giả Trần Văn Dũng. Họ đã nói quá đúng về ý chí, nguyện vọng của người dân miệt biển, miền Trung. Bất cứ một tượng đài nào cũng phải xuất phát từ tâm linh, từ trái tim và sự ngưỡng vọng của cả cộng đồng.
Đêm “mắc kẹt” ở Lý Sơn vì gió chướng, thuyền không về đất liền được. Tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Hảo - người đàn bà hát ru trên đảo, để lại được nghe chuyện “vọng phu” qua các ca từ cổ.
Nổi da gà, dù đã nhiều lần được nghe bà hát. Ngày làm chương trình “Đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn, tôi đã từng đèo bà Hảo bằng xe máy, lên đỉnh núi Thới Lới để “chạy chương trình” thử trước sân khấu lộng gió. Bà hát. Giọng biển mà thanh, lạ. Bà Hảo đã gần 70 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Văn hoá huyện. Giọng hát, ca từ thì như đã ngấm vào bà, vào người dân Lý Sơn từ bao đời nay. Bà như bao người đàn bà miền biển, sống với sóng nước, nhớ mong chồng con, phập phồng trong âu lo, mắt lúc nào cũng như có khói sóng. Chồng đi biển, đau ốm nặng, chạy chữa nhiều khiến gia đình bà kiệt quệ. Bà vừa làm cán bộ văn hóa huyện kiêm thêm việc cán bộ dân số kế hoạch hoá gia đình của xã. Mỗi lần nghe ai đó chết ở Hoàng Sa, quen miệng lại hát, ngó qua thì thấy vợ con họ khóc, mà đứt ruột. “À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta/Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù và kêu”. Thuở đó, thuyền buồm làm gì có còi tàu để hụ, kéo trước giờ xuất bến. Dân biển thổi ốc u để báo hiệu chuẩn bị lên đường. Đó cũng là thời khắc biệt ly. Chồng xa vợ, cha xa con mà không biết có được gặp lại… bởi người đi có mấy ai trở lại..., bà Hảo giải thích.
Đầu tháng giêng năm 2016, Tổng LĐLĐVN, Báo Lao Động và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức nghi lễ đặt viên đá đầu tiên, xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn

Bao lần ra Lý Sơn, dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi đã thuộc nằm lòng câu hát: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”, nhưng bây giờ mới được nghe hát, không phải từ nghệ sĩ có danh nào trên báo đài mà từ một bà già quê biển. Bà Hảo lại hát: “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua nên phải quyết lòng ra đi”. Vâng, đã bao lớp cha ông đã ra đi mà không thấy về. Họ đã mãi nằm ở vùng biển lạnh để khắc ghi chủ quyền biển đảo quê hương. Bởi vậy mới có câu: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”… Bà hát ru mà như kể chuyện, như dựng lại những thước phim tư liệu. Tôi đã hiểu những gì đang chảy trong mạch máu người đàn bà biển khi quyết lấy chồng mà “hồn treo cột buồm” kia. Tiếp nối bao thế hệ, họ đã nâng bước cho bao trai tráng, đàn ông miệt biển dong thuyền đi bảo vệ biên cương. Họ xứng đáng để chọn làm biểu tượng, làm tượng đài để vọng tưởng về một Hoàng Sa tươi đẹp, trầm luân.

Cát vàng từ Hoàng Sa được ngư dân Lý Sơn mang về, chuyền tay nhau để đổ dưới chân viên đá đầu tiên XD Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.

 

Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Tình yêu làm nên một bản đồ quần đảo Trường Sa bằng ảnh

G.M |

Triển lãm ảnh "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội" do Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thực hiện đã chính thức khai mạc sáng nay (31.12) tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đặc sản Hoà Bình đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa

HN |

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình thông qua Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao tặng 2 tấn cam Cao Phong, đặc sản của tỉnh Hoà Bình, tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Đến quán cà phê đẹp nhất thế giới thử làm quý tộc

Hà Nguyên |

Nằm trên 1 phố chính của Budapest (Hungary), New York café từng được bình chọn là quán cà phê có không gian đẹp nhất thế giới và bây giờ vẫn là nơi để ngồi uống trà, cà phê đẹp nhất. Bởi, bước qua cánh cửa ra vào, bỏ lại sau lưng ồn ào của phố xá, là lạc bước vào thế giới quý tộc Châu Âu với không gian của một cung điện.

Mạng lưới ngân hàng thực phẩm vươn lên trong đại dịch

Thanh Hà |

Mạng lưới ngân hàng thực phẩm đã "lật đổ" United Way để trở thành tổ chức từ thiện lớn nhất nước Mỹ.

Thiên đường của loài mèo

Thanh Hà |

Trong thành phố cổ từng do các sultan và hoàng đế cai trị, đế vương thực sự là những con mèo khiêm nhường đang lang thang khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm.

Áp lực lạm phát đè nặng trong năm 2023

Hương Nguyễn |

Bài toán lạm phát tiếp tục là câu chuyện khó đối với những nhà điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định gì về lạm phát trong năm 2023.

Chưa hết Tết, giao thông cửa ngõ Thủ đô đã căng thẳng

Nhóm PV |

Ngày 25.1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), dù chưa hết kỳ nghỉ Tết nhưng lượng người đổ về trung tâm Hà Nội tăng đột biến khiến các cửa ngõ nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương: Khuyến khích du khách chạm vào hiện vật

Hoàng Văn Minh |

Trong khi các bảo tàng khác đều “cấm sờ vào hiện vật”, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương luôn khuyến khích du khách “hãy chạm vào hiện vật”.

Tình yêu làm nên một bản đồ quần đảo Trường Sa bằng ảnh

G.M |

Triển lãm ảnh "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội" do Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thực hiện đã chính thức khai mạc sáng nay (31.12) tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đặc sản Hoà Bình đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa

HN |

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình thông qua Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao tặng 2 tấn cam Cao Phong, đặc sản của tỉnh Hoà Bình, tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.