Nghĩ chậm khi đi 100km/h

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Tháng 7 năm 2014. Ngày cuối hạ nắng cứ vàng óng ả. Đường cao tốc nối nhiều tỉnh, thành với thủ đô Hà Nội xuyên qua những miền rừng, miền gò đồi và ruộng nước tưởng như chưa bao giờ có ai dám nghĩ là bánh ôtô sẽ có ngày lăn qua đó.

Đi vài chục phút có thể từ ngan ngát đầm sen Hà Nội bỗng lọt vào những rừng cọ già trầm mặc của đất Tổ Vua Hùng, có thể miên man thưởng lãm những nương chè xứ Thái mơ mộng, rồi lại vòng qua đồi quế xanh ngơ ngác của Lào Cai, Yên Bái. Vài trẻ mục đồng đỏ đắn như đồng hun, còn ướt sũng sĩnh nước đầm trung du chợt leo lên đường cao tốc với những cỗ xe chạy 100km/h để đá bóng làm bằng quả bưởi Đoan Hùng vàng nẫu.

Thơ thới trên những cung đường từng khủng khiếp nhất Việt Nam

Từ buổi thượng cổ đến giờ, việc đi lại ở Việt Nam vẫn luôn trắc trở, đôi khi trong thơ cũ kiểu “Chinh phụ ngâm”, các cụ phải rên lên “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”. Vua chúa phong kiến cưỡi chiến thuyền đi thảo phạt ở vùng Mường Nghiễm (Tây Bắc), đi cả tháng được mấy khúc sông, vua đã tột đỉnh vui mừng rút kiếm đề thơ trên vách đá. Sau này con cháu được hưởng đường sá thuận tiện hơn nhiều, tuy nhiên, mãi đến vài tháng gần đây, thì để vượt được 80km từ Hà Nội lên Thái Nguyên, chiếc xe tiền tỉ của người ta vẫn phải đi mất ít nhất 3-4 tiếng đồng hồ, đường bé, bẩn, bụi, buồn, tắc tị.

Tốc độ của ôtô trên nhiều đoạn eo thắt được cắm biển “thường xuyên xảy ra tai nạn” chỉ nhanh hơn đi xe đạp tí thôi. Suốt mấy năm ròng, để đến được Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái (độ gần 100 đến hơn 150km thôi), người ta phải ăn uống ngủ nghỉ dọc đường, thậm chí đi vòng qua tỉnh này tỉnh nọ, xa thêm đến cả dăm bảy chục cây. Thí dụ, để lên Tuyên Quang, Hà Giang, thay vì đi dọc quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc, đi tiếp lên Phú Thọ - Đoan Hùng, người ta bèn vòng sang tận đất Sơn Dương của Tuyên Quang rồi mới ập về đoạn quốc lộ 2 ở Tuyên Quang, từ đó mới đi Hà Giang. Đi đường hình vòng thúng! Vì sao “đường gần anh cứ đi vòng cho xa”? Lý do là đường bị cày xới do thi công ẩu, chậm, thiếu vốn hoặc nợ đọng lung tung, đơn vị quản lý giám sát “ỳ thần cụ” ra trước những tiếng kêu xé lòng của lương dân. Quốc lộ 2 và quốc lộ 32, từng được xem là những con đường kinh khủng nhất.

Cách đây vài năm, tôi vẫn viết báo rằng: Thưa Bộ trưởng Bộ GTVT (bấy giờ là ông Hồ Nghĩa Dũng), ngài có thể đi thực tế xem dân Sơn Tây chúng tôi khổ thế nào trong hơn ba chục cây số đường quốc lộ 32 từ nghĩa trang Mai Dịch về đến Thành Sơn hoa lệ không? Đường hang hốc bụi bặm như ruộng cày, đường xấu gấp chục lần đường Mù Căng Chải! Bất cứ lúc nào, bất cứ lý do gì, cũng có thể khiến con đường này bị tắc. Mưa, mặt đường như những cái hố tử thần theo đúng nghĩa đen. Bố tôi 70 tuổi, ông bảo, bụi trùm phủ đoạn đường này từ thời ông còn tập tán gái đến bây giờ, suốt đời ông (tính đến thời điểm ông nói), chưa bao giờ thấy con đường Quốc lộ 32 đi qua quê tôi êm ái. Họ liên tục bày đặt sửa đường, cứ bày ra mà không chịu dọn, không cả thi công nốt. Con đường làm dang dở từ lúc cháu tôi lọt lòng, đến khi nó qua tuổi thiếu nữ và làm một bà mẹ đã toan về già. Có người cả đời bán quán trong màn bụi như B52 trải thảm. Có người bỏ nghề vì làm gì có ai dừng lại mua bán trong cảnh bịt mặt như sát thủ phim kinh dị hoặc ngồi trong ôtô nín thở mắm môi buồn bã vì tắc đường và tai nạn?
 Nghĩ chậm khi đi 100km/h

Ám ảnh trong tôi là những chuyến đi ra thế giới, thấy họ vèo vèo lượn xe ở cấp độ an toàn gần như tuyệt đối, rồi trở về thấy những cung đường ổ voi ngay ở cửa ngõ thủ đô mà lúc nào nó cũng tắc, mà người dân phải tự bê đất đá, xỉ than lát lại rồi phun nước mặt đường quốc lộ cho êm và đỡ bụi. Và đặc biệt là những người buôn chuyến bằng xe đạp, các chị ấy, các cô ấy hay bị tai nạn chết do đường hẹp, bụi, bát nháo. Họ chết, cái chiếu nhỏ phủ lên, chân cô/ chị thò ra ngoài, thường là một đôi chân trên đường cao tốc đi bít tất, dép bay đi đâu rồi, bít tất có khi rách thòi cả ngón chân đen nhẻm. Khói nhang và bụi bặm không biết cái nào đang bay nhiều hơn, cái nào màu trắng ngà và cái nào vàng sậm. Liệu có ai đi thị sát và xấu hổ vì mình đã không đi bằng xe máy, xe đạp thay vì bằng xe máy lạnh tiền tỉ không?

Thế rồi, bỗng một ngày đẹp trời, Đại lộ Thăng Long “nhất Việt Nam” nối từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến Hòa Lạc 30km; rồi quốc lộ 32 đoạn nào cũng êm hơn đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (xưa là biểu tượng của đường thời hiện đại). Đường hai làn, đêm về có đèn cao áp sáng trưng; rồi làng cổ Đường Lâm quê tôi cũng xóm xóm ngõ ngõ có đèn cao áp, cột kèo bóng biếc còn đẹp và sáng hơn Hà Nội. 

Rồi vài năm họ lại rải nhựa con đường một lần để giải ngân, đường cao hơn nhà dân mấy chục xăng-ti-mét khiến bà con tá hỏa, “thế này thì hỏng hết cả long mạch”. Rồi xóm Sải của tôi lắp wifi, mật khẩu là “dodoanhoang” tên tôi. Rồi đường cao tốc, đường thênh thang Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Phú Thọ, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nam - Nam Định... thi nhau thông xe. Khoảng cách vời vợi đau thương ngày cũ biến mất, xe lướt reo reo trên đại lộ, bạn bè chưa cạn một nồi lẩu thì người Hà Nội đã đến Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ và ngược lại. 

Cứ như một giấc mơ phiêu bồng nhất. Đúng là trong giấc mơ lữ khách viển vông nhất, tôi cũng không hình dung được các cung đường êm ru cho phép chạy 100km/h để “níu gần” bốn phương lại với mình như hôm nay. Vì sao như thế? Vì đã có thời gian quá dài, niềm tin vào tiến độ công trình, vào những dự án “khổng lồ” của tôi đã dần mất đi. Dẫu đã đi quá nhiều quốc gia ở năm châu bốn bể, xe chạy với tốc độ của cuồng phong với luật giao thông nghiêm cẩn và ưu việt nhất, tôi vẫn không dám nghĩ: Đến một ngày cao tốc về trong tầm tay mình “nhanh chóng” đến như vậy.

Xóm nghèo và những món quà từ trên trời rơi xuống

Tại cung đường Hà Nam - Nam Định, tôi từng gặp cả một đàn bò mấy chục con gặm cỏ ở giữa thảm hoa chăm cỏ xén giữa tim đường. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (đoạn qua Phú Thọ), chó bản chạy loạn xị ngậu, trẻ con thả diều trên đường, mặc kệ xe của lực lượng kiểm soát đường cao tốc treo biển lớn vẫn chạy nhung nhăng nhắc nhở. Để có một cỗ máy chạy 100km/h hoặc hơn nữa thì dễ, nhưng để thay đổi tư duy của những người đi xe cải tiến và lái công nông khi tiếp xúc với đường cao tốc thì đôi khi phải mất có vài... thế hệ.

Đấy là chưa kể các tiêu cực, mấy chục cây số đường cao tốc, thanh tra qua quýt đã thấy lòi ra quãng vài ngàn tỉ đồng bị “lập lờ đánh lận con đen” đến nỗi báo chí đăng tải đàng hoàng.
 Đường cao tốc vừa thông xe, phía xa xa người ta vẫn tiếp tục mở đường. 

Đấy là chưa kể, vừa rồi cơ quan chức năng đã phải có các văn bản khẩn cấp, quyết liệt ngăn chặn tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Phía nam, nhắc đến đường cao tốc Trung Lương từng một thời tự hào, ai cũng nghĩ ngay đến tai nạn. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì thật đáng xấu hổ với bọn mất dạy rải đinh dùi thủng lốp xe, bất chấp miếng vá săm của chúng nó được đánh đổi bằng tính mạng một hoặc nhiều người vô tội.

Từ nhà tôi đến cơ quan, ngày nào tôi cũng đi qua hai cái cầu vượt Ngã Tư Sở và cầu vượt Thái Hà, nỗi lo tắc đường từng nhiều năm ám cả trong giấc mơ của tôi, nay cơ bản biến mất. Từ nhà tôi đến nhà em trai và em gái tôi (cùng ở thủ đô), tôi đi trên đường trên không (dọc đường vành đai 3) băng băng 80km/h giữa lòng Hà Nội. Con đường ấy, cách đây chưa lâu, nó vẫn là nỗi kinh hoàng của bất cứ ai. 

Vài năm trước, tôi vẫn thở dài nói đổng: Đường vành đai 3 được bàn tính từ khi tôi còn là một cậu bé rồi trây ỳ nằm đấy, thì có lẽ phải đến năm 3.000 nó mới xong. Cũng lại một thứ thiết thân nữa, ấy là con đường về quê vợ đồng rừng Cẩm Khê, Phú Thọ của tôi. Vừa rồi, trên mạng xã hội, các cán bộ đồng hương Đất Tổ cùng reo lên, họ vui ngút trời vì đường cao tốc chả hiểu sao lại vù vù qua quê họ. 

Kỳ diệu hơn cả một giấc mơ. Nhà bố mẹ vợ tôi cách Hà Nội 130km, bao năm đường xấu, hẹp, hồi tôi mới cưới vợ là còn phải qua phà Trung Hà, với tiếng gọi “phà ơi” thảm thiết. Phà ở chỗ hợp lưu sông Đà với sông Hồng, sông trở nên rộng và nhiều vực xoáy, rất nguy hiểm. Cách đây hơn chục năm, còn qua bè vượt sông Bứa, có bà mặc quần lụa đứng trên bè tre chở xe máy rồi thò tay kéo sợi dây thừng, bà lần lần bàn tay gân guốc kéo đoàn người đi dọc sợi dây bắc ngang sông. Tôi nín thở nhìn sông Bứa xanh màu lá núi hòa mình vào sông Hồng ngầu đỏ phù sa mà buốt lòng thương vùng “quê em miền trung du, ngày hai bữa sắn rù”.

Đường xóc nảy, có đoạn đi trên đê sông Hồng sỏi đá, xe máy của tôi đi vỡ hết cả yếm, rơm rạ lùa vào bánh xe không quay được. Thế rồi, đùng một cái trên facebook, một cậu trong nhóm “đồng hương Cẩm Khê” tung ra thông tin: Tớ vừa lái ôtô hơn 60 phút từ Cẩm Khê về đến Sân bay Nội Bài.

Ai đó hú lên, thằng này điên rồi, hay nó mọc cánh, hay tàu bay ở Nội Bài về đồng rừng đón nó đi? Hóa ra, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trị giá giai đoạn một đã gần 20.000 tỉ đồng (tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam: 245km), có đi qua Cẩm Khê, có lối xuống ở xã Sai Nga. Bỏ 120.000 đồng mua vé là vù thôi. Chỗ ấy, bố vợ tôi nấu rượu, cho anh cán bộ xã vài chai, hắn cắt cho cả một quả đồi tự san mà dựng nhà.

 

 Cách Hà Nội 130km, vùng Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ tự dưng có lối rẽ từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi xuống. Lập tức bà con xôn xao, coi đó như giấc mơ với vùng quê nghèo kia.

Chỗ ấy hoang sơ, vậy mà đường cao tốc xoắn xuýt các vòng cua “rẽ” xuống ở rệ sông Hồng rất ngoạn mục. Bà con dạy nhau: Trên biển chỉ dẫn, biển nào có cái vòng tròn màu xanh ôm lấy số 60, tức là vào đường ấy cấm ai được đi tốc độ thấp hơn 60km/h. Có cái vòng tròn màu đỏ ôm số 100, tức là được đi đúng tới 100km/h. Chao ôi, thời các vua Hùng kén được con rể Sơn Tinh có phép thuật thì không nói, chứ hơn 100km mà đi độ hết có 1 tiếng đồng hồ, từ heo hút Cẩm Khê, vượt qua sông Hồng rồi sông Lô bằng các cây cầu kỳ vĩ vừa thông xe mấy ngày trước, vượt con đường hiện đại băng qua các cánh đồng, các ao hồ, các triền cọ chưa bao giờ có bánh xe tròn nào lăn qua... - thì đúng là giấc mơ ít nhiều màu nhiệm chứ còn gì.

Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Song, quả là, có lần lái xe trên cung đường tuyệt đẹp của cao tốc nước Việt, tôi đã ứa nước mắt thương cho ông anh con nhà bác đã chết yểu của tôi. Anh say mê đi, anh ước ao các cung đường đẹp hơn, an toàn hơn, kéo gần khoảng cách giữa các miền không gian mà anh bao năm mộng tưởng được đặt chân đến kia.

Bây giờ là lúc lên chỗ con trai anh làm việc, 80km mà đến nơi ấm trà chưa kịp nguội, bây giờ là lúc thăm mộ bác anh, 150km mà bảo người ta giết gà làm thịt, cỗ vừa tinh tươm thì khách đã trờ đến. Chỉ tiếc, bây giờ anh đã xanh cỏ ở miền thôn quê mà góc nào cũng có đèn cao áp với đường nhựa, nhà nào cũng có wifi kia. Anh say mê xem hoa quỳnh nở suốt bao năm, bây giờ hoa nở trên các nẻo đường, thì anh không còn nữa để mà thưởng thức. Thế rồi tôi chợt nhận ra, các cung đường đẹp, đường tử tế đã phải thai nghén quá lâu để có thể ra đời. Niềm vui vỡ òa của tôi hôm nay, đã được tích cóp như mỡ và máu bao bọc cái dằm buồn bã, tuyệt vọng trong những năm qua.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Theo đó, sẽ có tới 5.873km đường cao tốc, trải dài trên 22 tuyến hiện đại tiện nghi nhất được ra đời. Thêm mỗi con đường tử tế, an toàn và lãng mạn - đó không chỉ chất lượng sống, là mạch nguồn cảm xúc, trí tuệ, niềm tin; đó còn là một phần của chỉ số hạnh phúc trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

ĐỖ DOÃN HOÀNG
TIN LIÊN QUAN

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.