“Luật sư chân đất” của công nhân

Lê Tuyết |

Từng là công nhân, bị chủ doanh nghiệp buộc thôi việc trái pháp luật đến 2 lần, gần 10 năm đi kiện và nhận gần chục bản án, nhưng anh Trịnh Văn Lợi không thấy đó là bi kịch của đời mình. Trái lại, anh xem khoảng thời gian đó như một khóa đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng đi kiện để anh giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Công nhân Đồng Nai, Bình Dương thân mật gọi anh là “luật sư chân đất” của họ.

Cách đây 20 năm, anh Trịnh Văn Lợi rời quê Nam Định vào Đồng Nai lập nghiệp. Trồng mía, làm ruộng, nuôi heo… đều trải qua, nhưng chẳng đủ sống. Vốn có nghề mộc, anh nộp hồ sơ xin làm công nhân cho Cty Xích K. (KCN Amata, Đồng Nai).

Bốn  năm gắn bó với công ty, anh bị quản lý tìm cách cho nghỉ với lý do “cầm đầu” đình công. Anh Lợi nhớ lại: “Vụ đình công ở công ty Xích K. gần như là vụ đình công đầu tiên của công nhân để đòi quyền lợi ở khu công nghiệp này nên dư luận rất quan tâm và công ty rất tức tối. Ban đầu công ty yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý, bởi nếu tôi nghỉ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý anh chị em công nhân, chưa kể tôi không có lỗi”.

Kinh nghiệm xương máu 

Dụ dỗ, dọa nạt anh không được, công ty dở trò trù dập, chuyển anh ra ngồi góc phòng đã được giới hạn diện tích, mỗi ngày đi vệ sinh tối đa hai lần, mỗi lần không quá 10 phút. “Trời nóng bức, tôi bật quạt, công ty cho nhân viên kỹ thuật gỡ luôn quạt. Tôi tự nhủ, mất việc, đói mới chết, nóng không thể nào chết được. Công ty bày ra nhiều chiêu trò, tôi càng phải đấu tranh cho đến cùng”.

Ngồi hơn một tháng, dù không tìm được lý do chính đáng, công ty vẫn quyết cho anh nghỉ việc. Anh bảo, lúc đó anh không biết luật lao động "nó vuông tròn ra sao" nhưng anh có một niềm tin sắt đá rằng, công ty đối xử với anh như vậy là sai, không có tình người. Với niềm tin đó, anh quyết kiện công ty ra tòa. 5 năm theo đuổi vụ kiện với hàng xấp hồ sơ gửi đi các cơ quan chức năng trong tỉnh, Trung ương cầu cứu và 6 lần tòa mở phiên xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm, lẽ phải đã thuộc về anh.

Một bài báo về vụ việc của anh Trịnh Văn Lợi đăng trên báo Lao Động được anh lưu giữ cẩn thận 

Một năm sau, anh được Cty C. (Bình Dương) nhận vào làm việc tại phòng An toàn sức khỏe môi trường. Gần 5 năm làm việc tại đây, anh nhiều lần phản ứng việc công ty ép công nhân tăng ca đến 3 giờ mỗi ngày, hoặc anh không đồng ý cách công ty xử lý tai nạn lao động khi luôn tìm cách né tránh bồi thường…

Anh kể giọng buồn bã: “Công ty muốn công nhân làm việc có năng suất nhưng không chăm lo cho người lao động, bữa ăn ca nghèo nàn, làm việc tới 9 giờ tối mới về, thực phẩm ngoài chợ còn gì tươi ngon để người công nhân có thể mua về nấu ăn, riết rồi họ ốm tong teo, không có sức khỏe làm việc. Công nhân thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, làm việc dễ xảy ra tai nạn là chuyện thường, nhưng khi xảy ra tai nạn công ty lại muốn đổ lỗi cho công nhân”

Nhiều lần đấu tranh, anh trở thành “cái gai” trong mắt người quản lý trực tiếp, anh lại bị công ty trù dập, ép nghỉ việc. Anh nhớ lại: “Tôi bị điều chuyển đi hốt rác, bị tịch thu máy tính, đi vệ sinh phải trình báo, tính từng giây nhưng tôi vẫn không nản. Không cho tôi làm việc công ty thì tôi mua sách luật về đọc, học tiếng Anh…

Được hơn một tháng, công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tôi dù không có lý do chính đáng. Tôi lại nộp đơn kiện. Thắng án ở sơ thẩm, công ty kháng án, tuy nhiên gần đến ngày xử, công ty chủ động gọi điện thỏa thuận. Tôi yêu cầu Cty chi trả 6 tháng lương, nhận được tiền bồi thường gần 60 triệu, tôi cho lại công ty 10 triệu với lời nhắn: Hãy đối xử tử tế, đúng pháp luật với người lao động”.

Anh Lợi tư vấn pháp luật cho người lao động 

Hai lần đi kiện đều thắng, nhưng anh bảo “nhận được tiền nhưng đâu có gì vui”! Mình làm việc tử tế mà vẫn bị đối xử không công bằng! Hai vụ việc, hai công ty sai phạm rõ như ban ngày nhưng anh phải theo đuổi gần 10 năm, gần chục bản án, thi hành án lại trần ai.

Anh trầm ngâm: “Có những lúc tôi phải đi xin gạo thổi cơm, xin tiền đổ xăng để lên tòa. Công nhân mình, hiểu biết pháp luật đã hạn chế, lại ở thế yếu nên khi bị xâm phạm quyền lợi người lao động dễ bỏ cuộc, đã thiệt lại càng thiệt. Nhìn mình lại ngẫm đến anh em, tôi quyết tâm phải trau dồi pháp luật, anh chị em công nhân bị xâm phạm quyền lợi mà không dám đi kiện, tôi sẽ làm đại diện. Tôi giúp miễn phí”.

“Theo đuổi sự thật thì không có gì phải sợ”

Khi kiện công ty Xích K. chấm dứt hợp đồng lao động với mình, anh Lợi đưa ra hàng loạt các sai phạm khác của công ty như: Yêu cầu công nhân đi làm sớm so với quy định 20 phút nhưng không tính công, tăng ca quá giờ quy định, nhiều năm không tăng lương cho công nhân… Anh hào hứng kể: “Ở phiên tòa nào, tôi cũng nhắc lại những chi tiết đó, yêu cầu công ty thay đổi. Kết quả là bây giờ anh chị em công nhân ở công ty đã được hưởng lợi nhiều”.

Ngày anh về công ty yêu cầu thi hành án, cô bé ở phòng y tế kéo tay anh cảm ơn vì nhờ có vụ kiện của anh mà công ty mở phòng y tế, cô bé mới có được việc làm, công nhân cũng được tăng ca đúng giờ, lương tăng đều, ai nấy phấn khởi. Anh cho rằng, nếu đem cái thiệt, cái vất vả của mình mà so với cái lợi của anh em công nhân thì cũng đáng để đánh đổi lắm!

Người đàn ông ở tuổi 45, dáng dong dỏng cao, làn da đen sạm vì phải lăn lộn với đủ thứ nghề mưu sinh, đến nay vẫn còn độc thân. Hỏi anh sao không xin vào công ty nào đó, ổn định rồi lấy vợ, sinh con? Anh trả lời, từ ngày thắng kiện vụ kiện đầu tiên, “một đồn mười, mười đồn trăm” nên công nhân liên tục gọi điện nhờ anh tư vấn pháp luật, có khi lại nhờ anh làm người đại diện theo ủy quyền để tranh tụng tại tòa án. Nếu đi làm công ty, anh không còn thời gian hỗ trợ anh chị em công nhân, để trang trải cuộc sống, anh làm “thợ đụng”, thu nhập cũng đủ xăng xe. Còn chuyện vợ con, thân mình lo chưa xong, sao dám đèo bồng, lại khổ người ta!

Với anh Trịnh Văn Lợi, hỗ trợ pháp lý cho công nhân là chọn con đường tốt nhất cho công nhân đi, chứ không phải xúi công nhân vào bụi rậm! Anh lý giải, cùng là phận người từ quê ra thành phố làm công nhân, từng bị chèn ép, trù dập đủ các kiểu… mình hiểu công nhân mình lắm chứ!

Anh Trịnh Văn Lợi làm đủ thứ nghề để mưu sinh vẫn hài lòng với công việc tư vấn pháp luật của mình 

Có hoàn cảnh éo le, chồng bị tai nạn lao động, vợ mang bầu lại thất nghiệp, mẹ già cao tuổi lại chật vật chăm gia đình người con… nhìn những cảnh ấy, anh tự nhủ, dù kiện tụng có khó đến đâu cũng phải làm. Nhưng cũng có trường hợp, công nhân sai, lại muốn đi kiện thì anh khuyên nên dừng lại, kiếm việc khác mà làm, đừng theo kiện vô ích!

Anh Trịnh Văn Lợi hiện đang là "hạt nhân" của Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Đồng Nai, tham gia tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho hàng trăm công nhân. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, anh trăn trở: Cái yếu của công nhân mình hiện nay là chưa đi kiện đã sợ thua, mới nộp đơn lên tòa đã sợ doanh nghiệp dùng tiền mua được hết các cấp tòa, doanh nghiệp lại tự tin có tiền nên hành xử tùy tiện.

“Nhưng tôi không sợ! - anh kể, vẻ tâm đắc - Có một lần trước sân tòa, chủ doanh nghiệp vỗ vai tôi, nói: “Tôi mua hết rồi, kiện chi cho phí công”. Nhìn ông ấy, tôi cười nửa miệng bảo: “Mua sơ thẩm, tôi lên phúc thẩm, mua phúc thẩm tôi lên giám đốc thẩm, mua giám đốc thẩm nữa thì tôi còn có báo chí, có đoàn đại biểu quốc hội... Chừng nào các ông mua hết Việt Nam thì tôi mới thôi kiện! Các ông “mua” cứ mua, tôi sẽ theo đến cùng. Theo đuổi sự thật thì không có gì phải sợ”.

 

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.