Lũ lượt “cõng” nợ từ Angola trở về

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Trong số những lao động chui ở Angola đang lũ lượt kéo nhau về nước, có mấy người thực hiện được giấc mơ đổi đời, thì chưa ai rõ. Nhưng món nợ - “học phí” cho chuyến lao động “ném tiền” này, là những con số không nhỏ với những lao động “chân đất”.
Vay tiền đi “du lịch”

 

Tháng 3.2015, anh Phan Văn Ngọc (SN 1976, trú tại xóm 7, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An) khăn gói rời quê hương đến Angola. Được một người phụ nữ trong xóm tên Dung mối lái, anh Ngọc xúi vợ đi mượn hàng xóm và vay ngân hàng 4.000USD làm lộ phí.

Theo lời bà Dung, Angola là mảnh đất dễ kiếm tiền, nhiều việc để lựa chọn, nên hai người bà con của anh Ngọc là Nguyễn Xuân Niên và Trần Nghĩa vay tiền đi cùng. “Ngày 20.3, tôi đến Angola bằng đường hàng không. Nhưng ở nhà háo hức bao nhiêu, qua đó hụt hẫng bấy nhiêu” - anh Ngọc, nói.

Ở Angola, anh Ngọc được chủ là người Việt Nam thuê làm xây dựng. Nhưng việc rất ít, nên chủ yếu là nằm ngủ, chơi nhởi cho hết ngày. Vì vậy, qua Angola 3 tháng, anh Ngọc và những người khác chỉ làm được 25 công (500.000 đồng/công). “Thấy công việc không hiệu quả, lại nghe thông tin một nhóm công nhân Việt Nam 11 người ở gần đó bị 4 tên cướp hành hung. Họ đang luộc lòng lợn, thì toán cướp xông vào, không ai có tiền để đưa. Bọn cướp lấy súng dí vào đầu, rồi dùng nước đang sôi đổ vào từng người, nhưng không ai dám chống cự, vì sợ bị giết”, anh Ngọc rùng mình kể. Sợ bỏ mạng nơi đất khách, anh Ngọc bàn với mấy người cùng quê, rồi quyết định về nước. Số tiền công 25 ngày làm việc, người môi giới nói chỉ đủ mua vé máy bay, anh chỉ được nhận vỏn vẹn 20 USD còn lại.

Đặt chân đến quê nhà, trong túi anh Ngọc không còn một đồng để mua gói kẹo làm quà cho ba đứa con. Lời hứa hẹn “bố đi kiếm tiền, về xây nhà, mua xe đạp điện cho con gái lớn đi học” khiến anh không ngẩng mặt lên được. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1982), tiếc của nhưng vẫn tặc lưỡi: “Coi như bố nó đi du lịch, cho mở mang tầm mắt”. Nói vậy, nhưng chị nhìn lại xung quanh, vách nhà tạm thủng lỗ chỗ rung bần bật, gian hàng bán đồ tạp hóa kiếm từng đồng không thể trang trải được cuộc sống. Hỏi anh Ngọc, hai người cùng anh sang Angola đang ở đâu, anh nói rằng họ đang tìm đường về. “Mỗi người đang nợ hơn 150 triệu đồng, phải về quê làm thuê trả nợ. Chứ sống chui ở bên kia, thức cũng gặp ác mộng”.

Theo những người vừa về nước, thì riêng xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có gần 200 người sang làm thợ xây ở Angola. Để làm các loại giấy tờ, thủ tục, họ phải trả cho các đường dây tổ chức đưa người đi lao động số tiền 120 - 150 triệu đồng. Để có số tiền đó, đa số người dân nơi đây đều đi vay bà con thân thuộc, một số hộ dân cầm sổ đỏ ở ngân hàng để vay.

Anh Nguyễn Ngọc Bằng, (ở thôn 4, xã Vinh Hà) vừa mới trở về nước đã phải lên Bệnh viện T.Ư Huế điều trị 5 ngày vì bệnh sốt rét. Bà Nguyễn Thị Hương - mẹ anh Bằng - kể rằng thấy có người đi Angola gửi tiền về xây nhà to, nên ham. Bà đi vay 150 triệu đồng cho con đi Angola. Sang được hơn bảy tháng, Bằng bị sốt rét hành hạ buộc phải quay về. “Số tiền nợ ngân hàng chỉ mới trả được 50 triệu đồng. Thằng Bằng về người ta đến đòi nợ. Chịu không thấu nên nó bắt xe đi Vinh làm thợ xây, vợ nó cũng gửi đứa con trai 6 tháng tuổi cho nội - ngoại trông để đi may lấy tiền trả nợ”, bà Hương kể.

Những ngày này, hàng chục lao động chui ở xã Vinh Hà đã xách vali về nước. Họ nói rằng do tình hình bất ổn, nạn cướp bóc hoành hành, đồng kwanza mất giá khi đổi sang USD. Anh Mai Xuân Sự (ở thôn 5, xã Vinh Hà) cho biết, trước đây 5.000 Kwanza đổi được 50USD thì nay chỉ đổi được 25USD.

“Tức là làm hai tháng thu nhập mới bằng một tháng trước đây. So với làm ở quê thì thu nhập ngang ngửa thôi. Kiếm tiền ra đã khó, gửi tiền về nhà lại càng khó hơn, 1.000 USD gửi về mất 300 USD tiền phí. Khó khăn quá nên anh em bảo nhau trở về”, anh Sự chua chát.

Chỉ biết tuyên truyền để chống “chui”!

Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động phải bỏ xứ đi làm ăn là câu chuyện biết rồi, nói mãi: Ở nhà đất chật người đông, không có việc. “Diễn Thái có hơn 7.500 dân, mỗi khẩu chỉ được hơn 500m2 đất lúa. Lúa dù năng suất cao nhưng phân tro, giống má, vật tư đắt đỏ, nên vào cuối vụ, người nông dân bấm đốt ngón tay tính thì thấy không còn được đồng lãi nào. Họ đành bung đi tứ xứ làm ăn. Họ đi đến bất cứ nơi nào có thể, bất chấp có hợp pháp hay không” - ông Đinh Viết Trường - Phó Chủ tịch xã Diễn Thái (Diễn Châu, Nghệ An) nói.

Còn ở xã Vinh Hà (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), ông Lê Vĩnh Hiền, cán bộ văn hóa - xã hội xã giải thích: “Đây là những lao động đi theo diện gia đình. Người đi trước kéo người đi sau, anh em họ hàng lần lượt đi nước ngoài nên xã rất khó quản lý. Tôi cũng có nghe những lao động đi về kể là ở bên đó họ bị cướp, bị bắt. Đợt này, tình hình chính trị, xã hội ở Angola có nhiều biến động nên lao động về nước nhiều”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng trước thông tin nhiều lao động Việt Nam ở các địa phương sang làm việc tại Angola chết do bệnh tật, do bị bắn, xã có tuyên truyền vận động để người dân không lao vào những cuộc xuất ngoại đầy rủi ro? Ông Hiền cho biết, lâu nay xã chưa có biện pháp gì, dự tính sẽ xin ý kiến lãnh đạo địa phương để thực hiện việc này trong thời gian tới.

“Thực tế thì chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên đi lao động trái phép. Nhưng chỉ nói trên loa thôi, người dân có nghe không là quyền của họ, xã không có thẩm quyền gì để xử lý”, ông Phạm Xuân Bang - Chủ tịch UBND xã Diễn Kim (Diễn Châu), nói.

Chúng tôi tìm hiểu tại Phòng LĐTBXH huyện Diễn Châu, thì cơ quan này cũng không nắm được con số cụ thể người địa phương đang cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. “Những người xuất khẩu lao động hợp pháp thì chúng tôi được báo cáo và có con số cụ thể, còn những lao động chui thì họ không đăng ký, không báo cáo nên không nắm được”, ông Trương Công Sửu - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Diễn Châu, cho hay.

Về đáp án cho “bài toán” lao động chui ở nước ngoài, ông Sửu cho rằng để hạn chế, ngăn chặn lao động “chui” cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. “Bản thân ngành LĐTBXH không có khả năng, thẩm quyền ngăn chặn lao động xuất cảnh, cư trú bất hợp pháp”.

Còn ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An - lại cho rằng: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Ông Thắng nhấn mạnh: “Quan trọng là nhận thức, quyền tự quyết của người lao động. Người lao động nên tỉnh táo tìm hiểu kỹ về thị trường lao động mà bản thân có ý định tham gia, và có quyền quyết định đi hay không, không ai có thể ép buộc”.

Theo ông Thắng, lao động chui phải chịu thiệt thòi rất lớn khi xảy ra bất trắc. Hiện nay, con số chính xác về người lao động Nghệ An cư trú - làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài trong đó có Angola, chưa xác định được.

Điểm mặt, chỉ tên các doanh nghiệp lừa đảo

Trong một báo cáo gần đây, UBND tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn “điểm mặt, chỉ tên” các doanh nghiệp làm ăn dối trá: “Tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp không có chức năng làm dịch vụ xuất khẩu lao động nhưng vẫn, tổ chức tuyển lao động đi làm việc ở một số thị trường như Angola, Australia, Canada, Na Uy, Trung Quốc… gây thiệt hại nhiều mặt cho người lao động và ảnh hưởng xấu đến công tác xuất khẩu lao động chung của tỉnh. Cụ thể: Cty CP Xuất khẩu - Đầu tư xây dựng thương mại NTERCOOP.VN, Cty CP Thương mại, Đầu tư, xây dựng và Cung ứng lao động 19.5; Cty CP Thương mại, hợp tác đầu tư Nghệ An…”. Ông Đặng Cao Thắng - PGĐ Sở LĐTBXH Nghệ An - cho biết: “Qua thanh tra, phát hiện một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố”.

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.

Interactive: Sự tích bánh chưng bánh giầy ngày Tết vào đời Vua Hùng nào?

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình quây quần đón Tết, cùng nấu các món ăn ngon. Có rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh giầy, dưa hành... vô cùng hấp dẫn. Tham gia trả lời các câu hỏi dưới đây của báo Lao Động để thử thách hiểu biết của bạn về các món ăn ngày Tết.

Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Dự báo thời tiết 22.1: Mùng 1 Tết Bắc Bộ mưa vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 22.1.2023, miền Bắc sáng sương mù có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt với nhiệt độ cao nhất khoảng 20 - 24 độ C. Đêm trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 15-19 độ C.

Để đất nước hùng cường, giàu mạnh

Hoàng Lâm |

Một mùa Xuân mới lại đến với nhiều dự định, khát khao và hy vọng mới.