Những mảnh đời phía sau sân khấu vỉa hè

Kỳ cuối: Cuộc sống về đêm của những người chưa bao giờ hết hy vọng

Phóng sự của Đăng Huỳnh |

Gần 20 năm qua, Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long (trực thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội) như một tổ ấm chắp cánh ước mơ nghệ thuật cho nhiều trẻ em khuyết tật. Trưởng đoàn Đỗ Trắc Lộc đã đón nhận những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, khuyết tật…về đoàn, dạy dỗ các em, khơi gợi ở chúng niềm đam mê nghệ thuật...
 “Chàng lùn” Bùi Hồng Điều trong một tiết mục diễn tại đường Thanh Niên (Hà Nội)

'Đại bản doanh"  là một căn phòng trọ

Hiện,  đoàn chia làm 3 đội, 2 đội đi diễn, 1 đội chuyên tập luyện, dạy các em múa, hát… Mỗi đội hơn 10 người, trong đó 3-5 người  là "ca sĩ".  "Chúng tôi hoạt động được cấp phép đàng hoàng và mỗi “ca sĩ” diễn ở đoàn đều được trả cát xê xứng đáng với công sức bỏ ra” - ông Đỗ Trắc  Lộc  chia sẻ.  Một đêm diễn của đoàn Thăng Long thường bắt đầu từ lúc 6h chiều và kết thúc lúc 10h đêm -   khung giờ cố định hàng ngày, việc thay đổi thời gian diễn cũng còn phụ thuộc vào thời tiết và các dịp lễ, tết hay có khách đến giao lưu có thể kết thúc đêm diễn sớm hoặc muộn hơn.

Vào đêm diễn, sân khấu của mỗi đội đều được thiết kế gọn nhẹ để thuận tiện cho việc lắp đặt, tháo dỡ,  di chuyển đến các địa điểm khác nhau: Tấm phông căng sau sân khấu, những chiếc cột sắt lớn cố định,  4 chiếc loa công suất lớn, 1 dàn âm thanh, 1 cây đèn chiếu sáng... Tất cả đều gọn, nhẹ, chắc chắn. Toàn bộ sân khấu, đạo cụ là tài sản đoàn tự sắm trong quá trình đi diễn. Kết thúc đêm diễn,  cả đội cùng nhau tháo dỡ nhanh chóng sân khấu, những người nhà ở gần về với gia đình, còn những người ở xa sẽ cùng đoàn tập trung về "đại bản doanh" - một  phòng trọ trong chung cư đoàn thuê thuộc khu vực bán đảo Linh Đàm. Phòng trọ rộng 95 m2 có 3 phòng ngủ, 1 bếp,  1 phòng khách (cũng được tận dụng làm phòng ngủ) là nơi sinh sống của gần 10 người trong đoàn. Giới thiệu với chúng tôi những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận treo dày đặc trên tường, một thành viên của đoàn chia sẻ:  Đoàn ở tại căn hộ này được 6 năm, chi phí  mỗi tháng là 7,5 triệu đồng. Tiền chi trả được trích từ quỹ hoạt động của đoàn sau khi nhận được ủng hộ của người dân từ những đêm diễn. Điều kiện sinh hoạt tại đây tương đối đầy đủ.

Nơi chắp  cánh ước mơ

Sau một đêm diễn ngày cuối năm rét mướt,  ông Lộc mời chúng tôi đi cùng các thành viên trở về "đại bản doanh", lúc này, cả đoàn mới bắt đầu  quây quần với bữa cơm tối muộn. Ông Lộc bảo, "thông thường, một ngày với đoàn bắt đầu từ lúc 9-10 giờ sáng, bởi đi diễn đêm về các cháu hay ngủ muộn. Trước khi đi diễn đoàn có 1 bữa cơm chiều và kết thúc một đêm là bữa cơm tối muộn. Ở đây điều kiện ăn uống  luôn phải đảm bảo để các cháu không bị đói, không thiếu chất.  Đặc biệt với các cháu khiếm thị, lúc ăn cơm phải có cả người chăm sóc riêng..." Sau bữa cơm đầm ấm của các thành viên trong đoàn, ông Lộc không "ngại ngần", chia sẻ với chúng tôi về hoạt động của đoàn: Đoàn hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí tự túc không nhận được sự nguồn hỗ trợ nào khác từ các cơ quan chủ quản. Thành phố chỉ tạo điều kiện cấp phép cho đoàn hoạt động..." Mọi hoạt động của đoàn đều được ông Lộc công khai kèm giấy tờ cụ thể.

Tú Tài (trái) nói chuyện với Xuân Phúc bằng cách hét lớn vào tai do nhạc to phía sau sân khấu. Hai em đều bị khiếm thị bẩm sinh.

Mỗi đêm diễn, đoàn nhận được sự ủng hộ của người dân từ 2-3 triệu, đêm nào nhiều có thể được 4 triệu, ít thì cũng hơn 1 triệu đồng. Theo em Linh (22 tuổi) – phụ trách hòm quyên góp từ thiện đội 2 của đoàn, trung bình mỗi đêm đội của Linh nhận được ủng hộ từ 4-5 triệu. Có những đêm được diễn tại công viên, nơi có đông người dân thì con số ủng hộ có khi lên đến cả 10 triệu. Thế nhưng, đó là những đêm diễn đếm trên đầu ngón tay vì không phải lúc nào đoàn cũng được cấp phép diễn tại các công viên lớn. "Mỗi đội nhận được ủng hộ của người dân khoảng 50-60 triệu/tháng. Tổng cả hai đội hiện tại của đoàn Thăng Long đi lưu diễn bình quân nhận được đều đặn khoảng 100 triệu/tháng. Số tiền này được trích một phần về Quỹ từ thiện da cam/dioxin của phường nơi đoàn lưu diễn, một phần nộp về Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội; mỗi năm đoàn Thăng Long nộp cho quỹ của thành phố từ 100-130 triệu. Đây là con số được duy trì đều đặn hàng năm. Cả hai đội hiện tại của đoàn Thăng Long đều không diễn cố định tại 1 địa điểm mà thường thay đổi nhiều nơi trên địa bàn thành phố" - ông Lộc cho biết


Với mỗi “ca sĩ” khuyết tật sau mỗi đêm diễn đều nhận được cát xê xứng đáng. Ở đội số 1 – đoàn Thăng Long, 3 “ca sĩ” khuyết tật gồm “chàng lùn” Bùi Hồng Điều (sinh năm 1989, quê Hoà Bình) dị tật bẩm sinh, Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1993, quê Thường Tín, Hà Nội) khiếm và Đặng Tú Tài (sinh năm 2001, quê Hà Nội) khiếm thị đều nhận “cát xê” 200 nghìn đồng/ đêm diễn. Riêng các trường hợp khác thì lại được trả lương cố định hàng tháng. Hai “nghệ sĩ” không chuyên là Ngô Thuý Lại (sinh năm 1963, quê Bắc Ninh) và Lê Phương Bắc (sinh năm 1965, quê Bắc Ninh) là những liền chị quan họ được trả lương 4 triệu đồng/tháng.

Chị Thuý (trái) và chị Bắc chuẩn bị bữa ăn đêm cho cả đoàn sau đêm diễn. Trên khuôn mặt chị Thuý còn chưa kịp tẩy trang. 

Hai chị không chỉ tham gia diễn cùng các em khiếm thị mà còn phải lo phục vụ cơm nước, giặt giũ và hỗ trợ các em khiếm thị sinh hoạt cá nhân cũng như các công tác hậu cần của đoàn. Em Bùi Thị Nhàn (sinh năm 1986, quê Hào Bình) bị câm bẩm sinh cũng theo đoàn làm công tác hậu cần cũng được trả lương 4 triệu/tháng. Anh Toàn (lái xe) cũng được trả 4,5 triệu/ tháng, ngoài việc lái xe phục vụ đoàn đi lưu diễn, anh Toàn cũng tham gia vào công tác hậu cần. Nhạc công Hoàng Đức Cường (quê Chương Mỹ, Hà Nội)  không sinh hoạt cùng đoàn mà ở tại nhà riêng,  được trả 5 triệu đồng/ tháng. 


Sau 20 năm thành lập, Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long đã lập nên “sân khấu nhân đạo”, luôn sống bằng cái tâm trong sáng nhất. Đoàn không chỉ giúp những trẻ em khuyết tật sống có ích mà còn chắp cánh ước mơ cho các em sống có ý nghĩa với những khả năng của mình. Tính đến hiện tại, đoàn Thăng Long đã nuôi dạy hơn 300 trẻ. Có những em đã rời đoàn và có được tương lai tốt đẹp từ “sân khấu tình thương”. Những năm qua, nhiều em trưởng thành và rời đoàn đến những nơi sáng lạn hơn, như một cô bé ăn xin đã trở thành chủ 3 tiệm bánh ngọt tại Hà Nội, hay đó là chàng trai giờ đã là sinh viên Nhạc viện Hà Nội hay cả những  mảnh đời đã nên duyên chồng vợ từ tay “ông mối Lộc”. 

 Đêm đã quá khuya, chúng tôi chia tay các thành viên Đoàn Thăng Long với cảm xúc trộn lẫn: Mừng cho hàng trăm mảnh đời  cơ nhỡ, khuyết tật tìm được một mái ấm, đã được giúp đỡ, phát lộ những khả năng  ca hát, biểu diễn để họ vừa thỏa niềm đam mê ca hát, lại vừa có thêm thu nhập  cho chính mình và giúp đỡ gia đình. Nhưng cũng lo, bởi, hiện, trên các con phố ở Hà Nội xuất hiện nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật của người khuyết tật, giống mô hình của Đoàn Thăng Long. Tuy vậy, phương thức hoạt động, nội dung biểu diễn, việc tài chính... như thế nào thì hình như đều nằm ngoài tầm của cơ quan quản lý nhà nước.

Trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc  Sở VHTT Hà Nội, thì được biết: “Những đoàn nghệ thuật nhân đạo biểu diễn ở các tuyến phố Hà Nội là loại hình nghệ thuật quần chúng nên không phải xin phép Sở VHTT. Tuy nhiên, đơn vị quản lý những buổi biểu diễn này thuộc chính quyền địa phương (phường, xã, quận, huyện), nơi có các đoàn nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn. Các phường trên địa bàn thành phố sẽ là đơn vị quyết định có cho phép các đoàn được lưu diễn hay không.  Vì không quản lý các đoàn nghệ thuật nhân đạo này nên Sở VHTT Hà Nội không thể nắm được số lượng cụ thể..." Ông Động cũng cho biết, thời gian tới, ngành VHTT sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật này. Bởi bên cạnh những đoàn nghệ thuật nhân đạo biểu diễn rất có ý nghĩa thì có những đoàn lạm dụng việc này để tổ chức với mục đích xin tiền. 

Phóng sự của Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng, tập trung phát triển đường bộ cao tốc

Đặng Tiến |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng năm 2023, tập trung phát triển đường bộ cao tốc và nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.