Phóng sự dự thi:

Hướng Dương - Tình yêu ban sớm - Kỳ 2: Giọng ai đang cất lên, xin đừng im lặng!

Nguyễn Trung Hiếu |

Hơn 15 năm tự nguyện phụng sự xã hội vô điều kiện, với người khoẻ mạnh đã là một quãng đường dài, huống gì một cô gái không còn lành lặn, bắt đầu với đôi bàn tay trắng như Hướng Dương, thì quả là chỉ có một phép màu nhiệm mới giúp em vững bước trên hành trình đầy chông gai, thậm chí khổ hạnh. Bên cạnh Thư viện Sách nói băng đĩa, Hướng Dương cùng các bạn còn xây dựng một kho sách nói online, với hai phiên bản, dành cho người mù và cả cho người bình thường. Song song đó, một tủ sách nói Phật pháp cũng được hình thành với hơn 150 đầu sách, 2.300 pháp âm và 165 album các loại, phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm hiểu đạo Phật của đại chúng.
Bàn tay trắng và chiếc cassette cũ
Phật pháp đã giúp Hướng Dương tự chữa được tâm bệnh và lấy lại thăng bằng cuộc sống. Bằng sự quen biết, cha, mẹ cũng đã tìm được cho em một chỗ làm ổn định - phát thanh viên cho một đài phát thanh, vừa với sức khỏe, lại phù hợp với chất giọng khoẻ mạnh, truyền cảm trời phú. Nhưng với Hướng Dương, sự “ổn định” đó không làm em yên lòng! Theo em, đi trên đôi chân người khác, đó là tồn tại chứ không phải là sống.

Nhớ lần đến trường mù Nguyễn Đình Chiểu, có cô bé mang cuốn sách đến thỏ thẻ: “Làm ở đài phát thanh, chị đọc và đưa cuốn sách này lên sóng cho em cùng các bạn nghe với”. Đề nghị đột ngột của cô bé mù như một tia chớp sáng bừng, gợi nhanh cho em ý nghĩ: Tại sao không đọc những cuốn sách vào băng để nhiều em nghe hơn? Nghĩ rồi, ngay hôm đó em tìm mua một máy cassette cũ. 

Kinh tế cũng không dư giả gì, em xin băng nhựa từ khắp bạn bè về và bắt đầu đóng cửa thu âm những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Máy móc cũ kỹ, nhưng em đọc bằng cả tấm lòng, nên chất lượng dù chưa như mong muốn, nhưng mang lại kết quả vượt xa sự mong đợi. 

Sau đó, nhiều trung tâm khiếm thị tìm đến xin in sao các cuốn sách nói, cho nhiều người cùng được nghe. Đó là năm 1988! Ít lâu sau, đĩa CD ra đời tạo điều kiện thuận lợi rất lớn trong việc in sao và phát hành. Em chắt bóp tiền từng buổi ăn sáng để mua băng đĩa, in ra gửi tặng các trường mù. Có doanh nghiệp nghe vậy, cảm động mang đến ủng hộ hàng ngàn đĩa CD mỗi năm. Nhu cầu lớn quá, Hướng Dương quyết định thôi hẳn việc ở đài phát thanh, dành hết tâm huyết cho tủ sách nói. Và dự án Thư viện Sách nói đã bắt đầu từ chiếc máy cassette cũ như vậy.

 

 Hướng Dương và một em bé khiếm thị.

Trong quá trình tiếp xúc với các em khiếm thị, Hướng Dương phát hiện ra một khoảng trống rất lớn, đó là sách giáo khoa cho người mù bằng chữ nổi Braille rất hiếm. Ngay lập tức, một danh mục sách giáo khoa, giáo trình được em cùng các tình nguyện viên bổ sung vào thư viện, nâng bước cho các học sinh mù tự tin đến dự các lớp học của người sáng mắt. 

Lê Thị Nhung - sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm TPHCM - tâm sự: “Những người khiếm thị như chúng em, trước đây lạc lõng giữa một thế giới khác, không biết gì về những điều xảy ra trong cuộc sống xung quanh..., sống một đời buồn tủi, khép kín. Từ khi có sách nói, em có thể hình dung thế giới tươi đẹp; em có thể đến trường học tập hoà nhập cùng các bạn mà không còn tự ti... Em thi đậu vào đại học, theo kịp chương trình học cũng là nhờ những quyển sách nói giáo khoa”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long - một nghiên cứu sinh khiếm thị - nhận xét: “Với việc xuất bản hàng nghìn đầu sách nói từ sách văn học, khoa học cho đến sách giáo khoa các cấp, giáo trình đại học, Thư viện Sách nói đã là người bạn đồng hành của người khiếm thị trên con đường học vấn”.
Tâm Phật đến với cộng đồng

Sống và chia sẻ với cộng đồng những người khiếm thị, Hướng Dương hiểu thêm một điều, tri thức chưa đủ làm con người sống hạnh phúc. Đặc biệt với thế giới của người mù, sự thiệt thòi, khiếm khuyết của cơ thể càng làm nội tâm của các em phức tạp. Với những chứng nghiệm đời mình đã trải qua, em nghĩ con đường đi đến giải thoát khỏi những xung động cho người mù, không gì hay hơn là chuyển tải đến họ kiến thức về Phật pháp. Và trang sachnoiphatphap.com ra đời. 

“Lắng nghe bài học về nhân quả hay những phương pháp tìm thấy hạnh phúc như lời đức Phật dạy là một trong những liệu pháp hữu hiệu để tạo niềm tin cho bản thân, để ta thấy cuộc đời vẫn đẹp biết bao nếu ta chịu mở lòng, chịu xây dựng”. Đó là ước muốn mà trang Phật pháp online muốn chuyển tải.

Từ thứ hai đến thứ sáu, Hướng Dương và các tình nguyện viên dành cho Thư viện Sách nói; các ngày nghỉ lễ, thứ bảy, chủ nhật thì mình em thu âm sách nói Phật pháp tại nhà. Một máy vi tính kết nối với một sound card thu âm, em làm việc một mình, vừa đọc vừa tự điều khiển máy. Sau đó mang đi in sao, gửi đến địa chỉ cần thiết và cúng dường các chùa. “Nghe hết pháp âm này, người ta lại trông chờ, đón nhận pháp âm tiếp theo. Một đầu sách mình phải chia thành nhiều pháp âm để người nghe tiện theo dõi và cho ra sản phẩm liên tục để người nghe không bị gián đoạn” - Hướng Dương kể.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên website: sachnoiphatphap.com, đã có hơn 200 bản sách, với 2.300 pháp âm, 165 album thuộc tất cả các thể loại. Hằng ngày có khoảng 2 đến 3 trăm người vào nghe, tải về máy. Chính những đóng góp miệt mài, tận tâm tận lực và hết sức mình trong suốt thời gian qua cho cộng đồng, Hướng Dương là người duy nhất được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh danh hiệu “Người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất” vào năm 2013.

 

Ngôi nhà của Thư viện Sách nói hiện nay quá xuống cấp. 
Một tương lai mới

Trong 15 năm qua, Thư viện Sách nói dành cho người mù đã đọc thu âm 1.500 tựa sách, in ra hàng triệu băng cassette, đĩa CD để gửi về Hội Người mù tất cả các tỉnh, các trường THPT đặc biệt dành cho người khiếm thị. Những cuốn sách đặc biệt đó đã giúp hàng trăm ngàn người khiếm thị trên cả nước được tiếp cận với tri thức, phát triển bản thân và hoà nhập với xã hội. Đến nay, cộng đồng khiếm thị đã có gần 200 người đang theo học bậc đại học, 92 người đã tốt nghiệp, 2 người có bằng thạc sĩ... 

Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ Thư viện Sách nói. Bởi, những thanh niên khiếm thị này đều là những người trưởng thành trong thời gian thư viện hoạt động và nhận sự hỗ trợ tài liệu cũng như học bổng từ thư viện. Hướng Dương tâm sự: “Sách nói đạt được chút thành quả trong những năm qua là nhờ vào rất nhiều ân nhân ủng hộ tinh thần, vật chất và đội ngũ tình nguyện viên đọc thu âm. Nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ tài chính, cơ sở cho thư viện hoạt động”.

Thư viện Sách nói có đến hơn 40 tình nguyện viên thường xuyên giúp thu âm sách. Họ là những phát thanh viên, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch... làm mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào. Chính nhờ đội ngũ này mà nay đã có đến hơn 1.300 tác phẩm được thu âm, chuyển đến người khiếm thị trong cả nước. 

Tình nguyện viên lâu năm của thư viện, anh Bá Trung - Phó GĐ Trung tâm nghiệp vụ Đài Truyền hình TPHCM - nói: “Tôi muốn chia sẻ với những người thiếu may mắn hơn mình trong cuộc sống. Và Thư viện Sách nói là một cơ hội để tôi làm điều đó. Vì vậy, tôi tham gia từ những ngày đầu và đến nay 15 năm rồi vẫn say sưa với dự án này”. 

Chị Trần Hoàng Anh - hướng dẫn viên du lịch Thanh Niên - cho biết lý do tham gia: “Việc gì có ý nghĩa thì nên làm! Có lần tôi đọc báo thấy viết về thư viện sách nói. Cảm động với tấm lòng và công việc của chị Hướng Dương, nên tôi tham gia đến nay đã 8 năm”.

Hôm cuối năm 2013, em điện thoại cho tôi với giọng khá phấn khích. Thành phố đã cấp cho Thư viện Sách nói một ngôi nhà rộng hơn 120m2. Tôi vui với em, vì từ ngày Thư viện Sách nói ra đời, có đến 4 lần phải dời “nhà”, 7 lần dời phòng bá âm. Nhưng đến thăm, lòng tôi tràn ngập nỗi thất vọng. Ngôi nhà xập xệ, xuống cấp đến mức không biết đặt chiếc bàn làm việc ở đâu. Đứng giữa ngôi nhà trống hoác, đầy gạch vữa dở dang, Hướng Dương vẫn say sưa vẽ lên viễn cảnh, nơi này đặt phòng bá âm, nơi kia làm phòng nghe cho trẻ khiếm thị... 

Tôi hỏi: “Tiền đâu em xây?”. Ngập ngừng một chút, em vẫn nói với giọng lạc quan: “Cứ cố gắng rồi mọi việc sẽ tốt đẹp, em sẽ đi khắp nơi để kêu gọi giúp đỡ!”. Nói rồi, em đưa cho tôi lá thư của em Đỗ Thị Bốn - sinh viên khiếm thị Trường Cao đẳng Mẫu giáo - gửi gắm với lời lẽ động viên cảm động: “... Hỡi giọng ai đang cất lên xin đừng im lặng; hãy cứ vang lên để những con người trong đêm đen cảm nhận được cuộc sống muôn màu. Hỡi những ai đang sưởi ấm hãy cứ tiếp tục đi; đừng để cho thế gian này trở nên lạnh giá!”.

Biết là giữa một đô thị “người khôn, của khó” này, lãnh đạo TPHCM cấp được căn nhà cho thư viện có chỗ làm việc ổn định đã là một biệt đãi. Nhưng với đôi bàn tay trắng, hoạt động mang tính thiện nguyện thuần túy thì Hướng Dương và các tình nguyện viên lấy đâu kinh phí để sửa chữa, xây dựng lại cho khang trang? Do vậy, nhà thì có đó, nhưng Thư viện Sách nói vẫn chịu cảnh ăn nhờ, ở đậu, nay nơi này, mai chỗ khác...
 

Nguyễn Trung Hiếu
TIN LIÊN QUAN

Hướng Dương - tình yêu ban sớm

Nguyễn Trung Hiếu |

Kỳ 1 - Tình yêu cuộc sống Khó ai hình dung nổi, có một cô gái trẻ, sau biến cố khủng khiếp do tai nạn đã tự đứng lên và bước đi theo cách của mình. Cô không chỉ sống lạc quan cho mình, mà suốt 18 năm qua còn thầm lặng mang lại ánh sáng diệu kỳ cho cuộc sống người khiếm thị qua những cuốn sách nói. Hàng nghìn trẻ em bất hạnh nhờ đó đã bước vào giảng đường đại học, nhiều em còn nổi bật, giành được học bổng, du học tận Úc, Anh… Đó là câu chuyện về tình yêu cuộc sống của Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù...

Dòng xe nối nhau trở về Hà Nội, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài

Phương Anh |

Từ chiều đến khuya mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do lượng lớn các phương tiện đổ dồn về thủ đô sau kỳ nghỉ Tết khiến cho giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Thiên đường của loài mèo

Thanh Hà |

Trong thành phố cổ từng do các sultan và hoàng đế cai trị, đế vương thực sự là những con mèo khiêm nhường đang lang thang khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm.

Quảng Ninh: Khởi đầu cho mục tiêu 12,5 triệu khách du lịch năm 2023

Đoàn Hưng |

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhờ dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và thời tiết thuận lợi, các điểm đến của Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận lượng khách tăng mạnh.

Áp lực lạm phát đè nặng trong năm 2023

Hương Nguyễn |

Bài toán lạm phát tiếp tục là câu chuyện khó đối với những nhà điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định gì về lạm phát trong năm 2023.

Chưa hết Tết, giao thông cửa ngõ Thủ đô đã căng thẳng

Nhóm PV |

Ngày 25.1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), dù chưa hết kỳ nghỉ Tết nhưng lượng người đổ về trung tâm Hà Nội tăng đột biến khiến các cửa ngõ nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Áp lực việc nhà ngày Tết: Chị em phụ nữ cần được san sẻ

MINH HÀ - ĐỨC TRUNG |

Theo chuyên gia tâm lý Tuệ An, để giảm bớt gánh nặng việc nhà trong ngày Tết, chị em phụ nữ không nên tạo áp lực nặng nề cho mình, tích cực làm việc nhưng cũng cần biết tự giải phóng bản thân. Đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm tham gia tổ chức sinh hoạt trong những ngày tết chứ không phải riêng gì chị em phụ nữ.

Người nghệ nhân với hành trình nâng cao vị thế phụ nữ Mông

Nguyễn Tùng |

Hà Giang - Không chỉ đưa thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình ra với thế giới, nữ nghệ nhân Vàng Thị Mai còn giúp thay đổi cuộc sống và nâng tầm vị thế của hàng trăm người phụ nữ Mông nơi cao nguyên đá.

Hướng Dương - tình yêu ban sớm

Nguyễn Trung Hiếu |

Kỳ 1 - Tình yêu cuộc sống Khó ai hình dung nổi, có một cô gái trẻ, sau biến cố khủng khiếp do tai nạn đã tự đứng lên và bước đi theo cách của mình. Cô không chỉ sống lạc quan cho mình, mà suốt 18 năm qua còn thầm lặng mang lại ánh sáng diệu kỳ cho cuộc sống người khiếm thị qua những cuốn sách nói. Hàng nghìn trẻ em bất hạnh nhờ đó đã bước vào giảng đường đại học, nhiều em còn nổi bật, giành được học bổng, du học tận Úc, Anh… Đó là câu chuyện về tình yêu cuộc sống của Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù...