Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ) cách thành phố Hà Giang hơn 40km. Đây cũng là một mô hình làng nghề kết hợp với du lịch cộng đồng rất thành công, giúp thay đổi cuộc sống cho hàng trăm phụ nữ Mông.
Được thành lập từ năm 2001 với 10 hội viên cùng vỏn vẹn 13 triệu đồng tiền vốn. Thu nhập lúc đó cũng chỉ vài trăm nghìn/tháng, đến nay số hội viên của hợp tác xã Lùng Tám đã lên đến hàng trăm chị em. Toàn bộ đều là những người phụ nữ Mông trong vùng.
Chị Sùng Thị Pà cho biết, đã là phụ nữ Mông thì ai cũng phải biết dệt vải lanh, thổ cẩm. Bản thân đã biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi nhưng cũng chỉ là tự làm những bộ quần áo cho các thành viên trong gia đình.
"Trước kia, người người trong thôn vẫn bảo chỉ trồng ít cây lanh để làm vải, còn lại phải trồng ngô, trồng sắn. Nhưng từ ngày có hợp tác xã, lại thấy làm được ra tiền nữa nên chồng mình cho trồng lanh rồi" - chị Pà chia sẻ.
Chỉ riêng tại trụ sở Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lùng Tám đã có gần 30 phụ nữ thường xuyên làm việc. Ngoài ra, vẫn còn gần 200 phụ nữ Mông tại các thôn bản, xã lân cận nhận việc về nhà làm.
Để có được điều đó là cả một hành trình đầy khó khăn của những người phụ nữ Mông, đặc biệt là với riêng nghệ nhân Vàng Thị Mai - người sáng lập ra Hợp tác xã Lùng Tám.
Bà Mai cho hay, mức thu nhập trung bình của chị em khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Vào hợp tác xã làm việc giúp những phụ nữ Mông tự làm ra kinh tế, chủ động được nguồn thu nhập, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội cũng được nâng lên.
Nhưng không phải ai cũng hiểu và nghe ngay. Bà Mai nhớ lại: "Thời gian đầu đi vận động chị em vào hợp tác xã khó lắm, họ chưa tin mình. Rồi phong tục của người Mông trước nay thì lại không cho người phụ nữ ra ngoài làm việc, các ông chồng không hiểu đâu".
Rồi những người phụ nữ Mông đầu tiên "mạo hiểm" vượt qua những định kiến, phong tục lâu đời để đến nhà bà Mai làm việc. Người ta nhìn thấy sản phẩm, nhìn thấy có thu nhập, suy nghĩ cũng dần thay đổi.
Nghệ nhân Vàng Thị Mai chia sẻ: "Từ không bao giờ đồng ý cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, đến nay những ông chồng người Mông đã khác. Khi có hội chợ ở thành phố hay dưới Hà Nội, chị em đều được tạo điều kiện cho đi xa cả tuần mà không gây khó dễ".
Với những đóng góp đó, năm 2017, bà Mai được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 gương mặt phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Bà cũng là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu vừa được biểu dương tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc.
Hiện toàn tỉnh Hà Giang đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 400 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế, 37 tổ phụ nữ khởi sự kinh doanh, hỗ trợ trên 130 phụ nữ khởi sự kinh doanh theo hình thức phát triển kinh tế hộ.
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết, việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, giải quyết căn bản bất bình đẳng giới; Mở ra cơ hội, tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Đồng thời, trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc cũng chính là nâng cao vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng. Từ đó, khơi dậy tiềm năng vốn có của phụ nữ, đây cũng chính là cơ hội và nguồn lực để các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc vươn lên.