Hành trình Lào và những gương mặt Việt

Trần Quang Quý |

Chúng tôi đến Luang Prabang ngày 17.4.2016 sau 50 phút bay. Trước chuyến đi, nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào - đã phôn cho một doanh nhân Việt kiều là Khăm Hùng (tên Lào: Khamhung Saychalon), còn gọi là Hùng thép, vì anh là giám đốc công ty cán thép lớn nhất Lào, nhờ đón đoàn, lập trình những nơi cần đi.

Người ta bảo “Chưa đến Luang Prabang là chưa đến Lào”. Thành phố với những dãy phố cổ tập trung ở trung tâm, nằm giữa hợp lưu sông Mekong và Namkhan. Những ngôi nhà cao không quá hai tầng, kiến trúc gần giống phố cổ Hội An. Từ khách sạn Hoa Ban (Dok Ban) của ông chủ người Nghệ vào trung tâm phố cổ chừng 3km, nơi tập trung các nhà hàng ẩm thực, khách sạn, nhà vườn, cửa hàng vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, thời trang, hàng thổ cẩm, đồ lưu niệm, đặc biệt là vẻ đẹp của các đền chùa cổ kính, hoàng cung lộng lẫy… và một chợ đêm sầm uất, họp từ 17 giờ tới 22 giờ đêm trên phố đi bộ Sisavangvong.

1. Thoạt đầu, từ một nơi náo nhiệt như Hà Nội đến Luang Prabang bé nhỏ trong thung lũng rộng chỉ chừng 25ha, giữa ngày nắng nóng lên 40 độ C, đường phố còn nhiều nét hoang sơ, thì cố đô có vẻ tẻ lặng. Nhưng phải “sống chậm” với nhịp sống quen thuộc của Lào như có người ví, nó đủng đỉnh như những đàn voi, biểu tượng của Vương quốc Vạn Tượng và khám phá phố cổ, đền đài, cảnh núi non, hang động, tháp nước và dòng Mekong xanh khi chưa mùa mưa, mới bắt đầu “mê” dần và đến thích thú Luang Prabang.

 Tác giả với doanh nhân Việt kiều Khăm Hùng (áo sáng) ở chùa Ho Phra Keo, Vientiane.

Nhà văn Tạ Duy Anh khó tính, lúc đầu chê ỏng eo, rồi cũng phải thốt lên: “Đẹp! Đã bắt đầu mê Luang Prabang”. Bạn sẽ không nghe tiếng còi xe ầm ỹ, chen lấn như Hà Nội và những đô thị Việt Nam. Sáng nào cũng vậy, vào lúc 6 giờ những nhà sư trẻ đi thành hàng đoàn khất thực dọc các con phố trung tâm như một nghi lễ. Nhiều gia đình, kể cả khách Âu - Mỹ cũng mang xôi, bánh kẹo, nước ngọt… ngồi xếp bằng trên chiếu, thảm trải vỉa hè từ tinh mơ chờ để dâng vật phẩm, làm những nghĩa cử của tình thương yêu, chia sẻ và cả tâm linh, cầu cho sự bình an của gia đình mình. Nhưng các nhà hàng, cửa hiệu, chùa chiền, Bảo tàng Quốc gia… phải 9 giờ sáng mới mở cửa. Bạn không thể tìm đâu một cửa hàng ăn uống, cà phê… vào lúc hơn 7 giờ sáng. Người Lào cứ thong thả sống như vậy, không việc gì phải gấp gáp, phải thức khuya dậy sớm dù là thành phố du lịch. Những thành phố du lịch của nhiều quốc gia đều có các khu phố “tận thu” bằng hoạt động 24/24 giờ. Nhưng cái sự “lười” ở Lào là cứ ngủ cho đẫy giấc. Muốn đón xe ra phố cổ phải ra đường vẫy xe tuk tuk, 30.000 kip cho quãng đường 2-3km (hơn 80.000 VND). Tịnh không có một bóng taxi. Muốn dạo phố cá nhân có thể thuê xe đạp hoặc xe máy. Giá cả dịch vụ, ăn uống… ở Lào phần lớn đắt đỏ hơn Việt Nam. Tối thiểu như tiền đi vệ sinh cũng đắt gấp 3 lần.

Có đêm, thèm đi uống cà phê và ngắm đêm, chúng tôi thuê một xe tuk tuk chạy vòng từ ven sông Namkhan sang bờ Mekong, vào các phố cổ lúc 21 giờ mà không thể tìm được quán cà phê nào, chỉ còn một số quán bia, hàng ăn là lai rai… nhưng cũng không quá khuya. Thế giới ẩm thực sôi động, bình dân là cuối chiều ở những con ngõ nhỏ chợ đêm. Rất nhiều loại bánh trái, hoa quả, chè, xôi nếp… đặc biệt mùi cá nướng của Mekong thơm nức, hấp dẫn xếp từng vỉ trên bếp than đỏ rực trong ngõ ẩm thực, đi qua mà rỏ nước miếng.

2. Luang Prabang cũng là nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Lào vào năm 1995. Hơn 30 công trình kiến trúc hoàng gia tráng lệ, trong đó nổi bật nhất là Hoàng cung; gần 40 đền, chùa của các thế kỷ khác nhau, các dãy phố cổ đan xen giữa nhà gỗ truyền thống Lào với các kiến trúc Châu Âu đã bầu nên di sản thế giới này. Chúng tôi chỉ đi thăm Hoàng cung và hai ngôi chùa cổ, kiến trúc lộng lẫy, được coi là linh thiêng: Chùa Mai (Wat Mai) gần Hoàng cung và Xiêng Thông (Wat Xieng Thong). Leo 328 bậc lên đỉnh núi Phú Sĩ (Phousi), ngay bên chợ đêm, ngắm nhìn toàn cảnh Luang Prabang lúc chiều tà ẩn hiện trong thiên nhiên tươi xanh và dòng Mekong lấp loáng xa xa.

Khi xuống núi vào chợ đêm, tôi và Tạ Duy Anh tình cờ gặp lại một chị người Việt mà ngay hôm đầu đến Luang Prabang chúng tôi đã gặp. Người phụ nữ quê Hải Dương sang đây đã 10 năm và làm nghề bán kem dạo (xe đẩy) trên phố đi bộ Sisavangvong và trước cổng chợ đêm. Chị cũng “câu” được vài người nhà sang đây làm ăn. Chị bảo, cuộc sống cũng tạm ổn, tất nhiên phải hơn ở quê thì mới phải bươn chải xa nhà như vậy. Tôi biết, quê tôi cũng có những phụ nữ sang tận đây buôn tóc, nghe nói “trúng lắm”, mang tiền về xây nhà lầu, tậu xe đẹp rần rần cả. Chị bán kem giống như phần lớn người Việt, chiếm khá đông số người Việt ở Lào, họ chỉ sang làm ăn những năm gần đây, ở rất nhiều nghề khác nhau: Nghề bạc của Đồng Sâm (Thái Bình), buôn bán nhỏ, thu mua phế liệu, thợ mộc, phu mỏ, làm cầu đường, nhiều nhất là thợ xây dựng và công nhân làm ở các công ty của người Việt.

Những người Lào gốc Việt ở Luang Prabang thế hệ đầu tiên định cư từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, do thời thế loạn lạc, do đói kém mưu sinh tìm đường sang Thái, sang Lào… Người Việt vốn chăm chỉ, căn cơ, tính toán nên nhiều người khá giả, giàu có. Có rất nhiều người Việt ở thế hệ tiền khởi ấy, đa số họ thất học, tìm đường xuất ngoại làm ăn hoặc né loạn lạc thời thuộc Pháp, đi bộ hàng tháng trời mới đến được Luang Prabang, khởi nghiệp gánh cát, sỏi thuê cho chủ xây dựng, làm thợ may, thợ mộc… giờ vẫn định cư ở đây và gia đình con cháu đều khá giả, dù sau 1954 và 1975 khá nhiều người Việt khác cũng di tản sang các nước Âu - Mỹ. 

Báo chí Việt Nam những năm qua cũng thường nhắc đến những thế hệ gia đình người Việt tha hương những năm 40 mà giờ con cháu họ làm ăn, buôn bán có nhiều cửa hiệu ở trung tâm, ở các phố lớn như gia đình cụ Nguyễn Văn Vi (quê gốc Hoa Lư, Ninh Bình), bố mẹ sang Lào năm 1940 và sinh cụ tại Xiengkhoang; ông Chu Văn Phúc (Phúc Vilaysac - quê ở Ninh Bình), bố mẹ sang Lào trước năm 1930; ông Phạm Văn Tỵ - chủ một trong hai tiệm vàng lớn của người gốc Việt ở đường Sisouphanh…

Có số liệu nói có khoảng 600 người Lào gốc Việt, qua 4 thế hệ con, cháu định cư ở Luang Prabang, không tính người Việt không quốc tịch Lào. Nhiều con cháu họ ngày nay cũng đi du học ở Pháp, Mỹ, Australia và cả Việt Nam. Tuy nhiên, thế hệ người Việt thứ tư đã vơi tiếng Việt lắm.

3. Chúng tôi rời cố đô trên chiếc xe khách cũ, khá ỳ ạch. Từ Luang Prabang về Vientiane khoảng 425km nhưng đường đồi dốc quanh co, lại có một vài điểm đá sạt lở còn để lại vết tích trên đường nên cũng phải chạy mất 10 giờ. Lào đất rộng, rừng nhiều, dân thưa, có lẽ cũng vì vậy nên dân không phải cạnh tranh, cứ thế mà “săn bắn, hái lượm” của thiên nhiên… là một phần làm nên lối sống thong dong, hiền hòa của con người nơi đây. Tất nhiên, văn hóa mang tính Phật và những chùa chiền tôn nghiêm dày đặc có lẽ là nhân tố chính làm nên tính cách Lào. Tuy nhiên, dọc hai bên quốc lộ giờ chủ yếu là núi, đồi trọc, cây thưa thớt, không biết vào sâu hai bên đường có còn cánh rừng nguyên sinh nào không? Lại nhớ những năm chiến tranh, Lào cho mượn cả chiều dài hơn 700km đường rừng phía Tây Trường Sơn cho những đoàn quân ta vào Nam kháng chiến. Nói về tình nghĩa đặc biệt Việt - Lào, kề vai sát cánh trong chiều dài lịch sử là cả một thiên chuyện sinh động.

 

Trong nhà máy thép của ông Khăm Hùng. 

Chúng tôi phải thay ba lần xe mới về được khách sạn Chaleunxay ở trung tâm Vientiane, gần chợ Sáng (Morning Market). Sợ nhất là cái xe khách cũ kỹ khi còn cách Vientiane 43km thì bốc khói khét lẹt. Mọi người hoảng sợ chạy túa khỏi xe, tuột cả giày dép, áo quần xộc xệch. Lái xe nói trọ trẹ được tiếng Việt bảo phải đợi hơn 30 phút cho nguội máy. Thì ra xe cũ, chạy ghì gẫm đường đồi núi, phải phanh nhiều, sang số lắm nên nó vậy. May mà chúng tôi quyết định lấy đồ và vẫy được chiếc xe 9 chỗ, sau đó là đi tiếp xe tuk tuk từ bến xe vào thành phố. Xem lại lịch xuất hành thấy ghi ngày này là ngày rất xấu.

4. Khăm Hùng đã chờ ở khách sạn. Anh đặt phòng và dẫn chúng tôi đi ăn tối ở Quán ngon Hà Nội. Anh tự lái chiếc xe sang 7 chỗ Lexus 570, biển 6888. Hùng có 4 xe đuôi 888 như vậy. Biển xe này có giá 5.000 USD. Ở trung tâm thủ đô thấy rất nhiều xe sang và biển đẹp. Vô số những biển “tứ quý”: 8888, 6666, 5555, 3333, 9999… Khăm Hùng bảo, riêng biển 9999 có thể bằng tiền mua được một chiếc xe sang khác. Thế mới kinh! Những số xe ấy chỉ các đại gia, quan chức lớn và con cháu họ mới có. Cũng không thấy ở Vientiane có taxi. Phương tiện công cộng bình dân vẫn là tuk tuk. Hùng bảo, hầu như nhà nhà đều có ôtô, hoặc chạy xe máy nên chẳng dùng taxi làm gì; xe để ngay vỉa hè mà không sợ trộm cắp. Giá một chiếc ôtô ở Việt Nam có thể mua gần hai xe cùng loại ở Lào và ba xe ở Campuchia. Trật tự giao thông cũng tuần tự mà đi, không còi xe, chen lấn. Giờ cao điểm, cũng đã thấy một số tuyến phố kẹt đường, nhưng không hỗn độn luồn lách như xứ mình.

Người Lào thật thà, tốt bụng. Hầu như ai cũng có cái nhìn giống thế. Một người lính, cựu binh chiến trường Lào, lấy vợ Lào nói, ở Lào không có chuyện vợ chồng cãi cọ, đánh lộn. Nếu có vợ chồng đánh lộn thì chắc chắn không phải là người Lào - anh cười hóm hỉnh. Quả là một xã hội thật trong lành. Một nhà văn ở Hà Nội có lần nhận xét dí dỏm: “Lào có thể tiến lên như Mỹ nhưng Mỹ khó có thể tiến được như Lào”.

Buổi chiều cuối ở Vientiane Hùng đưa chúng tôi đi thăm chùa Ho Phra Keo, ngôi chùa nổi tiếng có bức tượng Phật bảo vật quốc gia bị người Thái chiếm đoạt, nay đã đòi lại được; thăm chùa Wat Si Muang, ngôi chùa xây năm 1566 trên 2ha, được coi là nơi linh thiêng nhất ở thủ đô, người dân thường đến cầu phúc, cầu bình yên, an lành; đi thăm Bãi Phật (cách trung tâm 22km), thăm công ty thép của Khăm Hùng và That Luang, còn gọi là Chùa Vàng, biểu tượng lộng lẫy của Vientiane. Vientiane cũng tương tự như Luang Prabang, nhưng nhiều hơn, là nơi tập trung những chùa chiền cổ lộng lẫy thếp vàng son và nổi tiếng của một đất nước Phật giáo có 2.000 ngôi chùa. Với số dân gần 7 triệu thì mật độ chùa ở Lào cao nhất thế giới.

Ở Lào, nhiều người Việt giàu có, thành đạt bởi người dân sống thân thiện, không dòm ngó, ganh ghét, đố kỵ. Người bình dân sống ngay bên nhà một vị tướng hay một người giàu có cũng như nhau, coi như “không biết”. Cuộc sống thân thiện, sống chậm, bằng lòng với thế phận mình, làm nên đức tính Lào, sự yên lành Lào. Chính điều ấy là môi trường rất thuận lợi cho những người Việt chăm chỉ, năng động, biết tính toán làm ăn.

5. Theo Khăm Hùng, người Việt ở Lào có khoảng 50.000 người, riêng Vientiane có 8.000 người, trong đó có 500 người Việt đồng hương Xiengkhoang ở thủ đô và có Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhoang, họ sinh hoạt, giao lưu văn nghệ vào thứ 6 hằng tuần. Khi anh Tạ Minh Châu đương nhiệm Đại sứ ở Lào, phong trào thơ ca, văn nghệ rất phát triển. Khăm Hùng còn có vài bài thơ được đăng báo hồi đó (rất nhiều người Việt sang Lào, bắt đầu là định cư, hoặc sinh ra ở Xiengkhoang). Giờ anh là doanh nhân tiêu biểu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội người Việt ở Lào. Năm 2015, anh cũng là đại biểu người Việt duy nhất ở Lào về nước dự Đại hội thi đua yêu nước. Người Việt giàu có nhất ở Lào, được coi là 1/10 doanh nhân giàu nhất khối các nước ASEAN là bà Đào Hương. Hãng cà phê của bà xuất sang nhiều nước trên thế giới. Tôi đã đi trên đại lộ do bà Hương bỏ tiền đầu tư, đó là con đường chạy ra khu công nghiệp ngoại ô Vientiane, nơi có nhà máy thép của Hùng.

Có những phố chủ yếu người Việt sinh sống như phố Dongpalan. Ước tính đến 50% số người Việt buôn bán ở các chợ Trung tâm Vientiane, nhất là ở chợ Sáng. Đặc biệt, có nhiều gia đình người Việt là thông gia với gia đình quan chức lớn của chính phủ. Ví dụ bà Kỷ là thông gia với đương kim Thủ tướng, bà Tuyết cũng là thông gia với chức sắc lớn khác. Rất đau buồn, thương tiếc, người con trai đầy triển vọng của bà Tuyết, là thư ký cho Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Douangchay Phichith đã gặp tai nạn máy bay cùng ngài Bộ trưởng và 3 quan chức cấp cao khác tại Xiengkhoang ngày 17.5.2014.

Chúng tôi thăm nhà máy thép và một tư gia đang xây dựng của Khăm Hùng với mặt bằng xây 750m2, trên mảnh đất 8.000m2 trước khi rời Lào. Khăm Hùng trở thành công dân Lào và dựng nghiệp như thế nào? Khamhung Chaychalon tên thật là Phạm Mạnh Hùng, sinh năm 1962, quê Vũ Thư, Thái Bình. Anh khởi nghiệp là lái xe, từng lái một năm cho nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc khi ông Lộc còn ở Thủy điện Hòa Bình. Năm 1989, Hùng được điều động vào Nam nhưng anh bỏ việc, dông thẳng sang Xiengkhoang, lang thang làm thợ hồ với một nhóm thợ xây dựng.

Trong một lần xây dựng tư gia cho vị Phó Chủ tịch Quốc hội Lào (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và là em trai nữ Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou), qua câu chuyện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết ông từng học ở Học viện Chính trị Quốc gia ở Hà Nội, nơi Hùng có một người anh cũng giảng dạy ở đó. Thế là Hùng trở thành người thân quen. Quả là một cơ may hiếm có. Chính vị lãnh đạo này thông cảm hoàn cảnh của Hùng, bảo anh khai giấy tờ để ông xin cho anh được nhập quốc tịch Lào, do ông bảo lãnh. Thành người Lào, sẽ làm ăn thuận lợi hơn là làm chui.

Sau ba năm làm thợ xây, Hùng mở doanh nghiệp xây dựng. Anh cũng là người tham gia xây chợ Sáng. Những năm 90, không khí mở cửa, làm ăn thuận lợi, kiếm được ít tiền nào là anh gom dồn mua đất hết. Đến nỗi vợ cũng phàn nàn về việc ôm đất lạ lùng của Hùng. Có lẽ xuất sinh từ Thái Bình đất chật người đông nên Hùng sớm nhận ra sẽ một ngày Vientiane sầm uất, người ta đổ về thủ đô mà đất thì không đẻ được. Thập niên ấy đất đang rẻ. Chẳng hạn mảnh đất 8.000m2 mà anh đang xây “lâu đài” hai tầng với 1.500m2 sử dụng, ốp toàn gỗ hương, dự kiến xây trong 3 năm (hoàn thành vào 2017) khi mua đất chỉ 10.000 USD, nay có giá 2 triệu USD.

6.Ở khuôn viên nhà máy thép, Khăm Hùng có xưởng mộc dựng riêng để những người thợ tay nghề cao của Nam Định chế 200 khối gỗ hương. Ấy là chưa kể anh có 17 tấm gỗ hương dày 15cm, rộng bình quân 1,3m, dài 6m, giá 1 tỉ đồng/tấm còn đắp chiếu trong kho, chỉ trưng một tấm ở phòng khách, một tấm làm bàn ăn cho công nhân.

Vậy Hùng có bao nhiêu mảnh đất? Hùng nói mặt tỉnh queo, rằng chỉ có 28 miếng. Miếng nhỏ nhất vài trăm mét, miếng rộng nhất 4ha. Miếng 4ha khi mua là 400.000 USD, bây giờ họ trả 4 triệu USD. Ấy là chưa kể 2 căn nhà cho thuê, mỗi năm lấy vài chục ngàn Mỹ kim chơi chơi. Vì thế, khi đưa chúng tôi đến Plaza Centre ở U Don, Thái Lan (cách biên giới 50km) Hùng bảo hàng tuần anh vẫn sang đây mua cá hồi và rau sạch cho cả tuần, chúng tôi mới cảm động vì một người thành đạt, có đời sống cao như thế, thích mua gì là mua không mặc cả, thỉnh thoảng vào sòng bạc để tiêu khiển độ mươi ngàn đô cho biết mùi… mà giản dị, gần gũi và tiếp đón chúng tôi chân thành, ấm áp đến thế!

Đến năm 2001 Khăm Hùng mới chuyển sang làm thép. Anh đầu tư vào thép 30 triệu USD, trở thành công ty thép lớn nhất Lào với 400 lao động. Hiện anh có 8 đại lý thép ở Vientiane và 17 đại lý ở cả nước. Hùng quản lý sản xuất, hợp tác, đầu tư. Vợ anh - Nguyễn Thị Nguyệt, học Đại học Tài chính - quản lý hệ thống bán hàng. Những ngày chúng tôi ở Lào giá thép đang lên. Anh bảo, bình quân mỗi ngày công ty bán ra 3.000 tấn thép và thu về 300.000 USD. Tối vợ, con ngồi đếm tiền đủ mệt, sáng lại nhập tiền vào ngân hàng. Các cô trong đoàn nghe Hùng nói về thu tiền thép thì mặt nghệt ra, đứng hình, không hỏi thêm được gì nữa. Còn hỏi gì nếu cứ so sánh với những đồng lương công chức, nó còn không bằng tiền lương công nhân của Hùng?

Hiện Khăm Hùng hỗ trợ nuôi 18 người Việt cô đơn, quả phụ, hoàn cảnh cực khó khăn, mỗi người được cấp 3 triệu đồng/tháng. Nhưng quan trọng là anh giúp được nhiều người Việt có công ăn, việc làm, gây dựng cơ đồ trên đất Lào. Anh được cả nhiều người Việt, người Lào quý trọng, kể cả các quan chức lớn của Chính phủ bởi những đóng góp của mình. Nhiều lãnh đạo cao cấp Lào có mối quan hệ tình thân với anh.

Câu chuyện về đất nước Lào và những gương mặt người Việt, đặc biệt là về Khăm Hùng mà chúng tôi gặp trong một hành trình ngắn cứ làm ngỡ ngàng, bâng khuâng mãi trên chuyến bay về Hà Nội. Họ không chỉ là cầu nối hữu nghị Lào - Việt, mà còn đóng góp vào đời sống cộng đồng nơi họ là công dân, mà lòng còn sâu nặng với cố hương. Khăm Hùng bảo mỗi năm anh về cố quốc đến 15 lần là minh chứng cho điều ấy.

Trần Quang Quý
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn tiếp tục nỗ lực vì đoàn viên, người lao động

Thu Trà (thực hiện) |

Năm 2022, các cấp Công đoàn đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả, mang lại niềm tin cho đoàn viên, người lao động. Năm 2023, chủ đề hoạt động của tổ chức Công đoàn là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”.  Đây cũng là năm vừa tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII, tổ chức thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, vừa phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước thềm Xuân Quý Mão năm 2023, Báo Lao Động phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cảnh sát giao thông TPHCM ngăn chặn gần 100 xe máy đua xe ngày mùng 1 Tết

Anh Tú |

TPHCM - Sáng mùng 1 Tết, Tổ Phòng chống đua xe trái phép thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM) phát hiện 1 tốp khoảng 100 xe tụ tập, lưu thông thành đoàn, nẹt pô, phóng nhanh lạng lách, gây rối trật tự công cộng đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến Thành Thái, quận 10,… nên đã tổ chức chặn bắt, xử lý.

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nhân vật người đàn ông trong câu chuyện chúng tôi kể dưới đây là trường hợp hiếm hoi đã tìm lại được mối tình đầu của mình, tìm lại được niềm hạnh phúc ở tuổi già. Để tìm lại được hạnh phúc đã mất đó, ông đã buộc phải đánh đổi và từ bỏ mọi thứ, thậm chí buộc phải giả điên...

Cô gái Nga yêu Việt Nam từ những điều bình dị

HUYỀN PHẠM |

Lần đầu ghé thăm Việt Nam, Sonya Firsova đơn giản nghĩ đó là một kỳ nghỉ kéo dài vài tháng vào cuối năm 2017 – như mọi quốc gia cô từng ghé thăm. Hành trình khám phá Châu Á năm ấy của Sonya tiếp tục, cô rong ruổi từ Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc tới Ấn Độ... cùng em gái Viola. Cho đến một ngày, chợt nhận ra Việt Nam chính là nơi họ muốn quay trở lại nhất, hai chị em quyết định gắn bó với đất nước này.

Cứu hộ thành công cụ bà 80 tuổi rơi xuống vực sâu ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Ngày 22.1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã có báo cáo về việc cứu hộ thành công cụ bà N.T.H (SN 1943, TP.Buôn Ma Thuột) sau khi rơi xuống vực sâu.

Nữ công nhân 14 năm chưa được đón giao thừa cùng gia đình: "Chồng con tôi đã quen"

Bảo Hân |

Do đặc thù công việc hoặc hoàn cảnh riêng, nhiều người lao động đã đi làm ngay từ mồng 1 Tết - ngày mà nhiều người cùng gia đình đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè.

Chuyến hàng đầu tiên của năm mới qua cửa khẩu quốc tế ở tỉnh Quảng Trị

HƯNG THƠ |

Ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều người đã làm các thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế ở tỉnh Quảng Trị.

Trời nắng nóng, đông nghịt người viếng chùa ngày đầu năm mới

PHONG LINH |

Mặc dù thời tiết nắng nóng trong ngày đầu năm mới nhưng rất đông người dân đã đến cầu may tại Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam.