Gặp những chàng trai chế tạo máy laser công nghiệp

Nguyễn Huy Minh |

Đi qua SVĐ Mỹ Đình, qua cổng làng Phú Đỗ một đoạn, trong con ngõ nhỏ của phố Lê Quang Đạo (Hà Nội), bạn có thể sẽ gặp một nhóm các chàng trai trẻ đang quây quần làm việc bên nhau quanh những chiếc máy tự động phát ra dòng ánh sáng cắt thủng mọi dạng vật liệu. 

Đại đa số người dân sống xung quanh không hiểu các chàng trai ấy đang làm công việc gì, hoặc nếu có cũng khá mơ hồ. Người viết bài này, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, cũng rơi vào hoàn cảnh mơ hồ đó. Thiết bị laser (viết tắt từ Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation - khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ cưỡng bức) được chế tạo lần đầu tiên vào năm 1960, xuất phát từ phát minh của A.Einstein về phát xạ cưỡng bức được công bố vào năm 1917. 

Đến nay laser đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực khoa học và công nghệ, vào cuộc sống thường nhật của con người. Những nghiên cứu ứng dụng laser vào thực tế tại Việt Nam được mở ra vào năm 1986, với 2 hướng ứng dụng chính: Ứng dụng vào y học phục vụ điều trị và ứng dụng vào công nghiệp phục vụ sản xuất. Ngày nay, laser trị liệu đã trở nên quen thuộc với nhiều người, vì các cơ sở y tế và thẩm mỹ ít nhiều đã đưa laser vào điều trị. Tuy nhiên, khái niệm laser ứng dụng trong sản xuất còn hết sức mới mẻ với hầu hết mọi người.

Với mục tiêu đưa ứng dụng laser trong sản xuất tới gần hơn với mỗi người, nhóm các chàng trai quê gốc miền Trung do Hồ Anh Tâm đứng đầu đã quyết định lập Lasincom (Công ty TNHH Laser Công nghiệp) vào đầu năm 2015. Thời điểm Lasincom được thành lập, Tâm mới 28 tuổi.

Bước vào đời bằng niềm đam mê khoa học

Tâm vẫn còn nhớ như in những ngày cuối tháng 3.2005, lúc cậu còn quá đỗi trẻ trung khi điền vào hồ sơ dự thi đại học. Trong khi bạn bè đua nhau nộp hồ sơ vào xây dựng, công nghệ thông tin… những nghề được coi là dễ dàng có thu nhập cao sau khi tốt nghiệp, thì Tâm chọn học công nghệ nanô - một ngành rất mới mẻ lúc bấy giờ - với ước mơ trở thành một nhà khoa học.

Nhà khoa học Hồ Anh Tâm (thứ 3 từ trái sang) và các cộng sự. 

“Làm khoa học” là một khái niệm gì đó khá lạ lùng ở quê hương Quảng Bình “gió Lào, cát trắng” của Tâm lúc bấy giờ. Bố mẹ Tâm - những giáo viên trường làng - gửi gắm nhiều kỳ vọng vào đứa con trai mà ông bà đã thắt lưng buộc bụng cho đi học ở thành phố suốt 3 năm phổ thông, vẫn mong con thành kỹ sư, bác sĩ với cuộc sống an nhàn sung túc, chứ “làm nghiên cứu lọ mọ cả đời làm gì cho nó khổ”. Nhưng rồi Tâm cũng thuyết phục được bố mẹ chiều theo ý muốn của mình bằng một bức “tâm thư” khá dài giải thích về cái hay của việc trở thành nhà khoa học.

Thời Tâm còn là học sinh, khẩu hiệu “Việt Nam rừng vàng, biển bạc” vẫn được nhắc đến rất nhiều. Tuy vậy, trong tâm trí non nớt với lượng thông tin ít ỏi lúc đó, cậu biết nước mình nghèo và cũng biết rằng các nước giàu dựa trên nền khoa học công nghệ để phát triển chứ không phải nhờ vào lượng tài nguyên thiên nhiên.

Vào đại học, Tâm may mắn được học tại ngôi trường do đích thân Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu thành lập và làm hiệu trưởng, được những nhà khoa học đầu ngành trực tiếp giảng dạy, được học tập và thực hành trên những trang thiết bị hiện đại trong những phòng thí nghiệm hàng đầu cả nước. Niềm đam mê khoa học cứ thế lớn dần lên cùng với những kỹ năng được rèn giũa trong suốt những năm học đại học và cao học.

Laser công nghiệp - một mối lương duyên

Năm cuối đại học, Tâm được một người anh thân thiết trong đội ROBOCON của trường giới thiệu cho xem những sản phẩm được làm từ máy laser và ngay lập tức bị mê hoặc bởi những đường nét và họa tiết tinh xảo mà máy laser tạo ra trên vật liệu. Cậu nhanh chóng nhận ra laser là một công cụ tuyệt vời không chỉ cho sản xuất, mà còn phục vụ cho các đề tài khoa học. 

  Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được làm từ máy laser, treo trong xưởng làm việc của Hồ Anh Tâm và các cộng sự.

Cuối năm đó, cậu thực hiện khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu ứng dụng laser trong chế tạo các vi kênh (các kênh dẫn siêu nhỏ) nhằm tạo ra pin nhiên liệu thế hệ mới, được đánh giá cao với số điểm tuyệt đối từ hội đồng nhà trường. Hướng nghiên cứu đó vẫn được Đại học Quốc gia Hà Nội khai thác những năm sau này.

Chỉ 2 ngày sau khi bảo vệ tốt nghiệp, Tâm có cuộc gặp gỡ đầu tiên với TS Lê Đình Nguyên - người thuộc thế hệ tiên phong đưa laser vào ứng dụng trong đời sống tại nước ta - để xin vào làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Công nghệ laser. Cuộc nói chuyện với con người đã dành tâm huyết cả đời mình với laser thực sự rất thú vị, đánh dấu cột mốc nơi Tâm quyết định theo đuổi laser không chỉ như một niềm đam mê, mà còn là một “nghiệp”. 

Trung tâm Công nghệ laser có hai mảng chính: Laser ứng dụng cho y tế và laser ứng dụng cho công nghiệp. Hơn 20 con người, nhưng lại chỉ vẻn vẹn có 3 người theo hướng laser công nghiệp. Mãi sau này trong quá trình làm việc, Tâm mới hiểu, laser ứng dụng cho công nghiệp là lựa chọn có phần vất vả và thu nhập ít hấp dẫn hơn laser dùng cho y tế. Thiết bị laser ứng dụng cho công nghiệp đòi hỏi không chỉ yếu tố quang học mà còn có cơ khí, điện tử, tự động hóa… phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. 

Để đảm bảo máy laser vận hành trơn tru phục vụ sản xuất, nhiều khi người của trung tâm phải lăn lộn cùng với những người công nhân tại phân xưởng hay xí nghiệp sản xuất ròng rã hàng tháng trời, chứ đâu chỉ khoác áo blouse trắng muốt như hình ảnh vẫn thường thấy của các nhà khoa học. Từ ngày bước vào Trung tâm Công nghệ laser làm việc, mọi thói quen sinh hoạt của Tâm bị đảo lộn, cậu gần như không rời bước khỏi phòng làm việc, chỉ ăn khi đói và ngủ khi “hai mắt biểu tình không chịu mở ra”. 
  Một số sản phẩm do nhóm của Hồ Anh Tâm chế tạo.

Nơi cậu thuê nhà ở trọ lúc đó chỉ khoảng 10 con người, nhưng hơn 2 năm vẫn không thể nhớ hết nổi tên, vì mỗi tháng chỉ về chớp nhoáng có một đôi lần. Cậu ngấu nghiến tất cả những tài liệu được lưu trữ lại, tìm hiểu hết thảy những thiết bị có tại cơ quan, thử nghiệm mọi tổ hợp thông số máy móc trong phạm vi cho phép và luôn tự nhủ với bản thân rằng, chỉ có thể hiểu thật sâu sắc về những gì đã và đang có thì mới có thể sáng tạo ra những thiết bị với tính năng tối ưu hơn.

Trăn trở của nhà khoa học trẻ

Chính nhờ say mê tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm, Tâm sớm được lãnh đạo cơ quan giao cho trọng trách là chủ nhiệm những đề tài lớn, trọng điểm của đơn vị. Nhưng về sau, cậu luôn cảm thấy có một sự hụt hẫng khi một đề tài được nghiệm thu, bởi sản phẩm tạo ra ít được ứng dụng vào cuộc sống, thiếu đi sự phản biện từ người dùng trực tiếp. “Vì sử dụng ngân sách nhà nước nên đó là những sản phẩm có thể làm chứ không phải những sản phẩm cần phải làm cho cuộc sống sôi động ngoài kia. 

Sản phẩm từ nghiên cứu đưa ra thường dễ rơi vào tình trạng cao siêu hơn thực tế yêu cầu và chưa thể dùng ngay được, như gần đây Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân có trả lời trước Quốc hội. Nếu như sản phẩm của việc nghiên cứu được xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, hay từ đơn đặt hàng của một đơn vị trực tiếp sản xuất, có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng như vậy… 

Em vẫn còn nhớ lời một vị giáo sư già phát biểu về các nhà khoa học trong một cuộc thảo luận mà mình vinh dự được nghe: “Các anh chị đang dùng tiền thuế của nhân dân để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân…”. Ý kiến đó không phải là không có lý” - Hồ Anh Tâm nói.

Tâm kể rằng, năm 2011, nhận được yêu cầu từ Công ty GreenButton (một doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại phụ kiện cho ngành may mặc) về việc nghiên cứu chế tạo thiết bị laser khắc cúc trên dây chuyền sản xuất của họ nên đã trực tiếp bay vào TPHCM khảo sát và lên phương án chế tạo. 

 

Thiết bị laser sẵn có trên dây chuyền là của Italia, khá đắt tiền. Yêu cầu được phía GreenButton đưa ra là lên phương án để sao cho chi phí sản xuất ra thiết bị có giá bằng 1/3 hàng ngoại nhập, nhưng chất lượng khắc thì phải tương đương. Đó thực sự là một bài toán nan giải, nhưng tự ái của một nhà khoa học vẫn thôi thúc Tâm nhận công việc đó, với thời hạn 3 tháng.

Giảm chi phí chế tạo thiết bị không quá khó khăn, nhưng để đạt chất lượng tương đương thì quả thực không đơn giản. Cúc khắc mẫu được gửi đi, gửi lại hàng chục lần mà vẫn không thỏa mãn được yêu cầu. Thời hạn gần kề, Tâm nhận được yêu cầu ngừng nghiên cứu. 

Đêm đó Tâm thức trắng bên thiết bị đang dang dở, nhưng một sự nghịch ngợm tình cờ trong việc thay đổi quang trình chùm laser đã giúp xử lý được vấn đề, “nút thắt” đã được tháo gỡ. Chìa khóa để giải được bài toán, đương nhiên Tâm muốn giữ cho riêng nhóm nghiên cứu.

Thiết bị do nhóm của Tâm chế tạo chạy tốt, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn ngần ngại không muốn chế tạo hàng loạt, vì không thực sự hiểu về thiết bị họ mua, nên không dám đầu tư. Ngay lập tức, Tâm truyền đạt những kiến thức cơ bản cho đội ngũ kỹ thuật của Công ty GreenButton, chỉ dạy cho họ cách khắc phục những lỗi cơ bản của thiết bị. Đáp lại, công ty đều đặn đặt hàng cho nhóm của Tâm những lần họ có nhu cầu mở rộng sản xuất, đồng thời góp ý những vấn đề cần cải tiến cho thiết bị vận hành tốt hơn. Có thể nói việc chia sẻ thông tin với người dùng, đã giúp những chàng trai này thu về được nhiều hơn là cho đi.

Một dạo, dư luận cả nước xôn xao với hàng loạt tấm gương người nông dân làm khoa học, chế tạo được từ trực thăng tới tàu ngầm, rồi sang cả Campuchia làm xe thiết giáp. Và rồi ai ai cũng hỏi đi, hỏi lại một câu nhức nhối: Các nhà khoa học chính quy đâu hết cả rồi, đã làm được gì cho nước mình chưa? Tâm hiểu là đội ngũ khoa học trong nước làm được rất nhiều điều lớn lao, nhưng ứng dụng vào đâu và cụ thể như thế nào thì không phải chuyện đơn giản. Cuối năm 2014, Hồ Anh Tâm quyết định nghỉ việc tại viện. 

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại rời bỏ môi trường nghiên cứu trong khi tương lai đang rất sáng sủa, nhưng Tâm chỉ cười xòa, vì còn trẻ, nếu sai thì vẫn còn rất nhiều thời gian để sửa. Tâm tập hợp một số anh em đam mê kỹ thuật, đam mê laser và lập nên Công ty Lasincom, hoạt động với tiêu chí đem laser công nghiệp đến gần hơn với mỗi người dân và cũng muốn cho một số người thấy rằng, nhà khoa học chính quy có thể làm được những gì.
 

Lasincom - ấp ủ ước mơ

Khách hàng lớn đầu tiên của những chàng trai trẻ đến từ cơ sở sản xuất thiệp pop-up (thiệp giấy 3D) do anh Lê Đức Tính (quê Thanh Hóa) làm chủ. Anh Tính khởi nghiệp với chính chiếc máy laser CO2 do Lasincom chế tạo. Những ngày đầu, chiếc máy cắt laser như con ngựa bất kham không tài nào đáp ứng được yêu cầu về độ tinh xảo như trong thiệp pop-up. Chỉ một chút dư thừa năng lượng laser thôi là giấy cháy xém mất thẩm mỹ; chỉ một góc cua cơ khí không mịn màng thôi là tấm thiệp không thành được hình hài… 

Anh Tính hốc hác đi trông thấy vì phải đền tiền đơn đặt hàng. Với anh, chiếc máy laser không chỉ là một thiết bị, mà còn là công cụ kiếm sống của nhiều lao động chính trong gia đình. Có những hôm, nửa đêm mưa gió các chàng trai Lasincom vẫn phải đến sửa máy cho anh Tính để kịp tiến độ sản xuất. Cả nửa năm trời sản phẩm mới dần hoàn thiện, nhờ đó anh Tính tự tin thuê thêm nhân công, mở rộng sản xuất và bây giờ mặt hàng của anh đã có mặt tại Châu Âu. Nếu không có những người như anh Tính, Tâm và các cộng sự sẽ không hiểu được sản phẩm của mình có ý nghĩa sống còn như thế nào với người mua hàng của mình và những kinh nghiệm như trên không thể có được trong môi trường nghiên cứu.

Máy laser hiện được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, từ hàng cao cấp của Mỹ, Đức, Nhật Bản… cho đến hàng tầm trung của Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các công ty laser đều chỉ là công ty thương mại, thiếu hẳn đội ngũ có trình độ bài bản về laser. Do đó, khi máy móc xảy ra sự cố, hoặc là không xử lý được, hoặc phải mời chuyên gia về xử lý, mất rất nhiều tiền của và thời gian. 

Tâm đã từng đến một nhà máy của quân đội ta để xem xét một thiết bị laser nhập từ Đức. Phải thừa nhận rằng thiết bị của Đức là cả một tác phẩm nghệ thuật và trong gần 10 năm, gần như không phát sinh lỗi lớn gì. Tâm được mời tới khi thiết bị đã buộc phải dừng hoạt động gần 1 tháng mà không tìm ra nguyên nhân. Rất nhanh chóng, chỉ với thao tác siết lại một đầu dây bị lỏng, thiết bị đã lại có thể vận hành trở lại. Nhà máy quân đội này có cả một tổ cơ điện để xử lý các vấn đề về máy móc, nhưng thiết bị laser lại thiên về quang học, điều mà rất ít người được đào tạo để xử lý.

Tâm cũng đã nhiều lần đi xử lý các máy laser nhập từ Trung Quốc, dòng máy này thường rất hay hỏng vặt. Có trường hợp doanh nghiệp buộc phải nuôi chuyên gia mời từ Trung Quốc sang “nằm” cả tuần trời tốn kém để xử lý một công việc mà đúng ra, nếu có lương tâm và trình độ, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là vấn đề sẽ được giải quyết. Còn nhiều nữa những câu chuyện vì thiếu nhân lực có trình độ về laser mà nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải chấp nhận những thiệt thòi không đáng có.

Giờ khi có ai hỏi, Tâm vẫn trả lời mình là nhà khoa học và làm khoa học dưới hình thức mà Tâm tin đã gần hơn với cuộc sống, dạng khoa học không phục vụ cho niềm đam mê của riêng cá nhân ai, mà phục vụ cho tất cả.

Laser công nghiệp là gì?

Phần lớn laser ứng dụng trong sản xuất và công nghiệp sử dụng mức công suất từ trung bình (vài chục W) tới mức công suất cao (vài kW) nhằm gia công các loại vật liệu. Hiện nay có rất nhiều loại laser khác nhau được ứng dụng trong gia công vật liệu, việc định nghĩa hay phân loại khó có thể có ranh giới rạch ròi. Một số ứng dụng chính có thể kể ra:

Laser trong cắt kim loại tấm: Đặc biệt có ý nghĩa với ngành cơ khí chế tạo. Những hệ laser công suất cao thậm chí có thể cắt được thép tấm dày đến vài chục milimet với vết gia công chỉ bằng sợi tóc. Nhờ có laser mà thời gian chế tạo mẫu cơ khí được rút ngắn đi đáng kể.

Laser trong công nghiệp phụ trợ: Phải tính đến như việc khắc tem mác, in logo, thông tin sản xuất, hạn sử dụng, khắc khuôn mẫu…

Laser trong quảng cáo, thủ công mỹ nghệ: Laser cắt và khắc rất tốt các vật liệu acrylic, phi kim loại… phù hợp làm quà tặng, đồ lưu niệm, thiệp giấy…

Laser trong may mặc: Cắt vải, hoa văn họa tiết, khắc cúc…

Và còn rất nhiều những ứng dụng đã, đang và sẽ cần phải dùng tới laser.
Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Sau 772 ngày, Messi và Ronaldo sẽ gặp nhau?

Văn An |

Trong chương cuối sự nghiệp, Messi và Ronaldo sẽ có cơ hội gặp nhau… 

Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu Tết nội, ngoại

Phương Trang |

Biếu quà Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ, biếu quà làm sao để không làm mất lòng ai,... luôn là nỗi niềm đau đáu của các gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách… 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự tọa đàm lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam-WEF

Khánh Minh |

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam-WEF, nhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là động lực cho phát triển bền vững.