Đồng bằng mưa nắng bất thường...

NHẬT HỒ |

Vẫn biết chuyện mưa, chuyện nắng là của… ông Trời, nhưng mùa mưa thì nắng, mùa nắng lại mưa. Mưa, nắng không theo mùa, chẳng quy luật “sáng nắng chiều mưa” tại dải đất đồng bằng đã trở thành chuyện lớn, gây xáo trộn mùa vụ, đời sống, việc làm của hàng triệu người dân ở mảnh đất mà ai cũng tưởng là phì nhiêu, màu mỡ này.

Không còn nắng sớm, mưa chiều

Ông Đinh Văn Phong (ở ấp 4, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) thẫn thờ nhìn ra đầm tôm một màu nước đục ngầu, chặc lưỡi: “Phải biết trời mưa nhiều như thế này, sạ lúa đem xuống cấy trong vuông tôm thế nào cũng kiếm được vài trăm giạ lúa”. Xóm Láng Biển, nơi ông Phong sản xuất 2ha đất nuôi trồng thủy sản hiện tại, cách đây 20 năm vốn là đất một vụ lúa, một vụ tôm. Mùa mưa trồng lúa, mùa nắng, trời ít mưa, nước mặn tôm sinh sôi nảy nở không cần nuôi cũng có tôm, cua, cá…

Ấy vậy mà 10 năm nay, quy luật “trời đất” đã thay đổi, người dân xóm Láng Biển không còn sản xuất một lúa, một tôm. Đã vậy, năm 2016 gần như trời chỉ mưa đúng 3 tháng, còn 9 tháng nắng như đổ lửa. Nắng đến độ con tôm không sống được, chết hàng loạt khiến cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn. Con tôm, cây lúa, hoa màu, cây ăn trái cũng vàng úa theo những tia nắng chói chang.

Ông Phong cũng như nhiều người dân ĐBSCL bắt đầu biết đến từ biến đổi khí hậu. Biết đến sự tàn phá của nó thế nào đến đời sống hằng ngày của những gia đình.

Năm 2017 này trời lại mưa liên tục. Mưa thật sự làm xáo trộn đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) Nguyễn Đồng Khởi chép miệng “Đợt mưa lớn trong tháng 8 vừa qua đúng vào giai đoạn lúa chín nên gây ra tình trạng ngập và sập, thiệt hại rất lớn với khoảng 2.889ha. Không chỉ có cây lúa mà trên địa bàn huyện còn khoảng 91ha rau màu gần như bị thiệt hại hoàn toàn cũng do mưa lớn gây ngập úng”. Tại địa phương này, năm 2016 đã có đến trên 3.000ha lúa bị nắng hạn thiệt hại. Nay con số thiệt hại do mưa cũng gần bằng như vậy. Tâm điểm của hạn mặn năm 2016 tại huyện Thới Bình (Cà Mau) cũng có đến trên 1.200ha lúa ngập úng. Vùng nuôi tôm gần đó cũng không thể xuống giống do độ mặn quá thấp. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, con số thiệt hại do mưa đã lên đến gần 10.000ha. Điều khá trớ trêu là trong số này có đến quá nửa năm trước là tâm điểm của hạn, mặn.

Chuyện biến đổi khí hậu tại vùng đất này được ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - nêu khá hình tượng tại Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 18-25.8 tại TP.Cần Thơ (trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017): “ĐBSCL vốn hiền hòa, được thiên nhiên ưu đãi, được biết đến 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa này nếu đúng như quy luật sẽ là: Nắng sớm mưa chiều, nhưng các bạn biết đó, ngay sáng đã mưa, nhiều nơi ngập nước. biến đổi khí hậu đã đến rất gần mảnh đất này”.

Đầu năm 2017 sạt lở nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề.
Đầu năm 2017 sạt lở nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề.

Thất thường mùa lũ

Mấy năm liên tiếp, mùa lũ (người dân nơi đây gọi là mùa nước nổi) không về. Năm nay mới đầu tháng 9, đập Trà Sư, Than La đã bắt đầu xả nước. Thu Hiền (công tác tại Đồng Tháp) điện cho tôi “Ông qua đây đi, năm nay chắc có nước cho ông nhìn đó. Nước đã trắng đồng hết rồi nè. Nhưng tôi nói với ông một chuyện không vui nghen. Không có nhiều thứ như mùa nước trước đây để ông viết báo đâu nghen”.

Lời của bạn làm tôi háo hức đi vào vùng nước nổi. Một phần vì đã lâu lắm rồi tôi không thấy mùa nước nổi trắng xóa cả cánh đồng. Nước mênh mông không thấy đâu là bờ ruộng, rườn rau. Nơi đó người ta thả dớn (một dụng cụ bắt cá mùa nước nổi) dùng xuồng chở cá về nhà… Mấy ai ở miền Tây mà không có ký ức về mùa lũ như thế.

Càng dần về phía thượng nguồn, không khí báo hiệu mùa nước nổi đã dần hiện lên. Những chợ nhóm, chợ lớn hai bên đường treo dày lưới dùng để bắt cá. Tôi đoan chắc là Hiền “dọa” tôi nên nói vậy.

Khi đến nơi tôi mới nhận ra lời của Hiền là thật. Ông Nguyễn Văn Bình (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) thả nuôi trên 4ha mặt nước tôm càng xanh để đón mùa nước nổi về. Năm nay nước về nhiều thật, nhưng mùa nước không còn kéo theo những hạt phù sa ngọt ngào bồi đắp ruộng đồng để rồi sau đó nước rút đến đâu người dân sạ lúa đến đó. Ông lắc đầu: “Nước nhiều nhưng xấu lắm, tôm không lớn được. Tôm không lớn, không đúng cỡ, thương lái người ta không mua giá cao. Mùa này xem 
như huề”.

Xa xa người ta vẫn ra đồng đánh lưới bắt cá như một phần của mùa nước nổi. Dù vậy họ đánh cá vì nước nhiều chứ thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Ông Nguyễn Thái Hòa chép miệng: “Bây giờ cá tôm nó chạy đâu mất hết rồi chú ơi. Đánh cả ngày chỉ vài ký lô là cùng”.

Hệ thống đê bao chống lũ, ô thủy lợi đã được An Giang, Đồng Tháp, Long An xây dựng từ khá lâu. Tất cả nhằm mục đích kiểm soát lũ bảo vệ sản xuất cho người dân. Nhưng trước sự thất thường của mùa nước đã khiến cho người dân dường như lơ là với những con nước đổ về. Có ít nhất 200ha lúa, hoa màu tại Đồng Tháp chìm trong nước phải thu hoạch sớm do mùa nước nổi năm nay.

Và nhiều người cứ ngỡ rằng mùa nước không về nên chuẩn bị hoa màu, cây trái cũng đành nhìn theo con nước lên. Nhớ mùa nước năm 2015, tháng 10 mà nước chưa quá khỏi những đọt cỏ dại. Ông Nguyễn Văn Rồi, một doanh nghiệp chuyên nuôi cá đồng mùa lũ lúc ấy than “Hàng tỉ đồng của tôi đang nằm dưới đó, chỉ có nước về mới cứu được. Vậy mà…”. Và hiện tại nước đang lên, lũ đang về nhưng ông Rồi vẫn không vui “Nước xấu quá, cá nổ con mắt hết trọi. Mùa nước nổi thất thường kiểu này là thua. Chắc tôi phải chuyển nghề quá”.

Chuyển nghề là câu chuyện được người dân ĐBSCL nói đến mấy năm nay trước sự cực đoan của thời tiết. Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thẳng thắn “BĐKH ai cũng lo, cũng sợ bởi hậu quả của nó khôn lường. Theo tôi, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị tâm lý cho người dân chuyển nghề mà người ta hay nói là thích ứng với BĐKH. Mùa mưa, có nước thì trồng lúa, nếu xâm nhập mặn, nước mặn tràn vào thì nuôi tôm. Ngay cả cây lúa cũng cần có sự chuyển đổi sang các loại cây trồng khác ít tốn nước hơn như cây bắp (ngô), khoai, chuối… hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn cây lúa. Muốn đạt được điều này, Nhà nước cần có quy hoạch cụ thể từng vùng, tiểu vùng, có chính sách để người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất”.

Lo xa cho đồng bằng

Đã có quá nhiều cảnh báo cho ĐBSCL trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang đến rất gần. ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này. Trong 50 năm tới, nếu nhiệt độ tiếp tục nóng lên như hiện tại, nước biển dâng lên 0,5m, ĐBSCL sẽ bị chìm một nửa; trong khi đó những nguyên cứu cũng cho thấy tình trạng đất lún cũng được đưa ra. Những yếu tố này làm cho nhiều vùng ở ĐBSCL sẽ bị ngập mặn.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường - nhận định: “Có nhiều kịch bản cho BĐKH, nhưng kịch bản nào cũng cho thấy ĐBSCL là nơi chịu tác động trực tiếp. Hơn nữa, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng sâu hơn, kéo theo là tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển sẽ nhiều hơn do dòng Mekong đã bị 11 con đập trên dòng chính chặn lại để làm thủy điện”.

Ông Thiện dự báo, khi 11 đập hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nhận định: “ĐBSCL đang đứng trước 3 tầng thách thức, trước hết là thách thức toàn cầu. Giữa bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đang tác động đến nhiều quốc gia, trong đó ĐBSCL với “tư cách” là một nền nông nghiệp thủy sản của Việt Nam được xác định là một trong 3 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.

Thứ hai là thách thức khu vực. ĐBSCL với lịch sử phát triển dựa vào tài nguyên đất và nước, nhưng đang đứng trước sự sụt giảm và suy thoái nghiêm trọng những tài nguyên này. Thứ ba là thách thức từ chính nội tại của vùng với những bất cập trong mô hình phát triển nông nghiệp truyền thống lạc hậu”.

Để ĐBSCL phát triển bền vững trước thách thức của BĐKH, trong hai ngày 26-27.9, tại Cần Thơ, Chính phủ họp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh… nhằm quy hoạch ĐBSCL trước thách thức của BĐKH. Theo chương trình, hội nghị này sẽ quy hoạch ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn 2100. Một tầm nhìn xa để có chiến lược quy hoạch lâu dài cho vùng đất này - vùng đất dễ bị tổn thương khi trời mưa, nắng…

NHẬT HỒ
TIN LIÊN QUAN

NASA và những dự án vũ trụ đầy hứa hẹn năm 2023

Anh Vũ |

Cuối năm 2023 hứa hẹn sẽ là thời điểm bận rộn đối với ngành hàng không vũ trụ nói chung và NASA nói riêng, khi cơ quan này có kế hoạch công bố phi hành đoàn bốn thành viên của sứ mệnh Artemis tiếp theo.

Những xu hướng thương mại điện tử hứa hẹn đột phá năm 2023

TRÍ MINH |

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ tăng 10,15% so với năm 2021. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nhận định, triển vọng ngành bán lẻ và thương mại điện tử (TMĐT) trong trung và dài hạn vẫn rất khả quan. Một số xu hướng TMĐT hứa hẹn sẽ lên ngôi trong năm 2023

Người dân TPHCM bất ngờ vì triều cường dâng cao mùng 4 Tết Quý Mão 2023

TÚ LY |

TPHCM - Mùng 4 Tết là ngày người dân bắt đầu đổ ra đường vui xuân đông hơn so với mấy ngày trước đó. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường đang bị ngập vì triều cường, khiến việc đi lại người dân bị ảnh hưởng.

Phải gọi đúng tên Thổ Châu là Thổ Châu

Hữu Nhân |

Kiên Giang – Chí ít cũng gần 200 năm chữ Chu được quy định trong “quốc huý” thành Châu nên phải viết, nói danh xưng Thổ Châu là Thổ Châu.

Người dân ngán ngẩm với món ăn nhiều đạm ngày Tết, rau xanh đắt hàng

MINH HÀ |

Với thời gian nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình cũng đã "ngán ngẩm" với những món ăn nhiều đạm đặc thù của ngày Tết. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao, các sạp hàng rau được bày bán chiếm số lượng nhiều hơn và đắt khách hơn so với các hàng gà, thịt, cá...

Sự nghiệp, cuộc sống của Trấn Thành và loạt nghệ sĩ nam tuổi Mão

ĐÔNG DU |

Trong năm qua, nhiều sao nam tuổi Mão như Trấn Thành, Hieuthuhai, Khắc Việt đều thành công trong sự nghiệp, sở hữu lượng fan hâm mộ lớn.

Loại bỏ tư tưởng văn hóa là ngành vô thưởng vô phạt để bố trí đúng cán bộ

PHẠM ĐÔNG |

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển...

Ngày hội nói trạng ở Vĩnh Hoàng, Quảng Trị dịp Tết

Hưng Thơ |

Tết Nguyên đán, xã Vĩnh Tú lại tổ chức ngày hội kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Với các câu chuyện được phóng tác dí dỏm, hài hước đã mang lại tiếng cười khoái chí cho người nghe.