“Điện Biên Phủ dưới nước”: Gan vàng, dạ thép

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh |

Khi kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo mời tôi qua nhà để gửi tặng cuốn “Tổng kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1965 - 1973)” của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (NXB QĐND, tháng 2.2015), ông nhỏ nhẹ: “Cuộc đời tôi những năm tháng ấy ngày nào cũng là chiến tranh”. Dù ông là một kỹ sư chứ không phải là một người lính trận.
Còn nhớ trong Tổng tập Luận văn của Võ Nguyên Giáp khi tổng kết cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, Đại tướng đã viết: “Hồi thế kỷ XIII, dưới triều Trần, dân tộc ta hoàn toàn dựa vào sức mình, không có sự chi viện từ bên ngoài đã phải 3 lần đương đầu với những đạo quân xâm lược mạnh nhất, hung hãn nhất thời đại. Kẻ địch tiến vào nước ta ào ào như gió, như lửa. Chúng phá vỡ các phòng tuyến, cả 3 lần đều chiếm được kinh thành Thăng Long và nhiều địa bàn quan trọng khác. Trước khí thế hung hãn chưa từng có của giặc Nguyên Mông, dân tộc Việt Nam không hề biết sợ.

“Tiểu dân thanh dã, đoản binh phục hậu”, từ miền ngược đến miền xuôi, từ núi rừng đến sông biển, tất cả các quận huyện trong nước, hễ giặc đến đều đứng lên đoàn kết chiến đấu, dựa vào thôn xóm, làng bản, địa hình hiểm trở để kiên quyết chống trả. Tổng kết 3 cuộc kháng chiến, cả nước chỉ có 2 hương không chống giặc khi chúng đi qua, còn ở đâu cuộc chiến đấu cũng kiên cường, ở đâu quân dân ta cũng đã gây cho quân xâm lược những tổn thất nặng nề và cuối cùng bị đánh bại”.

Tinh thần chống Nguyên Mông ấy hẳn rằng đã được phổ vào cuộc chiến tranh chống phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường do Mỹ gây ra.

1. Theo tài liệu tổng kết của Viện Lịch sử Quân sự nêu trên, từ đầu tháng 2.1965, trên Biển Đông, Mỹ sử dụng các lực lượng đặc nhiệm 71, 76, 78, 115, 116, 117 và lực lượng kỹ thuật - hậu cần 73 nhằm bao vây phong tỏa và cho rằng miền Bắc không chịu nổi vài tuần.

“Dưới bom đạn, Mỹ sẽ kéo lùi miền Bắc lại thời kỳ đồ đá, các cuộc ném bom đầu tiên bắt đầu với hy vọng sẽ làm cho Hà Nội phải quỳ gối trong vòng từ 2 - 6 tháng”, như đánh giá của giới quân sự Mỹ. Chỉ tính riêng biện pháp phong tỏa đường sông, đường biển từ 1965 - 1968, Mỹ đã sử dụng 74.700 quả thủy lôi, bom mìn các loại.

Ngày 20.6.1966, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị cho tất cả các địa phương và lực lượng vũ trang miền Bắc tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa của Mỹ. Dân quân tự vệ địa phương và một số nhà máy, xí nghiệp lớn được trang bị pháo cao xạ 37mm và súng máy cao xạ 14,5mm. Các ngành GTVT, y tế, bưu điện, điện lực, lương thực, thương nghiệp… nỗ lực chuẩn bị phục vụ các lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đấu mới.

Tại khu IV, mỗi điểm vượt sông đều có từ 2-3 đường vòng tránh, nhân dân còn làm cầu phà giả để nghi binh lừa địch. Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An bố trí 396 đài trực chiến phòng không kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ “tay cày, tay súng” thành mạng lưới phòng không rộng khắp, nhiều tầng đánh máy bay địch. 600 đội công binh nhân dân ở Nghệ An - Hà Tĩnh, 132 đội xung kích ở Quảng Bình, 273 đội rà phá bom bằng các dụng cụ thô sơ được tổ chức huấn luyện và đưa vào hoạt động rà phá tại các trọng điểm.

Ngày 5.8.1967 dân quân xã Tiến Cường (Tiên Lãng) đánh dấu được một số bom thả ven sông Mới, nhưng khi đi vào để kiểm tra mang theo súng đạn và các dụng cụ bằng sắt đã làm 1 quả bom nổ làm 8 người hy sinh. Tháng 9.1967, địch đánh phá, phong tỏa Hải Phòng ác liệt nhất cũng là tháng quân dân Hải Phòng chiến thắng oanh liệt nhất, bắn rơi 31 chiếc máy bay.

Ngày 22.9.1967, nhân dân xã Anh Dũng dùng 200m dây kéo tấm tôn 1,2m chạy đi chạy lại từ 3 - 6 lần quanh các hút bom (vết tích của quả bom để lại sau khi chui sâu vào lòng đất), nhưng bom không nổ. Sau đó đổi cách kéo tấm tôn cho chạy qua hút bom theo vệt bom rơi, khi tấm tôn vừa vụt qua thì bom nổ ngay, đảm bảo giao thông khu vực Cầu Rào trở lại an toàn.

Ngày 8.10.1967, tự vệ Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng dùng 1 sào tre dài 5m, ngọn sào buộc một sợi dây thòng lọng làm bằng lạt dang, lôi bom ra khỏi phân xưởng đúc rồi phá hủy bằng bộc phá, tránh được thiệt hại. Quân dân Hải Phòng đã tìm tòi dùng dây đồng đan kết nhiều cục nam châm vào với nhau, làm ra một dụng cụ gọi là “bàn là bom”, khi phá trên cạn thì dùng dây kéo như kéo mảnh tôn, khi phá ở dưới nước thì treo lơ lửng dưới đáy một chiếc thuyền nhỏ hoặc đáy bè tre, bè chuối rồi kéo qua kéo lại ở vùng nước có bom chưa nổ.

Dân quân tự vệ Hải Phòng còn sáng tạo ra “lưới nam châm” dài 60m gồm 6 bàn nam châm, mỗi bàn có 15 thỏi ghép chồng trái cực và liên kết chặt chẽ với nhau để tăng cường độ phóng từ khi thả chìm dưới nước. Các bàn nam châm treo ở các dây nhánh của một dây chính chăng ngang dòng sông (cách 10m có 1 dây nhánh), trên sợi dây chính treo 6 phao để nâng sợi dây giảm sức cản của dòng chảy và không bị vướng vào các vật ngầm ở đáy sông.

Tháng 10.1967, Cục Vận tải đường biển, công binh hải quân, xưởng Z21, xưởng cơ khí Ty Bảo đảm Hàng hải, Sở Bưu điện Hải Phòng đã chế tạo thành công bộ khí tài PĐ67-1 (viết tắt của “Phao Đèn sản xuất năm 1967”), sử dụng được ở những nơi có dòng chảy nhỏ dưới 3 hải lý/giờ, tốc độ gió dưới cấp 2, rà phá được toàn bộ bom trên đường Lán Bè, giải tỏa giao thông khu vực bến An Dương, Cầu Quay và bến phà Tiên Cựu.

Cục Đường biển sau đó cải tiến thiết bị thành PĐ67-2; PĐ67-3 rà phá bom rất hiệu quả, gọn nhẹ, thao tác thuận tiện và sản xuất 40 bộ thiết bị này cung cấp cho các lực lượng. Đại đội 1 Tiểu đoàn Công binh 15 của Hải Phòng chế tạo ra cuộn phóng từ FT-1 (bàn nam châm trục quay, cuộn phóng từ quấn trên ống hơi hàn đã hết, dùng năng lượng ắc quy, có thể dùng xe di chuyển) vừa có tác dụng gây biến thiên từ trường lớn, vừa giúp sử dụng nhẹ nhàng hơn.

2. Dân quân tự vệ sáng tạo ra nhiều cách phá bom rất độc đáo, dũng cảm. Đội tự vệ bến phà Kiền (Hải Phòng) do Nguyễn Văn Căn chỉ huy đã “mặc áo giáp rơm, đội mũ rơm” lái ca nô vỏ sắt chạy nhanh qua vùng nước có bom chưa nổ. Tự vệ cảng Hải Phòng lái xe ôtô tải loại lớn chạy với tốc độ cao gây nổ bom từ trường mà cả người và xe vẫn an toàn. Xưởng X46 hải quân, Ty Bảo đảm Hàng hải, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng chế tạo ca nô không người lái mang bộ khí tài phóng từ HDL-9 (HDL là 3 chữ đầu “Hạm diệt lôi”, sử dụng ắc quy, điều khiển từ xa, hạ thủy ngày 20.12.1967) phá được 13 quả ở An Dương, 6 quả ở bến phà Khuể, 18 quả ở bến phà Quý Cao, 5 quả ở bến phà Tiên Cựu…

Cuối năm 1967, tự vệ Ty Bảo đảm Hàng hải sử dụng ca nô “Cồn Cỏ”, “Tự lực 10”, “Tự lực 155”… mang theo các bộ phóng từ dùng tốc độ cao lướt qua các bãi bom, khơi thông các luồng sông Kinh Thầy, Tam Bạc, khu vực Thượng Lý, bến An Dương. Đội tự vệ của Công ty tàu cuốc sử dụng ca nô VTS có bộ khí tài phóng từ phá được 11 quả trên luồng sông Thái Bình; Đội công binh của Công ty vận tải đường sông 202 phá nổ 14 quả ở luồng sông đào Vạn Kiếp; Đội công binh của Tiểu đoàn Tự vệ cảng do đội trưởng Trần Viết Chấn chỉ huy sử dụng tàu tăng-kít TK-154 phá nổ 12 quả giải tỏa bến phà Khuể… Đến cuối năm 1967, ngoài những đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương, miền Bắc đã tổ chức được 4.300 tổ đội rà phá bom mìn với 23.000 dân quân tự vệ.

Ngày 14.3.1968, nhiều tốp máy bay Mỹ thả hơn 300 quả bom từ trường xuống khu vực phà Quán Hàu, đội tự vệ bến phà đã dùng khung dây rà quét gây nổ 122 quả; cùng ngày đội phá bom dân quân xã Đức Ninh dùng bộc phá phá nổ 250 quả dọc sông Nhật Lệ. Hàng vạn lượt người, phương tiện, khí tài được huy động chiến đấu chống phong tỏa, trong đó dân quân tự vệ và nhân dân ven biển là lực lượng đông đảo nhất.

Trong gần 4 năm, các lực lượng rà phá bom từ trường của ba thứ quân, chủ yếu là các tổ đội công binh của dân quân tự vệ, đã phá gỡ tổng cộng 8.851 quả thủy lôi, bom từ trường các loại (trong tổng số trên 74.000 quả). Sau khi đi điều tra tình hình Việt Nam hồi tháng 2.1968, trong báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ, thượng nghị sĩ J.Clark nêu: “Bắc Việt Nam đã có thể đưa vào miền Nam bao nhiêu người và vật liệu là tùy theo ý muốn của họ”.

3. Trong chiến tranh phá hoại, phong tỏa lần thứ hai (4.1972 - 1.1973), Mỹ phong tỏa rộng hơn, dùng hỗn hợp nhiều loại thủy lôi, bom từ trường và liên tục thả bổ sung, với mật độ phong tỏa rất cao. Như ở vùng đảo Ngư đã rải 1.352 quả, vùng Hòn La 1.162 quả, đoạn sông Lam từ Cửa Hội đến Bến Thủy 820 quả, từ phao số 2 Cửa Gianh vào Văn Phú 1.010 quả. Lúc này trên toàn miền Bắc có tới trên 1.000 đài, trạm quan sát, trong đó hải quân có 113 trạm, Cục Vận tải đường biển 40 trạm, Cục Vận tải đường sông 10 trạm, dân quân tự vệ các địa phương và ngành kinh tế khác có trên 900 trạm, tổ quan sát với mọi hình thức quan sát, phát hiện thủy lôi khác nhau.

Quân khu Tả Ngạn huy động trên 2.000 dân quân, thành lập gần 300 đài quan sát trong tổng số 350 đài của dân quân tự vệ ở khu vực trọng điểm. Ty Bảo đảm Hàng hải thành lập 133 tổ, ở các địa phương ven biển có 129 trạm quan sát. Ngoài ra các lực lượng còn tổ chức các trạm quan sát trên các tàu buôn. Lực lượng quan sát, rà phá bom trên các tuyến đường bộ và đường sắt cũng phát triển mạnh, Bộ GTVT có 626 tổ quan sát bom với 1.770 người được bố trí trên các tuyến giao thông huyết mạch và các trọng điểm địch đánh phá, tổ chức 145 đội phá bom trên bộ với 1.047 người làm nhiệm vụ rà phá bom được trang bị các thiết bị phóng từ. Tất cả các khu vực rộng khắp được hợp thành một tuyến liên hoàn từ xa tới gần. Các đài, trạm quan sát được trang bị ống kính nhìn xa TZK, máy đo xa, kinh vĩ, ống nhòm 6x30, 10x50, địa bàn, phương hướng bàn, lực lượng chủ lực còn được trang bị điện thoại hữu tuyến, vô tuyến điện, kẻng, tín hiệu âm thanh các loại.

Ta cũng đã 5 lần thử dùng máy bay AN-2 thả 318 gói bộc phá (lượng nổ 10kg/gói) trên luồng Nam Triệu, nhưng chỉ kích nổ được 9 quả bom từ trường; dùng ca nô C47 thả bom chìm nhưng chỉ kích nổ được 1 quả thủy lôi ở khu vực phao số 17; dùng pháo bảo vệ bờ biển của Quân khu Tả Ngạn bắn vào các bãi thủy lôi nhưng chỉ phá nổ được 3 quả. Những phương pháp này không hiệu quả đồng thời dễ gây nguy hiểm nên phải ngừng sử dụng.

Để trả lời câu hỏi Mỹ dùng loại thủy lôi mới gì cần nhanh chóng mò tìm, tháo gỡ nghiên cứu. Ngày 12.5.1972, ông Nguyễn Văn Thưởng, xã viên HTX đánh cá Tràng Cát, huyện An Hải phát hiện một quả thủy lôi ở tây bắc Đèn Nơm trên luồng chính Nam Triệu, đã dẫn công binh hải quân đến mò tìm. Sau đó, ta tuyển chọn, huy động được hàng trăm người tình nguyện trong hai tháng 5-6.1972 mò tìm trên diện tích gần 4 triệu mét vuông trên luồng Nam Triệu, tìm thêm được 9 quả khác. Thủy lôi được đưa vào boongke do Pháp xây dựng trước đây và chỉ để một cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm vào tháo đầu nổ. Nhờ đó đã tìm ra được nguyên lý gây nổ, xác lập được những thông số kỹ thuật để chế tạo ra các loại thiết bị và quyết định phương thức rà phá hiệu quả, giảm bớt tổn thất về người và phương tiện.

4. Thế trận “Toàn dân tham gia phá thủy lôi địch” trên khắp chiến trường sông, biển miền Bắc được hình thành. Ngày 15.5.1972, không quân Mỹ thả hàng trăm quả bom từ trường xuống khu vực Lạch Họng kéo dài từ Hòn Dấu đến mũi Phù Sa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đội công binh nhân dân khu Quyết Tiến chờ thủy triều rút cạn lần theo dấu vết, chỗ nào thấy đất lồi lõm khác thường hoặc thấy vết cánh bom trên mặt bùn thì cắm cọc tiêu đánh dấu để rà phá.

Sau nhiều ngày đánh dấu, ngày 2.6.1972 phá nổ quả đầu tiên bằng “bàn nam châm”, sau khi được tăng cường thêm bộ khí tài 480 đã phá nổ thêm 10 quả nữa. Ngày 5.8.1972, đội phá nổ quả thứ 12 ở phía tây Cống Họng, do khu vực này bom từ trường dày đặc nên đã kích nổ dây chuyền 48 quả khác. Dân quân Xuân Tiên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sau 1 giờ địch rải phong tỏa Cửa Hội và một đoạn sông Lam đã nhanh chóng triển khai đội hình, ngay ngày đầu tiên phá được 30 quả; dân quân Tường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) phá nổ 83 quả trên bộ bằng “bàn nam châm” và khung dây PK…

Trong tổng số 12.664 bom mìn đã rà phá được ở miền Bắc có 8.287 quả được phá bằng các dụng cụ thông thường và thô sơ (dùng các loại tôn, thép, dùng khung dây phóng từ đơn giản với nguồn điện pin để kích nổ…) chiếm 65,4%; 1.537 quả được phá bằng thuốc nổ, chiếm 12,1%, 219 quả được tháo gỡ để nghiên cứu, chiếm 1,7%. Chỉ có 2.621 quả được phá bằng phương tiện hiện đại (máy phóng từ có công suất lớn lắp trên tàu, thuyền, ca nô) chiếm 20,6%.

Bám trụ tại hàng nghìn đài trạm quan sát, cắm tiêu thủy lôi và bom từ trường ở các trọng điểm trên sông biển suốt từ Quảng Ninh vào đến Quảng Bình là những con người gan vàng, dạ thép. Tổ quan sát tại Hoàng Châu (Cát Hải) của Đội 8 công binh hải quân khi đi kiểm tra luồng ở khu vực Long Châu bất ngờ bị lốc xoáy chìm thuyền. Cả 8 người bị hất xuống biển, 1 người bị cá mập tha đi mất tích, 7 người còn lại vật lộn trôi dạt bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không ai làm lộ bí mật. Ở đại đội 2 giao thông huyện Can Lộc, La Thị Tám bị bom vùi hàng chục lần nhưng liên tục bám trụ 150 ngày tại ngã ba Đồng Lộc, theo dõi đánh dấu 705 quả bom từ trường cho đồng đội phá hủy.

Thanh niên xung phong Võ Thị Tần từ ngã ba Đồng Lộc viết thư về cho mẹ: “Ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng đến thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom giặc có thể rung chuyển cả đồi núi, nhưng làm sao rung chuyển được trái tim chúng con…”. Đại đội 3 tiểu đoàn 30 công binh cùng với 10 thanh niên xung phong nữ của Đô Lương chỉ trong 1 tháng đã phá gần 2.000 quả bom từ trường.

Dân quân Nguyễn Trọng Được ở xã Hưng Vĩnh, Hưng Nguyên trong 7 tháng đã phá 400 quả bom từ trường cùng nhiều bom nổ chậm khác. Nhiều người không quản hiểm nguy đi thẳng vào bãi bom nghiên cứu cấu tạo, nguyên lý gây nổ… Người thời ấy đã sống và chiến đấu, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

5. Trong chiến tranh phong tỏa, Mỹ đã dùng các loại khí tài hiện đại nhất, cải tiến rất nhanh các loại bom mìn, sử dụng tới 25 kiểu đầu nổ cơ học và 20 kiểu đầu nổ điện tử, quang điện, lade. Ngay sau Hiệp định Paris 27.1.1973, Mỹ phải thực hiện rà phá thủy lôi khắc phục hậu quả và hoàn thành trong 30 ngày. Nhưng mãi tới 5.2.1973 phía Mỹ mới đến Hải Phòng trao cho ta một tấm bản đồ đánh dấu 110 khu vực rải bom mìn phong tỏa.

Lực lượng rà quét bom mìn, còn gọi là “biên đội 78”, gồm 27 tàu các loại, 45 trực thăng, 5.003 sĩ quan, binh lính và nhân viên kỹ thuật, do một phó đô đốc chỉ huy, ngày 27.2.1973 mới bắt đầu cho một máy bay trực thăng kéo ống phóng từ rà quét thí điểm ở luồng Nam Triệu, không gây nổ quả nào. Hôm sau, họ rút lực lượng từ đảo Long Châu về vùng biển Thanh Hóa, không tiến hành rà quét. Do ta đấu tranh, đến 6.3.1973 Mỹ buộc phải quay lại rà quét trên luồng Nam Triệu, vùng ven biển Đồ Sơn, Lạch Huyện, Lạch Miều.

Trên mỗi khu vực Mỹ sử dụng một trực thăng kéo xe trượt KM104, MK105, MK106 hoặc ống phóng từ. Mỗi trực thăng quét trong 3 giờ, sau đó chiếc khác đến thay thế, hoạt động liên tục từ ngày 6 - 20.3.1973, sử dụng 143 lần chiếc trực thăng, rà quét 1.547 lần, nhưng chỉ phá nổ được 3 quả thủy lôi ở phía ngoài luồng Nam Triệu. Tổn thất của Mỹ là bị cháy một tàu quét mìn biển MSO, một trực thăng CH 53 rơi xuống biển. Đến ngày 17.4.1973 phía Mỹ lại một lần nữa lấy lý do chiến tranh miền Nam để rút về cảng Subic Philippines; sau nhiều lần ta đấu tranh đến ngày 18.6.1973 lực lượng này quay trở lại nhưng không phá nổ thêm quả nào. 18h30 phút ngày 18.7.1973, ta đồng ý kết thúc, cho phép biên đội 78 rút khỏi hải phận miền Bắc, chấm dứt việc rà quét.

Tài liệu 640 trang này nhận định: Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương tích; khi trở về đời thường phần lớn được hưởng chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên có những trường hợp không điều tra kỹ, nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, công lao không được khen thưởng đúng mức... Tôi vừa đọc vừa rà soát lại những gì các nhân vật của mình từng chia sẻ trong loạt bài này. Quả vậy, chiến tranh chống phong tỏa là phần đời hào sảng đẹp nhất của họ, là những năm tháng không thể nào quên.

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Lo “trọn gói” đám cưới cho công nhân

LÊ TUYẾT |

“Một bữa, síp (sếp-PV) gọi em lên hỏi “Hai đứa yêu nhau thiệt không, cô thấy quen nhau lâu rồi mà không tính chuyện cưới xin, con gái có thì, chần chừ mãi rồi khổ người ta”. Tui mới bứt tóc bảo “con thương thiệt, muốn cưới mà chưa có tiền”. Tui chưa dứt lời thì síp nói “tụi con không thương nhau mới khó chứ không có tiền cưới thì dễ lắm, cô chú “bao” hết cho” – Với một giọng rặt miền Tây, anh Trần Văn Cúp, công nhân Cty CP SX Trà Hùng Phát (huyện Củ Chi, TPHCM) kể lại đám cưới của mình.

U Minh Hạ: Lá rừng thì xanh, còn người héo hon, khắc khoải

Hoàng Huy |

Chẳng có chính quyền nào muốn người dân nghèo khó cả. Nhất là những cư dân lưu lạc về mảnh đất U Minh này. Nhiều chủ trương, chính sách để vùng đất này vực dậy, nhưng khi xuống tới địa phương chưa thực hiện được. Vì vậy người dân sống dưới tán rừng nhìn lên thấy cả một màu xanh bao la, nhưng lòng dạ họ lại héo hon vì miếng cơm manh áo không lành, có khi cơm lưng bụng để sống qua ngày.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Lo “trọn gói” đám cưới cho công nhân

LÊ TUYẾT |

“Một bữa, síp (sếp-PV) gọi em lên hỏi “Hai đứa yêu nhau thiệt không, cô thấy quen nhau lâu rồi mà không tính chuyện cưới xin, con gái có thì, chần chừ mãi rồi khổ người ta”. Tui mới bứt tóc bảo “con thương thiệt, muốn cưới mà chưa có tiền”. Tui chưa dứt lời thì síp nói “tụi con không thương nhau mới khó chứ không có tiền cưới thì dễ lắm, cô chú “bao” hết cho” – Với một giọng rặt miền Tây, anh Trần Văn Cúp, công nhân Cty CP SX Trà Hùng Phát (huyện Củ Chi, TPHCM) kể lại đám cưới của mình.

U Minh Hạ: Lá rừng thì xanh, còn người héo hon, khắc khoải

Hoàng Huy |

Chẳng có chính quyền nào muốn người dân nghèo khó cả. Nhất là những cư dân lưu lạc về mảnh đất U Minh này. Nhiều chủ trương, chính sách để vùng đất này vực dậy, nhưng khi xuống tới địa phương chưa thực hiện được. Vì vậy người dân sống dưới tán rừng nhìn lên thấy cả một màu xanh bao la, nhưng lòng dạ họ lại héo hon vì miếng cơm manh áo không lành, có khi cơm lưng bụng để sống qua ngày.