“Điện Biên Phủ dưới nước”: Chuyện kể của dũng sĩ trong ngôi làng cổ

NGUYỄN HUY MINH |

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ biệt cõi trần, trên báo Lao Động xuất hiện hàng loạt những dòng tít lớn: “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Nhớ Đại tướng: Tiếng khóc đã cất thành lời”... Đặc biệt, còn có một bản tin ngắn mang tiêu đề “Chiến sĩ “Điện Biên Phủ dưới nước” tưởng nhớ Đại tướng”. Bản tin ấy khiến tôi rất băn khoăn - “Điện Biên Phủ dưới nước” - sao mình chưa từng nghe nói tới?

Làng cổ Hoàng Mai nằm trên đất Kẻ Mơ xưa, nơi danh tướng Trần Khát Chân của triều đại nhà Trần khai trang lập ấp từ cuối thế kỷ XIV. Gia đình ông Nguyễn Tiến Hà sinh sống ở đây đã nhiều đời. Ông đón tôi tại một ngã ba đường rợp bóng cây, gọn gàng trong trang phục áo trắng, quần xanh của hải quân, ngực áo cài huy hiệu Cựu chiến binh, năm nay ông đã 75 tuổi, nhưng dáng vóc cao lớn đĩnh đạc này hẳn rằng phải xốc vác lắm ở thời trai tráng.

1. Ông Nguyễn Tiến Hà nguyên là Đại đội trưởng tự vệ chiến đấu thuộc Tiểu đoàn tự vệ Bảo đảm Hàng hải anh hùng trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Đội phó kiêm Bí thư chi bộ Đội khảo sát biển Ty Bảo đảm Hàng hải. Trải qua 11 năm trong chiến tranh, ông được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong sản xuất và chiến đấu, từng được cử đi dự đại hội Dũng sĩ diệt Mỹ và Chiến sĩ thi đua ngành GTVT năm 1968. Từ năm 2006 tới nay, ông dành rất nhiều thời gian để đi gần khắp các tỉnh, thành tìm gặp đồng đội còn sống, ghé thăm nhiều bảo tàng và đến nhiều nghĩa trang thắp hương cho những người đã hy sinh trong thời chiến hoặc qua đời trong thời bình. 

Thôi thúc muốn xuất bản một cuốn sách về những năm tháng máu lửa trên mặt nước nên ông đã tự học cách chụp ảnh, cách ghi hình để lưu lại những tấm hình, những tâm tình của các đồng chí tiền bối, lão thành cách mạng, các cán bộ chiến sĩ ngành đường biển và hải quân từng trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông cũng là người được mời tới tham dự một vài cuộc tọa đàm, hội thảo về cuộc chiến chống phong tỏa đường biển - rà phá thủy lôi, nhưng ông không hài lòng về quy mô cũng như tầm vóc của những hội thảo đó. “Nếu như năm 1954 chúng ta có một trận Điện Biên Phủ lừng lẫy trên mặt đất tại Tây Bắc, năm 1972 có một trận “Điện Biên Phủ” lừng lẫy trên bầu trời Hà Nội, thì ngành hàng hải chúng tôi cũng tự hào đã có một “Điện Biên Phủ dưới nước”, đập tan tham vọng, bẻ gãy chiến lược phong tỏa đường biển bằng thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi tại Hội nghị Paris nói riêng và thống nhất đất nước nói chung. Tôi rất chạnh lòng, rất buồn! Vì thắng lợi vĩ đại này chưa được tổng kết, đánh giá đúng mức ở cấp Nhà nước” - ông nói.

 Bà Nguyễn Thị Định thăm các chiến sĩ phá thủy lôi.

2. Theo hồi ức của ông Lê Văn Kỳ - nguyên Cục trưởng Cục Vận tải đường biển Việt Nam (Cục VTĐB), Tư lệnh các lực lượng mở đường trên biển - ngày 5.5.1965, Cục VTĐB được thành lập với nhiệm vụ chính là tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em và vận tải chi viện cho các chiến trường. Từ năm 1965, Mỹ đã thả xuống các cửa sông, cửa biển hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường nhằm bịt kín mọi luồng lạch, mọi lối ra-vào từ Quảng Ninh cho tới Quảng Bình. Được cấp trên giao nhiệm vụ, Cục VTĐB đã nhanh chóng thành lập tổ nghiên cứu và tìm mọi giải pháp phá vây. Tư liệu lưu trữ của ông Nguyễn Tiến Hà cho thấy, thời đó, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn Đặng Kinh và Cục trưởng Cục VTĐB Lê Văn Kỳ là bộ ba gắn bó keo sơn, chung lưng đấu cật, tận tụy hết lòng vì cách mạng và thắng lợi của dân tộc, đã chỉ huy lãnh đạo quân dân Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh miền duyên hải chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của địch. Ông Đặng Kinh đã cấp cho ông Lê Văn Kỳ rất nhiều súng đạn phòng không để trang bị cho các đảo đèn, các tàu vận tải đánh lại máy bay, tàu chiến của địch; ông Lê Văn Kỳ đã nhiều lần cử tàu kéo tàu phóng ngư lôi của hải quân xuất kích đánh đuổi các tàu biệt kích địch, thậm chí cả khu trục hạm Maddox 731 của Mỹ, cung cấp cho ông Nguyễn Bá Phát rất nhiều tàu thuyền và con người để thành lập và điều hành Đoàn Tàu Không Số, bí mật vận tải hàng hóa từ Bắc vào Nam. Các chuyến tàu cảm tử vượt biển trong mưa bão trong sự bao vây, kiểm soát gắt gao của Hạm đội 7 Mỹ tại vịnh Bắc Bộ để tiếp tế cho các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ… cũng có sự đóng góp rất đắc lực của Cục VTĐB. 

Cục VTĐB còn tổ chức, chỉ huy hàng trăm trạm quan sát thủy lôi để đo đếm và ghi chép số lượng, chủng loại, vị trí thủy lôi rơi ở các cửa biển, luồng lạch, đồng thời tổ chức mò vớt, tháo gỡ, nghiên cứu và phá hủy thủy lôi Mỹ; từ đơn giản thủ công như kéo bè, kéo thuyền gây nổ, dùng bò vào trận đến cử thanh niên lái ca nô cảm tử lao vào bãi thủy lôi để nghiên cứu. Sau đó, cục thành lập đơn vị nghiên cứu, thiết kế các phương tiện phá thủy lôi, lập các đội rà phá hiện đại. Lúc nhiều nhất Cục VTĐB có cả một đoàn tàu phá thủy lôi lên tới 14 chiếc và nhiều đội chuyên trách như Quyết Thắng, Lê Mã Lương, Công binh cảng Hải Phòng, Lạch Trào, Cửa Hội, Cửa Gianh… Về phần Bộ đội Hải quân, Công binh, Quân khu Tả ngạn, Quân khu 4, Bộ Tư lệnh 350, các Tỉnh đội, Cục Đường sông, Đường sắt, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu... cũng đều tham gia vào mặt trận này và có nhiều chiến công rất lớn. Phá thế bao vây phong tỏa bằng mọi giá, chứ không chịu chết đói, không chịu để miền Bắc quay trở về thời kỳ đồ đá. 

Người Mỹ không thể hiểu nổi và nhiều người Việt Nam trong cuộc cũng chưa hiểu hết cách khảo sát tìm luồng, hoa tiêu dẫn tàu, cách thiết kế đào đắp công sự, âu ụ đỗ giấu tàu thuyền, ngụy trang, cách quan sát, đo đếm xác định vị trí thủy lôi rơi, tháo gỡ, rà phá dưới nước, cách chạy tàu thuyền, cách tổ chức chỉ huy bốc xếp, vận tải hàng hóa vũ khí lương thực... của cán bộ chiến sĩ ngành đường biển trong những năm tháng ấy.

3. Bộ ba lão tướng Kinh, Kỳ, Phát nay chỉ còn lại Trung tướng Đặng Kinh, cụ đã hơn 90 tuổi. Đất nước đã hòa bình thống nhất từ lâu, quân đội và nhiều ngành, tỉnh, thành phố đã tổng kết chiến tranh. Nhưng cuộc chiến chống phong tỏa đường biển - rà phá thủy lôi thì chưa có tổng kết cấp Nhà nước, chưa đúc rút ra những bài học cho con cháu mai sau hiểu biết và vận dụng; chưa bổ sung chế độ chính sách và khen thưởng xứng đáng với chiến công của những liệt sĩ, thương binh và cán bộ chiến sĩ Cục VTĐB. Họ đã biết bao lần can đảm nhận truy điệu sống, bao lần không tiếc thân mình vận hành những con tàu chạy trên bom mìn thủy lôi luôn sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào trong sự săn lùng của máy bay địch trên bầu trời, tàu chiến địch trên mặt nước. Đại tá Hải quân - đại lão đồng chí Hoàng Sơn, ở tuổi ngoài 80 đã tâm sự với ông Hà: “Thế hệ hiện nay và sau này mà không biết công lao của đường biển sẽ là thiếu sót, thiếu sót với cả lịch sử và dân tộc. Vì người không mặc áo lính mà làm việc cảm tử, hy sinh còn hơn người lính”.

 

4. Rót đầy chén nước mời tôi vừa vơi, ông Hà kể tiếp: “Nay tôi cũng đã ở ngoài cái tuổi cổ lai hy. Những khi được gặp lại đồng đội cũ, tôi vui lắm, ấm áp thân thương, gần gũi thiết tha, chan hòa cởi mở. Cảm thấy trong người mình như thức lại sức mạnh của thời tráng kiện, ăn “nắp hầm” (bột mì trộn muối luộc chay), ngủ dưới hầm, đêm đêm đi trên con tàu Giải phóng 100 tấn từng giờ, từng phút chấp nhận đụng đầu với máy bay, tàu chiến địch, hoặc trên những con thuyền gỗ, thuyền nan nhỏ xíu mà quần áo, sào đo đều mượn của ngư dân, để khảo sát dò tìm luồng lạch trong bom mìn thủy lôi, dẫn đường cho tàu ta ra trận. Rồi lại nhớ những ngày đêm đi tìm và mai táng thi thể trôi nổi nhiều ngày trên sông biển của các liệt sĩ Tân, Mây, Vội, Thanh... hoặc thăm viếng nơi an nghỉ của Lê Văn Lợi - người đã 3 lần được đồng đội và nhân dân “tế sống” trước khi anh tình nguyện cảm tử lái ca nô lao vào bãi thủy lôi”.

Ông đưa tôi xem tác phẩm được viết nên chính bởi một chiến sĩ cảm tử - ông Hoàng Tuấn Nhã - với tên gọi “Nhật ký thành phố chống phong tỏa”, có đoạn: “Vinh quang thuộc về đơn vị và cá nhân có năng suất cao nhất. Họ cười và vừa làm việc họ vừa hát. Mệt nhọc, thức thâu đêm, nhưng có một niềm vui lớn. Những cô gái đầu còn xanh ở bên này Thái Bình Dương đang góp sức đấu tài, đấu trí với những mái đầu bạc và những cái trán hói trong Viện Hàn lâm khoa học quân sự bên kia Thái Bình Dương”; “Lần này tàu phá lôi Thanh niên 1 được trang bị 1 cuộn từ mới, có sức phóng từ mạnh hơn. Chiếc thuyền gỗ đã được thui lại, xảm hẳn lại và được trang bị một máy phát điện 35 ampe xinh xắn, mới tinh. Nó còn được lắp thêm động cơ chân vịt. Cho chạy thử, nó lao nhanh như gió. 

Bây giờ thì nó nằm đấy khiêm tốn và rất tự tin. Trông bề ngoài thì nó chỉ là một chiếc thuyền chài tầm thường. Mui che một tấm cót rách mép, mấy chiếc quần áo cũ giặt phơi trên đầu sào, xoong nồi, củi đuốc lộn xộn trong khoang thuyền. Nó bé tí tẹo nhưng vẫn sẵn sàng xung trận với khả năng chiến đấu vừa linh hoạt vừa có hiệu quả cao nhất. Chiếc thuyền gỗ phá lôi độc đáo của Việt Nam nằm đấy, giữa vùng nước vằn vện những khoang dầu ma dút cầu vồng, như giữa vòng hoa nguyệt quế”; “Cầu tàu đã từng chứng kiến trong những đêm tối trời, cảnh người ta khiêng các chiến sĩ phá lôi bị vỡ đầu, thủng ruột, gãy cột sống và ngất lịm từ trên những chiếc tàu phá lôi xuống, mình đầm đìa máu tươi. Cầu tàu đã từng trông thấy những chàng hiệp sĩ đầu đội mũ xe tăng, gối bịt băng cứng như gối cầu thủ, mình nồng nặc mùi nước mặn và mùi thuốc nổ, từ trên tàu chạy xuống huơ tay chào bạn bè ra đón với niềm vui hân hoan vô hạn của người chiến thắng trở về”; “Vịnh Hạ Long lặng gió. Mặt biển xanh màu cẩm thạch sủi lên những gợn sóng hình vẩy cá. Một cuộc chiến tranh kỳ lạ, chống một kẻ thù giấu mặt nhưng vô cùng nguy hiểm. Không một tiếng súng. Đây là cuộc chiến tranh điện tử. Chúng ta đang đánh chúng bằng những xung xanh, xung đỏ, xung bắc, xung nam. Đánh chúng bằng những luồng điện... Chết ư? Bị thương ư? Điều đó đã được xác định rồi. Xác định rồi nên lòng thanh thản”; “Thành phố bị giặc Mỹ bao vây phong tỏa này, nếu tương lai cần đến chuyện thần thoại thay cho lịch sử thì bản anh hùng ca của mỗi ngày trong cuộc sống hiện tại sẽ có thể đem hát lên suốt tháng, suốt năm như câu chuyện kỳ lạ nhất của những thời xa xưa. Nhưng chẳng cần tới chuyện thần thoại. Những con người của thành phố Cảng còn vĩ đại hơn cả những anh hùng trong truyền thuyết. Dưới bước chân của những người bảo vệ thành phố này, vòng vây thép của tên đế quốc hung bạo nhất trên trái đất đã bị nghiền nát. Và máu của những người công dân của thành phố này đã đổ ra, sẽ làm cho thành phố vinh quang đời đời”.

5. Mỗi dịp được gặp lại đồng đội một thời vào sinh ra tử, ông Hà vui là hiển nhiên rồi. Nhưng khi niềm vui qua đi thì nỗi buồn ùa tới. Ông bảo với tôi, ông đã khóc rất nhiều lần mỗi khi đọc đi đọc lại cuốn “Khúc tráng ca về biển” (Chu Lai, NXB QĐND, 1997): “Chả nhẽ cuộc sống xô bồ, ồn ã đến nỗi mà mới có từng ấy năm, cuộc chiến tranh kia đã cứ tưởng như cuộc chiến tranh của người khác, của quốc gia khác, lạ lẫm và vô can?”; “Người còn lại tan tác khắp nơi trong cái sự về hưu, về nghỉ mà hầu hết đều chung cảnh ngộ không mấy xênh xang. Như thế thì sống được, tồn tại được đã đủ mệt, đủ bứt hơi rồi chứ nói gì đến chuyện nhớ lại, sống lại, kể lại rành rẽ mọi chuyện trước sau”; “Chúng thả thủy lôi trùng điệp. Chỉ cần dám luồn lách qua bãi thủy lôi thôi, đã đủ là anh hùng rồi... Cả trận địa rung lên trong tiếng đất đá rơi ào ào. Một quả nổ, tiếp liền một quả nữa, quả nữa... 

Kỷ niệm họp mặt cựu cán bộ chiến sĩ cảm tử - mở đường trên biển - rà phá thuỷ lôi Mỹ (ông Nguyễn Tiến Hà ngoài cùng, bên phải).
 

Và chỉ trong vòng không đầy hai giờ đồng hồ, lá tôn rách nát đã hoàn thành sứ mạng của mình. Cả 5 quả bom từ trường đã tan biến vào hư vô. Và sáng ra những chiến sĩ tự vệ phá lôi ngành đường biển lại chia nhau đi về hướng bom rơi. Hơn 100 quả thủy lôi và bom từ trường đã được phá ngọt bằng những mảnh tôn lá kẽm bình dân như thế. Một lần nữa, cái Tâm, cái Gan, cái Trí được hun đúc từ khí thiêng ngọn sóng Bạch Đằng bừng thức dậy”; “Khắp nơi là một trận đồ bát quái. Chúng bịt luồng chỗ này, ta mở luồng chỗ khác; chúng đánh vào trung tâm, ta sơ tán ra ngoại vi; thủy lôi càng dày, luồng lạch càng phân tán mỏng; chúng càng đánh, tốc độ giải tỏa càng nhanh; chúng chơi trò vũ khí luận, ta dùng thuyết chiến tranh nhân dân; chúng chặt đứt tất cả các tuyến luồng địa lý mà chúng quên rằng ở ta, còn có những tuyến luồng trong lòng người. Tà khí và vương khí. Điên rồ và tĩnh lặng. Sự dã man và lòng căm thù. Hủy diệt và bất diệt”; “Nói đến cuộc chiến chống phong tỏa đường biển, ở đâu cũng thế, bao giờ cũng vậy, trước hết và trên hết phải nói đến sức đối đầu của những chàng ngự lâm quân mở luồng, những chiến sĩ phá lôi quyết tử. Lịch sử chống phong tỏa của ngành Hàng hải Việt Nam sẽ lưu dấu mãi hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ tự vệ phá lôi mình trần ướt sũng, hay đầu chụp mũ xe tăng, mình vận áo quần nịt gọn, đưa những con tàu phóng từ lao băng băng trên sóng dữ”; “Người Việt Nam không thích hận thù, người Đường biển Việt Nam cũng không mang lòng oán hận dẫu rằng đã có thời oán thù chất đầy sông, đầy biển. Người chân chính còn có nhiều việc phải làm hơn là ngày đêm ngồi gặm nhấm cái nỗi đau và thù hận của mình. Quá khứ chỉ để người ta hiểu mình, nhưng hiện tại mới làm người ta trọng mình”; “Về chuyện chống phong tỏa này, tôi đã đi nhiều nơi, gặp cũng đã nhiều người, toàn những người thực sự trong cuộc cả, hình như có nổi lên một nhức nhối chung. Đó là chuyện công trạng không được rõ ràng. Người thực sự đổ máu để tạo nên chiến quả lại được đánh ngang bằng, thậm chí không bằng với những người, những bộ phận chỉ có dịp láng qua, thu lượm qua loa rồi về khái quát, đúc kết lại”; “Nhiều cái “đã” lắm! Cái nào cũng thật náo nức lòng dạ, nhưng chỉ riêng cái “Đã khen thưởng” thì quả thật, đúng là chưa thấy gì”; “Nhưng còn một con số khác, con số của sự đau thương và nhức nhối, một con số không quên và không được phép quên, một con số không muốn nói ra nhưng lại không thể không nói, con số đó là bao nhiêu? Con số đó đang bị quên lãng đi trong sôi sủi dòng đời, hay vẫn đêm ngày cháy đỏ trên ban thờ mỗi gia đình; vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi trong cõi lòng mỗi người vợ, người mẹ?”; “Năm tháng sẽ qua đi, mọi việc sẽ trở nên im ắng dần, thời gian sẽ dìm mọi việc vào nhẹ thoảng, chỉ còn trang thiên anh hùng ca về biển sẽ mãi mãi ngân lên trong nắng gió. Phải chăng, chính tại nơi này, trước Biển Đông có nên dựng một tượng đài cao sừng sững, màu của thời gian, quanh năm thách cứ cùng sóng gió, tạc vào không gian cái dáng đứng kiêu hãnh một thời cho muôn thời của con người vận tải biển. Nên chăng? Biển giập nát, biển lại mởn da non. Những con tàu chìm đắm, những con tàu lại đi xa. Lòng sao cứ muốn bức tượng đài kia đứng đó, bất biến phong trần, hồng rực ánh rạng đông và màu hoa phượng để nhắc nhở cho đời sau những gì sâu xa nhất của nhân phẩm con người”.

Khi tôi ngồi ghi chép lại những dòng này thì nhận được tin nhắn của ông Hà - dũng sĩ trong ngôi làng cổ - rằng: “Chúng tôi đều sắp “ra đi” cả rồi. Nếu cuộc chiến này được tổng kết, và nếu một mai lại xảy ra phong tỏa, thì con cháu chúng ta đã có sẵn bài học này, bớt tốn đi xương máu”.

Trong ngôi nhà bé nhỏ ẩn mình dưới giàn hoa giấy, ông Lê Văn Kỳ vẫn ngày ngày lặng lẽ ngắm nhìn bức tranh sơn dầu cổ kính vẽ về cuộc chiến ác liệt của một thời khói lửa đã qua. Có một chiếc hộp nhỏ ông luôn nâng niu cất giữ bên mình, nó chứa bộ não của thứ vũ khí chờ giết người đáng sợ.

 

 

Chiến tranh phong tỏa của Mỹ ở miền Bắc, Mỹ đã thả xuống các cửa sông, cửa biển 17.000 quả thủy lôi và bom từ trường. Trong đó, công binh quân đội chủ lực phá 3.908 quả, dân quân tự vệ phá 9.440 quả.

Hải Phòng là nơi tập trung công nghiệp, cảng biển, đường sắt, đường bộ, là cửa ngõ của Việt Nam tiếp nhận viện trợ của bạn bè trên thế giới, giúp ta giải phóng đất nước. Nhằm chặn cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, Mỹ mở các chiến dịch “Mũi lao lửa” tháng 2.1965, “Sấm rền” tháng 3.1965. Không quân Mỹ liên tiếp đánh phá đảo Bạch Long Vĩ, đảo đèn Long Châu và các phương tiện vận tải ven biển, nhằm biến Hải Phòng thành cái dạ dày ăn no không tiêu. Đêm 28.2.1967, Mỹ tiến hành thả thủy lôi trên các triền sông, cửa sông ở khu Bốn và ở Nam Định, Ninh Bình. Cuộc chiến chống thủy lôi bắt đầu. Tháng 3.1967 bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa sông Mã, Cửa Hội, sông Gianh, Đồng Hới, các loại bom từ trường, thủy lôi MK 52 từ tính, MK 50 âm thanh và nhiều thứ vũ khí hiện đại khác được đem vào sử dụng... Ngã ba Quả Xoài - cửa ngõ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội - đã được mệnh danh là Ngã ba Đồng Lộc trên biển. Nối tiếp truyền thống Bạch Đằng, cuộc chiến chống phong tỏa là một “Điện Biên Phủ” dưới nước, mãi mãi là bài ca bất tử của một thời chiến tranh nhân dân trong cuộc trường kỳ giành độc lập, tự do”.

(Nguồn: Phim Tài liệu “Cuộc chiến chống phong tỏa đường biển 1965-1975”,  VTV1 phát ngày 22 và 27.12.2010)

 


NGUYỄN HUY MINH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.