Chuyện một dân tộc chỉ có hơn 400 người trên toàn lãnh thổ

Giang Hải - gianghaild@gmail.com |

Mờ sáng, mở mắt ra đã thấy 2 cuộc gọi nhỡ. Hóa ra đầu dây bên kia từ ngã ba Đông Dương, từ làng Đăk Mế, là Nàng Pan. “Bà lại sắp xuống Hà Nội hội thảo cháu ạ, đâu như về du lịch cộng đồng. Cháu ở Hà Nội chứ? Bao giờ bà xuống, bà gặp. Nhé!”. Tiếng vẫn khỏe, nhịp vẫn vang, dù năm nay, bà Pan đã bước sang tuổi 86. Cuộc gặp “trên sóng” làm sống lại những “thước phim” về một dân tộc mà dân số chỉ có hơn 400 người trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Dân tộc Brâu.

Cúng rẫy lúa

Tôi cứ ám ảnh mãi đôi bàn chân của bà Y Pan. Đôi bàn chân đã đi qua bao nhiêu bến nước trong hơn 2/3 thế kỷ, vẫn chưa muốn dừng lại. Đôi bàn chân đã đưa chúng tôi vượt chặng đường gần 20 cây số đi xa khỏi làng Đăk Mế… để tìm hiểu về cuộc sống của người Brâu. Hành trình băng qua lớp lớp những đồi “bát úp” xếp dài trên thảo nguyên. Cũng có lúc đầu gối chạm cằm, ở nơi mà hai “chiếc bát” giao nhau, vách dựng. Tháng Bảy, Tây Nguyên, nắng nổ nứa. Vậy mà bà Pan vẫn cứ phăm phăm, không chút mệt nhọc. Sâu hút tầm nhìn là đại ngàn Chư Mom Ray. Hơn 3 giờ đồng hồ thì tới nơi. Trước mặt, ngút ngàn rừng lồ ô. Một làng nhỏ hiện ra, chỉ lúp xúp mươi nóc nhà xếp kế nhau như cánh cung. “Bọn con gái đang theo người đàn bà lên rẫy. Bọn con trai đang theo người đàn ông lên rừng”, bà Pan bảo.

Ở bên này con suối, nếp mới dậy mùi. Đôi bàn tay không thể chai sạn hơn của Nàng Xon thoăn thoắt tuốt từng bông lúa. Những hạt thóc còn căng sữa mới được chọn. Đã gần được lưng gùi. Đứa con gái nhỏ của chị mới học mẹ chọn nếp. Cũng đã nửa gùi. Ở bên kia con suối, bọn con trai cũng vừa xốc những cây lồ ô lên vai. Những tấm lưng trần thoắt ẩn thoắt hiện dưới bóng rừng. Khi mặt trời vừa đứng trên đỉnh núi thì mọi người về tới khoảng sân rộng bao quanh bởi những ngôi nhà lấp xấp. Nổi lửa! Bọn con trai hò nhau bắt heo, bắt gà. Bọn con gái đổ những gùi nếp sữa vào chảo. Lúc này, Nàng Xon mới rảnh rang ngậm tẩu. Tất cả những người phụ nữ Brâu đều ngậm tẩu. Thế nên, nhà của người Brâu được dựng lên ở đâu thì ở đó có cây thuốc lá.

Vạt nắng vừa được kéo sang bên kia lưng núi thì những mẻ nếp rang đầu tiên được đổ vào cối. Giai điệu giã cốm nổi lên. Đó là những thanh âm bắt đầu lễ Chong õ bơn h’lư, tức là lễ mừng lúa mới. Nàng Xon khoác gùi trở lại rẫy để dâng thần. Này là máu gà, này là “ngải” Brâu. “Hôm nay, tôi giết con heo, tôi giết con gà, cúng Giàng. Cầu cho được nhiều lúa, cầu cho được ăn no”. Nàng Xon vừa lẩm rẩm như thế vừa hiến thần bằng cách bôi máu lên những thân cây lúa. Hết cúng ở trên rẫy thì lại cúng ở làng. Hai ché rượu, thịt heo, thịt gà đã được bày sẵn ra khoảng sân. Chỉ chờ Nàng Xon mang những bông lúa chín về thì những người đàn ông lại lẩm rẩm khấn: “Xin Giàng trời, Giàng đất chứng giám cho. Chúng tôi hôm nay giết con lợn, giết con gà. Hãy về ăn. Hãy về uống rượu. Hãy cho kho lúa được đầy, cho chúng tôi được no đủ. Hãy cho người già, trẻ con được khỏe mạnh”. Những bông lúa trĩu trên tay người đàn ông được huơ đi huơ lại, rồi chuyền sang tay những người đàn bà trước khi được cất lại vào gùi. Bốn chiếc gùi bày ra, tượng trưng cho những kho lúa mong ước được đầy…

 

Chiêng Tha, chiêng Goong giờ vẫn đang được người Brâu gìn giữ như những báu vật. 

Đêm giữa rừng

Bóng nắng lịm hẳn thì dứt những lời xin Giàng. Lửa bập bùng. Cả đàn bà, đàn ông, cả bọn con trai, con gái quây quanh ché rượu. Cứ hết một hơi rượu lại chuyện trò. Khi ấy, Nàng Pan mới bắt đầu: “Rừng lồ ô ở đâu thì làng ở đấy. Cây lồ ô cho chúng tôi từ cái lạt buộc đến cái cột, cái kèo. Nhà của người Brâu tất thảy đều từ cây lồ ô. Rẫy ở đâu thì lễ mừng lúa mới ở đấy. Không phải như Đăk Mế bây giờ. Những người vào đây dựng làng, dựng nhà vì… nhớ buôn làng ngày xưa”. Nói rồi, đôi mắt bà Pan cứ nhìn về phía đại ngàn Chư Mom Ray, đang chìm trong thăm thẳm màn đêm. Là bà đang nhớ về cội nguồn của mình.

Gốc gác của những người Brâu trên vùng cao nguyên này, trên lãnh thổ Việt Nam mới bắt đầu hơn 100 năm nay. Còn bên kia biên giới, ở Nam Lào, ở Bắc Campuchia, lịch sử của họ bắt đầu xa hơn thế. Trong trí những của những người già, hành trình của những người người Brâu từ đất nước triệu voi, qua xứ sở tháp Payon vào Việt Nam từ những ngày đầu thế kỷ XX. Những người đàn ông mang họ Thao, đàn bà mang họ Nàng. Đến bây giờ, người Brâu vẫn chỉ có 2 họ để phân biệt đàn ông, đàn bà như thế. Nàng Pu, người vừa theo Giàng ở tuổi hơn 100 vào năm ngoái, khi còn sống kể lại: “Cứ đi xuyên rừng. Bọn trẻ con bị tóe máu ở bàn chân. Chỗ nào có rừng lồ ô thì lập làng”. Chuyện này được kể đi kể lại trong mỗi đêm đốt lửa. Bọn trẻ con chăm chú nghe và chỉ nhớ gốc gác của mình là từ trong rừng!

Lịch sử của người Brâu trên lãnh thổ Việt Nam là lịch sử của những bước chân di cư. Theo một tài liệu của TS Bùi Ngọc Quang - Viện KHXH Việt Nam, người Brâu đã 6 lần chuyển làng. Ngay cả Nàng Pu cũng không còn nhớ là tại sao? Có người giải thích là do dịch bệnh. Đó chỉ là phỏng đoán. Nhưng có thực tế là người Brâu đã từng đứng trước họa… diệt vong! Theo những tài liệu ghi nhận được thì năm 1979, dân số Brâu chỉ có 96 người. Và đã có thời điểm, tỉ lệ tử cao hơn tỉ lệ sinh, nghĩa là quy mô dân số bị teo lại. Mối họa đó đã bị đẩy lùi. Người Brâu cứ sinh sôi thêm và cho đến giờ, dân số đã tăng lên 441 nhân khẩu. Đôi mắt đã nhằng nhịt nếp nhăn của bà Pan rực lên trong ánh lửa khi nhắc tới điều này. Tôi cũng bắt gặp niềm vui của những người làng Đăk Mế, khi có thêm một đứa trẻ ở nhà Nàng Ô. Người Brâu đã đi qua hiểm họa. Nhưng cuộc sống của họ đã có nhiều đổi khác. 

Nàng Pu (bìa trái), người đàn bà đã 86 tuổi vẫn cần mẫn sưu tầm và truyền bá văn hóa người Brâu. 

Báu vật

Đăk Mế bây giờ không giống làng Brâu. Lần thứ 3 trở lại ngã ba Đông Dương, tôi được thầy cúng Thao Đỗ kể cho nghe về những ký ức bung biêng, không liền mạch của ông. “Đăk Mế bây giờ như phố thị. Làng tôi xưa tròn như cái bánh xe”. Rồi ông vạch liền trên nền đất. “Đây này, cái làng nó tròn như thế. Cái nhà rông ở giữa, già làng sống ở giữa. Ban ngày, bọn thanh niên vẫn xúm vào nhà rông tụ tập. Còn nhà ở của chúng tôi xếp vòng xung quanh. Cả làng được rào quây tròn lại. Có cả cổng làng, duy nhất một cái cổng thôi. Đó là đường ra bến nước. Khi cúng lúa mới, cúng mở kho thóc, cúng cầu sức khỏe mọi người đều phải vào nhà rông. Cúng Giàng ở nhà rông. Đâm trâu ở nhà rông. Đàn ông, đàn bà nhảy múa… như thế… như thế”. Đôi bàn chân xòa trên sân đất, ông Đỗ sống lại một vũ điệu ngày mùa…

Nhưng đã lâu rồi, ông Đỗ không còn ra nhà rông. Rất nhiều người Brâu ở Đăk Mế cũng không còn ra nhà rông. Vì làng đã khác, nhà rông đã khác. “Đận những năm 90, hỏa hoạn thiêu rụi “chiếc bánh xe” cuối cùng. Thế là những người Brâu được đưa đến định cư ở làng Đăk Mế bây giờ. Làng mới được thiết kế ô bàn cờ, như phố. Nhà rông cũng được kiên cố hóa bằng cốt thép, bêtông ở đầu làng. Sau đận bị sét đánh rụi, lại một nhà rông bằng gỗ được dựng lên, cũng ở đầu làng”, trưởng thôn Thao Lợi kể. Ông Đỗ cứ bung biêng ngẫm ngợi, rồi chắc nịch: “Nhà rông khác quá!”. Những người Brâu quây quần bên ché rượu ở làng nhỏ ven rừng Chư Mom Ray cũng cứ như tiếc nuối: “Đăk Mế bây giờ khác quá!”.

Một người đàn bà còn giữ tục căng tai bằng ngà voi như ngày xưa. 

Duy nhất một thứ vẫn đang được gìn giữ như những báu vật - những bộ chiêng. Tôi đã thấy âm điệu buồn bã của chiêng goong trong đám ma tiễn biệt Thao Pú về với ông bà, tiếng chiêng hoan hỉ đón chào thành viên mới ở nhà Nàng Ô. Và cả tiếng chiêng linh thiêng của chiêng Tha. Bộ chiêng chỉ có 2 chiếc, người Brâu còn gọi là chiêng Vợ - chiêng Chồng. Những người già vẫn kể, các cụ đời trước phải đổi mấy chục con trâu mới có được. Già làng Thao Lăng cung kính mời chiêng Tha “ăn” trước khi treo lên giá gỗ. Người Brâu tin rằng tiếng chiêng Tha có thể giao cảm với Giàng, giúp họ tồn tại được rồi cứ sinh sôi ra mãi. Nhưng những người biết diễn tấu chiêng goong, chiêng Tha thì cứ ngày một ít đi. Cả bà Pan, lần nào tiễn tôi về xuôi, cũng cứ hỏi: “Nay mai, đôi bàn chân bà không còn dẻo dai nữa, thì ai ra thủ đô, để kể chuyện về người Brâu nữa, cháu nhỉ?”…

Giang Hải - gianghaild@gmail.com
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.