Búp bê gỗ chạm vùng ký ức...

Cao Thùy Liên |

Trần Thu Hằng, cô gái sinh năm 1984, cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật khiến tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi những con búp bê gỗ artdoll tinh xảo chế tác bằng tay cô làm được bán với giá cả nghìn USD. Phải hẹn đến lần thứ 3, tôi mới được gặp Hằng, vì cô nói rất sợ giao tiếp, sợ gặp người lạ, sợ phải nghe những câu hỏi cũ và trả lời những câu hỏi không mới.

Và trong hình dung của tôi, đó sẽ là một cô gái tóc tém, trông hơi bụi bặm, nam tính và “lôi thôi” một cách nghệ sĩ, giống như hình ảnh nhiều phụ nữ làm nghệ thuật. Nhưng trước mặt tôi là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp như một “cô” búp bê do chính mình làm ra, và rất có gu thời trang. Tất cả hoàn mỹ và khéo léo giống như cách “lôi những đứa trẻ ra khỏi từng khúc gỗ xù xì”- cô ví von công đoạn biến những mẩu gỗ vô tri thành những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của mình.

“Bà đồng nát”

Hằng cho biết, cô đến với “nghề” artdoll (búp bê nghệ thuật) như một định mệnh. Ngày còn bé, cô đã thích cạo, khoét những viên phấn để cho ra một hình thù gì đấy, hoặc thích lấy nến đốt rồi nặn ra vô số đồ vật. Mẹ Hằng gọi cô là “bà đồng nát” bởi thói quen nhặt nhạnh những thứ vứt đi để làm thành những tác phẩm bé xíu, dễ thương cho mình. Khi sắp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 2009, Hằng tình cờ bắt gặp những con búp bê Nhật. Đó không đơn thuần là kiểu búp bê cung đình, truyền thống mà có nhiều loại rất đời thường. “Mình cũng làm được”, Hằng nghĩ và bắt đầu chuỗi ngày nhốt mình trong phòng, cứ đi học về là ôm ngay lấy khúc gỗ đục đẽo, gọt giũa đến tận đêm rồi lại hì hụi may vá. Có hôm mệt quá, Hằng ngủ quên ngay trên nền nhà, 4 giờ sáng tỉnh dậy định lên giường ngủ lại thì ý tưởng chợt về, nên lấy giấy ra vẽ lại rồi mới yên tâm chợp mắt…

Trong vô vàn chất liệu làm búp bê, Hằng chọn gỗ. “Tôi thích gỗ, thích cảm giác mình cầm một khối gỗ vô tri và bắt đầu gọt tỉa từng chút. Sau những đường dao, hương gỗ bay lên thơm ngào ngạt, những vân gỗ hiện ra đẹp lạ lùng, rồi hình hài của những chú búp bê bé nhỏ với da thịt, tay chân, cứ dần hiện ra trên tay tôi và tự kể câu chuyện của chúng”. Hằng thường dùng gỗ thông, loại gỗ xốp, mềm, dễ gọt, gỗ mịn và vân đẹp để làm búp bê. Trong lúc nói chuyện, tôi để ý thấy bàn tay nhỏ nhắn của Hằng có rất nhiều vết sẹo. Hằng giấu hai bàn tay vào nhau, cười cười: “Có đến gần 100 vết. Búp bê bằng gỗ cứng, phải dùng dao thật sắc nên bị đứt tay liên tục. Lâu rồi cũng chẳng thấy sợ nữa, cứ thấy máu chảy thì biết là đã đứt tay, băng bó xong xuôi lại ôm khúc gỗ để gọt tiếp”.

Có ý tưởng, có chất liệu, nhưng thể hiện thế nào là chuyện khác, đây cũng là giai đoạn khó nhất đối với một người chế tác artdoll. Hằng giải thích: Khi thể hiện tác phẩm trên gỗ, tôi thường phải xác định được nhân vật của mình là trai hay gái, tính cách như thế nào, hiền lành hay nghịch ngợm. Một đứa trẻ nghịch ngợm ánh mắt sẽ tinh quái ra sao, đứa hiền lành sẽ có gương mặt ngộ nghĩnh, dễ thương như thế nào… Khi mọi thứ đã định hình thì sẽ vừa làm vừa hoàn thiện, để sao cho các tiểu tiết phải tạo ra cái hồn cho nhân vật, như là ngón chân phải cong một tí, bàn tay phải vênh một tí hoặc cụp xuống một tí để làm sao thấy đó là một đứa bé đang như ngóng chờ ai đó, sợ hãi hoặc thích thú điều gì đó. Xong đoạn hình hài, là đến công đoạn may vá, tết lông mi, tết tóc, may giày cho búp bê... Hằng nói: “Làm artdoll giống như lẽ sống của tôi, đói ăn, khát uống. Khi cảm xúc đầy tự khắc nó sẽ trào. Tôi làm như đứa trẻ con không biết sợ, cảm giác vừa điên loạn vừa đam mê. Khi làm việc, tôi như bị chìm đắm trong đấy, tai không nghe, mắt không nhìn…”.

 

Tác phẩm “Bắc thang lên trời”. 

Không yêu, không hiểu… đừng mua

“Thế giới” nhỏ của Hằng là một phòng làm việc rộng chừng 20m2 la liệt máy cắt, dao, kéo, cưa, gỗ và đủ thứ dụng cụ khác nhau, trông chẳng ăn nhập gì với cô gái nhỏ nhắn và có phần mong manh đang đứng cạnh tôi lúc này. Đây là nơi “cố thủ” của Hằng trước khi các sản phẩm búp bê của cô được ra mắt. Lúc Hằng làm việc, không ai được bước vào đây, không ai được biết Hằng làm gì. Tất nhiên mặt mũi những đứa trẻ cô đang “thai nghén” cũng không ai được thấy. Thậm chí chồng của Hằng cũng không được “bén mảng” đến nơi này. “May mà anh ấy cũng là họa sĩ nên chia sẻ được. Chúng tôi thường thì ai ở phòng người ấy, có khi người ở nhà, người ra quán café làm việc để tránh ảnh hưởng đến nhau”. Chia sẻ với tôi về tình yêu cũng như những ám ảnh của nghề nghiệp, thậm chí Hằng khẳng định: “Cảm giác là điều có thể mô tả bằng hình hài. Bởi khi mình suy ngẫm sâu sắc điều gì đó, nó sẽ hiện rõ trong tác phẩm”. Chính vì thế, Hằng chỉ làm công việc sáng tạo khi cảm thấy thực sự thoải mái, vì “tôi không muốn truyền sự u uất, buồn phiền của mình vào nhân vật”.

10 năm sáng tạo, Hằng đã có triển lãm đầu tiên vào năm 2001 gồm 21 tác phẩm với chủ đề “Thủ thỉ”. Tận mắt ngắm nghía những nhân vật với đủ mọi sắc thái biểu cảm, đủ mọi hành động từ tinh nghịch đến ngô nghê, lem luốc, tôi có cảm giác như mình đang ngược thời gian để trở về với tuổi thơ như những nhân vật đang hiện hữu. Càng hiểu vì sao tác phẩm của Hằng lại có cái giá cao ngất ngưởng mà vẫn rất nhiều người sẵn lòng chờ đợi để được sở hữu nó. Trung bình, mỗi con búp bê sáng tác có giá trên 1.000USD, búp bê đặt hàng khoảng 500USD/con.

Tuy nhiên, tiền hình như không phải là đích chính, cô bảo: “Giá của một tác phẩm chỉ thực sự hình thành khi tác phẩm được bán với giá đó. Tôi truyền hết mọi nhiệt huyết, đam mê và sự tỉ mẩn của mình vào tác phẩm, thậm chí cả máu và nước mắt, hẳn người xem cũng cảm được điều đó. Chơi búp bê gỗ giống như kẻ sang ưa đồ hiệu, không đơn thuần là giá cả mà quan trọng là mọi công đoạn làm nên sản phẩm đều là thủ công, mang cả linh hồn vào từng chi tiết. Nhưng tôi chỉ bán nó với giá đó, cho người coi trọng, trân quý, hiểu nó và yêu nó như tôi đã yêu chứ không phải cầm một cục tiền lớn trên tay rồi cảm thấy vui sướng”.

Tôi “lục” sổ ghi cảm tưởng của người xem triển lãm 4 năm trước, thấy có những chia sẻ rất tình cảm: “Cô đã khóc khi xem các tác phẩm của cháu”; “Em được tiếp thêm hy vọng khi xem búp bê của chị”… Có lẽ, búp bê của Hằng đã chạm được vùng ký ức mà ai cũng từng trải qua nên nhiều người đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua một tác phẩm. Đến nay, Hằng đã bán được gần 30 tác phẩm đặt hàng, chủ yếu là các tác phẩm mô phỏng chân dung người thân mà khách hàng yêu cầu.

Triển lãm đầu tiên rất thành công, song cô gái có tâm, có tài, có cả đôi bàn tay khéo léo trong việc tạo ra những con búp bê đầy hồn vía kia vẫn không vội vàng vì sợ tác phẩm nhanh chóng đi vào lối mòn. 4 năm qua, Hằng vẫn mày mò để thử sức với những chất liệu mới: “Tôi không muốn gói mình vào một khuôn khổ. Không nên để khi nhắc đến tôi, công chúng lại ồ lên một tiếng: Lại Hằng à, lại búp bê gỗ à? Tôi đang rất cố gắng để chia sẻ với mọi người một thế giới mà tôi nhìn thấy, qua mọi chất liệu, trong mọi cách mà tôi có thể sáng tạo”.

Dự kiến triển lãm thứ 2 của Hằng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Nhưng đến thời điểm này, “cô gái thổi hồn cho gỗ” chỉ tiết lộ về dự án của mình một cách không... rõ ràng. “Có thể hình dung là một hoàng hôn nhưng không rõ hoàng hôn, bình minh nhưng không rõ bình minh, là điều gì đó chiều hơn, sớm hơn, một cảm giác mơ hồ, chập choạng. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một thế giới mà bạn đã từng trải qua, và đã từng quên nó. Đó sẽ là cảm giác của mọi người khi đến với triển lãm thứ 2 của tôi”, Hằng nói.

Hằng cho biết, artdoll (búp bê nghệ thuật) đã phổ biến từ trên thế giới, nhưng chỉ mới du nhập vào Việt Nam. Làm 

artdoll đòi hỏi sự khéo léo, công phu giữa điêu khắc, hội họa và nhiều nghề thủ công khác như thêu, may… Art doll có thể chia làm nhiều dòng: Cổ tích, nhân vật lịch sử, cuộc sống…

 

 

 

 
Cao Thùy Liên
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.

Chuyển hồ sơ sai phạm ở dự án của Mường Thanh Hà Nam cho Bộ Công an xử lý

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét và xử lý dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh tại tỉnh Hà Nam do phát hiện có nhiều sai phạm liên quan chỉ định đầu tư, cho thuê đất, chuyển nhượng căn hộ...

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Tái khởi động những cây cầu trăm tỉ xây dang dở lâu nay ở TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng với kỳ vọng thay đổi bộ mặt giao thông của TPHCM, giải quyết vấn nạn ùn tắc, song cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại, Phước Long, Tân Kỳ - Tân Quý lần lượt bị "đắp chiếu" nhiều năm.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.