Bỏ xứ vì khát

TRẦN TUẤN |

Đã 6 giờ chiều, nhưng ở xã biên giới Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), hơi nóng từ gió Lào vẫn như lửa liên tục táp vào mặt người. Quanh tôi nhìn đâu cũng thấy cỏ cháy, ruộng khô, vườn hoang dại. Tìm đến thôn 1 chênh viên bên sườn núi Ka Đay, tình hình còn bi đát hơn khi cả thôn có 147 hộ dân với hơn 470 nhân khẩu nhưng có đến 90% số hộ khô khát không có nước sinh hoạt. Đất đai khô cằn, khắc khổ vì thiếu nước, nhiều người đã ngán ngẩm bỏ xứ mà đi khiến xóm làng thêm hiu hắt. Những ngày khô hạn này, lại có thêm nhiều người nữa lên kế hoạch rời núi...

“Xóm can nhựa”

Bây giờ thì thôn 1, xã Hương Liên có tên mới là “Xóm can nhựa” bởi tình cảnh khô khát, quanh năm phải dùng can nhựa chở nước sông về dùng của 147 hộ dân. Gặp một phụ nữ trên đường đầu thôn, tôi hỏi ở đây những hộ nào giếng khô cạn, không có nước sinh hoạt? Chị nói “khô cạn gần như cả làng. Chú cứ thấy nhà ai có can nhựa quanh thềm là vô đó”. Trần Văn Kham, người dân thứ 2 ở thôn 1 tôi gặp nhễ nhại mồ hôi trên đường đi rẫy về, chuyện được mấy câu, anh tất tả xin phép đi lấy nước vì sáng đi làm chưa kịp chở. Nói rồi anh lấy 5 - 6 cái can nhựa loại 20 lít bỏ lên xe bò kéo ra sông Rào Trổ cách nhà khoảng 2km. Theo anh ra đó, tôi thấy nhiều trẻ con và phụ nữ đang tắm, giặt, múc nước; phía trên còn có đàn trâu đang đằm. Tôi hỏi không sợ mất vệ sinh à? Anh Kham cười, nói “tránh mô hết được chú, phía trên xa, dân làng người ta... xả thải ra đây cả”.

Cong lưng kéo xe nước về đến con dốc đầu làng, anh Kham thở dốc, phải gọi nhờ mấy người hàng xóm giúp chiếc xe mới qua được con dốc đứng. Chở được can nước về nhà khổ sở lắm, nên mọi người trong nhà đều ý thức phải hết sức tiết kiệm. Nước sau khi rửa rau còn dùng để rửa bát. Việc tắm, giặt hầu như cả làng đều ra sông. Dẫn tôi ra cái giếng sau vườn đào 15 năm trước, sâu 22m nhưng cạn trơ đáy, anh Kham lắc đầu: “Nói giếng chứ nó chỉ như cái thùng thủng đáy thôi chú. Mùa mưa thì có được mét nước. Nhưng hết mưa vài ngày là nước cũng tự hết luôn”.

Hàng xóm anh Kham, bà Lê Thị Vinh (74 tuổi) cũng đang vã mồ hôi với đứa cháu khóc ré vì nóng. Lâu lâu thấy ngưng khóc, tôi nhìn sang thì thấy bà Vinh đang đổ một ít nước ra chậu xoa lên người thằng bé. Ở cái chậu khác, những chiếc bát ăn xong chưa rửa đang nửa chìm nửa nổi trong nước vo gạo. Bà Vinh nói: “Cả làng đều rứa cả. Phải tận dụng không chỉ có ăn rồi chở nước, còn thì giờ mô mà đi làm nương rẫy nữa”. Nhà bà Vinh có 6 người con, 4 người lập gia đình ở trong thôn thì đều phải quanh năm gánh nước. Thương các con đã lam lũ ngoài nương rẫy còn lo nước nhưng tuổi già, bà chẳng giúp được gì ngoài ý thức sử dụng phải thật tiết kiệm.

Đào giếng chỉ mất công... lấp lại

Hơn mười năm trước, gia đình bà Vinh đào cái giếng sâu hơn 20m nhưng không có nước nên đành lấp lại. Mà không riêng gì nhà bà Vinh, ở cái thôn này, hàng chục nhà đào rồi lấp, lấp rồi đào nhưng quanh năm vẫn phải ăn nước sông. Mới nhất, cách đây gần tháng, hộ ông Trần Ngọc Thiệm khoan đến 2 cái giếng nhưng vẫn không có nước. Chỉ tay vào một mũi khoan chưa kịp lấp, ông Thiệm lắc đầu, nói “cái này khoan trước, sâu 40m mà vẫn không có lấy một giọt nước. Hết mũi khoan, cánh thợ đầu hàng định bỏ ra về. Nhưng rồi tiếp tục khoan lại chỗ bên kia. Cũng 40m, mà cũng chịu”. Trước đây, ông Thiệm cũng đào giếng nhưng không có nước phải lấp lại. Quanh năm suốt tháng gánh nước, ăn nước sông nên ông ngán ngẩm quyết thuê thợ về khoan để có nước cho được nhưng rồi cũng bất lực.

Nhà chị Nguyễn Thị Thảo, cách đây 2 năm, cũng khoan một giếng sâu 40m nhưng không thấy nước. Thế là vừa mất tiền khoan, còn thêm công lấp lại. Chung tình cảnh khô khát như xóm làng, nhưng gia đình chị tội nghiệp hơn khi chồng bị tai nạn nằm liệt giường hơn một năm nay. Mình chị nuôi 3 đứa con dại. Lo việc nương rẫy cũng đã tối mặt. Thành ra, hàng ngày chị giao cho cậu con trai đầu tên Đoàn Xuân Nam (11 tuổi) đảm nhận việc “nước” để nấu ăn, tắm rửa cho cha.

Trưởng thôn 1 - ông Nguyễn Hải Đường - giọng đầy trăn trở: Cả thôn có 147 hộ, hơn 470 nhân khẩu. Mà khoảng 80 đến 90% số hộ không có nước sinh hoạt, phải ăn nước sông, xin nước ở trạm Biên phòng, hay xin từ thôn khác về. Mà không phải chỉ có mùa hạn, mùa mưa cũng không có nước. Đó là lý do hàng chục hộ dân đào giếng rồi lấp. Nhiều hộ không có giếng vì họ biết đào lên cũng chỉ thêm mất công lấp lại.

 

Giếng đào nhưng khô cạn. 

Đua nhau bỏ xứ

“Đất đai khô cằn, quanh năm ăn nước sông. Nghĩ mà chán. Nhiều khi tui muốn bỏ xứ, đưa vợ con đi vô Nam như người ta luôn. Chỉ vướng phải ở nhà nuôi cha mẹ già, không thì tôi đi thật” - anh Kham bày tỏ. Theo anh Kham, có đến 1/3 số hộ dân trong thôn đã bỏ xứ vô Nam làm ăn. Những hộ bám trụ lại chủ yếu là gia đình chính sách, người già, người tàn tật muốn đi mà bị “trói chân” không thể đi được.

Trưởng thôn Nguyễn Hải Đường cũng khẳng định, đến thời điểm này đã có khoảng 40 hộ dân bỏ xứ đi làm ăn tận trong Bình Dương, Tây Nguyên.... và con số vẫn có xu hướng tăng. Gần đây có khoảng 15 nhà đóng cửa tha hương. “Ở làng đất cằn cỗi, lại thêm khổ sở vì không có nước sinh hoạt nên họ bỏ xứ đi tìm điều kiện sống tốt hơn. Mà tui nghĩ như rứa cũng tốt. Bám trụ ở nơi heo hút, khắc khổ ni tội lắm” - ông Đường chia sẻ. Chủ tịch UBND xã Hương Liên - ông Đinh Xuân Thường - nói rằng, trong mùa khô này cả xã có khoảng 200 hộ dân không có nước, trong đó, số hộ thiếu nước chủ yếu ở thôn 1 do địa hình cao hơn hẳn các thôn khác, nên hầu như phải gánh nước quanh năm. Chỉ trừ mùa mưa, may ra họ hứng nước trời được vài tháng.

Ông Trần Văn Lộc - Trưởng Trạm Y tế xã Hương Liên - cho biết, việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, kéo dài gần như quanh năm khiến nhiều người dân ở thôn 1 phải sử dụng tắm giặt, ăn uống nước sông Rào Trổ. Thực tế, ghi nhận của Trạm Y tế, người dân ở đây thường bị đau bụng, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Đó là các bệnh thường liên quan đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. “Thực sự chúng tôi lo ngại cho sức khỏe của người dân khi họ dùng nguồn nước sông mà dân cư ở thượng nguồn xả thải” - ông Lộc chia sẻ. Chủ tịch xã Đinh Xuân Thường cho biết, trong rất nhiều cuộc họp người dân có ý kiến về vấn đề nước sinh hoạt, địa phương cũng kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Trong một số phương án đưa ra, thì phương án lắp đặt trạm bơm, xử lý nước sông cho người dân thôn 1 sử dụng là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn kinh phí chưa có. “Chúng tôi đã đề xuất cho xã linh động sử dụng kinh phí từ nguồn xây dựng nông thôn mới để triển khai Dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân thôn 1. Nhưng ý kiến này chưa được đồng tình. Hy vọng cấp trên sẽ xem xét, lưu ý để người dân bớt khổ” - ông Thường giọng tha thiết.

1.500ha lúa bỏ hoang vụ hè - thu

 

 

Trao đổi với PV Lao Động ngày 21.6, ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh - cho biết, do nắng hạn kéo dài từ đầu tháng 5, 107 hồ đập khô cạn, hàng chục trạm bơm ngừng hoạt động vì không đủ nước để bơm. Điều này khiến 1.500ha đất lúa thiếu nước không thể gieo cấy vụ hè - thu. Nắng hạn cũng làm hơn 183ha chè bị khô cháy và đang có nguy cơ tăng thêm.

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Ác mộng ADN - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Trong câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe tâm sự của một cô gái trẻ vừa đi hưởng tuần trăng mật trở về đã vấp phải một sự việc mà có lẽ, chỉ một vài giờ đồng hồ trước đó, cô không bao giờ có thể tưởng tượng ra được: Người chồng mới cưới của cô có con riêng.

Nhiều ôtô chạy trên cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dù chưa được phép lưu thông

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết mới đang thông xe kỹ thuật, chưa lắp đặt biển báo cũng như chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật để lưu thông nhưng nhiều ôtô đã chạy vào, bất chấp những vị trí có tấm bêtông chắn ngang.

Hàng trăm thanh niên xô đẩy trước cửa đền tranh cướp sợi chiếu

Hải Nguyễn |

Sau phần lễ tế, chiếc nồi đất bị đập vỡ tại sân đền Đức Bà là lúc tích trò đúc bụt náo nhiệt nhất. Hàng trăm thanh niên tranh nhau tiến sát cửa đền để mong giành được sợi chiếu sớm nhất tại lễ hội đúc bụt.

Câu lạc bộ Hà Nội giành Siêu cúp Quốc gia 2022

NHÓM PV |

Thắng CLB Hải Phòng 2-0, Hà Nội có lần thứ 5 vô địch Siêu cúp Quốc gia.

Đưa du khách Châu Âu trải nghiệm trên du thuyền từ Cần Thơ đi Campuchia

TẠ QUANG |

Hơn 60 du khách Châu Âu được khởi hành từ Cần Thơ đi Campuchia trên du thuyền triệu đô Victoria Mekong, vừa tham quan vừa trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người dân sinh sống dọc sông Mê Kông.

Xuất siêu đạt mức 3,6 tỉ USD ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023

Vũ Long |

Tháng 1.2023, ước tính Việt Nam xuất siêu 3,6 tỉ USD. Đặc biệt, trong nhóm hàng nhập khẩu, nhóm nguyên liệu sản xuất chiếm số áp đảo.

Công nhân Miền Tây trở lại thành phố: Hy vọng năm mới ổn định hơn

Phong Linh |

Sáng và trưa 29.1, dòng người từ các tỉnh Miền Tây di chuyển qua cầu Cần Thơ để trở về thành phố làm việc khá đông. Dù thời tiết không thuận lợi, nhiều công nhân vẫn cố gắng dừng chân ăn vội chiếc bánh để tiếp tục hành trình...

Những nhóm hàng tăng giá đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh

Vũ Long |

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2023 tăng 4,89% do nhiều yếu tố, trong đó, tác động nhiều nhất là sự tăng giá của hàng hóa Tết, giá nhiên liệu.