Bỏ lỡ cơ hội làm du lịch giữa Trường Sơn

Ghi chép của Thanh Hải |

Mưa như trút nước ở dốc bên này, nhưng nắng vàng ươm ở vạt rừng bên kia, đó là nét kỳ thú khi đi giữa đường Hồ Chí Minh trên rừng Trường Sơn. Con đường nhựa phẳng lỳ vắt vẻo qua những cánh rừng giờ đã phủ kín màu xanh, hoa dại ven rừng đua nhau khoe sắc, tạo cảm giác sảng khoái cho lữ khách. Nhưng, hấp dẫn nhất chính là những bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số ven đường với bao nhiêu ký ức thấm đậm chất huyền sử về một Trường Sơn bi hùng. Bến Giằng, Làng Rô - đoạn qua Quảng Nam là một trong những điểm dừng chân có sức lôi cuốn như vậy… Nhưng thật đáng tiếc khi địa phương này không phát huy thành những điểm du lịch.

Khép lại làng Hoa

Tháng 10.2016, dư luận xôn xao về việc UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định đồng ý về chủ trương cho phép di dời Nhà máy thép Việt  - Pháp từ Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn lên làng Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang. Hàng vạn người dân ở hạ nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn phản ứng gay gắt vì lo ngại ô nhiễm môi trường, đặc biệt nguồn nước… Nhà máy này buộc phải di dời vì sự phản đối quyết liệt của người dân Điện Bàn, đã từng bị huyện Đại Lộc từ chối tiếp nhận, nên bây giờ dù có sự cam kết của chính quyền, thì việc di dời nhà máy lên làng Hoa, huyện Nam Giang vẫn không thuyết phục. Trước những phản ứng của người dân và chính quyền TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải hoãn lại quyết định, đồng thời cẩn trọng triển khai công tác đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện.

 

Bến Giằng-một trong 37 di tích Đường Trường Sơn đã được xếp hạng di tích  đặc biệt cấp Quốc gia vào năm 2013.  Ảnh: Thanh Hải

 Tuy nhiên, cũng thời điểm này, UBND huyện Nam Giang lại tuyên bố rằng không chỉ hoan nghênh việc đón nhận nhà máy thép Việt Pháp, mà cùng với nhà máy xi măng Xuân Thành đã có sẵn, khu vực này còn hướng tới xây dựng thành cụm công nghiệp nặng để thu hút đầu tư… Làng Hoa – nơi rù rì dại nở rực hai bên bờ suối từ cuối xuân sang đầu hạ, nơi hò hẹn với những câu chuyện tình đầy dấu yêu, giờ đành khép lại. Đó là những thông tin buồn cho những ai yêu Trường Sơn, yêu những bản làng người Cơ Tu thuần hậu ven con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Mất dấu làng Rô

"Ơi làng Rô nhỏ của tôi

Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng

Trăm năm ta nhớ ơn làng

Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.

Những câu thơ này được nhà thơ Tố Hữu viết từ những năm 1973, trên đường vào Nam và viết trường ca “Nước non ngàn dặm”. Ông viết về làng Rô - nay là xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi mà đồng bào người Cơ Tu đã che chở, cưu mang ông cùng chí sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ từ những năm 1942, khi 2 người vượt ngục thực dân Pháp tại Kon Tum, trốn chạy quân thù, ra miền Bắc làm cách mạng. Những câu thơ ngắn ngủi, chân tình này ông không chỉ viết cho mình, nhắc nhở cho con cháu của ông, hàm ơn về một làng Rô đã từng nuôi giấu, chở che cho nhà thơ… mà còn khắc ghi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ về một làng Rô anh dũng, đã góp công sức cho cách mạng.

 

 Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang (ven đường Hồ Chí Minh) Ảnh: Thanh Hải

Làng Rô trong ký ức của nhà thơ Tố Hữu chừng 12 nóc nhà sàn đơn sơ bên dòng sông Đắk Mi. Ở đó, sắn khoai trong kho, đậu bắp trên rẫy đã được đồng bào mang về độn cơm, lót dạ cho các chiến sỹ cách mạng trong tình trạng đói lả, kiệt sức sau chặn đường rừng dài vượt ngục tù. Ở đó, cả làng đã bị quân Pháp hù dọa, bắt đứng dầm dưới mưa vì bị nghi ngờ đã che giấu cán bộ Việt Minh. Rồi những năm 1973, khi ông trở lại trên đường vào Nam, làng Rô tan tác vì bom Mỹ, người dân tứ tán trong rừng sâu. Nhưng khi gom lại được mấy chục người để thăm hỏi, họ đều nhận ra ông, rồi ôm chầm nhau đầy xúc động. Các con của nhà thơ Tố Hữu sau này đã nhiều lần trở lại làng Rô để thăm hỏi, làm từ thiện, để tưởng nhớ đồng bào nơi đã cứu giúp cha mình…

Và câu chuyện riêng của nhà thơ đã trở thành chuyện chung của làng văn, chuyện chung của những nhà cách mạng, của lịch sử Đảng bộ địa phương. Năm 1984, đồng bào Cơ Tu làng Rô được Nhà nước tặng bằng khen “Có công với nước” vì đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám-1945.  Bây giờ, làng Rô trở thành một trong những địa chỉ lưu giữ ký ức Trường Sơn. Khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng mới, làng Rô vẫn nằm ven dòng Đắk Mi, nhưng được quy hoạch lại, khang trang, hiện đại với khoảng 50 mái ngói. Riêng trong ngôi nhà của con cháu cụ Đinh Deh – người già làng từng cưu mang Tố Hữu trong thời khắc hiểm nguy vẫn còn giữ  chiếc radio  nhà thơ  tặng. Trong ngôi nhà đó, có bức ảnh chân dung của Tố Hữu, mặt sau ghi 4 câu thơ: “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy” được con cháu ông Đinh Deh thay nhau gìn giữ, đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.

Tháng 10, hoa cúc dại tím ven đường Hồ Chí Minh, hoa xuyến chi đung đưa trắng cả vạt rừng… Nhưng, làng Rô với những câu chuyện chan chứa ân tình như vậy vẫn im lìm trong làn sương mai, lặng lẽ giữa lòng Trường Sơn huyền thoại. Thật đáng tiếc khi huyện Nam Giang, và cả tỉnh Quảng Nam không hề nhắc nhở trên “bản đồ du lịch”, không có bảng chỉ dẫn tại làng, không có bất cứ sự nhắc nhớ nào để du khách lạ qua đây biết đến làng Rô ngoài những cụ già, ngoài những nhà cách mạng lớn tuổi và trong những trang hồi ký của nhà thơ Tố Hữu.

Lạc lõng cầu Eiffel

Đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh – đoạn qua Quảng Nam cũng là đoạn đầu mà tuyến đường này lật cánh sang đông, trở lại đất Việt, nên những khoảng rừng ở đây cũng chịu nhiều khốc liệt nhất bởi bom đạn thù. Những bến Trao, Cầu Xơi, những Bến Giằng, Làng Rô, Làng Ngói… đều là những tên địa danh gợi nhớ một thời oanh liệt. Ký ức Trường Sơn vẫn còn y nguyên với những người vào nam kháng chiến. Những cuộc đưa tiễn đầy hào hùng và lãng mạng qua đây mùa thu. Những binh đoàn thép lửa được dân đón mùa khô vẫn còn đậm trong những dòng thơ, trang sử.  Bến Giằng - nơi khai sinh Sư đoàn 471- Đông Trường Sơn là một trong 37 di tích Đường Trường Sơn đã được xếp hạng di tích  đặc biệt cấp Quốc gia vào năm 2013.

 

Cầu Eiffel - nguyên cây cầu đầu tiên quan sông Hàn, được di dời từ TP.Đà Nẵng lên QL 14D
Ảnh: Thanh Hải

Cầu phao Bến Giằng đã hư hỏng trong chiến tranh. Ngầm nước Đắk Mi mỗi mùa “nuốt trôi” vài mạng người nên có tên "cầu Xơi" đầy chua xót. Đến năm 2000-2003, khi Bộ GTVT quyết định xây dựng, mở rộng QL 14D, nối từ Bến Giằng đi cửa khẩu biên giới Đắk Ốc, cầu Bến Giằng mới nối lại đôi bờ. Nhưng ít có ai biết được đó là cây cầu có xuất xứ từ nước Pháp xa xôi. Đây là cây cầu mang tên Thống chế quân đội Pháp - De Latre, được xây dựng từ năm 1951 bắt qua sông Hàn, TP.Đà Nẵng. Cầu đầu tiên qua sông Hàn này được xây dựng bởi hãng Eiffel, sau được đổi tên là Trịnh Minh Thế (thời Việt Nam Cộng hòa), rồi Trần Thị Lý sau 1975. Khi Đà Nẵng nâng cấp cầu Trần Thị Lý, cầu sắt Eiffel được tháo dỡ, vận chuyển lên Bến Giằng lắp đặt lại để nối đường lên biên giới Lào. Bến Giằng bây giờ là nơi dừng chân hấp dẫn bên đường Hồ Chí Minh bởi không chỉ cảnh đẹp, hùng vĩ mà còn vì các món rau rừng, cá suối nổi tiếng thơm ngon. Nơi đây, cây gạo vẫn rực đỏ mỗi độ tháng 3 về, thác dòng Monica từ sông Thanh vẫn ầm ào đổ khi mùa lũ tới. Chỉ có những con người trẻ qua đây không hề bịn rịn, vô tình vì họ không hay biết những dấu tích hào hùng thời đạn lửa Trường Sơn.

Tôi đã đi qua các tỉnh miền núi phía Bắc, chứng kiến việc chính quyền ở đấy làm du lịch mà chợt thèm, tiếc cho Quảng Nam. Người Hà Giang biết gom những bông hoa dại Tam Giác Mạch để trồng thành những thung lũng hoa đầy quyến rũ, đủ độ tổ chức cả một lễ hội Tam Giác Mạch lẫy lừng, kéo hàng vạn khách thập phương đến tận những vùng xa xôi cách trở này. Hay người Lào Cai cũng rước loài oải hương (lavender) vốn xuất thân từ các vùng ôn đới xa xôi như Pháp, Nhật Bản về ươm tím trên cánh đồng Hà Bắc, để lôi cuốn khách du lịch đổ về xứ núi chênh vênh kia… Thế mà một Trường Sơn huyền thoại, một đường Hồ Chí Minh thuận lợi, vắt qua bao nhiêu bản làng đẹp miền Trung lại bị bỏ ngỏ...

Cơ hội làm du lịch để phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao vẫn còn ngủ vùi trong tiềm năng. Chính quyền các địa phương miền núi Quảng Nam chỉ nhìn vào những cái lợi trước mắt, lập khu công nghiệp nặng, kêu gọi đầu tư hay mở cửa đón chào những nhà máy ô nhiễm đang sẵn sàng về ngay trên thượng nguồn những dòng sông thấm đẫm màu huyền sử, để người dân phải phản ứng, chính quyền lân cận lo ngại về an toàn, an ninh cho nguồn nước sinh hoạt cả hàng triệu dân...

Ghi chép của Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.