Bí mật làm báo thời “thảm sát Ba Chúc”

Lục Tùng |

Không nhuận bút, không công tác phí, nhưng các anh, các chú vẫn đầu đội mưa bom đạn, chân lội qua những vũng nước nhầy nhụa với lúc nhúc dòi từ bãi xác người để tác nghiệp. Thậm chí, để gửi người đọc những thông tin nóng, trung thực nhất về cuộc thảm sát dã man hàng ngàn người dân vô tội ở Ba Chúc trong bối cảnh hết sức tế nhị của thời điểm lịch sử nhạy cảm, các anh còn chấp nhận đánh đổi cả sinh mạng chính trị… Đó là những bí mật được tiết lộ sau 36 năm nằm trong im lặng.
“Đánh hơi” để… tác nghiệp

Đã sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhà báo Lê Ngọc Bích - nguyên Uỷ viên BBT Báo An Giang - vẫn nhớ chuyến hành nghề cách đây 36 năm. “Đó là lần tác nghiệp đặc biệt nhất trong cuộc đời làm báo của tôi” - ông Bích mở đầu câu chuyện. Ông kể: Ngày 2.5.1978, khi bộ đội chủ lực vừa phản kích, cả vùng Bảy Núi đang rền tiếng súng, ông và Nguyễn Hạnh, Lê Ngọc Năm, tức Năm Bơ (phóng viên của Ty Văn hoá An Giang, sau này là Phó Giám đốc Đài PTTH An Giang) được cử vào Ba Chúc. 

“Do nóng lòng vào hiện trường tác nghiệp, mà đường vào Ba Chúc nhỏ hẹp, chen chúc xe chở quân, chuyển vũ khí, lương thực... nên tôi và Nguyễn Hạnh phải dùng súng (được cơ quan trang bị) để xin quyền ưu tiên - giọng ông Bích bỗng chùng xuống - Vừa qua khỏi thị trấn Tri Tôn đã thấy xác chết nằm rải rác ven đường đang bốc mùi. Càng đến gần Ba Chúc, mùi tử thi ngày càng nặng lên”. Dù biết Ba Chúc là trung tâm của vụ thảm sát, nhưng nhìn quanh chẳng thấy bóng người dân để hỏi và nhờ dẫn đường, vì vậy nhóm nhà báo phải tự tìm đường mà đi. 

Bây giờ nhớ lại, ông Bích vẫn không khỏi rùng mình. Bởi trước khi vào Ba Chúc, ông Mười Ly - Bí thư Huyện uỷ Bảy Núi (sau này là 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên) - đã kêu 3 nhà báo đến cảnh báo: Phải thật cẩn thận từng bước đi, vì trước khi rút chạy, bọn Pôn-pốt đã cài lại rất nhiều mìn sát thương. Trong khi đó, trên nền trời Ba Chúc, tiếng đạn nổ chát chúa liên hồi. “Lúc đó, Ba Chúc như đống đổ nát, nhà cửa cháy rụi, xóm làng vắng bặt bóng người, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng nổ long trời vì gia súc, gia cầm va, đạp phải mìn, pháo... Bộ đội và các lực lượng vũ trang thì bận tập trung chiến đấu nên sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định chọn phương án dùng mũi ngửi mùi để truy tìm các đống xác” - ông Bích nhớ lại phương thức tác nghiệp độc đáo vào hàng “vô tiền khoáng hậu”.

Nói vậy chớ không phải dễ. Bởi ngoại trừ ông Bích xuất thân từ phóng viên chiến trường thời chống Mỹ, từng chứng kiến những cái chết nên còn giữ được bình tĩnh, 2 nhà báo là học sinh mới vào nghề như Nguyễn Hạnh và Ngọc Năm thì cứ nôn thốc, nôn tháo mỗi khi cơn gió ập cái mùi tanh tưởi tới. Sau những phút rợn người, cả 3 nhà báo quyết tâm tác nghiệp. “Khứu giác mách bảo tôi cánh đồng trước chùa Phi Lai có đống xác chết. Và vượt khỏi sự tưởng tượng, cả 3 anh em chúng tôi như rơi vào hố sâu tột cùng của sự kinh hoàng khi trước mắt là đống xác lên đến 300-400 người chết trong nhiều tư thế thương tâm bởi hành vi giết người man rợ của thời trung cổ. 

Điều khiến cho ông Bích và đồng nghiệp rợn người hơn là cảnh nước “vàng” và dòi từ đống xác chết ấy túa ra ngoài cả chục mét. Trong khi đó, do chưa được trang bị đầu kính tê-lê nên ông Bích phải xắn quần lên rồi “lội” giữa làn nước nhầy nhụa vào sát đống xác để ghi được những bức ảnh cận cảnh. “Phải hiểu vào thời điểm đó, người làm báo chẳng những chưa có chế độ nhuận bút, mà cũng chẳng có chế độ công tác phí nào mới cảm nhận hết tấm lòng vì nghề của những nhà báo tác nghiệp trong vụ thảm sát Ba Chúc năm xưa” - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh An Giang Ngô Thanh Phong chia sẻ thêm.

Sẵn sàng đối mặt với kỷ luật
Do môi trường tác nghiệp quá khắc nghiệt nên đã xảy ra nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ông Ngọc Năm nhớ lại: Lần đầu tiên trong đời chứng kiến đống xác chết khủng khiếp với mùi hôi thúi nồng nặc và những thi thể biến dạng với dòi tửa nhung nhúc..., tôi như chết lặng đến mức không còn tự chủ. Mọi việc bấm máy, chọn góc độ quay phim hoạt động diễn ra theo quán tính và kết quả sau một buổi bấm máy quay, tôi mới phát hiện là mình chưa... lắp phim. Thế là mọi việc phải làm lại từ đầu”. Dù có chút vấp váp, nhưng đó là những thước phim, bức ảnh đầu tiên và duy nhất để thế hệ hôm nay và mai sau biết và cảm nhận được nỗi đau đáu về vụ “thảm sát Ba Chúc”, bởi ngay sau đó lực lượng Chữ thập Đỏ đã tổ chức thu gom, dọn dẹp...

Sau khi bấm được 80 kiểu phim trắng - đen (ORVO- Đông Đức) bằng máy Pentax II, ông Bích và Nguyễn Hạnh, Ngọc Năm chuyển sang thu thập tư liệu để viết bài, lời bình... vì lúc đó, quân số rất ít nên người làm báo phải tự lo toàn bộ các khâu tác nghiệp, từ chụp ảnh đến tráng phim, rọi hình và viết bài. Đến đây, 3 nhà báo lại trải qua những khó khăn không kém so với tác nghiệp tại hiện trường. Do đang thời điểm chiến tranh nên lưới điện rất chập chờn. Ban ngày thì “lúc có lúc tắt”, còn đêm đến thì tắt hoàn toàn. Vì vậy, riêng khoản tráng phim, làm ảnh đã chiếm rất nhiều thời gian và sự hồi hộp. 

“Phải ngồi canh điện ổn định rồi mới dám tráng phim, rọi ảnh. Bởi nếu nóng vội, vừa thấy có điện mà làm liền, thì mất cả chì lẫn chài vì điện có sự cố - giọng ông Bích sôi nổi hẳn lên - tuy nhiên khâu viết bài, xuất bản mới thật sự khó khăn”. Do An Giang chưa có hệ thống truyền hình, nên sau khi viết lời bình xong, ông phải mang toàn bộ băng, bài viết ra bến xe đò gởi về Đài Truyền hình Cần Thơ. Còn ông Hạnh, thì suốt ngày ngồi bên máy rọi ảnh tại cơ quan để phục vụ nhu cầu tặng ảnh tư liệu cho các đoàn tỉnh bạn, trung ương và quốc tế dồn dập đến.

Riêng ông Bích, sau khi lên bố cục phóng sự 3 kỳ: “Tội ác”; “Sự cố tình”; “Đòn trừng phạt”, thì vấp phải khó khăn xử lý thông tin về Pôn-pốt. “Tối hôm đó tôi đốt đèn dầu, viết một mạch, nhưng mãi đến 6 giờ sáng hôm sau mà vẫn chưa thể hoàn thành vì không biết xử lý thông tin Pôn-pốt là “bạn” hay “thù”. Nếu gọi là bạn thì trái với thực tế đẫm máu, còn gọi là “thù” hay là cái gì thì chưa có... hướng dẫn”. 

Ông Trần Thu Đông - Tổng Biên tập Báo An Giang thời đó - là người trực tiếp xử lý công việc này nhớ lại: “Tôi lên xin ý kiến cô Bảy Vân (Nguyễn Thuỵ Vân), phu nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn, lúc đó làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ An Giang, sau một hồi suy nghĩ thật lâu, cô Bảy bảo: “Vấn đề phức tạp quá, phải xin ý kiến trung ương...” - ông Tám Đông nhớ lại: “Nghe cô Bảy nói phải xin ý kiến trung ương và chắc vài tháng mới có kết quả, tôi biết sự việc phải quan trọng và phức tạp lắm”. Đường từ Ban Tuyên huấn về cơ quan báo thường ngày rất gần, nhưng hôm đó ông Đông thấy xa vời vợi bởi sự giằng co, đấu tranh tư tưởng quá quyết liệt và dữ dội... 

Là người trong tổ chức thì phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Nhưng trách nhiệm của người làm báo thì thôi thúc ông phải đưa nhanh thông tin về vụ thảm sát tàn bạo này đến công chúng, với bạn bè quốc tế. “Sau một hồi giằng co tư tưởng, trách nhiệm nhà báo trong tôi đã chiến thắng và tôi quyết định dùng cụm từ “tội ác Pôn-pốt”, dù biết có thể sau đó sẽ mất cả chì lẫn chài. Mình là người quyết định, nếu có bề gì cũng đáng, chỉ sợ ảnh hưởng đến anh em trong toà soạn, nhất là anh Bích phải cực khổ tác nghiệp, nay vì quyết định của mình mà bị kỷ luật thì thật oan” - ông Đông nhớ lại.

Báo phát hành, 3 bài phóng sự với khoảng 8.000 chữ đã được bạn đọc náo nức đón nhận, nhưng lòng ông Đông thì như lửa đốt. Mỗi khi máy điện thoại đổ chuông là ông hồi hộp như sắp đón nhận bản án... May là sau đó không có điều gì xảy ra. Và thời gian chứng minh ông Đông đã có quyết định để đời. Nó không chỉ mở đường cho sự kiện nóng hổi - đúng sự thật đến với bạn đọc trong và ngoài nước, mà còn gợi mở, nhắc nhớ cho thế hệ làm báo hôm nay bao vấn đề về bản lĩnh, lòng quả cảm trong nhận thức, hành động và xử lý thông tin khách quan, trung thực...

Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Lái buôn quất cảnh: Tết năm nay không có bánh chưng

Thiều Trang |

Thẫn thờ nhìn bầu trời Hà Nội mang sắc xám, anh Trần Duy Toàn - lái buôn quất cảnh thở dài: "Năm nay gia đình tôi không có bánh chưng".

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm với hệ thống bảo vệ tàu tự động

Phương Ngân |

TPHCM - Ngày 18.1, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe trên địa bàn Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nghỉ Tết muộn để phục vụ người dân.

Mai vàng cổ 100 năm giá tiền tỉ đổ bộ chợ hoa Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhiều cây mai vàng cổ được các nhà vườn bày bán tập trung tại khu vực lối đi chính khiến nhiều người phải trầm trồ. Đó là những cây mai vàng cổ cao 4-5 mét, đứng sừng sững giữa chợ hoa. Người bán cây cho biết có những cây có tuổi đời chừng 100 năm, giá bán có cây lên tới 4 tỉ đồng.