Kẹt xe, đừng đổ lỗi cho nhà cao tầng

Huyền Trân |

Trước tình trạng kẹt xe tại Hà Nội và TPHCM, không ít ý kiến cho rằng, việc xây dựng quá nhiều tòa nhà cao tầng trong nội đô chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình kẹt xe ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, xem chừng việc đổ lỗi kẹt xe do các tòa nhà cao tầng gây ra chưa thuyết phục, bởi nếu nhìn sang một số thành phố khác trên thế giới (Singapore, Seoul – Hàn Quốc, Dubai – Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất…), số lượng nhà cao tầng mọc lên nhiều gấp mấy lần so với TPHCM và Hà Nội. Nhưng vì sao các thành phố này lại không xảy ra kẹt xe như ở nước ta?

Nhà cao tầng ở các nước nhiều hơn Việt Nam sao đường không tắc?

Có một thực tế đã và đang diễn ra tại Hà Nội và TPHCM là ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng (căn hộ để ở, văn phòng cho thuê, khu phức hợp…) đua nhau mọc lên, nhất là trong khu vực nội thành. Tại  TPHCM trong những năm qua có đến gần cả trăm tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Riêng trong phạm vi bán kính 500m khu vực trung tâm thành phố (tính từ trụ sở UBND TPHCM) đã có đến khoảng 60 công trình cao tầng nằm ở các trục đường (Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…).  Tương tự, tại Hà Nội những năm gần đây cũng xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên như: Dọc đường Khuất Duy Tiến, đường Trần Phú có đến hàng chục tòa nhà cao tầng án ngữ...

Trước thực trạng diện tích đất không thể nở ra thêm, trong khi số lượng dân cư ngày càng đông thì việc xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng là một xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nhà cao tầng mọc lên tất nhiên sẽ kéo theo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, từ đó góp phần làm gia tăng mật độ giao thông trên đường. Và cũng chính lý do này mà không ít người cho rằng,  đường sá tắc nghẽn trầm trọng là do xây quá nhiều tòa nhà cao tầng trong nội thành.

“Nghe qua thì có vẻ rất đúng. Bởi trung bình cứ một tòa nhà 15 tầng được xây lên với khoảng 500 căn hộ để ở  thì sẽ thu hút khoảng 2.000 người dân tập trung về đây  (bình quân 1 hộ có  4 người). Khi ấy, đường sá quanh khu vực tòa nhà này hằng ngày phải gánh thêm ít nhất 3.000 lượt người đi lại (bình quân nhu cầu đi lại của 1 người dân là 1,5 lần trong ngày). Mật độ đi lại tăng cao góp phần làm gia tăng kẹt xe là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, không vì thế mà đổ lỗi do các tòa nhà cao tầng mọc lên gây kẹt xe. Bản thân các tòa nhà cao tầng không có lỗi – nếu không nói nó còn là xu hướng hợp thời. Vấn đề mấu chốt nằm ở đây là công tác quản lý xây dựng và quy hoạch hạ tầng giao thông chưa được tốt, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội” – kỹ sư xây dựng về giao thông Trần Anh Tuấn cho biết. 

Không  riêng gì tại Việt Nam, các đô thị trên thế cũng có rất nhiều các tòa nhà cao tầng mọc lên, đơn cử như tại Singapore có khoảng 4.500 tòa nhà cao tầng trên diện tích 700km2, Seoul – Hàn Quốc cũng có đến khoảng 3.000 tòa nhà cao tầng,  hay Dubai – Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất có đến 686 tòa nhà cao tầng…

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, dù số lượng tòa nhà cao tầng nhiều gấp mấy lần Hà Nội và TPHCM, song tình hình giao thông ở các đô thị này không kẹt xe đến mức nghiêm trọng như Hà Nội và TPHCM. Để không xảy ra kẹt xe nghiêm trọng là bởi họ triển khai quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng khác khá tốt, đảm bảo đủ cho nhu cầu khi các tòa nhà cao tầng mọc lên.

“Chẳng hạn, trước khi xây dựng một tòa nhà cao tầng nào,  họ đều tính toán đến cơ sở hạ tầng giao thông, các tiện ích công cộng khác có đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại, sinh hoạt của số người tăng thêm từ tòa nhà sắp xây dựng đó không? Nếu không đáp ứng đủ thì  họ triển khai đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng giao và các tiện ích công cộng khác trước hoặc triển khai song song với xây dựng các tòa nhà. Nhờ vậy mà khi có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, giao thông vẫn thông thoáng, không quá tải như Việt Nam” – Kỹ sư Anh Tuấn giải thích thêm.

TPHCM ngày càng kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: M.Quân

Đường tắc do hạ tầng giao thông đi sau nhà cao tầng

Ngược lại, tại các đô thị ở Việt Nam,  công tác đầu tư xây hạ tầng giao thông hầu hết  chạy theo sau các công trình tòa nhà cao tầng. Chính vì vậy  khi các tòa nhà cao tầng xây dựng xong đưa vào sử dụng,  hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nên dẫn đến kẹt xe thường xuyên. Qua số liệu thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, bình quân mỗi năm, số lượng hạ tầng giao thông đường sá làm mới trên địa bàn TPHCM chỉ tăng thêm  khoảng 4-5%, trong khi đó tốc độ xây dựng các tòa nhà cao tầng lại gia tăng rất mạnh. Như tại khu vực Q.1, 3, 5, 10 những năm qua có gần cả trăm công trình tòa nhà cao tầng mọc lên, nhưng số lượng đường sá tăng thêm gần như rất chậm và rất ít, số lượng đường sá được làm thêm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại cuộc họp cuối năm 2016 với lãnh đạo TPHCM, ông Bùi Xuân Cường – GĐ Sở GTVT TPHCM – cho rằng: “Nhiều dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người đã được cấp phép xây dựng cũng như đã xây dựng hoàn thành chuẩn bị đưa vào khai thác; trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật xung quanh, đặc biệt là hệ thống giao thông  chưa được chủ đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Do đó, Sở GTVT chỉ tham gia vào việc kết nối giao thông và tổ chức giao thông của các dự án vào hệ thống giao thông hiện hữu (chủ yếu tập trung giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn giao thông và lưu thông tốt nhất trong điều kiện hệ thống giao thông hiện hữu), nên dẫn đến ùn tắc giao thông khi các dự án tòa nhà cao tầng đưa vào khai thác”.

Trong khi đó, tại kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2016,  ông Trần Trọng Tuấn - GĐ Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, thời gian qua, việc xây dựng các dự án nhà ở, công trình cao tầng, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Trong đó, có nguyên nhân các dự án này thường đi trước quy hoạch và hoàn thành trước các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Mặt khác, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại thường được xây dựng xen kẽ các khu dân cư sầm uất hiện hữu, trong khi hạ tầng giao thông, đường sá lại chưa  được nâng cấp, mở rộng.

Điều này có thể thấy ở khu chung cư Mỹ Phước (Q.Bình Thạnh), theo bản đồ tổng mặt bằng của chung cư  được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt năm 2002 có đến 3 tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, thực tế khoảng 10 năm sử dụng, người dân chung cư Mỹ Phước chủ yếu chỉ ra vào chung cư bằng hẻm 280 Bùi Hữu Nghĩa rộng khoảng 7m nên thường xuyên ùn ứ giao thông. Tương tự, như  chung cư số 654/6 đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) cũng chịu cảnh kẹt xe thường xuyên do quá tải. Trong khi đó, theo quy hoạch thì hẻm 654 sẽ được mở rộng nhưng đến nay chung cư đã hoàn thành, còn dự án mở rộng hẻm vẫn nằm trên giấy.  

Theo Sở Xây dựng TPHCM, thường những dự án nhà cao tầng phải nằm ở những khu vực có hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, một số nơi các dự án mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông còn vướng mắc nên chậm được triển khai. Giải pháp khắc phục sắp tới của Sở là trước khi xem xét cấp phép các công trình cao tầng phải bảo đảm kết nối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Sở Xây dựng đang xây dựng chương trình phát triển nhà ở 5 năm và 10 năm. Trong đó, để bảo đảm sự kết nối hạ tầng kỹ thuật, dự kiến giữa năm 2017, UBND thành phố sẽ có tờ trình HĐND thành phố, quy định phải có sự kết nối thống nhất giữa công trình nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và trên địa bàn thành phố.

 

Huyền Trân
TIN LIÊN QUAN

Mất việc cận Tết, công nhân ngậm ngùi: "Tết năm sau con về!"

Chân Phúc - Phương Ngân |

Mất việc làm vào những ngày cận Tết, đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập, không ít công nhân đã phải ngậm ngùi ở lại TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán này. Buồn, tủi thân,... nhưng họ buộc phải chấp nhận điều đó, và chỉ có thể hẹn với bố mẹ,... Tết năm sau con về!

Vẻ đẹp kỳ vĩ của moong than sâu nhất Đông Nam Á tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Mỏ than lộ thiên Cọc 6, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những mỏ than lâu đời và xuống sâu nhất của TKV, thậm chí được coi là mỏ than lộ thiên sâu nhất của Đông Nam Á hiện vẫn đang được khai thác.

"Phượt" bằng xe máy về quê đón Tết: Cần đặt sự an toàn lên hàng đầu

HỮU CHÁNH |

Dù hành trình vượt hàng trăm cây số về nhà đón Tết bằng xe máy mang đến nhiều trải nghiệm, nhưng mỗi người vẫn luôn phải đặt sự an toàn lên hàng đầu để tránh những vấn đề nan giải trên suốt quãng đường đi.

Trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài: Dù ở đâu cũng luôn hướng về đất nước

Vương Trần |

Dù ở xa quê hương, làm việc ở nhiều nơi trên thế giới song những trí thức trẻ vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước qua những hoạt động của mình. Tết đến, xuân về, những người con xa quê lại thổn thức hương vị Tết quê.

Khó khăn đổi tiền mới, lì xì online lên ngôi

Nhóm PV |

Thay vì mừng tuổi với những phong bao lì xì đỏ như mọi năm, thì năm nay, xu hướng lì xì online lại lên ngôi. Quả thật, với sự phát triển của công nghệ, việc lì xì ngày càng trở nên dễ dàng hơn dù chúng ta cách xa nhau hàng nghìn cây số.

Những địa điểm tâm linh cầu an đầu năm mới

Hải Nguyễn |

Vào dịp năm mới, người dân đi lễ chùa cầu an cho gia đình, người thân gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Ở Hà Nội những nơi như chùa Hương, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ luôn tấp nập du khách viếng thăm dịp đầu năm.

Mất việc, giảm giờ làm, 450.000 lao động đón Tết xa quê ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG - KHÁNH LINH |

Bình Dương - Tại Bình Dương, năm 2023 có khoảng 450.000 lao động ở lại Bình Dương đón cái Tết xa quê. Hầu hết đều là những người đã có gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cùng các cấp chính quyền đã triển khai nhiều hoạt động để chăm lo cho những trường hợp đặc biệt khó khăn.