Việt kiều Campuchia hồi hương ở tỉnh Bình Phước:

Đổi thay trên những làng chài

Hoàng Hưng - Phú Bắc |

Báo Lao Động năm 2016 đã từng có các bài viết phản ánh cuộc sống khó khăn của hàng ngàn hộ dân Việt kiều hồi hương từ Campuchia, về sinh sống ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7.2016 đã có chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải hành động quyết liệt, tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ dân Việt kiều hồi hương từ Campuchia hòa nhập cộng đồng; tuyệt đối, không để người dân đói, thất học...Và giờ đây, một sự thay đổi đang dần thành hình ở những khu vực mà bà con Việt kiều hồi hương đang sinh sống.

Bộn bề khó khăn

Những ngày cuối năm, xã miền biên giới này đang bắt đầu bước vào những ngày nắng gay gắt. Theo chân anh Nguyễn Thanh Tuấn - Công an xã  Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, chúng tôi ghé thăm bà con Việt kiều hồi hương từ Campuchia, hiện đang sinh sống trên một làng chài, nửa dưới nước, nửa trên bờ. Làng chài thuộc bến nước giáp ranh 4 thôn: Bù Tam, Bình Tân, Bình Giai và Bình Tiến 1. Theo anh Tuấn: Xã Phước Minh có 251 người là Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về. Nhiều năm trước, họ về từng đoàn, sống co cụm ở một khu vực. Họ dựng tạm lều bạt làm nơi che mưa nắng. Và hàng ngày, nhờ dòng nước lòng hồ thủy điện Cần Đơn lên xuống, những người dân này bắt tôm cá, làm kế sinh nhai… Từ UBND xã Phước Minh, lách qua con đường nhỏ hẹp, khoảng 5 km, chúng tôi mới đến được làng chài Việt kiều thuộc thôn Bình Tiến 1.  Một không gian thoáng đãng là bến nước rộng lớn, màu trắng đục hiện ra trước mắt chúng tôi. Xa xa, đâu đó thấp thoáng vài chiếc ghe xuồng neo đậu. Bà con ở làng chài này bảo rằng, đó là phương tiện duy nhất để di chuyển trên sông và ghe cũng là phương tiện để họ giăng câu, thả lưới, bắt cá, bắt tôm...

Làng chài  hơn 30 hộ dân sống quây quần nhiều năm nay. Họ tá túc trong những ngôi nhà sát nhau, được dựng lên bằng gỗ, lợp tôn cũ kỹ... Mỗi ngôi nhà chừng 30m2, mỗi gia đình có từ  4 – 5 người sống chúng.  Bà Võ Thị Hấu (60 tuổi) kể: “Gia đình tôi, nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia. Tôi cũng không nhớ rõ gốc gác, nguyên quán gia đình mình từ đâu nữa. Chỉ nhớ là gia đình tôi theo đoàn người Việt hồi hương, tôi bỏ tất cả tài sản, quay về Việt Nam sinh sống”. Gia đình bà Hấu nhờ dòng nước chạy qua xã Phước Tín, thị xã Phước Long, để đánh bắt cá sinh sống. Dần dà tôm cá cũng ít đi, cả nhà bà Hầu lại phiêu dạt về thôn Bình Tiến 1 này. Cuộc sống khó khăn, nhà có 5 người, đều sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông.  Mỗi mẻ cá kéo được, phần để ăn, còn lại bán lấy tiền mua gạo...
Chúng tôi thắc mắc: “Vậy không có cá tôm, thì cả nhà bà làm gì sống ?”. Bà Hấu đáp: “Không có cá, thì mình đi làm thuê làm mướn. Ai kêu gì làm nấy, mùa nào việc đó… Cứ thế kiếm ăn qua ngày. Cuộc sống lay lắt, chỉ mong đủ ăn, chứ không dám mơ có dư giả”.  Theo bà Hấu, 3 năm nay sông nước không còn nhiều cá như trước nữa. Dăm bữa, nửa tháng mới đặt một mẻ lưới. Cá thu hoạch được giờ chỉ đủ kho nấu để cả nhà ăn, chứ chẳng đủ mẻ để bán. Vì vậy, nay đã 60 tuổi, bà Hấu hằng ngày vẫn phải miệt mài đan lưới bán cho các hộ đánh cá khác, để có thêm thu nhập cho cả gia đình. Cách nhà bà Hấu vài chục bước chân, gia đình Nguyễn Thị Trong (59 tuổi) cũng  có cuộc sống không khá hơn. Bà Trong dẫn chúng tôi đi dọc theo lòng hồ; vừa chỉ tay về phía lòng hồ, bà nói: “Các chú thấy, gia đình tôi có tới 13 người, sống bằng nghề đánh bắt cá. Những lúc cá không có, khó khăn gấp bội. Lúc đó chỉ còn cách vào vườn, rẫy làm thuê, làm mướn kiếm sống. Chỉ mong có nơi ở yên ổn nhưng đâu có dễ. Ngay làng chài này, cũng thuộc đất của thủy điện Cần Đơn, nên chỉ tạm bợ. Về lâu về dài, họ mở rộng dự án, các hộ dân chúng tôi không biết đi, về đâu?”. Tại làng chài Bù Tam có hơn 40 hộ Việt kiều hồi hương từ Campuchia. Họ không ở trên bờ mà làm nhà sống chênh vênh giữa lòng  hồ. Họ quây quần bên nhau, nhưng tách biệt với những người dân sống trên bờ. Mỗi khi cần di chuyển, họ lại dùng ghe, thuyền, xuồng máy… Xe gắn máy cũng chẳng có nhiều ở làng chài Bù Tam, nên mỗi lần ra chợ, hay đi đâu, các hộ dân phải nhường nhau để lên bờ. Ông Nguyễn Văn Thiện hóm hỉnh: “Có lẽ, chẳng ai như chúng tôi. Sống ở đây, mỗi lần đi đâu đó phải tốn rất nhiều thời gian. Nào là qua sông, về bến, rồi thuê xe cộ… Riết, ai cũng ngại đi, nên từ người già đến lớn trẻ nhỏ, chỉ quanh quẩn, sinh hoạt quanh xóm chài nhỏ bé chênh vênh giữa lòng hồ này”.  

Rất nhiều trẻ em từ các làng chài đã được đi học, xóa mù chữ.

Giấc mơ con chữ đã thành hiện thực

Khổ là vậy, nhưng gần đây, theo nhiều hộ dân: “Đã có ánh sáng le lói trong cuộc sống vốn tối mịt từ bao lâu nay rồi”. Ông Nguyễn Hải Triều mừng rỡ khoe rằng: “Khoảng nửa năm trở lại đây, lũ trẻ xóm này đã được chính quyền cho vào các trường học chữ rồi”. Anh Đoàn Văn Được (ngụ thôn Bình Tiến 1), nói: “Ở thôn này, các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Tôi có 2 con nhỏ, hồi tháng 9 cũng đã hoàn tất thủ tục để kịp dự khai giảng. Vui hơn khi con cái đi học còn được miễn giảm nhiều khoản đóng góp, vợ chồng tôi mừng lắm. Vả lại, điểm trường không quá xa nên đưa đón cũng thuận tiện”. Còn chị Nguyễn Thị Nhung cho biết: “ Ở thôn chúng tôi, trừ những đứa lớn đã đi làm ăn xa, các cháu nhỏ đều được đến trường. Trung bình mỗi gia đình có 1 – 2 cháu đều được đi học chữ. Ở thôn này cha mẹ không ai biết chữ, nay con cháu mình được học tập đàng hoàng nên ai nấy đều phấn khởi. Nỗi lo thất học, kiểu “đời con lặp lại đời cha” từ nay coi như chấm hết”.
Anh Hồ Đình Hiệu - Chủ tịch UBND xã Phước Minh, nói: “Trong đợt khai giảng năm học mới vừa qua, chúng tôi đã nỗ lực vận động gia đình đưa được 40 cháu đến trường. Đây là niềm vui rất lớn của chính quyền địa phương. Có như vậy, các cháu mới không chịu thiệt thòi so với bè bạn. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất và tinh thần để tạo điều kiện cho các cháu đến trường”.
Điều đáng nói, trong 40 cháu này, sắp tới, có 14 cháu sinh ra tại Việt Nam sẽ được cấp giấy khai sinh. Số còn lại sinh ở Campuchia đang trong thời gian xem xét để bổ sung hồ sơ về hộ tịch. “Giấc mơ đến trường đã được hiện thực hóa, hiện còn một số vướng mắc còn chờ chỉ đạo. Hy vọng rằng trong thời gian gần nhất tất cả các cháu sẽ có đầy đủ giấy tờ tùy thân để yên tâm học tập, sinh sống” – Chủ tịch xã Phương Minh tâm sự.

Khu tái định cư cho Việt kiều hồi hương, tại sao không ?

Không phải bây giờ, mà theo anh Hiệu, câu hỏi trên đã trăn trở trong tâm trí của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp tỉnh Bình Phước đã nhiều năm nay. Song, để có được một khu ở, tái định cư cho cuộc sống của hàng ngàn con người, không phải dễ. “Họ quen sống dưới nước, nay đưa họ lên bờ, phải tạo công việc làm trên bờ cho họ. Mặt khác, tài chính đâu, rồi đất để xây dựng nhà.v.v… Trong khi ngân sách địa phương còn thiếu hụt?” – ông Hiệu nói. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương cũng nỗ lực hết mình để lo cho người dân. “ Còn nhiều vướng mắc, nhưng chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho bà con an cư lạc nghiệp. Có cái không phải cho tiền, mà giúp bà con bằng cách khác. Thí dụ: Đến nay địa phương đã cấp hộ khẩu cho 31 hộ, cấp giấy khai sinh, hôn thú cho 125 nhân khẩu… Số còn lại là 31 hộ, 126 nhân khẩu, do còn vướng mắc  thủ tục nên đang chờ chỉ đạo từ cấp trên” - ông Hiệu nói.
Một hy vọng “vàng” đang tiếp tục le lói, khiến nhiều bà con Việt kiều khấp khởi kỳ vọng. Đó là vào những ngày đầu năm 2017, UBND xã Phước Minh đã đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét cấp đất, tái định cư cho các hộ dân Việt kiều hồi hương từ Campuchia đang sinh sống tạm bợ ở địa phương. Theo  ông Hiệu: “ UBND huyện Bù Gia Mập đang xem xét ra chủ trương bố trí cấp đất ở cho các hộ dân di cư từ Campuchia về. Chỉ có vậy, mới giải quyết triệt để vấn đề Việt kiều hồi hương từ Campuchia”.  Hiện UBND xã  Phương Minh đã lập danh sách 90 hộ dân đề nghị UBND huyện Bù Gia Mập giải quyết đất ở, cấp tái định cư để người dân được sinh sống ổn định. Khu đất để quy hoạch thuộc Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập.
Mùa xuân đang đến. Tết Đinh Dậu năm nay, trẻ em làng vạn chài Việt kiều trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn không còn phải khắc khoải bởi nỗi lo mù chữ nữa. Làng chài tuy chưa có điện lưới kéo về, nhưng ánh sáng điện đã bắt đầu bừng sáng, nhờ cái máy nổ của một gia đình mới sắm được. Những túp lều nhếch nhác trước kia, nay đã được thay “màu áo mới” từ những mái tôn sáng lóa vừa được mua về… Không khí xuân, không gian tết ấm cúng đang như bừng sáng, lung linh cả một vùng sông nước, vốn bao năm chìm trong nghèo khó. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, hy vọng rằng năm nay những Việt kiều hồi hương từ Campuchia sẽ có một cái tết đầm ấm, vui tươi…  

Hoàng Hưng - Phú Bắc
TIN LIÊN QUAN

Ông Putin: Đánh bại Nga trên chiến trường là điều không thể

Thanh Hà |

Nga trở nên mạnh mẽ hơn sau khi sáp nhập Donbass, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh khi đọc thông điệp liên bang năm 2023.

Ông Trump tiết lộ cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraina trong vài giờ

Ngọc Vân |

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraina trong vòng vài giờ nếu tái đắc cử tổng thống năm 2024.

Lốc xoáy thổi bay rạp khiến cả đám cưới hoảng loạn, một số người bị thương

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Trưa ngày 21.2, một cơn lốc xoáy mạnh bất ngờ thổi tung rạp đám cưới ngoài trời của một gia đình ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận khiến hàng trăm người dự đám cưới hoảng loạn, có người bị thương.

Vụ dối trá trong kiểm soát giết mổ: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý

Nhóm PV |

Ngay sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài điều tra "Dối trá trong kiểm soát giết mổ heo ở Long An", cơ quan chức năng tỉnh Long An đã vào cuộc kiểm tra và xử lý những vi phạm được báo phản ánh.

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng kiến nghị không giám định tâm thần cho mẹ

Tú Ly |

TPHCM - Mới đây, ông Nguyễn Quang Tuấn (con ruột của bà Nguyễn Phương Hằng) đã có đơn gửi cơ quan chức năng kiến nghị không giám định tâm thần cho mẹ mình.

Ninh Bình: Bắt giam Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 20.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với ông Nguyễn Sinh Phú (sinh năm 1986, trú tại phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) về tội “Nhận hối lộ”.

Mạo danh quỹ đầu tư nước ngoài để lừa đảo đầu tư qua mạng xã hội

Gia Miêu |

Nhiều người dân tham gia các kênh đầu tư trên mạng xã hội đã bị lừa đảo với thủ đoạn mạo danh tên của một số quỹ đầu tư ngoại ở Việt Nam và kêu gọi đầu tư qua các ứng dụng trên mạng với lời hứa lãi suất cao.

Trường Phổ thông Năng khiếu bị tuýt còi tổ chức thi dự bị đại học Mỹ

HUYÊN NGUYỄN |

TPHCM -  Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM yêu cầu Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) không tổ chức kỳ thi Advanced Placement (AP) - (thường gọi là chương trình dự bị đại học Mỹ) vào tháng 5.2023 tới đây.