Vùng cách ly

Di Li |

Trong khuôn khổ những ngày Văn học Châu Âu 2017, Công ty sách Thái Hà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Vùng cách ly” gần 400 trang của nhà văn Lorenzo Angeloni, ông đồng thời là cựu đại sứ Ý tại Việt Nam và sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu năm 2015, đã chuyển sang làm đại sứ tại Ấn Độ. Lorenzo Angeloni là tác giả của rất nhiều cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt. Rõ ràng tác giả có khả năng viết được rất nhiều đề tài khác nhau, điều mà bất kỳ người cầm bút nào đều thèm muốn.
Nếu như “Phía sau mỗi người” (đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành năm 2014) là một câu chuyện tình với những ẩn ức của nhân vật thì nhiều cuốn sách khác của Lorenzo Angeloni là về chính trị, kinh tế, những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên theo như nhà văn thì “Tôi thích viết những cuốn sách có thể nâng cao kiến thức cho độc giả, đặc biệt là những hiểu biết về chiến tranh, chính trị...”. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Vùng cách ly chứa đựng ngồn ngộn kiến thức khiến ngay cả những người viết cũng phải e dè, mặc dù bối cảnh chính của nó là dịch SARC tại Việt Nam.
Đầu năm 2003, dịch SARS được phát hiện lần đầu ở Việt Nam, một loạt các bệnh viện đã bị đặt trong vùng cách ly. Cuốn sách đưa người đọc vào bên trong Bệnh viện Việt Pháp, sống trong Vùng cách ly, sống với những số phận lo âu trong lòng Hà Nội những năm tháng kinh hoàng đó, rồi mở rộng đến những vùng đất khác, những số phận khác, những vấn đề khác. Để cùng khám phá ra rằng mỗi cuộc đời đều chịu một sự cách ly, đều luôn chờ đợi sẽ xảy ra một điều gì đó không lường trước được, rằng trong mỗi con người đều có một đốm lửa thiện, đôi khi chỉ le lói dưới đống tro tàn mà những lỗi lầm trên đường đời chất lên ngày càng dày, những đốm lửa ấy vẫn chờ đến một thời điểm, một hoàn cảnh, một ngưỡng chín muồi của lương tâm để lại bùng lên.
Nhân vật chính là tỉ phú D’Angelo, đến Hà Nội trong thân phận của một người nước ngoài bình thường mà những người địa phương như Lượng và người phụ nữ câm tên Phương chỉ gọi đơn giản là bác Jo. Câu chuyện là những tái hiện tầng lớp đan xen giữa quá khứ và hiện tại mà hai điểm mút là cậu bé mồ côi Jo lớn lên ở Thụy Sỹ và tỉ phú D’Angelo sống trong một lâu đài xa xỉ ven hồ, sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại là Wang Lee, một tỉ phú có dòng dõi quý tộc nhưng chỉ say mê những mặt trái của virus khi muốn nhân bản chúng lên và biến đổi mã của chúng để gây nên những cơn hoảng loạn toàn cầu nhằm trục lợi. Và nhân vật thứ hai trong sợi dây kết nối ấy là Quỳnh, người đàn bà bí ẩn đã yêu Wang Lee say đắm dù không biết rằng người đàn ông ngoại quốc mình vẫn tình tự hàng ngày chính là tỉ phú D’Angelo, bạn thân của Wang Lee, cũng là người truy đuổi Wang Lee trên khắp địa cầu để trả thù. Toàn bộ câu chuyện được kể lại thông qua một thủ pháp nghệ thuật khá lạ, cuộc độc thoại giữa D’Angelo và người phụ nữ câm giấu mặt, mà chỉ đến cuối cuốn tiểu thuyết mới bộc lộ thân phận.
Tiêu đề Vùng cách ly của cuốn sách liên quan chặt chẽ với đoạn kết. Nhân vật chính, cậu bé mồ côi Jo luôn mơ ước về cái ngày mình lọt được vào giới thượng lưu. Ngay từ lúc còn trên ghế nhà trường, cậu sinh viên tài năng Jo đã tự tính toán ra một công thức 99% và 1%, mà ở đó, “mô hình chia dân số thành bốn loại: Những kẻ khốn cùng, sống trong nghèo khổ, thu nhập chỉ đủ ăn để tồn tại là loại đông nhất; Rồi đến những kẻ chật vật, loay hoay thoát ra khỏi cảnh nghèo, phần nào ngẩng mặt lên khỏi những khó khăn vây tỏa họ trước đây, dễ thở hơn; Loại thứ ba gồm những kẻ tranh đấu, đã đạt được một mức thu nhập nhất định và nếu chăm chỉ làm việc thì sống được dư dả; Và cuối cùng là những kẻ đứng đầu, sống thoải mái với mức hưởng thụ cao. Khi phân chia các con số để tính tỉ trọng phần trăm dân số toàn cầu, bốn loại đấy đạt được 99%. Tuy nhiên 1% còn lại mới mê hoặc tôi, cái phần bé nhỏ thoát ra khỏi các tính toán của tôi, cái phần tôi không thể hình dung ra nhưng lại đeo bám dai dẳng trong đầu tôi. 1% đấy chắc phải là số ít vẫn di chuyển bằng phản lực riêng và chuyển các khoản vốn khổng lồ cũng bằng tốc độ máy bay ấy chứ. 1% đấy của những người mà sự giàu có của họ thì 99% còn lại thậm chí không tưởng tượng ra nổi. Những vị thần Olympia trần thế”.
Khi Jo, cuối cùng cũng đã nỗ lực lọt được vào Câu lạc bộ 1% chi phối cả thế giới kia, thì lại chìm sâu vào nỗi hoang mang đến nỗi cả cuộc đời tự sống trong Vùng cách ly. Và sau khi bỏ trốn khỏi vùng cách ly đại dịch của Bệnh viện Việt Pháp lại tự cách ly mình trong tòa biệt thự cổ đắt tiền bằng cách bỏ nguyên tòa nhà không sử dụng đến mà chỉ ở trong căn gác áp mái được thiết kế thêm với một cầu thang riêng bắc lên từ sân. “Cuộc sống hiện ra với anh giữa một bên là kích thước vĩ mô của các khoản đầu tư của anh và bên kia là kích thước vi mô của sự tồn tại trong không gian áp mái chật hẹp trong căn biệt thự, nơi càng làm nổi bật hơn nữa sự khác biệt hoàn toàn giữa khối tài sản anh có với những khoản chi tiêu nhỏ mọn cho cuộc sống của anh. Anh đã thèm khát vị trí độc tôn của Câu lạc bộ 1%, nhưng dần dần khi anh đã vào được đó, anh lại thấy mình đang ở trên một con đường đưa anh đến chỗ tách biệt với mọi thứ, khiến anh không hề có cảm giác mình là một phần của nó, với những nghi lễ mệt mỏi cần lặp đi lặp lại”. Nhưng sau những ngày sống ở Vùng cách ly trong bệnh viện, con người của tỉ phú Jo đã thay đổi. Chính ranh giới giữa sự sống và cái chết đến từ những con virus mà Jo và Wang thường trò chuyện với nhau trong hứng khởi gây nên cơn sợ hãi cho kẻ khác và sự kiên cường, dũng cảm của các bác sĩ khi chống chọi lại Thần Chết mang tên virus đã khiến Jo phần nào tự hé mở vùng cách ly của chính mình. Cho đến lúc Jo phải thốt lên: Con người làm ra tiền bạc chứ tiền bạc không làm ra được con người.
Carlo Urbani (1956-2003) là một bác sĩ người Ý. Ông là người đầu tiên phát hiện căn bệnh sau được đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe acute respiratory syndrome – SARC), căn bệnh đã bùng phát ở khu vực Viễn Đông  vào khoảng cuối năm 2002, đầu năm 2003 và khiến 8.096 bị bệnh và 774 người chết. Mặc dù sau đó chính ông cũng bị phơi nhiễm và qua đời vì căn bệnh này, những cảnh báo sớm của ông tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giúp những phản ứng kịp thời ở quy mô lớn và được cho là đã cứu hàng triệu người khắp thế giới.

Cuốn tiểu thuyết có một cấu trúc rất chặt chẽ, liên quan logic với nhau và nhiều tầng nhiều lớp. Dù độc giả mới đọc mấy trang đầu có thể cho rằng cuốn sách viết về chủ đề văn hóa với sự quan sát tinh tế của người viết về văn hóa Việt, các thành ngữ tục ngữ Việt Nam, các phong tục tập quán, lối sống, tính cách Việt, cả cách xem tướng số tử vi theo 12 con giáp. Đọc thêm mấy trang sau thấy nội dung có phần bí ẩn mang hơi hướng trinh thám và ẩn chứa một câu chuyện tình. Thêm vài trang nữa thì hẳn là về dịch SARC, nhưng cuối cùng thì không phải vậy, đằng sau sự lan truyền của virus chết người và cú đổ domino của thương mại toàn cầu là câu chuyện về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, cái hố sâu kinh hoàng giữa 99% dân số và Câu lạc bộ 1%, về sự lừa mị nhập nhằng giữa nền kinh tế ảo của thị trường tài chính và nền kinh tế thật của lao động sản xuất. Liệu có phải càng toàn cầu hóa chúng ta càng nảy sinh nhiều vấn đề, càng tham lam trước những gì đến có phần dễ dàng quá hay không?

Bối cảnh chính của cuốn sách là về dịch SARC ở Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đẩy lùi và khoanh vùng hoàn toàn được đại dịch này, nhưng đây lại là đề tài mà các nhà văn trong nước không hề đụng đến và cuối cùng một nhà văn nước ngoài lại viết về nó. Và đã viết thành công. Đọc cuốn sách, hồi ức kinh hoàng trong những ngày đại dịch SARC đầu năm 2003 đã được hồi cố lại: Không khí ảm đạm và hiu quạnh bao quanh khu vực phố Phương Mai, Hà Nội; Các khách sạn năm sao vắng vẻ và thiếu khách đến nỗi cho khách được quyền định giá phòng; Những chiếc khẩu trang gắn than hoạt tính chạy khắp thành phố và không ai dám bén mảng đến những quán ăn vỉa hè; Sự hoảng loạn của tập thể y bác sĩ bệnh viện Việt Pháp khi sống ngay giữa vùng dịch…
Tác giả Lorenzo Angeloni đã phát sinh ý tưởng từ khi đến thăm trung tâm Urbani và một tuần sau đó, ông lại có mặt ở Hà Nội trong một chuyến công tác. Chính những ngày ở Hà Nội đã truyền cảm hứng tuyệt vời để ông sáng tác cuốn tiểu thuyết trong ba năm. Ông kể lại: “Đó là một giai đoạn kinh hoàng khi Hà Nội phải sống chung với đại dịch. Thế kỷ 21 đã có nhiều biến đổi. Nạn khủng bố và đại dịch lây lan khiến con người ngày càng phải sống chung với nỗi sợ hãi. Chúng ta không còn được hạnh phúc như trước kia nữa. Để khắc phục được những cơn sợ hãi này, đôi khi chúng ta phải trả giá quá đắt như tính mạng của bác sĩ Carlo Urbani”.
Marco Brunacci, Tổng biên tập Báo Messaggero nhận xét: “Vùng cách ly là một cuốn tiểu thuyết mang giá trị nghệ thuật cao với phong cách viết tuyệt vời. Tôi đã rất ấn tượng với phần cuối về người con gái câm và cái kết bất ngờ của toàn bộ cuốn sách”.
Còn Marcello Silvestrini, giáo sư ngôn ngữ học, đại học Perugia, Italia thì bình luận: “Các tác phẩm của Angeloni luôn thấm đẫm giá trị nhân văn, thể hiện một tâm hồn đau đáu về những số phận đau khổ. Trong tiểu thuyết Vùng cách ly, người đọc còn cảm nhận được một tình cảm đặc biệt và một nỗi nhớ hướng về mảnh đất mà tác giả đã coi như một phần của mình, Việt Nam”.
Lorenzo Angeloni, nhà ngoại giao và cây bút người Ý, là tác giả của nhiều bài luận, phóng sự, tiểu thuyết xoay quanh các chủ đề về đối thoại giữa các nền văn hoá, những xung đột mâu thuẫn trong chiến tranh và về quá trình phát triển, hoàn thiện của mỗi cá nhân. Trong sự nghiệp của mình, Angeloni đã trải qua các nhiệm kỳ công tác ở Uruguay, Đức, Algeria... Trước khi đến Hà Nội, ông từng là đại sứ Italia tại Sudan, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc nội chiến Sudan lần thứ hai. Cuốn tiểu thuyết chiến tranh ra đời trong bối cảnh này hiện cũng đã được giới thiệu và giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Italia. Kinh nghiệm thực tế ở những vùng đất khác nhau và những vấn đề phức tạp từng phải đối mặt chắc chắn đã cung cấp cho ông kho chất liệu và cảm xúc phong phú để đưa vào những tác phẩm của mình. Và ngược lại, đam mê cầm bút cùng cái nhìn nhân văn cũng đã góp phần giúp ông đạt được những kết quả xuất sắc trong sự nghiệp ngoại giao. Tháng 2.2016, ông đã được phong hàm Đại sứ bậc nhất của Nhà nước Italia.
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, hình ảnh thơ mộng của hồ Tây, của những cánh đồng ngoại ô dưới làn mây xám và những con phố cổ xưa quanh năm nhộn nhịp đã trở đi trở lại qua từng trang viết. Bà Cecilia Piccioni, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Để viết một cuốn sách như vậy về Hà Nội, hiểu biết thôi chưa đủ mà còn phải có tình yêu. Lorenzo Angeloni đã có một tình yêu tràn đầy với Hà Nội, với Việt Nam. Tất cả điều đó hiện lên qua các trang viết của ông trong Vùng cách ly”.
Di Li
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Vẫn phải sống thể tất cho nhau chứ!”

Nguyên Lê |

Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị..., còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị... - Một liên tưởng thú vị từ “Chuyện ngõ nghèo” (hay cũng có thể gọi vui là “Bách khoa lợn”, “Nhật ký lợn”...) – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh.

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Vẫn phải sống thể tất cho nhau chứ!”

Nguyên Lê |

Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị..., còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị... - Một liên tưởng thú vị từ “Chuyện ngõ nghèo” (hay cũng có thể gọi vui là “Bách khoa lợn”, “Nhật ký lợn”...) – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh.