Về sự ra đời bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi

TS Nguyễn Trọng Hoàn |

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều người đã thuộc lòng bài thơ “Đất nước” - một tác phẩm nổi tiếng của nhà nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi. Nhưng “Đất nước” được sáng tác như thế nào? Một số chi tiết trong bài thơ cần được hiểu sao cho thoả đáng - điều đó có ý nghĩa không nhỏ đối với việc tiếp nhận và thưởng thức bài thơ này.

1. Đêm 19.12.1946, thực hiện quyết định của Trung ương Đảng, tiếng súng giết giặc của Hà Nội và các thành phố có quân Pháp chiếm đóng đã nhất loạt phát nổ, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu 57 ngày đêm ở Thủ đô và Liên khu 1 đã thắng lợi (tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá huỷ 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi 1 máy bay và bắn hỏng 7 chiếc khác, bắn chìm 2 ca nô); đêm 17.2.1947, trước sự bất ngờ của địch, Trung đoàn Thủ đô tiến hành cuộc rút quân bí mật, quả cảm vượt sông Hồng và sông Đuống ra vùng tự do thuộc tỉnh Phúc Yên một cách an toàn.

Để lại “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời”, cùng với những người đồng chí, chàng thanh niên trí thức trẻ Nguyễn Đình Thi hăm hở bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nhưng nỗi nhớ về Hà Nội dường như vẫn luôn luôn da diết; đồng thời, thực tế vất vả gian lao cũng như sự hy sinh to lớn của đồng bào trên mỗi bước đường công tác đã gợi lên trong hồn thơ Nguyễn Đình Thi những cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.

Một số bài thơ của Nguyễn Đình Thi được ra đời trong tình huống như vậy và đã từng trở thành một “hiện tượng”, một chủ đề tranh luận thú vị và bổ ích về thơ tại chiến khu Việt Bắc. Cuộc tranh luận này nằm trong khuôn khổ Hội nghị tranh luận văn nghệ của Hội văn nghệ Việt Nam với một quy mô lớn, thu hút nhiều cây bút tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ trong và ngoài quân đội. Có thể nói, đây là một hội nghị học thuật quan trọng, được chỉ đạo trực tiếp của nhà thơ Tố Hữu – người được Đảng phân công phụ trách công tác văn hoá văn nghệ, diễn ra liên tiếp trong bốn ngày, gồm 11 phiên họp (dường như mỗi ngày họp ba buổi). Chùm bài đăng trong tạp chí Văn nghệ số 6.1948 gồm: Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Đường núi; và bài Đêm mít tinh (đăng trong tạp chí Văn nghệ số mùa xuân 1949) là đối tượng được đưa ra để trao đổi về quan niệm sáng tác, hình thức và nội dung thơ Nguyễn Đình Thi chiều ngày 28.9.1949 (toàn văn bài tường thuật của nhà thơ Xuân Diệu in trong tạp chí Văn nghệ số đặc biệt gộp hai số 17 và 18 năm 1949, phụ bản Thơ của báo Văn nghệ đăng lại quí 1 năm 2003).

Dưới bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi ghi thời điểm sáng tác: 1948 - 1955. Như vậy, bài thơ được thai nghén trong suốt tám năm ròng! Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bài thơ Đất nước, tác giả đã sử dụng lại một số thi liệu vốn đã hiện diện ở hai bài thơ từng công bố trước đó (để bạn đọc tiện so sánh, chúng tôi xin dẫn):

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

Phố dài xao xác heo may

Nắng soi ngõ vắng

Thềm cũ lối ra đi

Lá rụng đầy

Ôi nắng dội chan hoà

Nao nao trời biếc

Gió đượm hương đồng rộng

Hương rừng chiến khu

Tháp Rùa lim dim nhìn nắng

Những cánh chim non

Trông vời nghìn nẻo

Mây trắng nổi tơi bời

Mấy đứa giết người

Hung hăng một buổi

Tháng Tám về rồi đây

Hôm nay nghìn năm gió thổi

Trời muôn xưa

Đàn con hè phố

Môi hớn hở

Ngày hẹn đến rồi

Các anh ngậm cười bãi núi ven sông

Hà Nội

Ơi núi rừng.

(Tạp chí Văn nghệ, số 6.1949)

Đêm mít tinh

Muôn ngàn đêm hẹn nhau họp đêm nay

Yên lặng nép ngồi

Tia vàng vút bay

Tung lên hoa lửa

Lên lên mãi

Một vầng sao ngời muôn vầng sao

Bụi ngọc ngập trời

Rơi rơi trên đầu trên cổ

Trên ngón tay

Triệu triệu sao

Rừng Việt Bắc

Trời sao đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những xóm đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ngàn sao phơi phới đang bay

Dạt dào mắt không thấy nữa

Dưới kia Hà Nội nhìn lên

Phố phường nín thở

Những lề đường mòn cũ

lành lạnh mưa phùn

Hà Nội

Một mình buồn xé ruột

Ngày ngày buồn thức dậy

Quay mặt đi đâu ngày hôm nay

Gió mùa đông trong lá chưa đi

Còn đến bao giờ bao giờ

Đêm nay trời sao trắng bạch

Cháy trùm đất nước

Đêm loè sáng

Đi lên đi lên

Ta lớn ta khoẻ

Súng ta rợp đồng

Ngàn sao chào múa

Trời nắng bỏng

Bao nhiêu tường chói loá

Những lùm cây cháy cả lên

Rừng Phan Lương dữ dội reo hò

Đỏ đỏ trôi đường phố

Hà Nội phố hè ngực đập thình thình

Tiếng hát reo cười cuốn trào nước mắt

Sao ơi, núi rừng ơi nức nở.

(Tạp chí Văn nghệ, số Xuân 1949)

Bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” ghi lại tình cảm da diết của người thanh niên tham gia kháng chiến, một sớm mùa thu nơi chiến khu Việt Bắc nhớ về Hà Nội “nao nao trời biếc”. Một trong những yếu tố thể hiện rõ nhất điều đó là trong bài thơ có tới hai cặp địa danh song song mà tương hợp: “Hương rừng chiến khu – Tháp Rùa lim dim nhìn nắng” và “Hà Nội - Ơi núi rừng”.

Còn ở Đêm mít tinh, tác giả viết trong đêm trời đầy sao “bụi ngọc ngập trời” tại một làng quê ngay bên sông Lô thuộc tỉnh Phú Thọ sau chiến thắng sông Lô (theo lời kể của tác giả, báo Giáo dục và Thời đại, số ra ngày 10.11.1995). Từ cảm hứng đó, bài thơ hướng về chiều sâu lịch sử, ngẫm ngợi về truyền thống anh hùng của đất nước. Trong bài thơ này, hình ảnh Hà Nội được nhắc tới ba lần, trong đó hình ảnh “Hà Nội – Một mình buồn xé ruột – Ngày ngày buồn thức dậy – Quay mặt đi đâu ngày hôm nay” được đặt trong mối quan hệ tương phản với hình ảnh “Ngàn sao phơi phới đang bay – Dạt dào mắt không thấy nữa – Dưới kia Hà Nội nhìn lên – Phố phường nín thở” và “Hà Nội phố hè ngực đập thình thình – Tiếng hát reo cười muốn trào nước mắt”.

*

* *

Cuộc kháng chiến ngày càng gian khổ, quyết liệt. Nguyễn Đình Thi cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác đã đi cùng bộ đội tham gia các chiến dịch ở đường số 4, Trung du, Hòa Bình v.v... Cuối 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tác giả của “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và “Đêm mít tinh” về điều trị bệnh ở một xóm ven bờ sông Cầu (thuộc huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Tại đây, Nguyễn Đình Thi sau quá trình 7 - 8 năm ròng rã - nay mới có điều kiện nhớ lại những lần tham gia đánh đồn giặc, những cuộc hành quân, nỗi niềm khi chứng kiến những cảnh đau thương, mất mát của đồng bào, đồng chí. Ký ức và xúc cảm dâng trào, những ý thơ ban đầu chỉ bật ra như là riêng lẻ:

- Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều...

- Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh...

Nhưng rồi, cũng chính sức mạnh của hồi ức đã tha thiết ngân vọng, ám ảnh và kết lắng thành một tứ thơ đất nước ở tầm khái quát. Một ý tưởng mới hình thành trên cơ sở (hồn cốt hoặc nguyên văn) một số câu thơ trong hai bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa”, “Đêm mít tinh” và những câu thơ vừa dẫn ở trên. Như vậy, bài thơ “Đất nước” ra đời (năm 1955) và nổi tiếng trên thi đàn của văn học Việt Nam hiện đại vốn có “nguồn gốc” từ hai bài thơ khác mà tác giả viết trước đó và được “thai nghén” trong suốt hành trình cuộc kháng chiến chứ không phải được “khai sinh” liền mạch dưới một thi đề ngay từ đầu. Xét về mặt hình thức, có vẻ như tác giả chỉ chuyển hoá một số câu trong hai bài thơ đó kết hợp với những câu thơ mới để tạo thành “Đất nước”, còn “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và “Đêm mít tinh” vẫn tồn tại như hai bài thơ độc lập (cả hai bài thơ này đều in trong tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi của NXB Hội Nhà văn và NXB Văn học). Không hẳn như vậy. Chẳng hạn: Cảm xúc về Hà Nội được nói tới ở hai bài thơ trước thiên về tô đậm vẻ đẹp thơ mộng và nỗi canh cánh của tác giả khi ở Việt Bắc; trong bài thơ “Đất nước”, cảm xúc đó đã chuyển hoá thành những nét chấm phá giàu sức gợi (câu Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em được thế bằng Tôi nhớ những ngày thu đã xa), làm đầu mối mở ra cảm xúc dạt dào và lấp lánh về một không gian, thời gian cuộc đời rộng lớn cả trong đời thực và cả trong tâm tưởng, không chỉ mừng vui “Sao ơi, núi rừng ơi nức nở” mà còn rộn rã tưng bừng “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi – Gió thổi rừng tre phấp phới – Trời thu thay áo mới – Trong biếc – nói cười thiết tha” - cuộc đời của những con người làm chủ đầy tự hào và kiêu hãnh.

2. Có lẽ bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh quân và dân ta rời Thủ đô đi kháng chiến, cho nên bấy nay, không ít người đọc bài thơ Đất nước đã cho rằng: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” là hai câu thơ mô tả hình ảnh người ra đi trong kháng chiến chín năm. Nhưng không phải vậy. Lý do thứ nhất: Ở trước những câu thơ đó, tác giả đã viết “Tôi nhớ những ngày thu đã xa” - đó là những ngày thu trước Cách mạng tháng Tám, và hình ảnh người ra đi vì lý tưởng hoặc không bằng lòng với cuộc sống thực tại đã trở thành một tứ thơ quen thuộc thời đó (chẳng hạn như hình ảnh người đi trong bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm). Ở đây, nhà thơ dùng hình ảnh người ra đi trong mô-tip đề tài đó. Lý do thứ hai: Hà Nội ngày đoàn quân ra đi kháng chiến gắn liền với bối cảnh “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời” (lời ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi), hoặc “Nhớ năm xưa trong đêm sóng vỗ. Người đi Hà Nội cháy sau lưng” (trích bài “Tiếng sóng” Nguyễn Đình Thi viết năm 1954, in trong Thơ Nguyễn Đình Thi - tác phẩm chọn lọc, NXB Văn học, 1994, trang 72). Và lý do thứ ba, ngày toàn quốc kháng chiến là 19.12.1946, thời điểm đó khó có thể gọi là mùa thu!

*

* *

Đất nước là một trong số các tác phẩm đặc sắc của thơ ca Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Bài thơ thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình cảm và trí tuệ của tác giả, tạo nên sức lay động sâu xa và xúc cảm thẩm mỹ lâu bền trong nhiều thế hệ độc giả.

TS Nguyễn Trọng Hoàn
TIN LIÊN QUAN

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939)

Đỗ Trung Lai |

Người ta kể, ông học múa kiếm ở ông Tư Đạt, con ông Đô Thống Thuật, và đánh kiếm rất hay. Nhiều người cũng đã biết nguyên do về hai bài thơ xướng, hoạ của Tản Đà và Đỗ Tang nữ quanh gói Rau sắng chùa Hương nổi tiếng...

Ngày thơ Việt Nam: Sân thơ trẻ lấn lướt thơ truyền thống

Đ.B |

Sân thơ tập trung các tác giả trẻ đã thu hút sự chú ý của phần lớn khán giả có mặt tại Ngày thơ Việt Nam 2018.

Vợ cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi, NSND Tuệ Minh từ trần

Đào Bích |

Nghệ sĩ nhân dân Tuệ Minh, gương mặt gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam cách mạng, vợ của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi vừa mới qua đời.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939)

Đỗ Trung Lai |

Người ta kể, ông học múa kiếm ở ông Tư Đạt, con ông Đô Thống Thuật, và đánh kiếm rất hay. Nhiều người cũng đã biết nguyên do về hai bài thơ xướng, hoạ của Tản Đà và Đỗ Tang nữ quanh gói Rau sắng chùa Hương nổi tiếng...

Ngày thơ Việt Nam: Sân thơ trẻ lấn lướt thơ truyền thống

Đ.B |

Sân thơ tập trung các tác giả trẻ đã thu hút sự chú ý của phần lớn khán giả có mặt tại Ngày thơ Việt Nam 2018.

Vợ cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi, NSND Tuệ Minh từ trần

Đào Bích |

Nghệ sĩ nhân dân Tuệ Minh, gương mặt gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam cách mạng, vợ của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi vừa mới qua đời.