Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939)

Đỗ Trung Lai |

Người ta kể, ông học múa kiếm ở ông Tư Đạt, con ông Đô Thống Thuật, và đánh kiếm rất hay. Nhiều người cũng đã biết nguyên do về hai bài thơ xướng, hoạ của Tản Đà và Đỗ Tang nữ quanh gói Rau sắng chùa Hương nổi tiếng...

Vài nét tiểu sử

Ông sinh ngày 20.4 năm Kỷ Sửu 1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ - làng nhỏ, ven sông Đà, cách núi Tản Viên một cánh đồng - nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.

Ông vốn dòng dõi khoa bảng - Nguyễn Công Thế, tổ sáu đời Tản Đà, được phong đến Thượng thư Bộ Lễ, Thái bảo Thái phó Kiều quận công. Ông thân sinh nhà thơ là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân, làm đến Án sát Ninh Bình. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tái Tích, đỗ phó bảng, ra giáo thụ. Chính Tản Đà đã được tập ấm và cũng đã hai lần thi Hương không đậu!

Thân mẫu Tản Đà là bà Nhữ Thị Nghiêm, một đào nương tài sắc ở Nam Định, bà là vợ ba, cũng là vợ cuối cùng của Nguyễn Danh Kế. Bà sinh được 4 người con, Tản Đà là thứ tư và cũng là con trai út (trai thứ 11) trong nhà. Năm Tản Đà lên ba tuổi, cha mất. Năm sau, mẹ trở lại nghề đàn ca. Từ đó, cậu ấm Hiếu được Nguyễn Tái Tích nuôi dạy. Sau khi hỏng thi trường Nam năm Nhâm Tý (1912), được anh rể là nhà thơ trào phúng Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế giới thiệu tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu; lại đọc G.G. Rútxô, Môngtécxkiơ... Ông xoay ra làm văn, làm thơ, viết báo, in sách, đoạn tuyệt với cử nghiệp.

Từ 1915 ông đã viết cho Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 1921, chủ bút báo Hữu thanh của Trung - Bắc Kỳ Nông Công Thương tương tế. Tháng 8.1922 lập Tản Đà thư điếm, sau thành Tản Đà tu thư cục. Năm 1926, ông chủ trương An Nam tạp chí. Sau nhiều lần gián đoạn, năm 1933, tạp chí này đình bản hẳn. Từ đó trở đi, ông đành làm trợ bút cho các báo khác, dịch thơ Đường cho báo Ngày nay, dịch “Liêu trai chí dị” cho Nhà xuất bản Tân dân và chú giải “Truyện Kiều”.

Ngày 20.4, năm Kỷ Mão, tức ngày 7.6.1939, ông chết trong nghèo khổ, tại nhà số 71 đường Cầu Mới (nay là số 47 đường Nguyễn Trãi. Tản Đà cũng là nhân vật của nhiều giai thoại, cả trong đời sống và văn học. Thuở còn là nho sinh trường Quy Thức (Hà Nội), anh khoá Hiếu đã có mối tình đầu với cô gái họ Đỗ phố Hàng Bồ. Người này hẳn chỉ mong cái cảnh “võng anh đi trước võng nàng theo sau” thôi, cho nên khi Tản Đà hỏng thi, về đến phố nhà nàng, thì đã thấy giai nhân lên xe hoa người khác mất rồi!... Và, anh khoá thất tình bèn tìm vào Hương Sơn lên núi Tiên Sơn tiêu dao để xoa dịu con tim đang vò xé vì nỗi thất tình.

Khi ở nhờ nhà người bạn ở Quảng Yên, nhân lúc chủ nhà vắng nhà, ông lấy thuổng cậy cả gạch hoa lát nền làm chỗ “trồng một ít húng láng”! Lại còn cười hề hề mà bảo với chủ nhà: “Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi bực đến chết. Chén rượu nào cũng cứ nhạt phào”.

Lại nữa, đang khi toà báo không có tiền trả tiền nhà, ông cất công xuống Nam Định vay tiền và trở về toà soạn với ... ôm thịt chó và một chai rượu!...

Người ta còn kể, ông học múa kiếm ở ông Tư Đạt, con ông Đô Thống Thuật, và đánh kiếm rất hay. Nhiều người cũng đã biết nguyên do về hai bài thơ xướng, hoạ của Tản Đà và Đỗ Tang nữ quanh gói Rau sắng chùa Hương nổi tiếng; và khối người còn rung đùi thú vị khi ngâm bài thơ Tản Đà trả lời ông Mai Lâm - người nghe tin thất thiệt là Tản Đà đã chết và làm thơ viếng ông: Nực cười cho bác Mai Lâm - Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau v.v... và v.v...

CON NGƯỜI QUA TÁC PHẨM

Đó là người dám tự nhận mà không sợ sai rằng mình là “trích tiên” (tiên bị đẩy xuống trần gian) - như Đông Phương Sóc đời Hán - ông tổ nghề hài; như Lý Thái Bạch đời Đường - vua thơ vua rượu Trung Hoa.

Tản Đà bảo ông bị đày xuống hạ giới về tội ngông. Kể cũng chẳng ngoa. Không “ngông”, ai dám gánh văn lên bán chợ trời; dám gửi thư lên Thiên đình cầu hôn; dám vào Hương Sơn tìm hổ quỷ, lập đàn tế Chiêu Quân ở Tiên Sơn; tịch cốc (nhịn cơm để chết) ở ấp Cổ Đằng...

Ông mượn miệng trời mà khen văn mình: Nhời văn chuốt đẹp như sao băng - Khí văn hùng mạnh như mây chuyển - Êm như gió thoảng, tinh như sương - Đầm như mưa sa lạnh như tuyết.

Ông có ngôn ngữ đẹp, mát mẻ của ngôn ngữ Nguyễn Khuyến, lại có ngôn ngữ nói chát chúa, cay chua của Trần Tế Xương. Về cốt cách, khẩu khí, ông cũng chẳng nhường Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ.

Nhưng Tản Đà không chỉ có “ngông” và giàu văn chương, con mắt ông nhìn rõ những điều làm trái tim ông đau. Ông sống ở cái thời “đổi lông ra sắt” (đổi bút lông viết chữ Nho ra bút sắt viết chữ Tây), cái thời lổn nhổn đủ hạng người trong một rọ: Ông Tây, bà Đầm, Nhật Bản, Khách, phán, ký, làng nho, bồi, bếp, vú. Nhìn tấm địa đồ Tổ quốc, ông xót xa: Biết bao lúc mới công vờn vẽ - Sao đến bây giờ rách tả tơi! Ông kêu lên: Đốt đuốc đố ai tìm khắp nước - Kiếm đâu cho thấy mặt anh hùng? Cốt cách và tài năng của ông là thế, mà rồi: Khi làm chủ báo, lúc viết mướn - Hai chục năm dư cảnh khốn cùng. Trong lúc đó: Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc, thì làm gì chẳng có lúc ông thốt lên: Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán.

Nhưng con người nghệ sĩ trong ông thì mãi “còn chơi”, “chịu chơi”: Trăm năm nặng gánh tang bồng - Lửa than càng đốt cho lòng càng son; Người đời ai có chơi như tớ - Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi; chơi đến cùng: Chắc có một phen đời khóc tớ - Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi. Chính ông tự tổng kết đời mình, vừa xót xa vừa kiêu hãnh: Trời sinh ra bác Tản Đà - Quê hương thời có, cửa nhà thời không - Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông - Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly – Túi thơ đeo khắp ba kỳ - Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng.

Một sở đắc khác của ông là sự làu thông ngôn ngữ ca dao, dân ca, dân tộc. Ông làm ca dao, dân ca tuyệt hay. Hay đến mức nhiều bài, nhiều câu có thể đứng vững như những tác phẩm khuyết danh.

Không thể chỉ nhìn vào việc có nhiều yếu tố biền ngẫu, nhiều hình tượng ước lệ cổ, nhiều điển cố... trong thơ văn ông, mà dứt khoát xếp ông lùi xa hơn, cũ hơn giá trị thực của ông. Ông thuộc kiểu nhà thơ khó bị hình thức và thời gian kiềm toả. Đọc ông, dễ dàng thấy rằng ”phổ” đề tài, ”phổ” tình cảm của ông rộng lớn, và do đó, ông phản ánh, ông bộc lộ cái mà sau này các nhà thơ Thơ mới hay nói - cái cá nhân - individu - ở tầm lớn hơn. Tư tưởng nghệ thuật và năng lực thực hiện tư tưởng ấy ở ông, nhiều người đương thời khó sánh kịp. Ở tất cả các thể loại - thơ Đường luật, thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói - dạng ca trù, hoặc những điệu mà ông đặt ra, trong việc dịch thơ Đường, và ngay cả ở thơ không vần - ông đều đạt tới những thành tựu mà thi sĩ nào cũng thèm muốn. Ông góp phần cực lớn đẩy nghệ thuật thi ca truyền thống về phía hiện đại. Trong các tác phẩm của ông, có cái cốt cách, cái tầm cỡ mà không mấy người với tới, vì bẩm sinh, rất ít người có cái phẩm chất ấy.

Nhưng cũng giống như mọi tài năng lớn, ông rất cô đơn. Thật khó mà cầm lòng khi đọc hai câu này của ông:

Phòng văn ai kẻ vào ra,

Sương thu bốn giậu, trăng tà nửa hiên.

Đỗ Trung Lai
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.