Truyện ngắn: Bằng lăng tím ngát giữa cánh đồng (phần cuối)

Lê Ngọc Hạnh |

Lần đầu về thấy Tím trong nhà, Lăng ngỡ ngàng một chút rồi thấy bình thường. Anh Bằng ba bốn rồi chứ còn trẻ đâu. Tím ba hai, hơn Lăng 2 tuổi, mà con gái tuổi ngoài ba mươi, ở phố thấy bình thường, chứ trong quê già chát hết rồi! “Mình không ở nhà, có Tím, phụ bếp núc, má bớt cực. Có người ra vô hủ hỉ má cũng vui”. Lăng nghĩ vậy, nên dù chưa danh chính ngôn thuận là chị dâu, nhưng Lăng coi Tím như người trong nhà rồi.

Lăng nghĩ thoáng, sống đơn giản, nên nhìn mọi việc cũng nhẹ nhàng. Mà Tím về ở từ cái năm ba về với ông bà, nhà cửa vui vầy chứ có gì đâu. Má còn nói với Lăng: “Anh Bằng mày với con Tím tính trồng trọt, buôn bán một thời gian, kiếm tiền cất cái nhà nhỏ, ra riêng rồi mới làm đám cưới. Nó nói nhà này để mai mốt con Lăng về ở...”. Lăng còn trông cho hai người mau làm đám cưới nữa mà!

Lăng được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm ổn định bấy nhiêu đó là “tài sản” lớn nhất rồi. Đất đai là công sức của ông bà, cha mẹ chứ Lăng có tạo ra được hạt cát nào đâu mà đòi chia chác, giành phần. Chắc là anh Bằng nhìn chuyện nhà người ta rồi suy ra chuyện nhà mình, chứ xưa giờ Lăng thấy tánh tình anh đâu có kỳ cục vậy. Mà Lăng thấy mình cũng sai, lẽ ra phải từ từ, hoặc chí ít cũng cho anh Bằng được vài lần thực tế, đến tham quan mấy chỗ trang trại đó, thì có khi không cần phải giải thích, phân tích này kia kia nọ.

Lăng đi chỗ này, chỗ nọ nhìn thấy những thay đổi, còn anh Bằng đó giờ chỉ quanh quẩn xóm vườn, đùng cái về biểu ảnh phải thế này, thế kia, làm sao được!? Chỉ tại cái “dự án” nông nghiệp sạch, ấp ủ trong đầu hơi bị lâu, chưa ra... đất, Lăng nghe bức bối, nên sẵn giỗ ba, bày ra nói tiếp, dè đâu lớn chuyện...

Tím ý thức mình không đủ tư cách nên tiếng lớn, tiếng nhỏ cũng không ý kiến. Nhưng Tím thấy có vẻ Bằng đang hiểu lầm em mình. Từ hồi về ở, dù chưa cưới hỏi nhưng bà Mười và Lăng đều coi Tím như người nhà rồi. Tím thấy Lăng hòa đồng, tánh tình khẳng khái chứ đâu ra vẻ gì như người so đo tính toán, muốn chia đất chia cát như Bằng nói.

Bằng nhìn theo dáng em gái lủi thủi mất hút ngoài ngõ, cơn giận cũng xịu xuống. Hai anh em thương nhau, hiểu nhau lắm, sao giờ lại ra nông nỗi này. Là tại Bằng cực đoan, bảo thủ hay tại em gái đi thành phố học hành, làm việc ngoài đó rồi thay đổi luôn cách nghĩ, lẫn cách sống làm cho cái nếp nhà này không còn như hồi trước.

Bằng tự xét thấy mình vẫn vậy, tâm tánh đâu có thay đổi gì. Mà mới mấy bữa Tết, hai anh em còn vui vẻ sao tự nhiên kỳ giỗ này, mới hai ba lon bia, con em lại lôi ba cái chuyện phương thức canh tác, với ba cái vụ rau sạch, phân bón hữu cơ ra một hai bắt anh phải thay đổi này kia kia nọ...

***

“Anh chị dành dụm được hơn ba trăm triệu, gom góp định cất nhà, nhưng thôi. Mày sắp xếp về coi giúp anh...”.

“Anh Bằng đồng ý rồi, Lăng về nhà, mình tính nghen...”.

“Bà Lăng, dự án nông nghiệp sạch tới đâu rồi? Thuyết phục nông dân Bằng được chưa? Im re vậy?”.

Vừa xong cuộc họp, Lăng mở điện thoại, 3 tin nhắn lần lượt nhảy vào. 2 tin đầu là của anh Bằng và Tím. Tin thứ 3 của Thụ. Cách chưa đầy hai mươi cây số nhưng đã hơn hai tháng Lăng chưa về nhà. Chính xác là cô không muốn về. Đến một cuộc điện thoại hỏi thăm nhà cửa Lăng cũng không buồn gọi. Cái câu “mày muốn chia đất thì nói mẹ nó đi” của anh Bằng vẫn còn lẩn quẩn ở trong đầu Lăng.

Lăng không muốn sự việc đi quá xa làm tình cảm anh em thêm rạn nứt. Anh em hiểu nhau thì đã không xảy ra cãi vã. Mà không hiểu, hoặc chưa hiểu thì có cố nói cũng bằng không. Lăng định để thời gian vãng vãng, cho mọi sự lắng đọng lại nên chọn cách im lặng! Điều gì đã khiến cho anh Bằng thay đổi suy nghĩ nhanh đến vậy? Còn cho biết cả số tiền hơn ba trăm triệu mà anh và Tím đã dành dụm được?

“Mới nói sơ sơ đã bị ông Bằng chửi té tát. Hai tháng nay tui chưa về nhà...” - gửi tin nhắn trả lời cho Thụ xong, điện thoại đổ chuông. Là má: “Lăng về nhà, má có chuyện...”. Linh cảm có chuyện bất ổn, Lăng không ghé nhà trọ, phóng thẳng một nước về Tân Uyên, đến nhà trời vừa chật vật tối, thấy má đang chắp tay khấn vái trước bàn thiên...

- Má...

- Anh Bằng mày...

Hóa ra hai tin nhắn của anh Bằng và Tím bay về từ khoa Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy. “Cái khối u chỗ đùi nó tái phát, đi khám Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ chuyển xuống Sài Gòn khám chuyên khoa. Sáng nay hai đứa nó xuống dưới lấy kết quả, rồi gọi điện về nói bác sĩ kêu nhập viện... Hồi chiều con Tím điện thoại về cho má. Má vừa thắp nhang vái Trời vái Phật phù hộ cho anh con”.

Trong đầu Lăng bỗng hiện lên trận cãi vã vừa hơn hai tháng trước. “Người ta bệnh ung thư đầy ra kìa... mà có khi người ăn chưa bệnh, anh trồng hít hửi riết... bệnh... chết trước người ta đó... Mày trù tao hả...”. Cái khối u chỗ đùi phải anh Bằng, cách 3 năm trước, Lăng đưa anh đi khám, mổ, gửi mẫu xuống Trung tâm Ung bướu, xét nghiệm kết quả lành tính, yên tâm rồi, giờ lại nổi lên tái phát thành ác tính! “Tại mày ác mồm ác miệng làm cho anh Bằng bệnh ung thư thiệt. Sao mày khốn nạn quá vậy, Lăng?” - là Lăng tự chửi mình!

- Má... tại con trù làm anh Bằng bệnh thiệt đó má... Con hại anh Bằng rồi má - Lăng bưng mặt khóc nấc!

- Thôi con! Mỗi người có cái số, ông trời kêu ai nấy dạ mà con. Cái thời gì mà người ta bệnh ung thư nhiều quá không biết... - bà Mười thở dài!

***
Lầu 7. Khoa Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy.

- Mới biết kết quả sáng nay. Bác sĩ nói anh Bằng còn trẻ, không nên giấu bệnh, trao đổi trực tiếp bệnh nhân hiểu bệnh, hợp tác điều trị kết quả sẽ tốt hơn. Do khối u đang di căn, không thể xạ trị, phải tháo khớp chân, đến háng, kết hợp vô hóa chất... Anh Bằng không chịu điều trị, đòi về nhà đến đâu hay đến đó. Ảnh nói có chữa, hết tiền, cũng hết... sống. Ảnh nói để tiền đó cho Lăng mở hợp tác xã, đầu tư cái kho chứa hàng bông... Ảnh trăn trối, biểu ảnh có bề gì thì đặt tên cho đứa nhỏ, tên...

Lăng đứng nhìn anh mình một hồi rồi đi ra hành lang. Tím nói anh Bằng đau cả ngày, vừa thiu thiu chợp mắt. Mới hơn 2 tháng anh em không gặp nhau mà anh Bằng hốc hác tiều tụy thấy rõ. Lăng bệt xuống đất tựa lưng vào lan can, đầu óc rối bời những suy nghĩ. Anh Bằng ung thư, Tím thì đang mang thai tháng thứ 3...

- Tại em ác mồm ác miệng trù ảnh, giờ anh bệnh ung thư thiệt... - Lăng lại áy náy.

- Lăng đừng dằn vặt mình như vậy! Mấy hôm nay ở bệnh viện, thấy bệnh nhân ung thư cứ lần lượt... “xuất viện”, anh Bằng xuống tinh thần lắm! Ảnh nói hối hận, nói ảnh mà nghe lời Lăng sớm. Bác sĩ nói, một trong những nguyên nhân gây bệnh là do môi trường làm việc, tiếp xúc, hít hửi thuốc, phân bón hóa học... Đó giờ ảnh cứ nghĩ là vô hại, chứ đâu có ngờ nguy hại đến sức khỏe, đến cả tính mạng...

- Bệnh nhân giường số 13, người nhà tên Lăng...

Nghe kêu tên mình, Lăng lật đật đứng lên, bước vào:

- Anh Bằng...

- Ủa, Lăng! Là mày thiệt chứ hỏng phải tao mới nằm mơ thấy mày, hả?

- Thì em nè, em xuống lúc chiều, chị Tím nói anh mới ngủ nên không gọi, nãy giờ em ngồi ngoài kia... - Lăng đưa tay dụi dụi mắt!

- Anh mày ổn mà. Có làm sao đâu mà mày khóc?

- Anh... nghe lời bác sĩ đi. Còn một chân, còn hy vọng, còn sống... chứ mà...

- Tao muốn làm cái nhà kính trồng rau sạch như mày nói, nhưng có bấy nhiêu sợ không đủ... Không mai mốt lỡ tao có bề gì, còn mày với Tím, lo cho má, con tao nữa... Tím đang...

- Chị Tím nói em biết rồi. Giờ anh phải nghe lời em, phải chữa bệnh, nếu không...

- Phải mà tao nghe lời mày, làm từ mấy năm trước, có khi... Tao phun xịt cả chục năm, hít hửi không biết bao nhiêu mùi độc hại đâu có nghĩ tác hại khôn lường vậy. Xuống đây, chứng kiến nhiều cảnh tao mới sáng mắt ra, người ta đủ thứ bệnh ung thư...

- Tiền anh chị làm mấy năm nay để trị bệnh đi. Em dành dụm cũng được hơn trăm, để em gửi Tím phụ lo cho anh, còn em bé nữa... Còn chuyện làm nhà kính, kho chứa hàng bông, mở hợp tác xã em về lên dự án, bàn với Thụ nghĩ cách xoay vốn. Mình ít vốn thì đầu tư ít, từ từ phát triển, nghen anh Bằng!

- Ừ! Thôi thì anh nghe lời mày... đến đâu hay đến đó vậy!

Là Lăng hứa bừa cho anh mình yên tâm chữa bệnh, trong lòng cũng nôn nóng muốn làm nhưng vốn ít cũng phải cả tỉ bạc, ở đâu ra mà có liền? Bằng cách nào? Mấy đứa bạn đứa nào cũng lương ba cọc ba đồng như Lăng, có đứa nào có số tiền lớn để mà mượn? Mà có thì cũng có ai dám cho mượn khơi khơi một số tiền lớn vậy? Ông trời “gài” Lăng vô cảnh khó, đến nghiệt!

***
Về đến nhà lúc nửa đêm, gửi đi một tin nhắn cho Thụ: “Anh Bằng tui...”, rồi Lăng tắt nguồn điện thoại. Mấy hôm nay tinh thần mệt mỏi nhiều rồi, mất ngủ cũng nhiều rồi, giờ Lăng cần ngủ một giấc cho đúng nghĩa là ngủ. Lăng cần phải thả lỏng tinh thần cho mọi thứ cân bằng trở lại, rồi tính tiếp... Lăng nhắm mắt, mơ màng rồi thiếp đi...

Cứ nghĩ là ngủ một giấc cho ra ngủ vậy nhưng tỉnh giấc, nhìn đồng chỉ mới 2 giờ sáng. Lại trằn trọc, lại trăn qua trở lại. Sực nhớ thành phố có cái “chốn 24/24” cho những kẻ nửa đêm bỗng dưng không muốn ngủ hoặc không thể ngủ, ẩn trú. Gửi đi một tin nhắn kiểu hú họa cho Thụ, rồi lang thang đi ra phố. Đã từng “qua đêm” ở đó với Thụ vài lần rồi. Cảm giác rất là thích!

Đối diện Vita Coffee là sông. Vài tay phóng viên cặm cụi cày bài xuyên đêm bên trong quán. Mặt cắm cúi vào màn hình, những ngón tay thay phiên nhau tung tẩy trên mặt phím. Lăng bước vào gọi ly bạc sỉu nóng rồi trở ra. Vài chiếc bàn và ghế nhỏ ngoài hiên. Đêm lững lờ mờ ảo trôi trên sông chừng một chút lại đẩy qua chỗ Lăng ngồi vài cơn mát rượi. Nếu là mùa đông chắc sẽ lạnh, nhưng giờ đang là mùa hè. Lăng cảm thấy dễ chịu, nghe người tỉnh tuồng hẳn ra.

Chợ phía bên trái. Giờ này đang là phiên chợ sáng, là chợ của những người bán sỉ, bỏ mối cho những người mua đêm, ngày bán lại. Xã Hàng Bông có một số nhà vườn không bán hàng cho thương lái mà mỗi khuya sớm chở ra chợ Thủ Dầu Một bỏ mối. Từ đây, ngược lên hết con đường Đinh Bộ Lĩnh thể nào Lăng cũng sẽ gặp vài người quen ở xã Hàng Bông đang bán hàng phía đầu chợ.

Thụ xuất hiện. Tấp đại con Future dưới đường mà không cần ngó trước canh sau. Giờ này không lo bị “hốt” xe.

- Hồi đêm tui gọi bà không được vậy? Bộ nhà có chuyện gì hả?

- Tui mệt, nên tắt điện thoại. Cùng lúc dồn dập đủ thứ chuyện, giờ phải gom tiền cho anh Bằng chữa bệnh, muốn làm cũng không biết xoay tiền đâu mà làm?

- Tui tưởng bà thành lập công ty kinh doanh địa ốc chứ mảng nông nghiệp thì có Nhà nước lo, yên tâm đi...

- Tui đang rầu thúi ruột. Ông còn giỡn, còn ở đó mà Nhà nước lo...?

- Tui không có giỡn. Bình Dương đang có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với hạn mức vay ưu đãi đến chín mươi phần trăm tùy phương án, quy mô lớn, nhỏ...

- Ông nói thiệt, đừng có an ủi tui nghen... - Lăng nửa tin, nửa ngờ!

- Mấy chuyện này sao giỡn được, bà? Trước mắt cứ như bà tính đi. Thành lập hợp tác xã, đăng ký thương hiệu... giống như hợp tác xã “Hoa lan Đất Thủ” đó...

- Thì tui cũng tính thành lập hợp tác xã trước, đến khi vay được vốn thì lắp đặt nhà kính, mình áp dụng phương thức tỉa trồng sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ luôn, cho người dân nhìn thấy, họ sẽ thay đổi theo, chứ không thể kêu người ta thay đổi bằng cách nói miệng khơi khơi giống tui nói với anh Bằng mấy năm. Như vậy mới hạn chế được thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật của mấy nhà vườn...

- Thằng bạn tui bên Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nó nói cơ quan đã xét duyệt cho hơn 100 phương án, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh đã đã giải ngân hơn 500 tỉ đồng, nhiều trang trại, hợp tác xã nông nghiệp sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ăn nên làm ra, mang lại giá trị kinh tế cao, thấy mê lắm...

- Vậy tui lên bảng dự án chi tiết, còn chuyện vốn vay ông lo nghen! Đầu ra thì tui không lo, vì người tiêu dùng giờ chọn mua rau màu, củ quả cũng cân nhắc lắm. Mình trồng tỉa sạch, có thương hiệu rõ ràng không lo ế. Mà với lại Bình Dương mình quá trời khu công nghiệp, tui chỉ lo trồng không đủ bán...

- Trời, bà Lăng! Tự tin dữ...

Cơn mệt mỏi bỗng dưng tan biến. Những ức chế bấy lâu như được bung xõa, Lăng đầu óc nghe nhẹ hẳn. Ông trời thấu tỏ lòng Lăng, chứ đâu có “gài” Lăng vô cảnh nghiệt!

Chỉ còn nỗi lo căn bệnh thời đại quái ác mà anh Bằng đang chống chọi.

Và Lăng hy vọng một phép màu...

***
Tư xe tải đứng nhìn quang cảnh hợp tác xã “Tân Uyên Xanh” đang tấp nập “ăn hàng”, ngẫm ngợi: “Hóa ra nguyên nhân mấy tháng nay không nhà vườn nào gọi mình đến chở rau trái ra chợ đầu mối là đây”. Nghe loáng thoáng hợp tác xã rau sạch sẽ thành lập ở xã Hàng Bông, cứ nghĩ không liên quan gì đến mối lái làm ăn bấy lâu, chứ Tư xe tải đâu có ngờ đến mức rau cải, bí bầu, đang rộn ràng ngay trước mặt vậy mà không hỏi mua được một ký rau, ký trái nào!

Bằng chân y, chân nạng cà khọt từ trong nhà ra đến cây bằng lăng, gặp Tư xe tải cũng vừa ra tới.

- Anh Bằng...

- Gì vậy, Tư?

- Anh nói chị Lăng chia tui mớ hàng bông bỏ mối kiếm tiền nuôi con, trả nợ với. Mua cái xe trả góp chở hàng bông chưa được một năm, chị Lăng rủ hết nhà vườn vô hợp tác xã, cái giờ tui hết đường làm ăn luôn...

- Hàng bông không đủ giao cho các bếp ăn bên mấy khu công nghiệp, lấy đâu chia cho mày bán chợ? Mày muốn thì hỏi nó, tao kêu nó chửi tao chết...

- Nhưng anh là anh chỉ. Anh nói, chỉ nghe...

- Nghe gì mày? Khúc đầu, tại tao không nghe lời nó, nên hình thể một còn một mất vầy nè. Mà nhờ khúc giữa tao chịu nghe nó nên khúc cuối còn được cái mạng, chứ không giờ tao cũng “xanh cỏ”, nằm ngắm cánh đồng kế ông già tao rồi.

Lăng hai tay xách hai trái dưa lưới từ trong nhà kính đi ra, hớn hở:

- Anh Bằng, vài bữa đám cưới, mình đãi món la sét dưa lưới, nghen! - Rồi quay sang Tư xe tải - Tặng anh Tư một trái ăn lấy thảo nè!

- Chị Lăng... - Tư xe tải cầm trái dưa, ngập ngừng...

- Có chuyện gì hả anh Tư? Mấy nay cũng đang định gọi tìm anh Tư nè. Anh chở hàng bông giao mấy bếp ăn bên khu công nghiệp cho hợp tác xã được không?

- Thiệt hả chị Lăng? - Tư xe tải mừng húm!

- Xóm làng không mà anh Tư. Hợp tác xã thì hợp nhau lại cùng làm, mới vui chứ! “Tân Uyên Xanh” mình ký hợp đồng cung cấp rau mỗi ngày cho 12 công ty, đóng trên địa bàn 3 khu công nghiệp: Bàu Bàng, Mỹ Phước 1 và VSip 1. Mỗi sáng anh Tư đến kho nhận hàng, giao theo địa chỉ trên đơn hàng cho từng đơn vị...

- Vậy coi như tui được một chân trong hợp tác xã, hả chị Lăng? Mấy nay xe ế, nằm nhà, tui rầu muốn thúi ruột...

- Mà anh Tư nè, rau màu hợp tác xã ký hợp đồng giao các bếp ăn, còn dưa lưới đến đợt thu hoạch, anh Tư có thể nhận đem bỏ mối cho bà con tiểu thương mình ngoài chợ, kiếm thêm thu nhập.

- Trời! Nghe mừng hết lớn! Tui cảm ơn chị Lăng nhiều lắm, nghen!

Bằng nhìn Tư xe tải vui mừng mà nghe trong lòng cũng rộn rã. Vậy mà trước đây anh cứ cực đoan, coi thường em mình. Bằng cầm trái dưa lưới, rồi đưa mắt nhìn xuống một bên chân còn lại. Anh bấm mấy đầu ngón chân dụi dụi xuống đất. Một chiếc lá bằng lăng bỗng đáp xuống ngay mũi chân làm anh giật mình. Chiếc lá màu vàng tươi. Bằng ngửa mặt ngó lên tán cây, trong lòng bỗng nghe trào lên cơn nghèn nghẹn...

***
Chỉ sau 3 năm, cánh đồng trước nhà bà Mười giờ diện mạo đã không còn như xưa. Bán kính trong vòng 5 mét, xung quanh cây bằng lăng giờ là một vùng trắng sáng của những dãy nhà kính.

Sáng cuối tuần. Hai anh em ngồi cà phê dưới tán bằng lăng, Bằng ngập ngừng:

- Lăng...!

- Dạ! Anh Bằng! Sắp đám cưới nôn quá hả? - Lăng nhìn anh mình ghẹo.

- Có chuyện này, từ bữa nay anh chưa nói với mày...?

- Chuyện gì vẻ nghiêm trọng vậy, anh Bằng?

- Anh... xin lỗi Lăng! Hồi đó anh tầm bậy quá, hiểu lầm mày...

- Trời! Em quên lâu rồi! Mà vài bữa má mần xui... mấy chuyện không vui... mình bỏ đi anh, hén!

Xã Hàng Bông một bữa xôn xao. Là chuyện nhà bà Mười dựng rạp đãi đám cưới xung quanh cây bằng lăng, ngoài cánh đồng. Là chuyện cô dâu, chú rể đãi đám cưới với thực đơn 5 món, món nào cũng “đính kèm” sản phẩm “Tân Uyên Xanh”: Bông bí nhồi thịt, đậu que xào bò, gà hấp cải xanh, khổ qua thác lác, dưa lưới tráng miệng. Là chuyện, chú rể xí phần đặt tên cho đứa nhỏ đã chào đời trước đó, “Trai, gái gì cũng đặt tên Ngát, nhe mình!”.

Sáng đó, bà Mười bận áo dài tím màu bông bằng lăng yêu thích đứng thềm ba ngó ra cánh đồng. Ngoài xa xa hiện ra một vòm tròn tím ngát! Bà Mười ngỡ ngàng, rồi mừng quá, lật đật quay vô nhà rút mấy nén nhang: “Ông ơi! Bữa nay đám cưới thằng Bằng... Mà ông à! Sáng nay Bằng - Lăng - Tím - Ngát ngoài đồng rồi, nhe ông!

Lê Ngọc Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Bằng lăng tím ngát giữa cánh đồng (phần 1)

Lê Ngọc Hạnh |

Ông Mười trồng một cây bằng lăng ngay giữa cánh đồng phía trước nhà. Đứng ở thềm ba ngó ra, mùa bông trổ sẽ nhìn thấy một vòm tròn tím ngát. Hơn ba mươi năm đứng cô độc một mình, cây bằng lăng cứ hồn nhiên tạo dáng bung nở suốt mấy mươi mùa bông rực rỡ.

Truyện ngắn: Trở về (phần 2)

Nguyễn Ngọc Hải |

Đang giáo huấn cho Hoa bài học về lòng tham, sự cám dỗ của vật chất và các thể loại đàn ông thì điện thoại ngay cạnh sáng màn hình đổ chuông, chị cầm lên định hỏi điện thoại của ai, chưa nói hết câu thì Thương lên tiếng và vội cầm điện thoại ra ngoài nghe. Hân thấy lạ, lần trước cũng vào khoảng giờ này, cũng số ngoài danh bạ, Thương cũng vội vàng, luống cuống và có vẻ sợ sệt như hôm nay. Hân chắc có gì đó không ổn.

Truyện ngắn dự thi: Trở về (phần 1)

Nguyễn Ngọc Hải |

Cái tuổi nó đuổi xuân đi, như cô thì không phải đuổi mà tuổi xuân bị thời gian lùa cho chạy té khói ấy chứ. Sinh con xong ở cữ một năm thì xin vào làm công ty may mặc xuất khẩu gần nhà. Hôm đến xin việc nhân viên phòng nhân sự chối đây đẩy nói cô cố tình gian lận tuổi. Cô giận tím mặt, vùng vằng, ấm ức cầm hồ sơ ra về, nhưng khi nhìn lại mình trong gương thì cô thấy thương cái thân mình quá. Mái tóc xoăn mì tôm bẩm sinh đã xuất hiện loáng thoáng sợi hung, sợi bạc, cái trán bè và lõm đã hằn rõ nếp nhăn, quanh đôi mắt một mí vết nám, tàn nhang kéo xuống tận hai gò má cao ngất ngưởng và vết chân chim nơi đuôi mắt cũng trở nên rúm ró như đũng quần vá vội khiến cái tuổi với cái vẻ ngoài nó không còn ăn khớp.

Tính cấp thiết của việc ban hành quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ |

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Đây là cẩm nang cần thiết cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.

Viện trưởng một cơ sở đào tạo ở Huế bị tố đi công tác nhiều bất thường, gây lãng phí

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Viện trưởng Viện Đào tạo Mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế bị “tố” thường xuyên cùng Phó Viện trưởng đi công tác, có dấu hiệu gây lãng phí đối với đơn vị.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đủ khả năng vô địch AVC Challenge Cup 2024

HOÀI VIỆT |

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành chiến thắng tuyệt đối ở 4 trận tại vòng bảng giải bóng chuyền nữ quốc tế AVC Challenge Cup 2024.

Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo sau lời chào mời trên mạng xã hội

HẠNH AN |

“Em là sinh viên đại học, năm nay 21 tuổi hiện đang ở gần khu vực của anh. Em muốn làm một người bạn tình lâu dài với anh…” là một trong số nhiều lời giới thiệu gửi công khai qua mạng xã hội TikTok.

Giá thuê "chạm đáy", nhiều mặt bằng trên đất vàng ở Hà Nội vẫn ế ẩm

Nhật Minh |

Hà Nội - Dù nằm tại các tuyến phố lớn, được xem là vị trí đắc địa để kinh doanh, buôn bán, thế nhưng nhiều mặt bằng vẫn treo biển cho thuê trong thời gian dài.

Truyện ngắn: Bằng lăng tím ngát giữa cánh đồng (phần 1)

Lê Ngọc Hạnh |

Ông Mười trồng một cây bằng lăng ngay giữa cánh đồng phía trước nhà. Đứng ở thềm ba ngó ra, mùa bông trổ sẽ nhìn thấy một vòm tròn tím ngát. Hơn ba mươi năm đứng cô độc một mình, cây bằng lăng cứ hồn nhiên tạo dáng bung nở suốt mấy mươi mùa bông rực rỡ.

Truyện ngắn: Trở về (phần 2)

Nguyễn Ngọc Hải |

Đang giáo huấn cho Hoa bài học về lòng tham, sự cám dỗ của vật chất và các thể loại đàn ông thì điện thoại ngay cạnh sáng màn hình đổ chuông, chị cầm lên định hỏi điện thoại của ai, chưa nói hết câu thì Thương lên tiếng và vội cầm điện thoại ra ngoài nghe. Hân thấy lạ, lần trước cũng vào khoảng giờ này, cũng số ngoài danh bạ, Thương cũng vội vàng, luống cuống và có vẻ sợ sệt như hôm nay. Hân chắc có gì đó không ổn.

Truyện ngắn dự thi: Trở về (phần 1)

Nguyễn Ngọc Hải |

Cái tuổi nó đuổi xuân đi, như cô thì không phải đuổi mà tuổi xuân bị thời gian lùa cho chạy té khói ấy chứ. Sinh con xong ở cữ một năm thì xin vào làm công ty may mặc xuất khẩu gần nhà. Hôm đến xin việc nhân viên phòng nhân sự chối đây đẩy nói cô cố tình gian lận tuổi. Cô giận tím mặt, vùng vằng, ấm ức cầm hồ sơ ra về, nhưng khi nhìn lại mình trong gương thì cô thấy thương cái thân mình quá. Mái tóc xoăn mì tôm bẩm sinh đã xuất hiện loáng thoáng sợi hung, sợi bạc, cái trán bè và lõm đã hằn rõ nếp nhăn, quanh đôi mắt một mí vết nám, tàn nhang kéo xuống tận hai gò má cao ngất ngưởng và vết chân chim nơi đuôi mắt cũng trở nên rúm ró như đũng quần vá vội khiến cái tuổi với cái vẻ ngoài nó không còn ăn khớp.