Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn: “Muốn theo kịp thế giới, phải chọn dòng chảy chính”

NHẬT LỆ THỰC HIỆN |

Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã dày công dịch, chú giải, hiệu đính nhiều cuốn sách dẫn đường về tư tưởng để góp phần cập nhật những tinh hoa kinh điển về triết học và KHXH của thế giới. Ông mở lòng chia sẻ mối day dứt chung của người trẻ hôm nay trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về giá trị và định hướng tương lai.

* Vì sao ông cho rằng thời điểm này việc “tạo đà” là quan trọng hơn cả?

- Mất đà hay không đủ đà thì không thể khởi động hay thúc đẩy điều gì được cả, nhất là trong lúc phải phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ bên trong và bên ngoài. Kinh nghiệm của tổ tiên ta cho thấy phải hun đúc cho nội lực và sinh khí mạnh mẽ - nghĩa là tập trung năng lượng để tạo đà - thì kẻ thù bên ngoài mới e sợ. Muốn xâm lăng nước nào đó, ngoại bang phải nhìn vào sĩ khí của nước đó. Lòng tin và sức cố kết dân tộc quan trọng hơn tất cả, giúp vượt qua mọi thiếu thốn vật chất và trở lực khách quan. Vì thế, nhân tâm ly tán là mối nguy hàng đầu. Tại sao nhiều cuộc kháng chiến thành công, lại có lúc phải mất nước? Đó là bài học muôn đời, thời nào cũng phải lưu ý. Trên không yên, thiếu nhiệt huyết, dưới lòng dân chán nản, nghi kỵ thì sinh tồn đã khó, nói gì đến phát triển, vươn lên?

* Trong thời đại ngày nay, theo ông, cần làm gì để thoát tình trạng tụt hậu, từ một đất nước vốn giàu truyền thống và tiềm năng?

- Có thể làm gì khác ngoài cuộc cải cách toàn diện. Và làm sao làm được nếu thiếu sự đồng tâm hiệp lực của thành phần tinh hoa dân tộc, sẵn sàng hiến dâng cho sự nghiệp chung? Nhất là, nếu không có sự đóng góp trực tiếp của người dân, của những sáng kiến công dân? Nếu cứ “tham bát bỏ mâm”, không thấy đường dài, làm sao khơi dậy và phát triển nội lực? Cần nhìn xa, cần đi bước trước, tạo bầu khí xã hội thuận lợi để tự nâng cao năng lực tự vệ của dân tộc.

* Ông nhấn mạnh việc xây dựng nội lực đất nước. Hiểu cụ thể như thế nào?

- Nội lực của đất nước là nội lực của chính người dân. Đó là nguồn cội của sức mạnh kinh tế, năng lực trí tuệ, cốt cách văn hóa, của tình đoàn. Hãy lấy kinh nghiệm từ nước phát triển hàng đầu là nước Mỹ, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, tưởng chừng rất phân tán, song thật ra nội lực rất mạnh.

* Còn việc chống tham nhũng?

- Họ thẳng tay trừng trị tham nhũng mà không lo ảnh hưởng đến nền chính trị của họ, cũng không thấy phát động “chiến dịch” chống tham nhũng nào rầm rộ cả! Họ áp dụng chính cơ chế chính trị của họ vào việc bài trừ tham nhũng. Nền quản trị hành chính đơn giản, minh bạch, các doanh nghiệp tự lập, lời ăn lỗ chịu, thì tham nhũng từ đâu ra được? Chẳng lẽ tư nhân tự “móc túi” chính mình? Không có điều kiện để tham nhũng thì người ta không tham nhũng, chứ không phải cứ tạo điều kiện cho tham nhũng rồi lại hô hào đi bắt tham nhũng. Hiện tượng tham nhũng lúc nào cũng có thể có, nhưng việc tiêu trừ tham nhũng không hề cần đến phép lạ nào cả. Chỉ cần đừng làm trái lẽ thường và học theo trí khôn thông thường, lành mạnh của nhân dân là đủ!

* Sang bình diện khác, theo ông, bản chất người Việt có cởi mở? Xã hội nước ta có xu hướng mở không?

- Tôi rất ngại nói về “bản chất” hay “bản tính” của dân tộc, khi đó là sản phẩm của sự phát triển lịch sử. Không phải là nhà sử học, nhưng với cảm quan thông thường của một người dân Việt, tôi nhận thấy dân tộc mình từ đầu khá cởi mở. Không khéo ứng xử thì không thể tồn tại trong một nghìn năm Bắc thuộc. Rồi sau khi giành được độc lập, vẫn sẵn sàng đón nhận các trào lưu tư tưởng và tín ngưỡng khác nhau và để cho chúng được “tịnh hành”, nghĩa là cùng hòa bình phát triển bên nhau. Muốn giữ vững độc lập, càng phải cởi mở. Đó tuyệt nhiên không phải là một nghịch lý! Nhưng, nhân dịp gặp mới đây, một nhà văn hóa lớn vừa đặt câu hỏi khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao ngay sau những thắng lợi vẻ vang, chẳng hạn thời Trần, thời Lê, tưởng rằng có thể đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển rực rỡ và lâu bền thì lại nhanh chóng suy vong một cách khá đột ngột? Tôi không đủ sức trả lời câu hỏi ấy! Có lẽ do nhiều nguyên nhân, nhưng phải chăng do tự mãn rồi rơi vào thối nát như thời hậu Trần, do mù quáng lựa chọn mô hình Tống Nho hủ bại, đi ngược lại đà tiến bộ của thời đại như hậu Lê, hậu Nguyễn? Đừng quên thời hậu Lê tương đương với thời hai cuộc đại cách mạng Mỹ và Pháp với sự lớn mạnh của các nước tư bản Tây phương, và thời hậu Nguyễn với cuộc canh tân của Minh Trị - Nhật Bản!

* Thế tinh thần cởi mở ngày nay nên như thế nào?

- Từ đầu thế kỷ 20, các bậc tiền bối, tùy theo nhận thức của mỗi người đã có những lựa chọn khác nhau, nhưng đều có ý thức phải hướng đất nước theo dòng chủ lưu của thời đại. Như Nhật Bản và nhiều nước nối gót đã thành công khi dứt khoát “thoát Á”. “Thoát Á” không phải là dọn nhà đi đâu cả, mà là trong tâm thế, trong tư duy chiến lược, thấy dứt khoát phải chủ động gia nhập toàn cầu hóa ngay từ đầu và kịp thời để có một tư thế, một chỗ đứng. Điều kiện hiện nay cho phép một sự lựa chọn nhanh chóng, dứt khoát để đặt đất nước vào đúng đường ray phát triển.

Cũng có một bộ phận đang làm giàu với hy vọng làm mạnh nội lực từ bên trong…

* Một nhóm làm giàu đang mạnh lên, nhưng cũng phải đặt trong điều kiện làm giàu hiện đại: Hết sức tiết kiệm, giàu sáng kiến, hàm lượng chất xám cao, chứ không thể dàn hàng ngang, phát triển theo bề rộng như Trung Quốc với đất rộng, dân đông. Lẽ ra, nước ta nên chọn phát triển theo chiều sâu ngay từ đầu?

- Tôi cũng nghĩ như thế! Nước Israel bé nhỏ nhưng hàng hóa của họ vào loại tốt nhất thế giới. Singapore thì chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới. Không ai có thể lập rào cản hay “cấm vận” họ được khi họ có những thứ vô địch như thế trong tay! Tôi vừa đi mua nông sản tại Phiên Chợ Xanh ở 163 Pasteur, TPHCM. Cảm động biết bao trước nhiệt tình phục vụ của bà con! Vui mừng biết bao trước những sản phẩm lành và đẹp tuyệt trần ở đó! Nhưng phải buôn bán tạm bợ trong hành lang nhỏ hẹp của tòa báo Thế giới Tiếp Thị và chỉ có thể mở cửa đón khách vào hai ngày cuối tuần!

Cho nên, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên bình tĩnh ngồi suy nghĩ lại. “Rethinking” để vượt qua lối mòn tư duy đã trở thành quán tính. Chẳng hạn, về giáo dục, phải suy nghĩ “bên ngoài cái hộp” thói quen. Nhóm Cánh Buồm soạn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 là một ví dụ. Không cần nhiều nhân lực, không tốn một đồng thuế của dân, chỉ cần đổi cái đầu thôi thì việc làm đã mang lại hiệu quả thập bội so với bao dự án trăm tỷ, ngàn tỷ! Nhỏ mà tinh luyện thì sẽ có chỗ đứng vững bền trên đất nước. Và sau đó, ra thế giới.

* Trở lại nỗ lực dịch thuật và nghiên cứu của ông…

- Trở lên là chuyện… vĩ mô, còn chuyện cá nhân mỗi người thì cố gắng đóng góp phần nhỏ bé của mình trong phạm vi chuyên môn hẹp. Tôi chỉ cố làm công việc khiêm tốn là chung tay phiên dịch và truyền đạt những gì lẽ ra phần lớn đã phải làm xong cả hàng trăm năm nay rồi! Các nền đại học ở các nước đều thường xuyên làm như thế cả. Khai thông luồng thông tin, dịch thuật và trao đổi ý kiến là chuyện rất bình thường. Thế giới quá rộng lớn, lại đi quá xa rồi, mình chạy cho kịp để hiểu người ta nghĩ gì đã là khó. Ta hay hỏi làm sao để đại học Việt Nam có thứ hạng cao trên thế giới? Bên cạnh nhiều yếu tố, trước hết phải dịch sách của người ta đã, mở hội thảo khoa học mời người ta sang trực tiếp nói chuyện, ráng hiểu họ nói gì. Hiểu rồi thì mới nêu ý kiến của mình để họ thấy đáng trao đổi, từ đó đi sâu hợp tác và ngày càng thấy cần đến mình. “Đẳng cấp” từ đó mà ra, vậy thôi!

Xin cảm ơn ông!

NHẬT LỆ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.