Người đột phá đổi mới giáo dục đại học

TS. Nhà giáo Trần Bá Dung - Nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam |

Trong cuộc đời, cuộc nghề của mỗi người thường có những lối rẽ không định trước. Có thể là bước ngoặt mang tính quyết định số phận. Với tôi - một người làm báo nhiều năm viết về giáo dục, đã từng ở trong ngành giáo dục và nay vẫn gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân không chỉ là một Bộ trưởng có tầm nhìn xa, tư duy sâu sắc, đột phá trong đổi mới giáo dục đại học mà còn là nhà lãnh đạo hiểu và gần gũi với báo chí, là người tạo cho tôi bước ngoặt, lối rẽ sang một ngả khác của nghề báo và tôi đã đi theo suốt cuộc đời làm báo của mình.

Tôi bắt đầu làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1984. Trong gần 9 năm đầu làm phóng viên theo dõi lĩnh vực giáo dục sau phổ thông (thuộc Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Tổng cục Dạy nghề lúc bấy giờ), tôi đã tới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề trong cả nước, viết hàng trăm bài báo, phỏng vấn rất nhiều lãnh đạo các trường.

Cũng chừng ấy năm tôi đã được làm việc, phỏng vấn nhiều lãnh đạo của Bộ, trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ (trước năm 1987). Với Bộ trưởng Trần Hồng Quân (từ năm 1987), ấn tượng đặc biệt của tôi từ hồi ấy là một Bộ trưởng có tư duy cởi mở, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm từng trải, phong cách quản lý sâu sát thực tiễn nhưng rất khiêm nhường và lắng nghe.

Người giải phóng giáo dục đại học khỏi khuôn mẫu tư duy bao cấp

Hầu hết các nhà báo trong nhóm chúng tôi chuyên trách giáo dục hồi đó giờ đã nghỉ, nhưng hễ gặp nhau là lại nhắc những kỷ niệm, những ấn tượng khó quên về không khí giáo dục đại học giai đoạn 1987 - 1997, giai đoạn bước ngoặt của nền giáo dục đại học cả nước sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Kiến trúc sư và cũng là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện bản thiết kế đổi mới hệ thống giáo dục đại học thời ấy, chính là Bộ trưởng Trần Hồng Quân.

Những chủ trương lớn, tác động mạnh đến toàn hệ thống giáo dục đại học bao cấp và bế tắc lúc đó, có thể nói đều bắt đầu từ một hội nghị lịch sử - Hội nghị Nha Trang hè 1987, được coi là điểm xuất phát của hàng loạt chủ trương đổi mới hệ thống đại học Việt Nam. Đây là đột phá đầu tiên trong hành trình đổi mới giáo dục đại học của Bộ trưởng mà sau này chính ông cũng xúc động mỗi khi kể lại.

Thành phần dự và cách tổ chức Hội nghị rất đặc biệt: Tất cả hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn các cơ sở giáo dục đại học cả nước; đại diện hầu hết các báo lớn trong nước cũng như báo ngành đều được mời dự trong suốt một tuần (điều chưa từng có), để báo chí thực sự nghe và hiểu quyết tâm đổi mới của ngành.

Với cách tiếp cận hoàn toàn mới, lần đầu tiên Bộ trưởng Trần Hồng Quân trình bày bản thiết kế mới của Bộ, đề ra một loạt quan điểm mới, chủ trương lớn, đối với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Nhớ lại, trong bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp của khởi đầu thời kỳ đổi mới, với việc đưa ra 4 tiền đề đổi mới giáo dục đại học, Bộ trưởng Trần Hồng Quân được coi là người đặt nền móng cho đổi mới giáo dục đại học hiện nay:

Thứ nhất, giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và nhu cầu học tập của nhân dân; Thứ hai, giáo dục đại học không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác; Thứ ba, giáo dục đại học không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch Nhà nước, mà còn phải theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội; Thứ tư, giáo dục đại học không nhất thiết phải gắn chặt với việc phân phối công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự tìm việc làm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế; những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích nghi với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn.

Chủ trương thành lập các đại học tư thục, dân lập, đại học mở, cũng thực sự đi vào cuộc sống. Chính Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi xướng đầu năm 2000 để mở ra hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Sau Hội nghị Nha Trang, năm 1988, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (sau 3 năm được đổi thành Trường) là cơ sở đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập và sau đó là sự ra đời của hàng loạt trường đại học ngoài công lập khác. Giáo sư Trần Hồng Quân luôn phát biểu trong nhiều cuộc họp: Chỉ có phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập thì mới đỡ được gánh nặng cho cả hệ thống và phát triển được một cách đa dạng các mô hình giáo dục đại học, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong đào tạo nhân lực bậc cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Cũng sau Hội nghị Nha Trang, các phóng viên giáo dục chúng tôi càng gắn bó, đồng hành với Bộ trong tất cả các hoạt động triển khai. Thỉnh thoảng còn tổ chức xin ý kiến các nhà báo theo tinh thần coi các báo là người trong cuộc. Sau này, trong những lời tâm sự hồi tưởng của mình, Giáo sư thường nhắc lại: Đó là những người không thể quên trong những năm tháng rất đáng nhớ.

Hai tuần trước ngày Giáo sư ra đi mãi mãi, tôi có đến thăm và trò chuyện gần hai giờ đồng hồ với ông tại nhà riêng ở Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Tôi có nhắc lại những kỷ niệm:“Hồi đó, anh không chỉ thuyết phục được các hiệu trưởng đại học mà còn tạo được lòng tin cho chính các nhà báo vì anh là người luôn hiểu, gần gũi, tin cậy anh em báo chí”. Giáo sư xúc động, nhẹ nhàng nói với tôi như một lời tâm sự: “Đổi mới giáo dục không thể thiếu vai trò của báo chí và thực tế báo chí đã đóng góp, đã giúp ngành rất nhiều”. Không nghĩ đó là lời trò chuyện cuối cùng của vị Bộ trưởng Giáo dục đầy tâm huyết với một nhà báo.

Người tạo lối rẽ, định vị nghề báo của tôi

Đầu năm 1993 tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi thường trú miền Trung tại Đà Nẵng, làm việc cho đến tháng 7.1995. Trong gần 3 năm phóng viên thường trú, tôi vẫn tiếp tục viết về giáo dục và đào tạo. Những tưởng sau khi hết thường trú mình sẽ làm một phóng viên phát thanh đến trọn đời. Nhưng, một ngày tháng 5.1994, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại đường dài từ Bộ GDĐT gọi vào. Anh ấy nói lại ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Quân trong cuộc họp ban cán sự đảng của Bộ đã bàn như thế, như thế và muốn xin tôi về làm lãnh đạo tờ Tạp chí của Bộ. Thú thực là tôi bất ngờ.

Tôi viết một bức thư, đánh máy chữ và fax ra cho Bộ trưởng (hồi đó chưa có Internet). Không nói gì về công việc sắp tới hay trình bày gì khác, tôi chỉ nói ba điểm yếu của bản thân mà tôi băn khoăn. Rằng là: Thứ nhất, em chưa làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng bao giờ; Thứ hai, em là dân miền Trung thẳng tính và nóng tính dễ mất lòng người khác, và Thứ ba, em chưa phải đảng viên...! Không ngờ, hôm sau, vẫn phong cách ân cần hỏi han và dí dỏm, Bộ trưởng trả lời tôi qua điện thoại trong cuộc nói chuyện khá dài. Ông chậm rãi, thỉnh thoảng pha giọng cười vui, giải đáp từng băn khoăn của tôi: Chưa làm lãnh đạo bao giờ thì không phải băn khoăn, vì ai cũng bắt đầu chưa làm gì rồi mới làm lãnh đạo, chỉ khác là ở cấp nào thôi (tôi nghe thấy có lý quá); thẳng tính là tốt, nóng tính thì khi vào vai trò lãnh đạo tự mình sẽ điều chỉnh được thôi (tôi cũng thấy rất có lý); còn chưa phải đảng viên thì chỉ là vì em chưa muốn vào thôi, tụi anh biết cả (đến đây thì tôi hoàn toàn bị thuyết phục). Thế rồi, tôi về Hà Nội và được chuyển thẳng sang Bộ GDĐT (8.1995), làm Phó Tổng Biên tập phụ trách (là Thủ trưởng cơ quan Tạp chí, cán bộ lãnh đạo cấp Vụ trẻ nhất Bộ lúc đó). Rồi, dần dần, do đòi hỏi của công việc lãnh đạo một tờ tạp chí khoa học của ngành GDĐT, tôi tự thấy mình phải học lên và đã nỗ lực, quyết tâm đi học sau đại học, rồi lấy bằng thạc sĩ báo chí (năm 2000), bằng tiến sĩ báo chí (năm 2007), trở thành giảng viên đại học...

Bây giờ, ngẫm lại, nếu không được đặt vào vị trí lãnh đạo một tờ tạp chí khoa học ở Bộ, cứ đi làm phóng viên thôi, có thể mình đã không có động lực để học lên, để phấn đấu. Tôi bộc bạch tình cảm sâu nặng ấy với vợ chồng Giáo sư khi sắp chia tay: Anh chọn em về Bộ, như đưa từ biển về sông, nhưng thật sự đã tạo cho em một bước ngoặt, một lối rẽ, cú hích trong nghề báo - lối rẽ đầy khó khăn nhưng bây giờ mới thấy, nhờ đó, em mới có những năm tháng làm báo và học tập nỗ lực để được như hôm nay. Tiễn tôi ra cổng, chị Mai Thị Năm nắm tay tôi, giọng xúc động: Em nói được điều ấy, anh Quân sẽ vui lắm đấy! Cảm ơn em!

Giáo sư Trần Hồng Quân - người thầy, người thủ trưởng của tôi đã đi xa! Là nhà báo, tôi kính trọng một Bộ trưởng đầy trí tuệ và nhân cách.

Tôi càng nhận ra và biết ơn một điều: Phải có người thầy tin tưởng chọn và đặt mình vào một vị trí công việc, mình mới có động lực, có cơ hội phấn đấu, khẳng định, cống hiến!

TS. Nhà giáo Trần Bá Dung - Nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam
TIN LIÊN QUAN

Trao tặng Kỷ niệm chương cho Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ

Tường Minh |

Thừa ủy quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân.

Lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 951/QĐ-TTg thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 16 - năm 2023.

Ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn

Thảo Quyên |

Ngày 15.8, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn.

Việt Nam và Liên bang Nga còn nhiều tiềm năng phát triển quan hệ

Ngọc Vân |

Trên mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn, sự giúp đỡ chân thành của các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Tiềm năng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga còn rất lớn, hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Gia đình xuyên Việt một tháng trên ngôi nhà di động vẻn vẹn 6m2

Tuyết Lại |

Về đến nhà, gia đình anh Sơn vẫn không ngừng nhớ về hành trình xuyên Việt 31 ngày từ Hà Nội đến mũi Cà Mau trên ngôi nhà di động.

Cường độ dị thường và quỹ đạo khó lường của cơn bão tăng 4 cấp trong 24 giờ

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Lee - cơn bão từng tăng từ cấp 1 lên cấp 5 trong 24 giờ - đã trở lại là bão cấp 3 với sức gió tối đa là 193 km/h.

Không lương hưu, người già phải sống dựa vào con cái

Quế Chi |

Theo thống kê, hiện nay, hàng triệu người từ 60-79 tuổi không được nhận bất kỳ chế độ nào. Cuộc sống của họ rất khó khăn. Nhiều người phải theo các con (đi làm xa quê) để vừa trông nom, giúp đỡ, vừa sống dựa vào các con.

Hầm chui ở Đà Nẵng ngập nước, nhiều người bị mắc kẹt ngay giữa thành phố

Nguyễn Linh |

Sau cơn mưa chiều tối ngày 10.9, hầm chui ở trung tâm TP Đà Nẵng ngập nước, đường phố biển thành sông, nhiều người dân bị mắc kẹt ngay giữa trung tâm thành phố.

Trao tặng Kỷ niệm chương cho Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ

Tường Minh |

Thừa ủy quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân.

Lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 951/QĐ-TTg thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 16 - năm 2023.

Ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn

Thảo Quyên |

Ngày 15.8, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn.