"Mạng xã hội phát triển, giới trẻ dễ cô đơn, trầm cảm"

Hào Hoa - Huyền Chi (thực hiện) |

Với đà phát triển của công nghệ cùng với những kỹ thuật, thiết bị hiện đại, báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác phải liên tục cập nhật, đổi mới để thích hợp với thời đại chuyển đổi số, khi Internet và công nghệ kết nối không dây tiện ích trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Tâm lý học Trần Thành Nam.

“Người người, nhà nhà” đang đổ xô đi làm Tiktoker, Youtuber... với nội dung ăn khách nhất có thể. Gần nhất là sự việc 4 phụ nữ nhảy phản cảm ở chùa Bồ Đề để làm clip đăng tải trên Facebook, TikTok. Trước đó, nhiều người đã bất chấp ăn mặc phản cảm, thậm chí còn nude ở các di sản để gây sự chú ý trên mạng xã hội. Anh nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- Thời gian qua, chúng ta có nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, vì sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, nhiều di sản văn hóa ví dụ như các nơi chùa chiền dường bị các yếu tố kinh tế tác động và "giải thiêng". Trong mắt một số bạn trẻ, chùa không còn là một nơi linh thiêng nữa mà là một nơi đến để vui chơi, giải trí.

Tôi quan ngại khi có những bạn trẻ đến chùa chiền như đi hưởng thụ một dịch vụ du lịch. Vì vậy, những hành vi của họ ở những khu di sản văn hóa đơn giản chỉ là cách họ thể hiện mình ở các khu du lịch. Điều đó chứng tỏ cùng với sự phát triển ở lĩnh vực khai thác tiềm năng kinh tế từ sức mạnh nền là văn hóa, ta chưa giáo dục cho người dân về nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Trong khi đó, những xu hướng trên mạng xã hội đều đang hướng đến sự độc, lạ, giật gân. Những người sáng tạo nội dung luôn muốn làm những video độc, lạ, tại những nơi trước đây chưa ai làm để được nhiều người chú ý, để câu like, câu view.

Khi nhiều view, nhiều share (lượt chia sẻ), họ cảm thấy như họ đang có quyền lực và có khả năng ảnh hưởng đến người khác. Đó là "miếng mồi" cho những hành vi không phù hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.

Số liệu lượt like, lượt share (chia sẻ) có thể giúp các YouTuber, Facebooker, TikToker kiếm tiền, bởi vậy ngày càng có muôn cách để thu hút, bất chấp mọi giới hạn về đạo đức. Đơn cử, nhiều kênh cá nhân đưa tin người nổi tiếng qua đời, dù họ vẫn đang sống mạnh khỏe. Việc thả nổi nội dung để “câu view”, kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội có thể tạo ra những hệ lụy như thế nào, theo anh?

- Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, ta đang sống trong một thế giới "P" - tức là phải trả giá (Paid) quá nhiều. Paid là viết tắt của 4 từ tiếng Anh: Pressure (áp lực), Always ON (luôn hoạt động), Information overloaded (quá tải thông tin) và Distracted (dễ bị phân tâm).

Mọi thứ ở trong một guồng quay vận động liên tục, còn con người chỉ là một bánh răng trong hệ thống đó. Nếu không thích nghi, bánh răng sẽ bị văng ra khỏi guồng quay.

Ta có thể thấy thực trạng rằng, con người đang ở trong tình trạng "bội thực" thông tin. Thậm chí, buổi sáng ngủ dậy muộn một chút, buổi tối ngủ sớm hơn bình thường, ta đã có thể bỏ lỡ rất nhiều thông tin nóng hổi, giật gân trên mạng xã hội.

Trước đây, có ít thông tin, người đọc có thể suy ngẫm, phản biện xem có đúng hay không. Nhưng bây giờ thì thông tin quá nhiều, mọi người chỉ có vài giây để xử lý một khối lượng tin tức khổng lồ. Vì vậy, những thông tin sai lệch khiến người dùng dễ bị thao túng hơn.

Không chỉ giới trẻ mà cả những người có trình độ học vấn cao cũng có thể rơi vào cái bẫy của những chiêu trò lừa đảo trên mạng. Trong trạng thái "quá tải" thông tin, con người không có nhiều thời gian để cân nhắc.

Trong bối cảnh đó, có những bạn trẻ không đủ năng lực thông tin sẽ bị dẫn dắt theo những tin tức trôi nổi trên mạng.

Ngoài ra, những người muốn xây dựng kênh riêng, thương hiệu riêng thì luôn có áp lực phải cập nhật thông tin nhanh nhất. Vì phải nhanh nên họ càng ít tư duy, ít kiểm tra, đối chiếu các nguồn để xác thực. Nhiều khi, họ nghe 1 tin đồn và họ lan truyền. Theo cơ chế "tam sao thất bản", họ lại thêm thắt các tình tiết để thông tin của mình khác đi, thông tin càng sai lệch và lan rộng.

Trong tang lễ nghệ sĩ, chúng ta có thể thấy lực lượng đông đảo các streamer, Youtuber, TikToker... giẫm đạp lên nhau để quay video, để tường thuật tang lễ, nhằm câu view, câu like cho các trang cá nhân của mình...

- Điều đó đáng lo ngại. Những thông tin như tin buồn, tin nghệ sĩ qua đời... luôn có sức hút với dư luận. Không chỉ vậy, những tin tiêu cực, gây sốc cũng được lan tỏa, được đọc nhiều hơn gấp mấy lần so với tin tức tích cực, tin người tốt việc tốt.

Anh có cho rằng khi lướt mạng xã hội, tin giật gân, bịa đặt, video phản cảm đang “thao túng” việc nghe - nhìn và thao túng cả quỹ thời gian của chúng ta?

- Có một cơ chế tâm lý là khi con người nghe một thứ quá nhiều lần, họ sẽ dần tin đó là sự thật. Ví dụ, ngày nay, các bạn trẻ được thúc giục phải tư duy tài chính sớm, lập nghiệp sớm, nghỉ hưu sớm. Mạng xã hội khiến các bạn trẻ tin rằng việc học tập, trau dồi kiến thức không còn quá quan trọng, chỉ cần làm được những video giật gân, cường điệu, hấp dẫn, phát ngôn gây sốc... là có thể kiếm tiền.

Như tôi đã nói ở trên, rõ ràng, một số kênh đưa tin theo kiểu thiếu chuẩn mực lại được rất nhiều người chú ý. Có những người trình độ học vấn không cao, lên mạng nói tục tĩu vẫn có thể bán hàng online. Vì thế, các hành vi trên mạng ngày càng lệch lạc, lố lăng hơn do nguồn lợi nhuận kiếm được từ các nền tảng số.

Trong việc này, trách nhiệm cũng thuộc về các nhãn hàng khi chỉ quan tâm đến một nhà sáng tạo có bao nhiêu kênh, mỗi kênh có bao nhiêu lượt theo dõi...

Trong trường hợp này từ “thao túng” mang hàm nghĩa, con người bị dẫn dắt bởi những thông tin mà ban đầu họ không có chủ đích tìm hiểu nhưng sau đó lại tin một cách tự nguyện. Đó là sự nguy hiểm.

Cá nhân anh dành bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội mỗi ngày? Anh ứng xử với thông tin trên mạng xã hội như thế nào?

- Tôi biết những mặt lợi và hại của mạng xã hội. Đôi khi, tôi cũng không thể kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của mình dù tôi luôn có ý thức kiểm tra thời gian truy cập các ứng dụng hàng ngày.

Tôi sẽ tìm hiểu xem trên mạng đang có những xu hướng gì, giới trẻ đang bị dẫn dắt bởi những thông tin gì. Đôi khi, tôi chỉ định xem 15 phút nhưng một lát sau đã nhận ra, qua 45 phút rồi.

Tôi dùng mạng xã hội để nhìn nhận nguy cơ và tôi tin rằng, nhiều bậc phụ huynh cũng bắt đầu tìm hiểu để đến gần với con cái.

Anh có nghĩ, hình ảnh xã hội thu nhỏ với nhiều bịa đặt, gây sốc trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới trẻ?

- Trên “xa lộ thông tin” mà mạng xã hội tạo ra, một tin tức sai lệch cũng có thể mang lại hệ lụy khó lường. Nhiều năm qua, những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng không phải những sự kiện khoa học hay một người Việt có ảnh hưởng đến quốc tế. Thay vào đó, giới trẻ tò mò về một nghệ sĩ dính scandal đời tư. Việc nhiều người tìm hiểu về những bê bối của người khác có thể coi là một cách xoa dịu, an ủi tinh thần.

Có năm, “sex” là từ khóa được tìm nhiều nhất. Những clip đánh ghen, ngoại tình lại thường lên xu hướng. Và khi lên mạng, các bạn trẻ sẽ được định hướng đến những clip đó. Nền tảng TikTok còn gây nghiện vì có cơ chế vuốt xuống mãi mãi.

Thực trạng dễ thấy là công nghệ càng phát triển, giới trẻ càng dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Lo âu, trầm cảm giờ đây lại trở thành một căn bệnh phổ biến với các bạn trẻ. Họ có thể làm việc với 3-4 chiếc màn hình nhưng cũng rất cả tin và cô đơn.

Theo anh, làm thế nào để có thể giảm bớt sức ảnh hướng tiêu cực, giảm bớt sự thao túng của mạng xã hội đối với cuộc sống của chúng ta hiện nay?

- Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để quản lý và kiểm soát các thông tin trên không gian mạng, trong đó có thể kể đến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng, Chương trình 830 của Chính phủ để bảo vệ trẻ em khi tương tác trên không gian mạng với sự kết hợp của 4 bộ.

Bên cạnh cơ chế xử lý, những nhà cung cấp dịch vụ và chính những nền tảng số cũng cần tham gia cam kết, có trách nhiệm kiểm duyệt theo tiêu chuẩn cộng đồng và theo tiêu chuẩn của từng quốc gia. Mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc tố giác những hành vi thiếu chuẩn mực, gây hại đến giới trẻ trên không gian mạng.

Hào Hoa - Huyền Chi (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Lệnh cấm TikTok sẽ có lợi nhất cho Meta, Google và Snap

Diễm Quỳnh |

Theo công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein, Meta, YouTube và Snap có thể sẽ là những người chiến thắng lớn nhất nếu nền tảng mạng xã hội TikTok bị cấm ở Mỹ, TechCrunch đưa tin

CEO TikTok ra điều trần trước Hạ viện Mỹ

Anh Vũ |

Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew đã trình bày lời khai bằng văn bản trước cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ để thảo luận về các cáo buộc liên quan tới nền tảng này.

TikTok đạt 150 triệu người dùng hằng tháng tại Mỹ

Duy Phương |

Ngày 20.3, TikTok thông báo có 150 triệu người dùng hàng tháng ở Mỹ, tăng mức từ 100 triệu người trong công bố năm 2020.

Ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc "dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt"

Quang Việt |

Trong vụ án trồng cây xanh tại TP Hà Nội, cơ quan công an cho rằng, ông Nguyễn Đức Chung vì động cơ cá nhân đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Nữ giới Hàn Quốc và xu hướng không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới

Thanh Hà |

Không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới, không con cái, phụ nữ Hàn Quốc đang tham gia phong trào "4 không" để phản đối mạnh mẽ chế độ gia trưởng ở nước này.

Phản ứng của Nga sau khi Phần Lan gia nhập NATO

Khánh Minh |

Nga tuyên bố tăng cường lực lượng ở phía tây và tây bắc để đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO vào hôm nay, 4.4.

Thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam, xử lý nghiêm nếu sai phạm

HỮU CHÁNH |

Dự kiến từ tháng 5.2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp không tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Có bằng đại học nhưng chọn làm công nhân

Mạnh Cường |

Xin làm công nhân để có công việc ngay, thu nhập ổn định là định hướng chung của rất nhiều lao động ở quê sau khi tốt nghiệp đại học. Đổi lại, họ phải giấu đi tấm bằng của mình vì ngại và không muốn bị soi xét.

Lệnh cấm TikTok sẽ có lợi nhất cho Meta, Google và Snap

Diễm Quỳnh |

Theo công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein, Meta, YouTube và Snap có thể sẽ là những người chiến thắng lớn nhất nếu nền tảng mạng xã hội TikTok bị cấm ở Mỹ, TechCrunch đưa tin

CEO TikTok ra điều trần trước Hạ viện Mỹ

Anh Vũ |

Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew đã trình bày lời khai bằng văn bản trước cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ để thảo luận về các cáo buộc liên quan tới nền tảng này.

TikTok đạt 150 triệu người dùng hằng tháng tại Mỹ

Duy Phương |

Ngày 20.3, TikTok thông báo có 150 triệu người dùng hàng tháng ở Mỹ, tăng mức từ 100 triệu người trong công bố năm 2020.