Lên Lương Mông săn mây

Ngô Mai Phong |

Đi như ngựa vía suốt một ngày ròng, đêm đặc chúng tôi mới tới được Lương Mông - cửa ngõ phía tây của huyện miền núi Ba Chẽ - cách huyện lỵ gần 50km. Cũng là xã cuối xa nhất của địa phương này. Chúng tôi lên đây để được thấy cuộc sống vùng rừng thượng nguồn và ngày mai sẽ đi săn mây...

Cả nhóm ngủ nhờ trong một khu trường học sinh dân tộc bán trú. Nhà cấp bốn kiên cố, phòng nghỉ kê tới bốn giường tầng vẫn còn rộng rãi. Chăn mền đầy đủ, điện thắp sáng choang. Hiềm nỗi không có bình nước nóng. Khắp phòng bói chẳng có một đôi dép tổ ong. Tôi đoán hoài không ra: Hình như đám trẻ ở đây mỗi đứa chỉ có một đôi và chúng đã xỏ đi hết. Hay là tất cả vẫn chưa bỏ được thói quen "ba xoa một đập", cứ chân đất mà phốc lên giường? Chả quan trọng, chúng tôi chỉ cần được đánh răng và ngủ một giấc thật sâu là tinh mơ ngày mai đã có thể cắp ống kính lên những triền thung cao nhất. Tôi vẫn thèm được ngắm dòng sông Ba Chẽ nơi thượng nguồn và những đồi cỏ ngút ngát như lời kể của một đồng nghiệp lớn tuổi mấy mươi năm về trước. Tôi nhớ đầu thập niên 80, cán bộ Lương Mông còn lóc cóc ngựa lùn về huyện họp, một vai xà cột, một vai súng kíp dài nghêu. Thời đó, họp hành thường phải nương theo những rẻo đường mòn liên xã. Mùa mưa, nhiều khi phải cắt rừng qua đất Lạng Sơn hoặc Bắc Giang rồi theo hai hướng xuống Tiên Yên hoặc Hoành Bồ mới quặt được về huyện lỵ. Mất đứt vài ba ngày là sự bình thường. Trong trí tưởng của tôi, Lương Mông như một chốn nửa rừng nửa cỏ tịch liêu, xa ngái.

Miếu Bàn Vương.
Miếu Bàn Vương.

Chuyện của Tùng

Sớm ra, trời bỗng lắc rắc mưa. Vừa mở cửa, đã thấy Hà Ngọc Tùng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Ba Chẽ chờ sẵn ngoài hiên từ lúc nào. Đêm qua, Tùng phóng xe lên trước sắp xếp chỗ nghỉ cho cả đoàn. Còn cẩn thận liên hệ với mấy phòng giáo viên cùng dãy có nước nóng cho mọi người tắm rửa. Xong xuôi, anh mới xin phép qua chỗ người quen ngủ, hẹn mai đón sớm. Dù thời tiết không như ý, nhóm nhiếp ảnh vẫn quyết định lên đường. Mưa mỗi lúc một già hạt. Khi chúng tôi đổ xuống đỉnh Đèo Kiếm, cung đèo giáp ranh giữa Quảng Ninh và Bắc Giang. Bốn bề mù dày đặc. Không nhìn thấy chân núi, ruộng nương đâu. Tùng bảo: "Chỗ này còn mờ mịt thế, thì Đèo Giang cao ngót nghìn mét chắc không chụp nổi".

Tùng đành quay đầu xe đưa chúng tôi đi thăm hồ thủy lợi Khe Lừa vừa khánh năm 2021. Hồ chứa có dung tích 800 nghìn m3, nằm lọt giữa ba bề núi trên cao xanh rì có thể cung cấp nước sinh hoạt cho 14.000 dân của 4 xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm và là nguồn tự chảy tưới cho 70ha diện tích lúa hai vụ và 20ha cây màu của Lương Mông. Tùng cho biết: Năm nay Lương Mông lại được mùa. Sản lượng lương thực bình quân gần 4,8 - 5 tấn/ha. Tôi hỏi: "Đồng cỏ gần đây không?". Tùng lắc đầu: "Keo phủ kín từ lâu rồi". Bây giờ nguồn thu nhập chính của dân địa phương là nhựa thông, gỗ keo và quế. Hiện tại, Lương Mông vẫn đang còn khoảng 200ha rừng thông. Bà con ở đây cũng bắt đầu nhìn nhận thấu đáo hơn về giá trị của đất rừng. Người ta đang trù liệu sẽ loại bỏ dần cây keo, dành diện tích cho thông nhựa, quế và các loài cây dược liệu quý...

Nhà Văn hóa cộng đồng Dao xã Nam Sơn - Ba Chẽ.
Nhà Văn hóa cộng đồng Dao xã Nam Sơn - Ba Chẽ.

Vân vi, hóa ra Hà Ngọc Tùng là cử nhân kinh tế lâm nghiệp. Tùng lấy vợ người Tày Lương Mông và làm Bí thư xã tới 6 năm khi mới 33 tuổi. 39 tuổi - năm 2019 -  mới về lại khối văn phòng huyện. Hèn chi, Hà Ngọc Tùng thuộc Lương Mông như bàn tay. Chuyện người, chuyện đất trả lời đâu ra đó. Tôi hỏi Tùng: "Cậu nghĩ sao mà lại lấy vợ Lương Mông?". "À, vợ em người gốc Lương Mông nhưng đẻ ở thị trấn. Ông bà ngoại cũng sinh sống ở đó từ hồi còn trẻ. Cưới nhau mấy năm sau, em mới về Lương Mông chứ có phải trai thị trấn lên mò gái bản đâu" - Tùng cười váng. "Vậy cậu thấy phụ nữ Tày quê ngoại thế nào?". "Rất nết na, xởi lởi, quý bạn bè của chồng. Vợ em cũng thế. Khách tới chơi nhà, thức gì ngon nhất thì nấu. Rượu ngon nhất thì mang ra cùng ngồi uống cạnh chồng; chăm sóc từng món ăn cho cả chồng cả khách".

Vui chuyện, tôi chợt nhớ ra và lại hỏi Tùng về thực hư của một tin đồn đã xa lơ xa lắc: Có một kẻ mổ trộm trâu hợp tác ở Lương Mông bị bắt quả tang. Ông Chủ tịch xã sau một đêm trăn trở đã cho mở phiên tòa tại chỗ, xử "tên phá hoại sức kéo của nhà nước" mức án cao nhất và lôi ra dựa cột, đòm luôn. Sau đó thì đến lượt ông chủ tịch phải nhập trại. Tùng lè lưỡi: "Chuyện hay nhỉ. Hình như em có thấy nhắc đến trong một tài liệu nói về hoạt động tư pháp. Nhưng mà, thời đó em làm gì đã đẻ...". Phải, thời đó Lương Mông chưa có đường xe lên. Thư báo cả tuần mới tới. Cái xã thượng nguồn của Ba Chẽ như thuộc về một cảnh giới khác.

Hai nữ sinh trung học tộc Sán Chay và Dao Thanh Phán - Trường dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ. Ảnh NMP
Hai nữ sinh trung học tộc Sán Chay và Dao Thanh Phán - Trường dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ. Ảnh NMP

Tùng bảo, bữa nay nếu lên được Đèo Giang, cậu sẽ chỉ cho tôi "Khe Chăn Hào" và "Vũng Chăn Hào" - hai địa danh của ngọn đèo được dân chúng đặt theo tên gọi của một lão thợ săn người Dao lừng danh khắp vùng Lương Mông - Sơn Động: Triệu Chăn Hào. Tại đây, trong suốt cuộc đời săn bắn của mình, lão thợ săn họ Triệu đã hạ gục gần 100 con gấu. Chưa kể các loại thú rừng hung dữ khác. Lão thợ săn sống thọ tới ngoài 80 tuổi. Tùng có vẻ tiếc nuối đã không sưu tầm được cây súng kíp thần thánh và chuỗi nanh gấu vàng ngà như một linh vật cả đời không phút nào rời cổ lão. "Ngày xưa, rừng Ba Chẽ trù mật như thế đấy" - chúng tôi đều bâng khuâng. Tùng đã đền bù cho giấc mộng "săn mây" tan vỡ không của riêng tôi bằng những chuyện đời đầy ám ảnh.

Vết dấu nghìn xưa

Vi Thị Tuyến, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, đồng nghiệp của Hà Ngọc Tùng - cô gái mảnh dẻ nhưng rắn rỏi trong bộ y phục xanh chàm của người Tày đón chúng tôi ngay đầu Cửa Cái sông Ba Chẽ trước cụm di tích văn hóa - lịch sử tọa lạc hai bên triền sông dân gian quen gọi: Miếu Ông và Miếu Bà. Miếu Ông thờ Tả tướng quân Lê Bá Đức, bậc có công phò giúp các vua Trần trong cuộc lánh binh về cửa Tam Trĩ tức Cửa Cái bây giờ. Chuẩn bị tung đòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285. Miếu Bà thờ Mẫu Thượng Ngàn. Ngồi thuyền trên khúc sông Cổ Ngựa, Tuyến bảo: Khi tiến hành tôn tạo lại cụm di tích này, các nhà khảo cổ và nghiên cứu văn hóa đã tìm thấy khá nhiều những đồ gốm vỡ, men và hoa văn cánh sen đặc trưng của gốm Việt thời Lý - Trần. Vậy là vừa đặt chân lên lối vào Ba Chẽ, chúng tôi đã chạm vào cửa ngõ của dòng sông vẫn còn lưu dấu tích của một thời trận mạc huy hoàng và một cộng đồng đa sắc tộc đã ngàn đời cư trú dọc dòng sông với rất nhiều huyền sử cùng các phong tục nguyên sơ, bí ẩn.

Đốt mấu tre - pháp khí giao tiếp cổ xưa đặt trước bệ thờ Bàn Vương.
Đốt mấu tre - pháp khí giao tiếp cổ xưa đặt trước bệ thờ Bàn Vương.

Vi Thị Tuyến đưa chúng tôi ghé thăm Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Dao ở thôn Sơn Hải xã Nam Sơn. Một ngôi nhà bề thế cao lớn như nhà rông có sức chứa 500 - 700 người với mức đầu tư xây dựng 13 tỉ đồng vừa hoàn thiện và đi vào hoạt động cách đây chưa lâu. Khuôn viên vắng hoe vì ngôi nhà chung chỉ mở cửa vào những dịp lễ trọng. Ngày bình thường, mọi người họp hành, học thêu thùa, tập dân ca, dân vũ đều tập trung ở Nhà văn hóa thôn. Hiện tại, Ba Chẽ có 7 Nhà văn hóa cộng đồng cấp xã. 72/73 Nhà văn hóa thôn, phủ hầu khắp các thôn bản và các tiểu khu thị trấn. Mỗi nơi một sắc thái khác biệt. Người Dao hát đối; người Tày hát Then; người Sán Chay hát Soóng Cọ. Phong tục càng đặc sắc hơn: Người Tày có cúng Then giải hạn; người Sán Chay có cúng cầu mùa; người Dao có lễ cấp sắc, đặt tên cho thành viên trong dòng tộc từ ngưỡng 12 tuổi... Tất cả đều nhằm bày tỏ lòng biết ơn và củng cố niềm xác tín về tổ tiên, thần linh, huyết hệ; gắn kết mật thiết con người với cộng đồng.

Tôi lên đảnh lễ trước Miếu Bàn Vương. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Thủy tổ của các tộc người Dao với khuôn mặt uy nghi, hiền hậu và minh triết đến thế. Tôi chú ý đến khúc cây khô đặt đứng trong chiếc đĩa sứ hoa lam. Tôi xin phép cầm lên thấy nhẹ bấc. Hóa ra đó là một đốt tre bổ đôi dùng để xin âm dương khi cầu cúng. Thật khác xa với những đồng tiền cổ thường thấy trên các ban thờ của người Kinh dưới xuôi.

Buổi chiều, chúng tôi đi thăm một tổ thêu của người Dao Thanh Phán ở Nhà văn hóa thôn ở Nà Bắp. Một chị có vẻ già nhất trong đám rỉ tai tôi "có thích vợ Dao không"/(gật)/ "thì học thêu đi". Nghe vui như chuyện "Rau diếp làm đình". Tuyến bảo, đường kim của phụ nữ Thanh Phán là điệu nghệ, cầu kỳ, khó nhất. Họa tiết trên mặt thêu không chỉ là hoa, hay chim muông mà còn là những totem mang biểu tượng nhân sinh đầy thần bí. Một bộ y phục bình thường, nhanh là vài ba tháng. Áo cưới hoặc đồ tế lễ phải thêu tới cả năm trời. Tất cả những phụ nữ tộc Dao Thanh Phán đều được truyền dạy từ tấm bé để khi thành thiếu nữ có thể tự tay thêu lấy cho mình. Trong quan niệm của bà con: Người đàn bà không biết cầm cây kim cũng như đàn ông không biết buộc lạt, hư.

Máy ảnh các đồng nghiệp của tôi nổ tới tấp. Trước khi chia tay các chị các cô Nà Bắp, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Chắc hát tặng một làn điệu chèo cổ khiến mọi người mê chết lặng. Rồi tất cả bỗng ồ lên, các chị hát chào chúng tôi ca khúc "Bác Hồ một tình yêu bao la" bằng tiếng dân tộc của mình. Chuẩn và hay kinh ngạc.

Cuộc hẹn khiến chúng tôi phấp phỏng cho đến tận chiều muộn là lễ nhảy lửa của người Dao Nhà Văn hóa thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc) cuối cùng cũng đã đến. Củi gộc được chất đống và đốt cháy bùng lên trước trước sân. Thày mo Triệu Thanh Xuân đặt lễ, bày rượu, cúng tế hơn một giờ đồng hồ cho tới khi cụm lửa thu gọn lại thành một khối hồng đỏ rực. Tiếng thanh la vang lên dồn đập và cuộc nhảy bắt đầu. Bốn chàng trai đang độ tuổi cường tráng xoay tròn quanh khối hồng một hồi. Bất chợt, một người lao vào xới tung đống lửa. Rồi người thứ hai, người thứ ba... Than rải ra như thảm lửa trên sân và chân trần, họ bước qua bước lại rất nhanh trên thảm đỏ. Có một người trợ tế dùng chổi tre không ngừng vun lại những mảnh hồng tung tóe. Nhưng vừa vun xong đã lại văng ra. Nhóm người nhảy lửa vẫn quay cuồng trong tiếng hối thúc thanh la. Linh hồn họ như đã thuộc hoàn toàn vào sự sai khiến của đấng nhiên siêu. Cảm giác bỏng và sợ hãi là của chúng tôi, những người đang đứng bên ngoài. Còn họ thì không. Họ đã bay lên khỏi thế giới của xác phàm. Kết thúc cuộc tế lễ. Điện trong sân bật sáng, tôi có có dịp nhìn rõ gương mặt của nhóm người nhảy lửa, tất cả đều tái xanh. Họ chống nẹ đứng thở và những cánh tay vẫn còn rung rung rất lâu. Trên đường về, cả xe chợt ngẩn ngơ. Không thể hiểu phép lạ nào đã khiến người ta trở thành những thực thể phi thường đến thế. Tôi định hỏi Tuyến rồi lại thôi. Tôi muốn những hình ảnh nhìn thấy trong nghi lễ sẽ còn lung linh mãi.

Câu hỏi dành cho Bí thư huyện ủy     

Nhà báo Trần Thùy Liên, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đặt lịch trình lên Lương Mông cho chuyến đi thực tế của nhóm hội viên trên 10 người ghép chung giữa các mảng văn chương, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật sân khấu... thực chất là làm một cuộc ngược dòng để được thấy toàn cảnh cuộc sống, rừng và người nơi thượng nguồn của sông Ba Chẽ. Con sông bắt nguồn từ dãy núi Am Váp đường bệ - "Ngân hàng gen của cả vùng núi phía Bắc", chảy qua khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng thuộc địa phận Hoành Bồ cũ rồi đi về Lương Mông và chạy dọc những cánh rừng, làng bản, phố thị, đất đai Ba Chẽ trước khi ra Cửa Cái hòa mình vào biển.

"Sông Ba Chẽ chỉ dài trên 80km nhưng ít ai biết, đó là con sông độc nhất vô song bắt nguồn từ đất Việt và đổ thẳng vào biển Việt" - Bí thư huyện ủy Ba Chẽ, ông Vũ Thành Long tỏ ra khá tâm đắc với triết lý về dòng sông này. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Long khẳng định một cách mạch lạc: Trong vòng 5 năm tới, Ba Chẽ phải đặt xong nền móng vững chãi cho việc khôi phục, phát triển nghề rừng biến nơi này thành một trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu phồn thịnh của Quảng Ninh; dọc 3 tuyến đường chính từ huyện đi các xã, tuyến dài nhất 50km sẽ được trồng thành các tuyến đường cây gỗ quý bản địa gồm: lim, dổi, sến. 10 điểm nhấn của sông Ba Chẽ sẽ được xác lập, nâng cấp, kết hợp với sắc thái độc đáo của cộng đồng dân cư trở thành những vùng sinh thái văn hóa.

Hiện tại, nền kinh tế Ba Chẽ đang ấm áp dần. Cụm công nghiệp Nam Sơn 52ha giai đoạn I - 80% diện tích đã được phủ kín và đi vào hoạt động bao gồm các nhà máy chế biến tôm đông lạnh, sản xuất ván sàn, dăm gỗ, dụng cụ y tế với mức đầu tư 800 tỉ đồng. Sắp tới sẽ có thêm một số lĩnh vực sản xuất mới, nâng tổng giá trị đầu tư của cả hai giai đoạn lên 2.000 tỉ đồng. Cụm công nghiệp ra đời tạo nên một cú hích lớn thúc đẩy nền kinh tế Ba Chẽ thay đổi dần diện mạo. Năm 2021, GDP toàn huyện tăng 20,5%. Thu ngân sách vượt trội 144%. Một chỉ số trước đây chưa từng đạt tới.

Tổ thêu của phụ nữ Dao Thanh Phán thôn Nà Bắp. Ảnh NMP
Tổ thêu của phụ nữ Dao Thanh Phán thôn Nà Bắp. Ảnh NMP

Tuy nhiên, vấn đề cốt tử của Ba Chẽ vẫn là rừng. Ngoài ưu thế tự nhiên và môi trường cộng đồng, những mục tiêu chiến lược nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục và phát triển kinh tế rừng mà Ba Chẽ đã hoạch định, vẫn đang hiện hữu những tồn tại thâm căn cố đế. Đó là sự chuệch choạc, lỏng lẻo trong quy hoạch, quản lý rừng và đất rừng; là sự bất bình đẳng về quyền sở hữu dẫn tới mâu thuẫn, tranh chấp liên tu bất tận. Ông Long thừa nhận một thực tế "có hộ sở hữu hàng trăm hecta rừng. Nhưng có hộ chỉ vài ba hécta". Ba Chẽ đang có cả trăm trường hợp tương tự cần xử lý dứt điểm. Trong hữu hạn 5 năm nhiệm kỳ của một Bí thư huyện ủy, ông Long liệu có đủ thời gian san bằng những hố sâu phi lý kia không?

Câu hỏi tôi muốn dành cho ông - một người giàu ý tưởng và đang tràn đầy nhiệt huyết.

Ngô Mai Phong
TIN LIÊN QUAN

"Chiến sĩ áo trắng" Lâm Đồng cõng vaccine COVID-19 đến bản làng

Đức Thiện |

“Hơn cả một chuyến đi công tác vất vả, đó là sự trải nghiệm với đời sống của người dân tại những bản làng xa xôi, không sóng điện thoại - không điện - không nước sạch - không y tế tại chỗ”.

Chống dịch cho bản làng vùng cao

Minh Thiên |

“Mẹ ơi, bao giờ mẹ về?” đó là những câu hỏi luôn văng vẳng bên tai thiếu tá Đinh Thị Chí, cán bộ Công an xã Huy Thượng, huyện Phù yên, tỉnh Sơn La, một trong những nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 tại điểm “nóng” Phù Yên.

Lưu động đến tận biên giới, bản làng tiêm vaccine cho người dân

HƯNG THƠ - NHẬT MINH |

Xe tiêm chủng lưu động cùng đội ngũ y bác sĩ đã đến tận các bản làng tại khu vực biên giới Việt – Lào ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) để tiêm vaccine COVID-19 cho người dân.

Từ thành thị đến bản làng xa xôi sẵn sàng ngày hội bầu cử

Văn Đức |

Các tuyến đường, các khu vực bỏ phiếu từ thành thị đến các bản làng xa xôi ở Yên Bái ngập tràn sắc cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

"Chiến sĩ áo trắng" Lâm Đồng cõng vaccine COVID-19 đến bản làng

Đức Thiện |

“Hơn cả một chuyến đi công tác vất vả, đó là sự trải nghiệm với đời sống của người dân tại những bản làng xa xôi, không sóng điện thoại - không điện - không nước sạch - không y tế tại chỗ”.

Chống dịch cho bản làng vùng cao

Minh Thiên |

“Mẹ ơi, bao giờ mẹ về?” đó là những câu hỏi luôn văng vẳng bên tai thiếu tá Đinh Thị Chí, cán bộ Công an xã Huy Thượng, huyện Phù yên, tỉnh Sơn La, một trong những nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 tại điểm “nóng” Phù Yên.

Lưu động đến tận biên giới, bản làng tiêm vaccine cho người dân

HƯNG THƠ - NHẬT MINH |

Xe tiêm chủng lưu động cùng đội ngũ y bác sĩ đã đến tận các bản làng tại khu vực biên giới Việt – Lào ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) để tiêm vaccine COVID-19 cho người dân.

Từ thành thị đến bản làng xa xôi sẵn sàng ngày hội bầu cử

Văn Đức |

Các tuyến đường, các khu vực bỏ phiếu từ thành thị đến các bản làng xa xôi ở Yên Bái ngập tràn sắc cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử.