Ký & Phóng sự: Làng quê yêu dấu

TÙY BÚT CỦA NGUYỄN THÀNH PHONG |

Bắt đầu có tuổi, tôi hay về làng Phú La (Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình) quê của mình hơn. Hồi thanh niên thì cả năm hay nửa năm mới về một lần, lúc trung niên thì vài tháng, một tháng, giờ thì có khi hàng tuần, giữa tuần đã ngong ngóng để cuối tuần về làng. Ban đầu về làng bằng xe khách, tàu thủy, chao ôi là chờ đợi, bụi bặm và mệt mỏi. Lúc khá hơn là có cái xe máy. Giờ thì cũng đã vặn tay lái cái ôtô loại nhàng nhàng…

Ngày trẻ, về làng, câu chuyện thường là thăm hỏi, nghe chuyện người của họ này, người của xóm ấy, giờ đang cư ngụ ở những đâu đâu mà mình đã tới, đã biết, chuyện họ đang gắng gỏi ra sao, từ đó tự dặn mình cố gắng noi theo hay có dịp thì tìm đến mà gặp gỡ, kết liên… Lúc trung tuổi thì nghe chuyện ai đó đã về làng, góp cho làng việc này công kia, làm đường, điểm tô trường học, mẫu giáo, góp vào đình chùa, miếu mạo, tôn tạo khu mộ dòng họ, tổ tiên… Rồi dần dà, trong những câu chuyện, có lồng cả những thăng trầm thế sự, lo lắng lẫn mừng vui, hồi hộp…

Rồi còn nhiều chuyện khác, liên quan đến nhiều người khác nữa, đi đó đi đây, đầu Bắc cuối Nam, lúc êm thuận phát đạt, khi trúc trắc chẳng ngờ… Những chuyện tưởng như chẳng khớp lắm với người trong cuộc, nhưng đại thể thì đúng, đầy mong ngóng, phập phồng… Người làng mà cứ như người nhà mình.

Miếu Thành hoàng làng Phú La.

Tôi nhớ lại một chuyện vui vui, khoảng cuối 1999, đầu năm 2000, thời bố tôi còn sống. Một hôm gần cuối tuần, bố ra ủy ban xã gọi nhờ điện thoại lên, nói, sáng chủ nhật tới này, phải về làng gặp, có chuyện rất hệ trọng. Tôi y lệnh, chủ nhật phóng xe máy về sớm. Tới nhà đã thấy bố ngồi nghiêm trang ở bàn nước. Anh Xứng trưởng họ cũng cùng ngồi đấy, vẻ căng thẳng. Mấy ông anh họ Dân, Tùng, Bảy, là tay dao tay thớt mỗi khi bố tôi tiếp khách, thì đi đứng vòng vòng trong bếp ngoài vườn. Bố tôi nhìn tôi, hỏi, nào, anh nói thật nhé, có phải anh bị kỷ luật, bị cách chức rồi, phải không? Tôi thở phào, cất đi gánh nặng suốt trên đường về, bảo, vâng, đúng thế ạ. Nhìn bố lo lắng, tôi nói nhanh: “Nhưng là từ đầu năm, giờ thì con đã được phục chức rồi”. Đầu năm 1999, tờ Văn nghệ trẻ do tôi phụ trách cho in truyện ngắn “Đi” của Nguyễn Bình Phương, tôi bị cách chức, bị tạm thu hồi thẻ nhà báo sáu tháng. Hồi đó, báo chí chẳng mấy khi đưa tin nội bộ lên xuống trong giới mình, nên tôi cũng chả nói với ai ở quê. Ba tháng sau, các cấp lãnh đạo xem xét lại, đã cấp lại thẻ nhà báo và bổ nhiệm tôi giữ chức Trưởng ban Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ. Lúc đó, cái thông tin cũ không hiểu từ nguồn nào mới về đến làng. Tôi giải thích với bố, Văn nghệ trẻ là tờ phụ trương của báo Văn nghệ, giờ tôi là trưởng ban của Văn nghệ thì hàm ngang như cũ, nhưng công việc thì quan trọng hơn, như vậy là to hơn chức cũ. Bố tôi lẩm bẩm, anh bị kỷ luật thì giấu tôi, được phục hồi thì không nói với tôi, thế là thế nào? Anh Xứng nguyên là giám đốc đã nghỉ hưu, khẽ khàng thưa đỡ, “Chú ơi, em Phong chắc nghĩ nói thì chú bận lòng, mà chuyện công tác thì không phải lúc nào cũng thông suốt đâu, chú ạ!”. Bố tôi vẫn nhìn xoáy vào tôi, hỏi: “Thế anh còn yêu thơ không?”. “Dạ, vẫn yêu ạ”. “Thế sao anh không lên nói ở chương trình thơ nữa?”. Tôi cười cười: “Thì cũng… phải để chỗ người khác nói chứ”. Bố vẫn chưa tha: “Anh cũng không thích bóng đá nữa hả?”. “Dạ, vẫn thích ạ”. “Vậy sao tôi xem tivi không thấy anh đi xem?”. Tôi lại cười cười: “Con vẫn đi, nhưng ngồi trên khán đài, bố không thấy”. Chả là, khi làm tờ Văn nghệ trẻ, tôi có làm MC chương trình Câu lạc bộ Người yêu thơ với nhà thơ Hồng Thanh Quang. Đi xem bóng đá thì đeo thẻ phóng viên, cứ ra tận đường piste đứng cho sướng mắt. Truyền hình phát chương trình thơ là tôi ăn theo Hồng Thanh Quang. Tivi tường thuật trực tiếp bóng đá, thế nào cũng thấy lướt qua tôi đứng hau háu ở góc sân. Mà cũng lạ, khi đã có duyên lên tivi thì cứ lên suốt. Hội nghị hội thảo gì đó, tôi đứng khoát tay với bạn bè cũng lọt vào hình. Tôi rủ nhà văn Trung Trung Đỉnh, là fan ruột của đội bóng Thể Công, đi xem trận tiếp CA TPHCM ở sân nhà Cột Cờ. Trận đấu kịch tính, bất ngờ đội của Hồng Sơn thua đội của Lê Huỳnh Đức tại thánh địa. Tôi trêu anh Đỉnh, khoác vai anh cười toe toét trong khi mặt anh hằm hằm. Thế quái nào cũng lọt cái cận cảnh vào đoạn tin thể thao, rõ mồn một. Anh Đỉnh bảo, cái tin ấy phát tới những 8 lần trong một ngày, bao nhiêu điện thoại gọi trêu tao.

Sau khi thôi Văn nghệ trẻ, tôi khoác ba lô làm phóng viên, lên cơn đi thực tế… Đi một mạch đến với vùng trồng mía ở Thanh Hóa, trồng vải ở Bắc Giang. Đi với nhà thơ Trần Anh Thái lên Diezel Sông Công, Gang thép Thái Nguyên rồi về Dệt Nam Định. Đi thực tế cùng các nhà văn với cảnh sát phòng chống ma túy ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Rồi lần về vùng đất tuổi thơ Sơn La, Tây Bắc… Đang say mê đi thì được gọi về, trao lại thẻ, bổ nhiệm chức mới. Lúc ấy thì lại lên cơn viết… Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi viết liền ba cuốn sách, bốn tập kịch bản phim, viết chung mấy chục tập, rồi một loạt phóng sự… Mà đều nhuận bút cao, như cái kịch bản “Vượt qua thử thách” theo đặt hàng của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) hợp tác với THVN, viết với Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, Thùy Linh được tới 26 ngàn USD. Lại được cả loạt giải thưởng báo chí, giải thưởng văn chương, giải thưởng kịch bản, cái to nhất là giải A 30 triệu đồng. Hồi đó Giải thưởng Hồ Chí Minh 25 triệu. Tổng cộng giải thưởng và nhuận bút của tôi đến hơn 200 triệu đồng, cỡ tiền tỉ bây giờ. Say thế thì đâu còn thời gian dẫn chương trình thơ với ra sân xem bóng đá. Bố tôi với dân làng có soi đến mấy thì cũng chả thấy tôi trên tivi. Tôi nói với bố như trên chỉ là bao biện thôi, để khỏi phải dài dòng kể lể là bận đi thực tế với viết lách.

Bố tôi bảo: “Tôi nghe thì biết thế. Nhưng người trong họ, người làng nói anh buồn chán nhụt chí không xuất hiện nữa. Người ta không thấy thì thương, người ta bàn luận, tiếc nuối... Vậy, anh xuất hiện lấy một đôi lần. Không có gì thì đi xem bóng đá, xuống góc sân mà đứng, cho người làng xem để yên tâm. Có làm được không?”. Tôi trả lời dứt khoát: “Dạ, con làm được!”.

Bố tôi nói xong, đứng dậy bảo tôi theo ông đi thăm mấy nhà trong làng. Đám các anh Dân, Tùng, Bảy chạy lại: “Chú ơi, thế nào hả chú?”. Bố tôi liếc nhìn gốc nhãn góc sân, nói: “Được rồi! Cắt tiết! Làm đi thôi!”. Tôi liếc theo, thấy một con chó tơ đang xích ở đấy. May quá, mình giải trình hoàn hảo, không thì cơm thường chưa chắc đã có, mơ gì đến thịt chó.

Tôi lên, theo lời bố dặn, lại ra sân, xuống tận đường piste xem bóng đá. Còn chương trình thơ, đang tính nói khó với Hồng Thanh Quang cho dẫn cùng, thì gặp đạo diễn Nghiêm Nhan. Anh nài nỉ: “Tôi đang làm chương trình, có bình bài thơ “Làng Mặt trận” của Văn Lợi, ông giúp tôi nhé”. Tôi nhận lời ngay, lên bình thơ, nói năng rất có duyên. Khi phát chương trình, tôi báo về cho bố xem. Thời gian sau, tôi về, thấy bố tôi và mọi người hỉ hả cả…

Đận cuối năm nay, cũng lâu, mãi tôi không về làng. Anh Tùng sốt ruột quá, lại gọi, bảo, chú xem chạy về làng cho người ta thấy chú một tí. Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã gọi, cứ mấy lần hỏi anh khỏe chứ? Rồi anh Diệp chi hội làm vườn gọi, đưa đẩy, thăm dò và dứt khoát mời về ăn cỗ mặt trận với chi hội.

Chiều thứ bảy tôi cùng vợ, con trai và Nhật, em trai tôi, đánh xe về làng. Ai nhìn thấy cũng giơ tay vẫy, mắt cứ sáng lên. Anh Yên Chủ tịch xã đã hưu, phóng xe đạp đi mua con cá treo lủng lẳng ở ghi đông, đang vội về tiếp khách, thấy tôi, hai chân sàn sạt xuống đường để ghì lại mà bắt tay, rồi phóng đi, gặp ai cũng: “Phong về rồi! Phong về rồi!”. Tôi về đến nhà, đã thấy mấy người ngồi chờ ngoài sân. Một người đàn ông lạ nhấp nha nhấp nhổm: “Chú nhớ tôi không?”. “Dạ, em thấy quen quen”. “Tuynh, cho chú mồi câu ở bờ sông”. À, thì ra là anh Tuynh sửa xe ở ngoài chợ làng. Hôm ấy tôi đi lang thang đồng làng và bờ sông, đã gặp Tuynh với mấy người. Tôi đứng nói chuyện và xin mồi về câu ao nhà. Tuynh bảo: “Tớ từng đi lính, dính tí da cam, là đối tượng chính sách nên đã được lộc của chú. Cái hồi chú mang sữa True Milk về tặng làng, tớ được một thùng. Nay biết chú về thì chạy đến thôi”. Anh Tuynh đã từng đi thi “Chiếc nón kỳ diệu” trên tivi, đọc bài thơ tự làm tặng chương trình, vui ra phết, cũng từng mộng nghiệp diễn viên, thi đỗ vào đoàn kịch nhưng phải bỏ tiền ra may phục trang nhân vật mới được nhận, nên thôi. Anh Tuynh nói chuyện về con cái, bạn làng, đọc thêm bài thơ rồi bảo, thôi, nay mai chú nghỉ, về đây với cánh tớ, tớ đọc tiếp cho mà nghe nhé.

Nghe tôi về, ông trẻ Thản đang đi đám cưới ở Mạo Khê cũng lái xe về. Ông vừa làm xong ngôi nhà ở quê. Chiều tối ấy làng nhiều cỗ, cỗ cưới, cỗ cựu giáo chức, cỗ mặt trận, vậy mà đám rượu mấy cậu cháu tôi vẫn đông. Ai cũng la đà ghé qua. Kiên chủ tịch xã, Tuân phó chủ tịch, Thiện trưởng công an, Phan trưởng thôn 2, anh Chồi bí thư chi bộ, cậu Tĩnh trưởng thôn 3, rồi anh Kiếm phó chủ tịch huyện, anh Hàn bên Quỳnh Trang sang… Ai cũng với tôi một chén, chẳng nói nhiều, chỉ: “Chú khỏe, anh mừng”, “Bác ổn, em yên tâm”, “Ông vẫn bền rượu thế, cháu thấy là nhất”...

Giữa cuộc rượu, Sản, một tay nấu bếp có tiếng của làng, đang là chủ trang trại chăn nuôi lợn, cứ ghé iPhone khoe với tôi mấy đoạn văn đang viết dở về chuyện làng xã và phong tục, rồi bảo: “Nay mai bác về đây đàn đúm với tụi em, kèm cặp thêm bọn em viết báo, viết văn nhé”.

Ôi, làng quê yêu dấu! Tình cảm sao trong suốt và mặn nồng đến thế! Lại còn thăm thẳm bao nhiêu điều hay ho lý thú, để cho mình về nhập vào khai thác mà viết lách, chứ chẳng cần cứ phải đi những đâu đâu nữa…

TÙY BÚT CỦA NGUYỄN THÀNH PHONG
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng, tập trung phát triển đường bộ cao tốc

Đặng Tiến |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng năm 2023, tập trung phát triển đường bộ cao tốc và nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.