Hình tượng con rồng trong nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Anh |

Đối với người Việt Nam, rồng không chỉ được coi là loại vật linh thiêng nhất trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) mà rồng còn là cội nguồn của dân tộc Việt Nam với truyền thuyết “con Rồng - cháu Tiên”. Rồng còn thể hiện ước muốn của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nguồn gốc của con rồng Việt Nam

Mỗi nền văn hóa có quan điểm khác nhau về nguồn gốc của rồng. Văn hóa các nước Phương Đông cho rằng, rồng là loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, là biểu trưng cho sức mạnh, sự may mắn và thành đạt. Rồng là biểu trưng của nguồn nước ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Theo quan niệm này, rồng có thể phun mưa cứu hạn nhưng cũng có thể gây lụt lội khi bị làm nổi giận. Nói cách khác, rồng là vị thần giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước sống trong khu vực khí hậu nhiệt đới mưa ẩm, hình tượng con rồng lại càng được đề cao, dân tộc Việt Nam đã tự coi mình là “con của rồng”, rồng là vật tổ của người Việt. Truyền thuyết cho rằng, dân tộc Việt Nam có cha là Lạc Long Quân (gốc Rồng), kết hôn cùng mẹ Âu Cơ (Tiên Nữ), sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm con.

Cá chép hóa rồng, một đề tài được biết tới rộng rãi trong văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Cá chép hóa rồng, một đề tài được biết tới rộng rãi trong văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Những hình tượng đầu tiên về con rồng Việt Nam được thể hiện trên những đồ đồng của văn hóa Đông Sơn như trống đồng Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh... Hình tượng rồng trên đồ đồng Đông Sơn thường được chạm khắc trên vật quý, có tính biểu tượng cao, tại vị trí trang trọng của đồ vật.

Việc coi rồng là vật tổ còn được thể hiện qua tục xăm vẽ hình rồng lên cơ thể của người thời Hùng Vương với mong muốn được bảo vệ và không quên gốc tích của mình. Truyền thống xăm mình này của người Việt còn kéo dài đến thời Trần. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và mỹ thuật đều cho rằng hình tượng cá sấu cách điệu hay hình giao long chính là nguồn gốc khởi thủy của hình tượng con rồng Việt Nam. Cùng với sự phát triển của xã hội, hình tượng đó đã phát triển và từng bước được hoàn thiện và chuẩn hóa.

Hình tượng con rồng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử

Sau nghìn năm Bắc thuộc, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc, tạo những tiền đề để đến thời Lý (thế kỷ 11) dân tộc ta bước vào giai đoạn phục hưng và phát triển. Trong bối cảnh phát triển toàn diện của dân tộc, hình tượng con rồng dần dần tích hợp những ý nghĩa biểu trưng mới. Đến lúc này, rồng không chỉ biểu trưng cho ước vọng mưa thuận gió hòa, sự quyền uy và sang trọng mà còn thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của một dân tộc, sự cao sang và uy quyền của bậc thiên tử.

Con rồng thời Lý luôn có đầu ngẩng cao, miệng há rộng, lưỡi dài vươn lên để hứng ngọc báu, răng nhọn, sắc như răng thú, hai răng cuối của hàm trên biến thành răng nanh mọc dài ra, uốn cong và vắt qua mép trên tì vào mũi. Mũi được kéo dài như vòi (nên thường được gọi là mào) mà nhiều người cho rằng nó giống vòi voi. Bờm dài và uốn khúc uyển chuyển. Chùm râu dưới cằm cũng có kết cấu tương tự như bờm. Thân uốn khúc hình sin, các khúc uốn đều theo một thể kiểu hình ô-mê-ga mà nhiều người quen gọi là “kiểu thắt miệng túi”. Kiểu dáng của thân hình thể hiện đặc trưng vận động của loài rắn. Thân có vảy hoặc không có vảy, vây chạy dài suốt sống lưng. Rồng có 4 chân, mỗi chân đều có khuỷu và có 3, 4, hoặc 5 móng; lông sau khuỷu dài và uốn lượn mềm mại.

Ngói trang trí rồng được lợp trên mái điện Kính Thiên. Ảnh: Nhật Minh
Ngói trang trí rồng được lợp trên mái điện Kính Thiên. Ảnh: Nhật Minh

Hình tượng con rồng thời Trần giai đoạn thế kỷ 13 hầu như không có sự khác biệt so với rồng thời Lý, các biến đổi của con rồng thời Trần chủ yếu diễn ra ở thế kỷ 14, nhưng sự thay đổi cũng không lớn và không đồng bộ.

Tương tự như rồng thời Lý, về hình dáng tổng thể rồng thời Trần, đầu ngẩng cao, miệng há rộng, lưỡi dài và vươn lên để hứng ngọc báu. Răng nhọn, sắc như răng thú, hai răng cuối của hàm trên biến thành răng nanh mọc dài ra, uốn cong và vắt qua mép trên. Bờm đã ngắn dần, khúc uốn kém phần uyển chuyển, chùm râu dưới cằm có xu thế ngắn lại hoặc biến mất. Thân hình uốn khúc hình sin, nhưng các khúc uốn không “thắt miệng túi” như rồng thời Lý mà có dáng rộng hình chữ V. Đặc biệt, một số hình rồng thời Trần đã xuất hiện sừng như sừng hươu, đây là bước thay đổi và tạo sự khác biệt lớn nhất của rồng thời Trần so với rồng thời Lý.

Hình tượng rồng thời Hồ về cơ bản vẫn duy trì khuôn mẫu con rồng cung đình thời Trần. Sự duy trì này được kéo dài cho đến đầu thời Lê Sơ với bằng chứng là những hình rồng khắc trên bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh (Thanh Hóa).

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, nhà Lê Sơ bắt tay vào xây dựng chế độ tập quyền Nho giáo với việc đề cao tam cương ngũ thường. Chế độ quân chủ Phật giáo thời Lý - Trần được thay thế bằng chế độ quân chủ Nho giáo. Giờ đây vua với tư cách là thiên tử, thay trời hành đạo, quyền lực của nhà vua là quyền lực mang tính tuyệt đối. Rồng biểu trưng quyền lực của nhà vua cũng vì thế mà thay đổi. Hình tượng con rồng thời Lê là hình tượng một con vật đầy sức mạnh, dữ tợn, oai nghiêm và quyền thế.

Trên đầu của rồng thời Lê không còn những bộ phận mềm mại của mào và lôi văn chữ S của rồng thời Lý - Trần mà thay vào đó là chiếc mũi to tròn, hai cánh mũi mở rộng, mắt lồi, lông mày sắc và kéo dài thành đao lửa đầy vẻ dữ tợn; râu rồng dài và uốn cong giống như rồng Trung Hoa thời Tống, Nguyên, đôi sừng với hai chạc dài và chắc khỏe, chân với những móng vuốt rất sắc, đuôi thẳng nhọn như ngọn lửa.

Đặc biệt, nếu thời Lý - Trần rồng trang trí trên cung điện hay vật dụng của vua chân thường có số móng không cố định. Nếu số lượng móng của rồng thời Lý, Trần thuộc dạng thức trang trí là tượng tròn hay phù điêu, thì thời Lê lại hoàn toàn khác. Các hình tượng rồng được trang trí trên cung điện và các vật dụng của nhà vua dù được thể hiện ở bất kỳ dạng thức nào thì chân cũng có 5 móng sắc nhọn. Điển chế Nhà Lê sơ quy định, rồng 5 móng là dành cho nhà vua, hoàng thái tử sử dụng hình tượng rồng 4 móng, rồng 3 móng dành cho dân gian.

Năm 1802 nhà Nguyễn thành lập, chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô, ngay sau khi có được thiên hạ, nhà Nguyễn đã tiến hành xây dựng cung điện, đền đài tại Phú Xuân. Rồng tiếp tục là hình tượng quan trọng biểu trưng cho quyền uy của nhà vua. Rồng thời Nguyễn về dáng hình cơ bản giống với rồng thời Lê, điểm khác biệt lớn nhất là các đao lửa không thẳng sắc kiểu đao mác thời Lê mà có xu hướng mềm mại hơn, đuôi không còn thẳng nhọn mà tạo thành một vòng xoáy giống như quả cầu lửa.

Hình tượng con rồng trong văn hóa Việt Nam

Rồng biểu thị sự cao quý và uy quyền của nhà vua nên nó được sử dụng trang trí trên kiến trúc cung điện, vật dụng của nhà vua và hoàng gia. Các cuộc khai quật khảo cổ học những năm gần đây tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho thấy, rồng và phượng là hai đề tài trang trí thể hiện tính vương quyền. Những hình tượng này được sử dụng rộng rãi trong việc trang trí kiến trúc cung điện, lầu gác, trên những vật dụng như gốm sứ, đồ kim loại... Trong đó, rồng được được coi là biểu trưng cho vua, phượng là biểu trưng cho hoàng hậu. Trong các công trình kiến trúc cung điện từ thời Lý đến thời Nguyễn, rồng được trang trí ở nhiều vị trí khác nhau, mỗi một vị trí, ngoài ý nghĩa chung thể hiện quyền uy của vua nó còn thể hiện những ý nghĩa khác.

Ở phần thềm điện, các thành bậc được chạm khắc hình rồng ở tư thế từ trên trườn xuống giống như nền điện Kính Thiên ở Thăng Long, chính điện ở Lam Kinh, điện Thái Hòa ở Cố đô Huế. Những hình ảnh còn lại trên những mô hình kiến trúc của thời Lý - Trần, đặc biệt là trên đôi cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh (Nam Định), cánh cửa gỗ chùa Keo (Thái Bình) cho thấy rồng còn được chạm khắc trên cánh cửa ra vào.

Rồng trang trí trên bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Rồng trang trí trên bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Nơi tập trung nhiều các kiểu dáng và hình thức thể hiện hình tượng con rồng đó là bộ mái của công trình. Trên mái kiến trúc rồng được trang trí trên đầu ngói, ở vị trí đầu hồi lại thường được trang trí những tượng rồng lớn. Mỗi thời kỳ có một cách thể hiện khác nhau nhưng tựu chung đều được thể hiện phần đầu vươn cao, thân ẩn hoặc trườn trên bò nóc; các đầu rồng nhỏ được trang trí ở vị trí góc mái, thân ẩn hoặc trườn trên bờ dải. Các trang trí này ngoài ý nghĩa biểu trưng cho uy quyền của nhà vua nó còn có ý nghĩa là con vật có thể phòng trừ hỏa hoạn cho công trình kiến trúc, do vậy những hình rồng này còn được gọi là “xi vẫn”.

Rồng cũng được trang trí trên các đồ dùng dành riêng cho nhà vua, những đồ dùng này thường gọi là đồ ngự dụng. Đồ ngự dụng thường là các vật dụng có chất lượng cao, hoa văn tinh xảo, trong đó đặc biệt là những đồ gốm sứ. Ngoài kiến trúc cung điện, rồng còn được trang trí khá phổ biến trên các kiến trúc tôn giáo như đình, chùa... Thời Lý - Trần rồng được trang trí rất phổ biến trên kiến trúc chùa, đặc biệt là các chùa lớn do nhà vua hoặc hoàng gia phát tâm xây dựng.

Trên các công trình kiến trúc tôn giáo thời Lê - Nguyễn rồng được trang trí phổ biến hơn. Không chỉ có các công trình do nhà vua hoặc hoàng gia phát tâm xây dựng mới được sử dụng hình tượng con rồng để trang trí mà ngay cả các công trình do cộng đồng làng xã tổ chức xây dựng như đình làng, chùa làng... cũng được trang trí hình rồng.

Rồng không chỉ được trang trí trên mái mà còn được chạm khắc trên những cấu kiện gỗ khác như ván dong, đầu dư, đòn bẩy,... Các đồ thờ tự cũng được trang trí, đục chạm hình rồng, những kiệu bát cống, những hoành phi, câu đối, cửa vòng khám thờ đều được trang trí hình rồng. Sở dĩ đến giai đoạn này hình rồng được sử dụng rộng rãi như vậy là do nhà Lê và nhà Nguyễn đã có sự phân chia đẳng cấp và quy định chặt chẽ về việc sử dụng hình tượng này. Theo đó, rồng có chân 5 móng là rồng của vua, thái tử dùng hình tượng rồng 4 móng, cộng đồng làng xã dùng hình tượng rồng 3 móng, điều này khác hẳn với giai đoạn Lý - Trần.

Mặc dù chưa có tư liệu nào cho biết, dưới thời Lý - Trần có hay không sự quy định rồng là hình tượng độc quyền của vua và hoàng gia nhưng tất cả những di tích tìm thấy có trang trí hình rồng đều là những công trình vốn do vua, triều đình hoặc hoàng gia tổ chức hoặc cho phép xây dựng. Thêm vào đó, việc sử dụng rộng rãi hình tượng rồng trang trí trong các kiến trúc tôn giáo giai đoạn Lê - Nguyễn là nhằm biểu thị sự tôn kính đối với các vị được thờ phụng, chứ không chỉ còn ý nghĩa biểu trưng Phật pháp như giai đoạn Lý - Trần, do đó rồng được trang trí cả ở đình chùa thờ phật và đạo quán.

Mặc dù càng về sau, rồng càng có ý nghĩa biểu trưng cho sự cao quý và uy quyền của vua nhưng song song với ý nghĩa đó rồng vẫn là biểu trưng cho khát vọng của cư dân nông nghiệp với mưa thuận gió hòa, thể hiện ước muốn cho sự phát triển, do đó rồng còn gắn liền với các nghi lễ và các trò chơi của cư dân ở nhiều vùng miền.

TS. Nguyễn Văn Anh
TIN LIÊN QUAN

Linh vật rồng ở Quảng Trị "hạ cánh" xuống công viên, người dân thích thú

HƯNG THƠ |

Linh vật rồng ở Quảng Trị mới di chuyển đến công viên, chưa kịp trang trí hoa, tiểu cảnh nhưng nhiều người dân đã đến chiêm ngưỡng. Trên mạng xã hội, linh vật rồng này cũng được đề cập nhiều.

Linh vật rồng từ độc lạ đến hài hước ở các nước trên thế giới

Đan Thanh |

2024 là năm Giáp Thìn, ngoài Việt Nam, hình tượng linh vật rồng cũng được chú ý ở các nước như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Mỹ...

Sắp ra mắt linh vật rồng độc đáo của ngôi trường trên 120 năm tuổi

ĐÌNH TRỌNG |

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đang khẩn trương hoàn thành linh vật rồng độc đáo theo đặt hàng của UBND thành phố Thủ Dầu Một. Linh vật rồng phun nước với mong ước mưa thuận gió hòa đang dần lộ diện.

Tết vui trên những công trình Tấm lòng Vàng

PHONG LINH |

“Tôi tin năm nay sẽ là một mùa Tết vui của bà con miền Tây, ít nhất là đối với những hộ gia đình, người dân lưu thông qua chiếc cầu, con đường do Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ” - bà Lê Thị Đẩu (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Xả súng tại ga tàu điện ngầm ở New York, Mỹ

Thanh Hà |

1 người chết, 5 người bị thương trong vụ xả súng ở ga tàu điện ngầm thành phố New York, Mỹ tối 12.2.

Khám phá phái võ từng tôi luyện để bảo vệ vua triều Nguyễn (Phần I)

NHÓM PV |

HUẾ - Là phái võ gia truyền hình thành từ thời nhà Nguyễn, thuộc dòng võ Kinh, hệ Hắc Hổ với nhiều cao thủ võ nghệ lưu truyền qua nhiều đời, Võ Kinh Vạn An phái đã và đang gìn giữ, phát huy giá trị của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đến nay Võ Kinh Vạn An là một phái võ có tầm ảnh hưởng không những trong nước mà còn rất được mến mộ ở nước ngoài.

Nhà thiết kế Công Trí: Tôi như người thưởng ngoạn khi bước vào thời trang quốc tế

vi ly (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Công Trí, anh được đánh giá là nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Công Trí nhận được đơn đặt hàng từ những ngôi sao danh tiếng thế giới như: Katy Perry, BlackPink, Adele hay Rihanna...

Sáng tạo nhìn từ làng du lịch tốt nhất thế giới

Thanh Hải |

Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO (World Tourism Organization) đã vinh danh Tân Hóa, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là làng du lịch tốt nhất thế giới từ giữa tháng 10.2023.

Linh vật rồng ở Quảng Trị "hạ cánh" xuống công viên, người dân thích thú

HƯNG THƠ |

Linh vật rồng ở Quảng Trị mới di chuyển đến công viên, chưa kịp trang trí hoa, tiểu cảnh nhưng nhiều người dân đã đến chiêm ngưỡng. Trên mạng xã hội, linh vật rồng này cũng được đề cập nhiều.

Linh vật rồng từ độc lạ đến hài hước ở các nước trên thế giới

Đan Thanh |

2024 là năm Giáp Thìn, ngoài Việt Nam, hình tượng linh vật rồng cũng được chú ý ở các nước như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Mỹ...

Sắp ra mắt linh vật rồng độc đáo của ngôi trường trên 120 năm tuổi

ĐÌNH TRỌNG |

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đang khẩn trương hoàn thành linh vật rồng độc đáo theo đặt hàng của UBND thành phố Thủ Dầu Một. Linh vật rồng phun nước với mong ước mưa thuận gió hòa đang dần lộ diện.