Hào khí Quân đội nhân dân Việt Nam

thúy huyền (thực hiện) |

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” trước thềm kỷ niệm trọng đại những ngày đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây không phải là một tác phẩm hoàn toàn giả tưởng, mà là cuốn văn học sử về chiến dịch quốc tế đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhận trên tinh thần vô sản quốc tế cao cả, với tình hữu nghị đoàn kết với Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Phóng viên Báo Lao Động có dịp trò chuyện cùng nữ nhà văn áo lính có dấu ấn sáng tạo rất riêng trên con đường sáng tác về đề tài Biên phòng.

Giữa hàng loạt tác phẩm văn học xuất sắc chị từng viết như "Khúc quân hành lặng lẽ", "Trường ca Sa mộc", "Đường biên cương dệt mùa xuân", "Những người phất cờ hồng", "Dặm dài Tổ quốc"..., tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế" mang màu sắc khác biệt thế nào?

- Đây là một trong những tác phẩm tôi dành rất nhiều tâm huyết, bởi tôi vẫn luôn coi cuốn sách như nén tâm hương để tưởng nhớ và dâng lên anh linh của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam năm xưa đã theo vượt dãy núi Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp giữa Việt Nam và Trung Quốc để sang giải phóng một vùng biên khu rộng lớn của tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc năm 1949.

"Thập Vạn Đại Sơn" là một trong những chiến dịch phi thường nhưng lại ít được nhắc đến trong sách vở, các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình khai thác chất liệu lịch sử trong tác phẩm văn chương này?

- Tôi là nhà văn thế hệ 8X nên chưa có trải nghiệm nào về chiến tranh. Viết về một chiến dịch trong Kháng chiến chống Pháp không diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam mà trên đất Trung Quốc đòi hỏi phải đào sâu, tìm hiểu tư liệu cũng như tưởng tượng. Tôi buộc phải tưởng tượng để hình dung bối cảnh cha ông ta ăn mặc, mang trang thiết bị vũ khí, nói chuyện ra sao, áp dụng những phương pháp tác chiến hoàn toàn xa lạ.

Đặc biệt, chiến dịch này lại không có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, chỉ được nhắc đến một cách vừa phải trong một số cuốn sách như Từ điển Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam hoặc cuốn lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị của Quân Khu 1, hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân và hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn vài nhân chứng lịch sử khác, nhưng khi tôi tiếp cận vấn đề này, hầu hết các cụ đều đã mất, cao tuổi, hoặc là những người lính đóng vai trò nhỏ trong trung đội, tiểu đoàn nên không thể khái quát và hình dung hết quy mô lớn của chiến dịch.

Với mong muốn không phải một tác phẩm hoàn toàn sáng tạo giả tưởng mà là văn học sử, tôi muốn biết phía Trung Quốc ghi nhận chiến dịch này như nào, để nguồn tham khảo mang tính chính thống.

Tôi nhờ các đồng chí đang công tác ở Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Trung Quốc tìm tài liệu lịch sử của Quân đội nhân dân Trung Quốc. Thật mừng khi có những trang văn, tài liệu lịch sử... về chiến dịch này.

Tôi vô cùng xúc động khi phía Trung Quốc cũng dành những lời hết sức trân trọng, tình nghĩa biểu thị cho sự biết ơn, tri nhân Quân đội nhân dân Việt Nam giúp giải phóng biên khu Việt Quế, giúp lão bá tánh của biên khu có đời sống no ấm. Sau đó, quân ta bàn giao toàn bộ chiến lợi phẩm như vũ khí, vàng bạc của quân Tưởng Giới Thạch... cho khu ủy của biên khu Việt Quế dùng để tiếp tục chấn hưng và xây dựng đời sống mới.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hội ngộ Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã - Chiến sĩ liên lạc trong chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn” tại buổi ra mắt tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” ngày 16.12.2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hội ngộ Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã - Chiến sĩ liên lạc trong chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn” tại buổi ra mắt tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” ngày 16.12.2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây không phải một tác phẩm hoàn toàn giả tưởng, mà là văn học sử. Chị đã dựng nên các nhân vật từ những nguyên mẫu nào ngoài đời thực?

- Trong cuốn tiểu thuyết này, Tư lệnh Lê Quảng chính là Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1915 - 1988), Tư lệnh Chiến dịch "Thập Vạn Đại Sơn". Tiểu đoàn trưởng Biên cương là tiểu đoàn Biên Cương của Trung đoàn 174 băng rừng vượt núi sang Trung Quốc thực hiện chiến dịch này.

Chính trị viên Long Xuyên là Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Giám đốc Công an khu tự trị Việt Bắc. Ông cũng là tiền bối của tôi. Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng phòng Điều tra hình sự - Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.

Chiến sĩ liên lạc Văn Nhã là Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã, 94 tuổi, bác sĩ chuyên khoa I, từng công tác tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Hà Bắc (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang). Khu ủy Thông Pháy chính là Khu ủy viên Trần Gia có vai trò quan trọng trong kết nối đón tiếp đại quân của chúng ta bên kia biên giới.
Các nhân vật đều xây dựng trên nguyên mẫu là những nhân vật có thật, trực tiếp tham gia các trận đánh lớn nhỏ suốt 4 tháng từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949. Tôi viết với mong muốn khái quát quy mô tầm vóc chiến dịch, nhưng đi sâu vào chi tiết từng trận đánh, tâm tư suy nghĩ của từng người lính, nên chỉ phản ánh riêng về tiểu đoàn biên cương chủ lực tham gia chiến dịch này tại biên khu Việt Quế.

Những địa danh nào chị đã ghé thăm trong quá trình khai thác chất liệu lịch sử cho tác phẩm này?

- Là người đi dọc biên giới phía Bắc, tôi có thế mạnh khi hình dung, mở ra không gian của giai đoạn lịch sử đó. Tất nhiên hiện nay biên giới đã thay đổi và phát triển nhiều so với 75 năm trước. Tôi đã đến từng nơi, quay trở về khu du kích Bắc Sơn ở Lạng Sơn để viết về anh Tiểu đoàn trưởng Biên Cương.

Nơi mà đại quân xuất kích sang bên kia biên giới là huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Tôi đã đến thắp hương ở đình Pò Háng, nơi Bác Hồ tặng cho bức trướng thêu chữ Hán “Kháng chiến hộ quốc”, phía dưới phiên âm bằng chữ quốc ngữ là “Chiến kháng hộ ủng” về thành tích ủng hộ về mặt tâm linh cho quân dân của chiến khu, chúng ta có được một khu căn cứ trong giai đoạn chống Pháp ác liệt.

Tôi đến huyện biên giới Bình Liêu ở Quảng Ninh, leo lên tận đỉnh núi để làm sao cảm nhận và hình dung được các cụ đã vượt qua dãy núi đó như nào.

Có câu chuyện nào khiến chị xúc động trong hành trình lần giở từng trang sử về chiến dịch hào hùng ấy?

- Trong ký ức của những nhân chứng như bác Phùng Thị Sâm, một nữ y tá và Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã, từng tham gia chiến dịch, những chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam đi chân trần trên đá tai mèo sắc nhọn. Các cụ không có thuốc, chân liên tục bị thương. Họ đi tìm cây ngải cứu rừng đem vò, nhai nát đắp lên những vết thương đó. Lấy lá chuối, lá rừng bọc cho vết thương lành theo những cách chữa dân gian như vậy.

Trong những đêm âm u, đoàn quân khởi phát từ làng Bằng ở Bắc Giang, vượt núi rừng qua Hữu Lũng, Bắc Sơn ở Lạng Sơn để lên biên giới. Ngày quân ta phải trốn, ẩn núp ở trong rừng, bìa ruộng, hào nước. Đêm cả quân đoàn mới vượt rừng. Ngoài trang thiết bị chiến đấu, mỗi người còn phải mang trên vai một thanh củi mục khoảng 5kg để trong đêm đen, thanh củi mục ấy tỏa ra ánh lân tinh.

Để từ đó, từng trung đội hay đại đội đi từ bên cánh đồng này, dưới chân đèo có thể nhìn lên giữa đỉnh đèo để thấy những đốm sáng lấp lánh như đàn đom đóm bay. Đó chính là dấu của trung đội hay đại đội đi trước, giúp các chiến sĩ định hình con đường. Khi đó không có la bàn, thiết bị định hình, càng không được đốt đuốc, soi đèn để đảm bảo tính bí mật, không để giặc Pháp phát hiện.

Những kiến thức ấy không thể có sức tưởng tượng nào nghĩ ra, chính những người lính trải nghiệm mới thực sự có thể kể và cung cấp cho tôi những hình ảnh mà khi nói đến, nghĩ đến tôi đã vô cùng xúc động.

Bìa tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bìa tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là hình ảnh của quân, còn nhân dân hai nước trong những ngày tháng sục sôi của chiến dịch ấy được chị khắc họa thế nào qua tác phẩm?

- Đương nhiên trong cuốn tiểu thuyết này tôi cũng dành những phân đoạn nhất định để nói về tình quân dân hai bên biên giới. Nhân dân Việt Nam những năm đó đi dân công hỏa tuyến, sẵn sàng mất nhà mất cửa, cắt lúa non, thậm chí nhịn ăn nhịn mặc. Bản thân ăn củ mài, củ ráy, thân chuối nhưng đồng bào vẫn dành những hạt gạo, hạt ngô quý giá đó để gửi cho kháng chiến.

Nhân dân Trung Quốc cũng vậy! Bà con vùng biên khu trải qua hơn chục năm hết bị quân Tưởng chà đi xát lại, trấn lột, bắt nộp tiền bạc, lương thực thực phẩm đến thổ phỉ cướp bóc. Thấy một đoàn quân hùng hậu ào ào từ trên núi xuống, họ cũng rất lo sợ, bất an, dè chừng.
Nhưng cùng với sự cảm hóa, công tác dân vận của Giải phóng quân Việt Nam, bà con vô cùng cảm phục tấm lòng của những người lính.

Có một hình ảnh thực sự xúc động không phải do tôi viết, được ghi lại trong cuốn "Thập tam chi đội sử" của biên khu Việt Quế xuất bản năm 1962. Theo lời kể, khi bộ đội Việt Nam tạm biệt nhân dân biên khu về nước, nhân dân các trấn, các tổng đứng dọc theo con đường hơn 10km để tiễn bộ đội. Họ mang theo hoa quả, gạo, ngô, khoai, sắn để tặng cho bộ đội Việt Nam như tỏ tình cảm, mến thương.

Đại quân đi đến đâu, nhân dân Trung Quốc lại bẻ những cành lá thông lót xuống, rải đường cho đại quân đi qua trên những thảm lá đó để tỏ tình bịn rịn, lưu luyến. Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ trong sử sách hay các tác phẩm văn học thể hiện những điều này. Chưa kể, đây lại là hành động của nhân dân nước bạn láng giềng. Họ dành nghĩa cử đó, dành sự mến thương trân trọng đó cho đội quân của một đất nước khác.

Tôi nghĩ rằng phải có sự hy sinh lớn lao thế nào, gắn bó đoàn kết quân dân mật thiết đến thế nào, thì mới khiến cho nhân dân nước bạn làm hành động vô cùng ý nghĩa và xúc động đến như vậy.

Khép lại những chia sẻ, chị muốn gửi gắm thông điệp gì tới bạn đọc “Biệt khu Việt Quế”?

- Tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc qua thời gian có lúc thăng lúc trầm. Nhưng tôi, với tư cách là một người lính biên phòng thường xuyên trao đổi công tác và làm việc với phía nước bạn, vẫn luôn luôn thấy tình nghĩa quân dân hai nước bao giờ cũng thắm thiết.

Trong chiến dịch "Thập Vạn Đại Sơn", với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là anh em kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau cùng tiến tới giành độc lập.

Trong bối cảnh khó khăn ngàn cân treo sợi tóc, phía trên là quân Tưởng, phía dưới là giặc Pháp, Chiến khu Việt Bắc rất nhỏ nằm trong thế kìm kẹp chung. Nhưng khi quân và dân Trung Quốc cần, chúng ta cũng sẵn sàng chia lửa, chia máu, cắt ra gần như một phần tư lực lượng quân đội lúc bấy giờ để sang giúp nước bạn.

Đó chính là tinh thần Việt Nam, hào khí Việt Nam. Tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đó thực sự minh triết, nhìn được mối quan hệ đoàn kết giữa hai quốc gia có chung đường biên giới là điều cần được vun đắp, cần được gìn giữ.

Và viết về đề tài quân đội hay tôn vinh vẻ đẹp anh bộ đội Cụ Hồ vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là niềm tự hào đối với tôi. Tôi vẫn luôn luôn tri ân những chiến công, hy sinh xương máu của những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thậm chí cả cống hiến và hy sinh của những người lính thời bình hôm nay.

Được cảm nhận, chia sẻ, rung cảm trước những chiến công của tiền bối cũng như chiến công của đồng chí, đồng đội hôm nay và chuyển hóa nó thành những trang văn, ý thơ, đối với tôi là một vinh dự.

thúy huyền (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tổ chức kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

THEO CHINHPHU.VN |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 307/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tới Hatay, sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ

THEO TTXVN |

Tối 13.2 (giờ địa phương), từ thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tới thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam nước này.

Khám phá rừng Trần Hưng Đạo - Nơi ra đời Quân đội Nhân dân Việt Nam

An Trịnh |

Cao Bằng - Rừng Trần Hưng Đạo nơi ra đời Quân đội Nhân dân Việt Nam đang dần trở thành "địa chỉ đỏ" du lịch và giáo dục lịch sử.

Tập đoàn Delta tăng vốn khủng sau ồn ào nợ bảo hiểm xã hội

Quang Dân |

Hồi đầu tháng 12.2023, Tập đoàn Delta và các thành viên trong hệ sinh thái của mình xuất hiện trong danh sách các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội công bố.

Gần 15 năm, vành đai nghìn tỉ ở Hà Nội mới hoàn tất giải phóng mặt bằng

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A dài 2km, tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng đến nay mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sau 14 năm trì trệ.

Rét đậm kỷ lục bao trùm Bắc Âu, nhiệt độ giảm mạnh xuống âm 40 độ C

Thanh Hà |

Rét đậm kỷ lục bao trùm Bắc Âu khiến Phần Lan, Thụy Điển ghi nhận đợt lạnh mạnh nhất mùa đông năm nay, với nhiệt độ giảm sâu xuống âm 40 độ C ngày 2.1.

Trí tuệ nhân tạo Việt Nam kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đóng góp 14.000 tỉ đồng

NGUYỄN ĐĂNG |

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động tới hiệu suất và cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho doanh nghiệp, mà ở tầm vóc quốc gia. Đồng thời sẽ đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng cho kinh tế số Việt Nam.

Các cuộc bầu cử trong năm 2024 tác động đến tương lai thế giới

Linh Nhi |

Các quốc gia có tổng dân số hơn 4 tỉ người, chiếm gần một nửa dân số thế giới, sẽ chọn đại diện của họ trong 5 năm tới tại hơn 60 cuộc bầu cử quốc gia năm 2024.

Tổ chức kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

THEO CHINHPHU.VN |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 307/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tới Hatay, sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ

THEO TTXVN |

Tối 13.2 (giờ địa phương), từ thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tới thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam nước này.

Khám phá rừng Trần Hưng Đạo - Nơi ra đời Quân đội Nhân dân Việt Nam

An Trịnh |

Cao Bằng - Rừng Trần Hưng Đạo nơi ra đời Quân đội Nhân dân Việt Nam đang dần trở thành "địa chỉ đỏ" du lịch và giáo dục lịch sử.