Hà Lệ Diễm và ước mong được kể những câu chuyện về đất nước mình

Đặng Thu Hà - Việt Văn |

“Những đứa trẻ trong sương” - có thể coi là một trong những điểm nhấn tiêu biểu nhất của Điện ảnh Việt Nam năm 2023. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 ở Đà Lạt, bộ phim tài liệu dài của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã nhận được cú đúp giải thưởng: Bông sen Vàng dành cho “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Phim tài liệu xuất sắc nhất”.

Trước đó, “Những đứa trẻ trong sương” đã đoạt giải của Ban Giám khảo cho Phim đầu tay xuất sắc nhất, và nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” ở Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA) và nằm trong danh sách 20 bộ phim tài liệu năm 2022 của tạp chí Paste Magazine; nhận giải thưởng của Liên Hợp quốc tại Thụy Sĩ và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Nhật Bản, giải thưởng của Liên hoan phim Giáo dục tại Pháp.

“Những đứa trẻ trong sương” đã tham gia khoảng 150 liên hoan phim quốc tế, đoạt 35 giải thưởng, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore. Đặc biệt, “Những đứa trẻ trong sương” đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục “Phim tài liệu dài xuất sắc”.

Cùng Hà Lệ Diễm đi ngược trở lại hành trình “thai nghén” và sáng tạo “Những đứa trẻ trong sương” để khám phá nhiều điều đặc biệt hơn nữa.

Bộ phim đầu tay

Cơ duyên đầu tiên đưa Hà Lệ Diễm đến với phim ảnh là lớp học làm phim tài liệu của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) vào năm 2011, khi Diễm đang là sinh viên đại học. Việc được tự cầm máy quay để ghi hình những con người, sự kiện trong cuộc sống khiến Diễm đặc biệt hứng thú. Từ đây, Diễm đã nhận ra niềm đam mê với phim tài liệu nhưng để theo đuổi nó thì không hề dễ dàng, nhất là với một cô gái sống xa gia đình, mới bước vào tuổi 20.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, Diễm phải đi xin việc vì bố mẹ không nuôi nữa. Dù đau đáu một ước muốn làm phim tài liệu nhưng chính Diễm khi đó cũng thừa hiểu việc thực hiện một phim tài liệu là quá khó khăn, kể cả kinh phí, nhân lực, thiết bị... đều nằm ngoài khả năng của cô, việc thực hiện ước mơ gần như bất khả.

Diễm tưởng như đã an phận với vị trí biên tập, sản xuất video clip cho một công ty truyền thông, cho đến một ngày Diễm xem phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của nhà làm phim độc lập Nguyễn Thị Thắm. Như trong đường hầm tìm thấy ánh sáng, Diễm phát hiện ra một hướng đi đầy cảm hứng để có thể hiện thực hóa giấc mộng phim tài liệu.

“Varan Việt Nam trở thành điểm tựa đeo bám của tôi từ đó cho đến nay. Khi được lựa chọn để vào TPHCM học làm phim tài liệu trong 3 tháng, tôi đã không ngần ngại nghỉ việc. Buổi đầu tiên, thầy André hỏi muốn gì ở khóa học này? Tôi trả lời: Con muốn làm phim tài liệu mà cô đơn quá, con chỉ có một mình. Khi đó thầy lặng đi, rồi chỉ nói: Học xong lớp này, con sẽ không thấy cô đơn nữa”.

Một mình thực hiện bộ phim

Nhưng Diễm vẫn một mình lên đường làm phim, chỉ với một cái máy quay “Bạn tôi cho mua chịu, 3 năm sau tôi mới trả hết tiền. Đó là khi tôi đọc được thông tin ở Sapa có vụ bắt cóc và buôn bán phụ nữ. Tôi rất muốn tìm hiểu về thực trạng này nên xin đi cùng một dự án nghiên cứu về tình trạng phụ nữ bị bắt cóc ở các tỉnh biên giới. Trong dự án có một workshop về chụp ảnh và vẽ tranh về trẻ em người H'Mông nên các thành viên được gửi đến khảo sát ở nhà dân. Và đến giờ tôi thấy thật may mắn khi đã đến sống ở nhà Di khi đó”.

Với một chiếc máy quay trong tay, Diễm luôn ôm theo và ghi hình những khi đi chơi với bọn trẻ đồng trang lứa. “Cảnh mở đầu phim “Những đứa trẻ trong sương” đã được ghi hình trong một buổi sáng vùng cao như thế, tôi quay được 4 tiếng, về một trò chơi của lũ trẻ nhưng tái hiện cả một vòng đời của người H'Mông. Từ khi sinh ra, lớn lên, kết hôn, trưởng thành và chết đi.

Khi xem lại những hình ảnh đó, tôi xúc động với cảnh đứa trẻ giả mang bầu. Tôi bỗng thấy tò mò về tương lai sau này khi bọn trẻ lớn lên, khi Di lớn lên sẽ như thế nào. Con bé đang rất mạnh mẽ, quậy tưng bừng. Tôi rất muốn lưu giữ lại tuổi thơ của Di. Đó là lý do tôi bắt tay thực hiện bộ phim về Di, dù thời điểm đó chính tôi cũng chưa rõ câu chuyện về Di sẽ kể là gì”.

Năm 2018, với những thước phim đầu tiên ghi được từ cuộc sống của Di, Diễm mang đến Varan cho thầy xem. “Thay vì bị ăn mắng như mọi lần, thầy bảo: Nếu con cố gắng thì sẽ có một phim đẹp và cảm xúc”. Lúc đó tôi chỉ có một mong muốn là có tiền để làm tiếp phim nên loay hoay tìm kiếm các quỹ nước ngoài chứ trong nước thì ai có thể cấp tiền cho một người chưa có uy tín và kinh nghiệm nào như tôi”.

Nhưng đúng như thầy André đã nói, Diễm tuy một mình một máy khi quay ở nhà Di nhưng cứ xuống thành phố là cô nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Varan và cộng đồng làm phim. Diễm kể: “Cứ quay được ít nào thì đem đến cho chị Thảo xem và hướng dẫn, chị động viên thì ít, phàn nàn về kỹ thuật thì nhiều. Nhớ nhất là anh chồng chị Thảo có lần mắng: Nếu còn quay mất nét nữa thì ở Mù Căng Chải vĩnh viễn luôn đi”. Từ đó tôi sợ lắm, mỗi ngày quay xong đều kiểm tra xem nét chưa mới dám gửi.

Hà Lệ Diễm với nụ cười mỉm đáng yêu. Ảnh: Đặng Thu Hà
Hà Lệ Diễm với nụ cười mỉm đáng yêu. Ảnh: Đặng Thu Hà

Nhà phát hành quốc tế

Đến năm 2019 sau khi quay xong cảnh Di bị kéo về làm vợ thì giai đoạn tiền kỳ bộ phim cơ bản hoàn tất. Vấn đề đặt ra lúc này là tiền đâu mà làm hậu kỳ. Dựng phim cũng phải mất vài tháng, rồi hòa âm, phiên dịch tiếng H'Mông... cái gì cũng cần tiền.

“Tôi gửi hồ sơ đi rất nhiều quỹ toàn trượt. Tưởng đã tuyệt vọng thì Busan là quỹ đầu tiên cho tôi tiền dựng phim sau khi xem nháp và bản demo 3. Tiếp đó là một số quỹ Hàn Quốc, Ấn độ, Hà Lan... Thời gian đó tôi cùng vợ chồng chị Thảo đã lăn lóc đi khắp nơi để pitching (diễn thuyết, trình bày ý tưởng). Toàn tự pitching bằng tiếng Anh, mà có lần chẳng hiểu sao mai pitching rồi mà đêm trước tôi quên sạch, chỉ biết ngồi khóc.

May thay sáng hôm sau đứng giữa căn phòng lớn có hàng trăm giám khảo mà vẫn nhớ ra để trình bày. Xong kết thúc bài thì không có một ai hỏi một câu gì. Sau này tôi mới biết, ngay lúc đó họ đã quyết định cấp tiền cho mình rồi nên không cần hỏi thêm nữa”.

Trong quá trình đi xin các quỹ hỗ trợ kinh phí làm phim, không ít nhà sản xuất, phát hành đưa ra đề xuất mua luôn phim hoặc kết hợp hoàn thiện sản xuất nhưng họ sẽ nắm giữ bản quyền, sẽ can thiệp vào sản xuất.

“Tất cả những trường hợp đó đều bị tôi và Varan từ chối vì ai cũng muốn bảo vệ bản phim của tôi. Kể cả số tiền họ cho khá lớn, nhưng chị Thảo vẫn kiên quyết để tôi được toàn quyền dựng ra bản phim đầu tiên rồi mới tính. Sau khi ra được bản đầu, chúng tôi cũng chọn được một nhà phát hành người Pháp. “Những đứa trẻ trong sương” là phim đầu tiên có nhà phát hành quốc tế đấy ạ!”.

Sốc với tuổi thơ quá ngắn của Di và trẻ em vùng cao

“Từ khi quyết định lưu giữ lại tuổi thơ cho Di, tôi cứ bị ám ảnh bởi cách mà tuổi thơ của Di và trẻ em vùng cao bị đánh mất. Nó rất đột ngột khi một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành, chưa kịp thích nghi với những sự thay đổi của cơ thể, tính cách. Thử hình dung xem, hôm nay Di cười trong trẻo như thế mà ngày mai con bé bị bắt làm vợ, buộc phải trưởng thành, buộc phải bước vào thế giới người lớn để quyết định xem có lấy chồng hay không và buộc phải lo toan cuộc sống gia đình. Tôi sốc với điều đó. Sốc với tuổi thơ quá ngắn ngủi của thiếu nữ H'Mông”.

Mỗi lần lên nhà Di để quay là một lần Diễm như lạc vào một thế giới khác. Nơi không gian thời gian cứ như ngưng đọng lại, như slow motion (tua chậm). “Sau 3 năm đi đi lại lại, tôi thấy cuộc sống của người H'Mông thay đổi rất nhiều nhưng chỉ là vẻ bề ngoài: Một con đường cao tốc cắt qua, những chiếc điện thoại di động ngày càng nhiều, đứa trẻ nào cũng được bố mẹ sắm cho một cái. Nhưng con người, những luật tục theo cái lý của người H'Mông, cách đối xử giữa mọi người với nhau, tính cộng đồng gắn bó, sự quan tâm giúp đỡ tất cả các công việc lớn bé của nhau... thì y hệt như thế không thay đổi”.

Bao tinh túy của người H’Mông dồn hết vào quần áo

Diễm đặc biệt ấn tượng với cách người H'Mông làm chàm. Hóa ra, để có một thùng phi nước chàm để nhuộm vải như một cảnh trong phim, người H'Mông phải lên men từ một hỗn hợp cao chàm và nuôi trong thùng chàm như người Kinh nuôi thú cưng. Có những lúc chàm “chết rồi” tức là cao chàm hỏng, không nuôi được men, lại phải tốn rất nhiều tiền mua cao chàm khác.

Người Tày thì nhuộm thật đen là được. Nhưng người H'Mông nhuộm xong còn lăn đá vào vải cho bóng lên sau đó thêu lên rực rỡ hoặc vẽ sáp ong, từng chấm một, công phu tỉ mỉ. Nguyên một năm phụ nữ H'Mông chỉ làm được một bộ quần áo dành cho dịp Tết mặc. Sau đó lại tiếp tục trồng lanh, tước vải để dệt cho năm sau. Mẹ Di rất vất vả vì Di còn vụng, chưa tự làm được quần áo cho mình nên mẹ Di phải làm cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Cứ phải mặc đúng trang phục dân tộc, người H'Mông mới tự tin. Bằng không, họ cảm thấy như bị “ở truồng” trước mắt mọi người vậy.

Tục kéo vợ

Theo Diễm, phong tục kéo vợ có rất nhiều biểu hiện, mỗi trường hợp lại khác nhau. Với Di thì mọi việc diễn ra như thế nào, Diễm muốn ghi lại đúng như thế. Cùng là tục kéo vợ, người lấy được chồng tốt, hạnh phúc thì coi là tục tốt. Ngược lại cũng có người coi đó là bi kịch. Nhưng bản thân Di trước đó cũng đã được mẹ dặn: Nếu đồng ý làm vợ người ta thì khóc một ít rồi thôi. Còn không đồng ý thì la hét lớn để cho mọi người biết. Kéo qua 100 mét nếu thấy người con gái phản ứng dữ dội quá thì nhà trai cũng phải từ bỏ. Đó là tục, là quy ước rồi.

Tục kéo vợ cũng có 3 kiểu: Nếu đôi bạn tự thích nhau về với nhau thì sính lễ sẽ cao. Nếu 2 dòng họ mai mối thì sính lễ vừa vừa, thỏa thuận được. Còn khi tự kéo được thì sính lễ sẽ thấp đi. Vì thế, đây là cơ hội cho những chàng trai nghèo vẫn lấy được vợ. Cũng có khi mượn kéo vợ để đôi trẻ vốn thích nhau được về sống chung nhà, rồi đến bao giờ có tiền cưới cũng được, mà già chưa cưới cũng chẳng sao. “Tôi tôn trọng tình huống diễn ra với Di và cả phản ứng của mọi người xung quanh. Những câu chuyện về con người và cảm xúc của họ trước những vấn đề họ gặp phải... là điều tôi quan tâm nhất, là mục tiêu của tôi khi làm phim”.

Lớn lên cùng bộ phim

“Tôi thấy tôi lớn lên nhiều, giống như hành trình của Di, tôi bắt buộc phải sống có trách nhiệm hơn. Khi đứng ở vị trí đạo diễn, tôi không thể dễ dàng gục ngã hay từ bỏ vì có rất nhiều người đồng hành, giúp đỡ tôi. Tôi phải chịu trách nhiệm cho đến khi hoàn tất bộ phim và theo dõi cả những phản ứng của người xem. Thực sự rất áp lực nhưng tôi vẫn phải tự quyết định, tự chịu trách nhiệm vì không ai quyết định thay tôi được. Hệt như Di chỉ là biểu hiện khác nhau mà thôi. Trước khi làm phim, cuộc sống của tôi cũng đơn giản: Tốt xấu rạch ròi, trắng đen, thiện ác phân minh. Sau khi xong phim, tôi nhận ra sự phức tạp của cuộc sống, các ranh giới mong manh, biến đổi... không có gì tuyệt đối.

Dự định sắp tới Diễm vẫn tiếp tục làm phim. Trong lúc đang “nuôi nhân vật” và quan sát họ, Diễm đang dành cho bản thân nhiều thời gian hơn để học thêm một số thứ như: Nuôi chàm (mãi chưa được toàn chết), học nấu nướng, học cách đọc nhạc...

Nói về giải thưởng Bông sen Vàng, Diễm chia sẻ: “Được ghi nhận trong nước khiến tôi vui lắm! Điều này cực kỳ quan trọng, tạo cơ hội cho tôi làm việc ở chính đất nước mình. Bố Di tự hào vì ít người làm về dân tộc thiểu số. Bố Di được kể với mọi người về cuộc sống người H'Mông ở LHP. Tiền giải tôi chia sẻ cho em của Di đi học.

Tôi muốn làm việc ở quê hương nên việc ghi nhận trong nước rất đáng quý. Hồi bị COVID-19 bị kẹt ở châu Âu khi đang mang phim đi chiếu tôi hoảng sợ lắm, không biết sẽ làm gì ở đó. Còn ở đây tôi được sống có ý nghĩa hơn, tôi được kể những câu chuyện về đất nước mình. Nơi có người thân và tất cả những người mà tôi yêu quý. Tôi luôn thích cảm giác được tự do cầm máy lang thang đi quay khắp nơi”.

Đặng Thu Hà - Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Đạo diễn Nguyễn Quang Trung: “Tôi chỉ muốn đi được một quãng đường thật xa”

Trần Việt (thực hiện) |

Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim “Nụ cười” thể loại phim hoạt hình thực sự là một bất ngờ lớn tại LHP Việt Nam lần thứ 23, khi thuộc về Nguyễn Quang Trung, giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Sự nghiệp đạo diễn Biệt động Sài Gòn - người làm nên tên tuổi Thương Tín

ĐÔNG DU |

Đạo diễn Long Vân là người cầm trịch bộ phim Biệt động Sài Gòn - tác phẩm đưa Thương Tín trở thành một trong những tài tử được săn đón thời điểm đó.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.

Trên 200 công nhân được xe Công đoàn đón trở lại làm việc

Kiều Vũ |

Tết Giáp Thìn năm 2024, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không chỉ được về quê miễn phí trên xe ôtô do Công đoàn Hà Nội tổ chức mà còn có những công nhân được đón trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

400 con rồng quy tụ ở ngôi đình cổ Hải Phòng

Mai Dung |

Đình Hàng Kênh – ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi là di tích đặc biệt, tiêu biểu của thành phố Cảng - Hải Phòng. Ngôi đình còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo với các mảng chạm khắc gần 400 con rồng cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Giá thuê nhà tăng, nhiều khách thuê choáng váng

ANH HUY |

Dù trải qua một năm khó khăn nhưng giá nhà cho thuê tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội vẫn liên tục tăng khiến khách choáng váng. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2024, thị trường này sẽ hạ nhiệt nhờ các giải pháp đưa ra để giảm giá nhà.

Bi kịch của người đàn bà phóng hoả trả thù tình nhân

Việt Dũng |

Trong phiên toà, Trần Thị Thanh Hải - kẻ phóng hoả đốt khu nhà trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến ngọn lửa bùng phát, làm chết 1 phụ nữ đang mang thai - đã cay đắng cho hay, từ ngày vướng lao lý, cô bị chồng, người thân bỏ mặc, không ai đoái hoài.

Danh tính các nạn nhân thương vong trong vụ xe khách đổ nghiêng, đè lên xe máy ở Yên Bái

Phan Kiên |

Lực lượng chức năng đã xác định được danh tính các nạn nhân thương vong trong vụ tai nạn xe khách trên Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Đạo diễn Nguyễn Quang Trung: “Tôi chỉ muốn đi được một quãng đường thật xa”

Trần Việt (thực hiện) |

Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim “Nụ cười” thể loại phim hoạt hình thực sự là một bất ngờ lớn tại LHP Việt Nam lần thứ 23, khi thuộc về Nguyễn Quang Trung, giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Sự nghiệp đạo diễn Biệt động Sài Gòn - người làm nên tên tuổi Thương Tín

ĐÔNG DU |

Đạo diễn Long Vân là người cầm trịch bộ phim Biệt động Sài Gòn - tác phẩm đưa Thương Tín trở thành một trong những tài tử được săn đón thời điểm đó.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.