Đạo diễn Nguyễn Quang Trung: “Tôi chỉ muốn đi được một quãng đường thật xa”

Trần Việt (thực hiện) |

Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim “Nụ cười” thể loại phim hoạt hình thực sự là một bất ngờ lớn tại LHP Việt Nam lần thứ 23, khi thuộc về Nguyễn Quang Trung, giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

2 năm trước, tại LHP Việt Nam lần thứ 22, Trung đã đoạt giải Kỹ xảo hay nhất với phim “Mảnh ghép của rồng”. Điều đáng nói đây là đạo diễn hoạt hình duy nhất trong 2 kỳ LHP Việt Nam liên tiếp, một mình làm phim từ A đến Z, từ biên kịch, đạo diễn đến họa sĩ vẽ, họa sĩ diễn xuất...

Nhiều người bất ngờ trước thành công của anh nhưng còn bản thân anh, hẳn anh cũng tự tin về tác phẩm của mình?

- Làm một bộ phim là công việc mất rất nhiều thời gian, trong quãng thời gian kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm có rất nhiều cảm xúc mà người làm phim phải trải qua nên nếu không tin tưởng vào bản thân với mục tiêu công việc của mình thì chắc chắn không thể hoàn thành được. Với những phim có sự tham gia đầy đủ của các thành phần sáng tạo như đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhạc sĩ... thì vai trò phản biện trong môi trường làm việc tập thể tự nhiên là có.

Với điều kiện của tôi, quá trình làm phim “Nụ cười” tôi luôn phải tự hỏi và tự trả lời những câu hỏi như “Nếu nguồn lực là lý tưởng thì giải quyết vấn đề như thế nào?”, “Có điều gì cần thay đổi không?”, “Nếu đây là thiết kế của người khác thì đã thỏa mãn mình chưa?” và quan trọng nhất là câu hỏi “Mình đã làm hết sức chưa?” rồi tự tìm giải pháp để xử lý tất cả những câu hỏi đó.

Thuận lợi của tôi là không tạo cho mình sức ép nào nên khi chưa tin là mình đã có giải pháp xử lý những vấn đề của bộ phim thì tôi chưa bắt đầu.

“Nụ cười” là một phim hoạt hình triết lý với thông điệp trong bất cứ hoàn cảnh nào con người đều phải lạc quan. Không nên bám giữ quá khứ nhưng chính quá khứ tốt đẹp là con đường dẫn đến hiện tại và mở ra tương lai. Hơn thế, giá trị cuộc sống còn nằm ở sự sẻ chia... Đó có phải là toàn bộ thông điệp của anh, và nếu còn thêm ẩn ý gì khác, anh có thể chia sẻ thêm?

- Đúng như những điều anh nói cuộc sống luôn tiến lên và chúng ta không có cách gì níu kéo được. Khi ta còn nhỏ ta mong ước mình lớn thật nhanh, thời gian trôi thật nhanh để được trải nghiệm những gì tốt đẹp ở tương lai phía trước nhưng khi đã có trong tay đầy đủ mọi thứ thì người ta lại mong ước thời gian trôi thật chậm, thật chậm hoặc có thể quay lại nhiều lần khiến những thành quả đã đạt được trong cuộc sống trở thành gánh nặng là nỗi ám ảnh với bản thân mình.

Một cảnh trong phim “Nụ cười“. Ảnh: Đạo diễn cung cấp
Một cảnh trong phim “Nụ cười“. Ảnh: Đạo diễn cung cấp

Quá khứ tốt đẹp là để chiếu sáng, để tô điểm cho tương lai nở hoa hạnh phúc. Đặt quá khứ xuống cũng là lúc tương lai có thể nảy mầm, phát triển. Trong quá trình làm phim, có một câu hát trong bài hát “Bốn mùa thay lá” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn vang trong tôi: “...Không hẹn mà đến/ Không chờ mà đi/ Bốn mùa thay lá/ Thay hoa thay mãi đời ta/ Bên trời xanh mãi/ Những nụ mầm mới/ Để lại trong cõi thiên thu/ Hình dáng nụ cười...

“Mảnh ghép của rồng” như anh từng nói lấy ý tưởng từ kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Huế nên việc chuyển các linh vật, các hoa văn họa tiết dân tộc từ phù điêu, chạm khắc, tranh pháp lam, tranh thêu thành các nhân vật hoạt hình 3D cũng là một thách thức rất lớn khi phải cân đối giữa việc tôn trọng nguyên mẫu và sáng tạo để nhân vật có tạo hình và chuyển động phù hợp với bộ phim. Còn “Nụ cười”, anh có thể nói về những thách thức gặp phải khi thực hiện bộ phim này?

- Hơn 10 năm trước, đã có một phim “Nụ cười” lúc đó tôi đặt tên là “Không gian sống” xin phép trường Đại học Sân Khấu - Điện Ảnh Hà Nội tham dự Liên hoan phim Việt Nam, tôi cũng đã mang phim lên Cục Điện Ảnh để xin cấp phép nhưng sau đó do những vấn đề của bộ phim mà tôi chưa thể giải quyết được trong thời điểm đó nên “Nụ cười” phải dừng lại tới thời điểm này.

Tôi nghĩ, mỗi bộ phim đều có thời điểm riêng, có thời điểm phù hợp về nội dung nhưng lại thách thức về kỹ thuật, về thiết bị nên không thể thực hiện được, có thời điểm khi đã giải quyết được những thách thức về kỹ thuật thì nội dung kịch bản lại thiếu sáng tạo, không còn mới, không còn phù hợp.

Xuất phát điểm của bộ phim tôi muốn nói về những thay đổi trong cuộc sống hiện đại làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các thế hệ và mỗi người trong cộng đồng khiến những điều tưởng vô cùng giản dị, quen thuộc trở nên xa lạ, con người tự sống thu mình trong những căn hộ như những chiếc lồng.

Để đáp ứng với những thay đổi về kịch bản trong phim “Nụ cười” hiện tại, tôi thay đổi toàn bộ thiết kế nhân vật, diễn xuất và bối cảnh. Tuy là phim hoạt hình nhưng về mặt tạo hình bối cảnh, tôi xây dựng toàn bộ từ những khung cảnh quen thuộc với tuổi thơ của mình như bể nước tập thể, vòi nước, cột điện, góc cầu thang cũ, ô cửa sổ có lồng sắt bao quanh của những khu tập thể cũ hiện nay vẫn còn sót lại trong ngõ Văn Hương, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội.

Có những chi tiết chỉ thoáng qua trong phim như những ổ điện, cầu chì cũ, chiếc giường nhỏ của nhân vật, buồng tắm nhỏ ở góc bể nước đều gắn bó với những kỷ niệm cá nhân của bản thân tôi.

Thực tế là dù đã được chuẩn bị nhưng quá trình xây dựng, tạo hình bối cảnh chiếm tới 60% thời gian làm phim. Lý do tôi phải chọn lọc kỹ như vậy bởi với những người làm công tác giảng dạy như tôi, cơ hội làm phim không nhiều, nếu bỏ phí hoặc không chuẩn bị thật kỹ lưỡng thì sẽ rất khó có cơ hội tiếp theo.

Để làm phim, tôi hoàn toàn phải tự đầu tư các nguồn lực từ trang thiết bị đến kỹ thuật thực hiện. Tôi chỉ có thể sử dụng thời gian, công sức, tài chính đáng lẽ được dùng chăm sóc cho gia đình, cho bản thân để tập trung tối đa cho bộ phim.

Thách thức lớn nhất với tôi có lẽ là không cho phép mình để quãng thời gian đó trở nên vô ích bởi dù không ai nói ra nhưng trong lòng mọi người trong gia đình đều kỳ vọng vào những gì tốt đẹp.

Vì sao đã qua thời COVID-19, với “Nụ cười”, anh vẫn đi theo con đường của “Mảnh ghép của rồng” - tự làm tất cả. Vì anh cảm thấy khó mà hòa hợp với tập thể hay bởi anh quan niệm: Sáng tạo là con đường độc đạo của cá nhân?

- Như đã nói ở trước, đây là bộ phim tôi đã chuẩn bị nhiều năm, lẽ ra nó là bộ phim đầu tay của tôi nên rất dễ để trả lời vì sao tôi phải làm phim một mình bởi: Ai sẽ làm phim với một người không có hỗ trợ tài chính? Tại sao họ phải chọn tôi khi kịch bản tốt hoàn toàn có thể bán cho những cơ sở làm phim chuyên nghiệp! Tôi có đủ tin cậy để đảm bảo chất lượng cho tác phẩm của họ hay không?

Tôi chưa bao giờ có ý hướng tới việc làm phim một mình, ở phiên bản trước quá trình làm phim có sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong việc xây dựng một số bối cảnh, đạo cụ cho phim và trong bản phim hiện tại tôi cũng sử dụng rất nhiều những tư tài liệu từ những dự án đã làm trong nhiều năm qua.

Từ những cảnh ngoại nhiều chi tiết hay những chi tiết đơn giản như viên gạch, viên ngói, cửa chớp, đồ đạc... có những chi tiết chỉ tham gia vào background, xuất hiện trên phim với thời lượng rất ít nhưng cũng có quá trình chuẩn bị nhiều năm.

Vì sao là một họa sĩ, anh lại quyết định làm phim hoạt hình thay vì làm triển lãm tranh? Tình yêu phim hoạt hình đến với anh nhờ cơ duyên nào?

- Tôi đến với việc làm phim đơn giản vì việc làm các clip quảng cáo hoạt hình 3D cho tôi có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình và bản thân. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì đồ họa máy tính và công nghệ hoạt hình 3D với tôi là một khái niệm xa lạ.

Tôi tốt nghiệp năm 1997, đúng vào lúc Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - PV) đầu tư cho trường một dàn máy Silicon Graphics (máy tính đồ họa rất mạnh thời bấy giờ), khóa học ngắn ngày với chuyên gia của Silicon Graphics tuy tôi không nắm được nhiều kiến thức nhưng mở ra cho tôi thêm một hướng đi mới trong công việc tương lai.

May mắn là những năm đó cũng là những năm mà kinh tế Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ kéo theo nhu cầu làm phim quảng cáo sản phẩm trên truyền hình khiến chúng tôi có cơ hội áp dụng nghề nghiệp của mình vào thực tế.

Một điều may mắn khác là mặc dù so còn khá thô sơ so với hiện tại nhưng những phim quảng cáo hoạt hình 3D đầu tiên của tôi nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khán giả khiến tôi có thêm động lực trau dồi kỹ thuật làm phim hoạt hình. Quá trình làm phim hoạt hình quảng cáo dù thời lượng không nhiều nhưng rèn luyện cho tôi khả năng làm việc độc lập, khả năng chịu đựng sức ép về thời gian và tiến độ. Những kỹ năng rất cần thiết cho công việc làm phim hiện tại của tôi.

Thời điểm này, làm phim là lựa chọn phù hợp với tôi nhưng có thể vào một thời điểm khác tôi sẽ lựa chọn mỹ thuật làm phương tiện biểu đạt cảm xúc của mình. Theo cá nhân tôi, vẽ tranh hay làm phim tuy khác nhau về hình thức nhưng tương đồng về mặt sáng tạo.

Làm phim hoạt hình hay vẽ tranh chỉ là cách truyền đạt cảm xúc khác nhau của người nghệ sĩ dù tác phẩm mỹ thuật là hình ảnh tĩnh còn bộ phim là một chuỗi các hình ảnh kết hợp với diễn xuất, âm nhạc và âm thanh thành một câu chuyện hoàn chỉnh khiến người nghệ sĩ cần có cái nhìn tổng quát hơn. Để có được một bộ phim tốt tôi vẫn luôn phải trau dồi, rèn luyện tư duy thẩm mỹ và kỹ thuật thể hiện đa dạng trên nhiều chất liệu.

Anh là một nhà làm phim không chuyên nhưng thời gian, tâm sức và chất lượng tác phẩm của anh lại rất chuyên nghiệp. Vậy có bao giờ anh nghĩ sẽ bỏ tất cả chỉ dành cho làm phim?

- Đúng là trước đây tôi từng mong muốn có điều kiện tài chính để tập trung duy nhất cho việc làm phim. Nhưng thực tế công việc sáng tạo là quá trình nạp xả. Dù có ở bất kỳ trình độ nào, có điều kiện trang thiết bị vật chất, tài chính mạnh mẽ đến đâu thì cũng cần cân bằng giữa việc sáng tạo và tiếp nhận những nguồn năng lượng sáng tạo phong phú. Công việc giảng dạy cũng là một công việc hết sức thú vị.

Hằng ngày, tôi giúp đỡ những sinh viên của mình thiết kế hoặc thực hiện những bộ phim của họ cũng là lúc tôi tiếp nhận năng lượng sáng tạo từ họ. Tiếp xúc với sinh viên - những người trẻ, nhiều năng lượng và có những ý tưởng mới giúp tôi có thêm động lực làm việc, giúp tôi có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp của mình.

Phải chia đôi thời gian giữa việc dành thời gian cho giảng dạy và thời gian thực hiện bộ phim của mình khiến cho công việc của tôi có thể kéo dài hơn nhưng tôi nghĩ đó cũng là cách tôi quan sát bản thân mình, có thể hiểu được những việc mình làm được và những việc mình không làm được. Ai cũng muốn có thể dốc toàn tâm toàn ý để thực hiện công việc của mình, ước mơ của mình.

Tuy nhiên, mỗi người làm phim phải tìm ra cách làm việc tối ưu với mình. Khi thực hiện bộ phim tôi dành hết tâm trí, khi bộ phim hoàn thành tôi làm mới bản thân, tìm ý tưởng sáng tạo từ việc chia sẻ với các bạn sinh viên. Thời điểm này, với tôi sự cân bằng giữa việc giảng dạy và làm phim là phương án làm việc tốt cho bản thân.

Dự tính của anh trong 5 và 10 năm tới, anh còn những mục tiêu nào để chinh phục?

- Trong 5, 10 năm tới chắc chắn tôi vẫn làm phim. Với tôi, điện ảnh và phim hoạt hình Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Mỗi người nghệ sĩ đều cảm thấy hạnh phúc khi được hòa mình cùng dòng chảy đó. Hạnh phúc hơn nữa nếu bản thân mình có thể góp sức làm cho dòng chảy đó trở nên mạnh mẽ.

Mọi thứ sẽ thay đổi không ngừng nên với tôi không có đỉnh cao nào để chinh phục. Tôi chỉ cố gắng được góp sức trong dòng chảy mạnh mẽ đó thật lâu trong khả năng của mình. Hy vọng khi khả năng và năng lực sáng tạo không còn phù hợp nữa, khi dừng lại, tôi thấy được mình đã đi một quãng đường thật xa.

Cám ơn anh và chúc anh đi xa nhất có thể trên đường nghệ thuật!

Trần Việt (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Nên có sự kiểm soát các cuộc thi hoa hậu

Thùy Trang |

Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu bất cập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, du lịch, văn hóa thời trang.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.

Đạo diễn Trần Lực nhớ nhiều kỷ niệm quay Em và Trịnh khi đến Đà Lạt

Mai Hương |

Tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tại TP Đà Lạt, trao đổi với Lao Động, đạo diễn Trần Lực cho biết, bản thân có cảm xúc đặc biệt khi đến tham dự Liên hoan Phim.

Luật Thi đua, Khen thưởng mới có gì đặc biệt?

Nhóm PV |

Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2024. Theo đó, luật quy định về các danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua; Các loại hình khen thưởng đối với cá nhân, tập thể và điều kiện để được trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng…

Thổ Nhĩ Kỳ được lệnh không cản trở việc tặng tàu chiến cho Ukraina

Linh Nhi |

Thổ Nhĩ Kỳ được yêu cầu hành động phù hợp với vai trò là thành viên NATO và không được cản trở Anh tặng tàu chiến cho Ukraina.

Thiết lập cơ chế bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh

PHẠM ĐÔNG |

Ngày 8.1, Văn phòng Chính phủ thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trong đó có thiết lập cơ chế bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.

Bảo Hân "Về nhà đi con": Thích đóng cùng Mạnh Trường, ấn tượng với Doãn Quốc Đam

Nhóm PV |

Diễn viên Bảo Hân tham gia thử thách "3 phút với người nổi tiếng" của báo Lao Động, nữ diễn viên chia sẻ tình cảm đặc biệt dành cho Mạnh Trường, Bảo Thanh, Doãn Quốc Đam.

Tội phạm mạng đang lợi dụng trí tuệ nhân tạo để lừa đảo

Tùng Giang |

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo, song danh sách bị hại trong những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao vẫn có chiều hướng gia tăng và số tài sản chúng chiếm đoạt ngày một lớn.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Nên có sự kiểm soát các cuộc thi hoa hậu

Thùy Trang |

Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu bất cập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, du lịch, văn hóa thời trang.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.

Đạo diễn Trần Lực nhớ nhiều kỷ niệm quay Em và Trịnh khi đến Đà Lạt

Mai Hương |

Tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tại TP Đà Lạt, trao đổi với Lao Động, đạo diễn Trần Lực cho biết, bản thân có cảm xúc đặc biệt khi đến tham dự Liên hoan Phim.