Đua vũ khí siêu vượt âm: Vì sao Mỹ tụt lại phía sau?

Tường Linh (Tổng hợp) |

Tháng 10 này, nhiều nước đã tiến hành thử vũ khí siêu vượt âm và Nga được cho là đang dẫn đầu. Còn Mỹ, sau nhiều nỗ lực thử nghiệm dường như vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là đã bị tụt lại trong cuộc đua đặc biệt này.

Thứ vũ khí tấn công tiên tiến

Đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Hải quân nước này đã lần đầu tiên phóng thử tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm hạt nhân. Tin tức từ Nga cho biết tên lửa được bắn đi từ tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk và đánh trúng mục tiêu giả định ở Biển Barents. Vụ bắn thử được đánh giá là thành công.

Nga cũng công bố video về cuộc thử nghiệm. Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy vụ phóng thử diễn ra ban đêm. Quả tên lửa sau khi rời tàu ngầm vọt thẳng lên không trung ở vận tốc cao rồi lao tới mục tiêu.

Sự kiện đã gây chú ý từ cộng đồng nghiên cứu quân sự và quốc phòng, bởi nó cho thấy Nga đang có những bước tiến vững chắc về khả năng chế tạo và làm chủ vũ khí siêu vượt âm.

Khác với siêu âm (supersonic), khái niệm siêu vượt âm (hypersonic) được dùng để chỉ các loại vũ khí, phương tiện có tốc độ di chuyển vượt tốc độ âm thanh rất nhiều lần. Về cơ bản, Mach 1 là tốc độ của âm thanh. Tốc độ từ Mach 1 tới Mach 5 được xem là siêu âm, trong khi trên Mach 5 là siêu vượt âm.

Trong trường hợp cụ thể của Zircon, đây là loại tên lửa siêu vượt âm, có tốc độ tối đa hơn 9 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2,65 km/giây). Zircon có thể mang đầu đạn thuốc nổ mạnh với trọng lượng tối đa 200kg hoặc đầu đạn hạt nhân. Vũ khí này có tầm bắn trên dưới 1.000km, có khả năng tấn công cả mục tiêu trên biển và trên đất liền.

Tên lửa này được thử nghiệm bắn đi từ máy bay ném bom Tu-22M3 trong hai năm 2012 và 2013. Việc thử tên lửa từ bệ phóng trên mặt đất được thực hiện trong năm 2015. Ban đầu Zircon đạt tốc độ thấp hơn hiện nay và chỉ chạm mốc Mach 8 (9.800km/h) vào tháng 4.2017. Tháng 11 năm đó, Nga thông báo tên lửa đã được đưa vào trang bị.

Theo một báo cáo mới được Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố gần đây, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên hiện là số ít các quốc gia trên thế giới đã từng bắn thử tên lửa siêu vượt âm. Trong khi đó, Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đều có kế hoạch nghiên cứu chế tạo vũ khí này. Iran, Israel và Hàn Quốc mới chỉ tiến hành các nghiên cứu cơ bản về công nghệ.

Hình ảnh được cho là mô hình vũ khí siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc. Nguồn: AFP
Hình ảnh được cho là mô hình vũ khí siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc. Nguồn: AFP

Giữa tháng 10, tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc phóng một tên lửa Trường Chinh 2C lên không gian hồi tháng 8, mang theo phương tiện bay siêu vượt âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Phía Mỹ nói rằng phương tiện bay thử nghiệm này đã lao trượt mục tiêu, nhưng nó cho thấy sự tiến bộ bất ngờ của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm.

Vào cuối tháng 9, Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm tại tỉnh Jagang. Thông báo được đưa ra sau khi quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận có phát hiện Triều Tiên bắn một tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này.

Theo các nhà quan sát, trong số những nước đã thử vũ khí siêu vượt âm thì Nga tiến nhanh nhất. Giới chức Nga đã có kế hoạch hoàn tất thử nghiệm Zircon trên tàu ngầm vào cuối năm nay. Sau đó vũ khí này sẽ được đưa vào trang bị của Hải quân Nga từ năm 2022.

Vì sao nhiều nước thèm muốn?

Mặc dù không đảo lộn trật tự cán cân hạt nhân toàn cầu, vũ khí siêu vượt âm lại mang tới một công cụ răn đe đầy tiềm năng, bên cạnh “cây đinh ba” hạt nhân truyền thống gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn đi từ mặt đất gắn đầu đạn hạt nhân, ICBM bắn đi từ tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa.

Nguyên nhân nằm ở năng lực tấn công vượt trội của loại vũ khí này. Tên lửa siêu vượt âm giống các loại tên lửa đạn đạo thông thường có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở chỗ nó có thể bay rất nhanh. Nhưng trong khi ICBM bay cao lên không gian, theo một quỹ đạo hình vòng cung, trước khi quay trở lại bầu khí quyển để lao trúng mục tiêu, thì tên lửa siêu vượt âm vẫn ở lại bầu khí quyển trong suốt hành trình bay, qua đó có thể tới đích nhanh hơn.

Tên lửa đạn đạo có thể đạt tốc độ tới Mach 20 tuy nhiên quỹ đạo của chúng dễ đoán và có độ cơ động thấp, chỉ thay đổi chút ít đường bay sau khi trở lại bầu khí quyển. Trong khi đó, vũ khí siêu vượt âm cực kỳ cơ động. Nó sử dụng lực nâng do dòng khí tạo ra để lượn vòng và né tránh các tên lửa đánh chặn có tốc độ thấp hơn nhiều. Việc tiếp cận mục tiêu ở độ cao thấp khiến vũ khí siêu vượt âm cũng có thể tránh né việc bị radar phát hiện, cho tới khi đến gần mục tiêu, khiến nó càng khó bị ngăn chặn.

Trong khi những nước giàu và nhiều tiềm lực như Mỹ đã thiết kế hệ thống phòng thủ chống tên lửa hành trình cùng ICBM, khả năng phát hiện, bắt bám và bắn hạ một quả tên lửa siêu vượt âm hiện vẫn là dấu hỏi lớn.

Báo cáo của CRS đã cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện chưa có đủ khả năng để phát hiện, theo dõi và phản ứng kịp thời với một vụ tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm. Ví dụ, hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis của Mỹ hiện cần thời gian phản ứng kéo dài từ 8-10 giây để đánh chặn các tên lửa đang bay tới.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, các tên lửa Zircon của Nga đã di chuyển xa tới 20km. Đó là chưa kể tới việc các tên lửa đánh chặn không bay đủ nhanh để bắt kịp chúng, theo nhận định của cổng thông tin Military.com.

Ngoài ra còn phải tính tới khả năng người ta có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên vũ khí siêu vượt âm, khiến nó có khả năng tấn công nhanh hơn các loại tên lửa truyền thống, trong khi khả năng huỷ diệt lại lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên gắn đầu đạn hạt nhân lên vũ khí siêu vượt âm sẽ khiến một quốc gia trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời làm gia tăng khả năng xung đột hạt nhân, nên đây có thể chưa phải là hướng phát triển mà các nước đang theo đuổi loại vũ khí đặc biệt này mong muốn.

Một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ mang tên "Vũ khí siêu vượt âm: Nền tảng và các vấn đề dành cho Quốc hội", được xuất bản hồi tháng 8 năm nay, chỉ ra rằng việc sử dụng vũ khí này có thể dẫn tới tình trạng gia tăng cấp độ của một cuộc xung đột ngoài chủ ý của các bên liên quan.

Báo cáo chỉ ra rằng thời gian bay rất ngắn của vũ khí siêu vượt âm khiến các quốc gia bị tấn công có ít thời gian để cân nhắc biện pháp đáp trả. Vì thế, có khả năng sẽ có những phản ứng vượt tầm kiểm soát từ quốc gia bị tấn công.

Một yếu tố nữa là đường bay khó đoán định của vũ khí siêu vượt âm. Yếu tố lợi thế này có thể trở thành bất lợi, bởi tính khó đoán định có thể khiến những quốc gia không phải là mục tiêu hiểu lầm và có phản ứng đáp trả quốc gia sử dụng vũ khí.

Ngoài ra, việc người ta không biết liệu vũ khí siêu vượt âm có được trang bị đầu đạn hạt nhân hay không, nên một vụ tấn công bằng đầu đạn bình thường có thể bị đáp trả nhầm bằng vũ khí hạt nhân.

Cameron Tracy, một chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Đại học Stanford cho rằng giải pháp để xử lý các vấn đề này là thêm vũ khí siêu vượt âm vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên cần lưu ý rằng hiện Triều Tiên và Trung Quốc đang không tham gia bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân nào. "Việc phát triển các loại vũ khí đó, cuộc đua chế vũ khí siêu vượt âm này, có thể tạo ra một tình thế không ổn định. Vì thế cần phải hành động nhanh nhất có thể”, bà Tracy nói.

Mỹ có khả năng "đã lỡ chuyến tàu"

Một câu hỏi đặt ra là Mỹ đang ở đâu trong cuộc đua sở hữu vũ khí siêu vượt âm? Trang phân tích First Post của Ấn Độ đánh giá nếu các tin tức được công bố cho tới nay đáng tin thì khả năng Mỹ đã "lỡ chuyến tàu".

Bộ Quốc phòng Mỹ luôn tỏ ra không nhất quán trong chính sách của họ liên quan tới loại vũ khí này. Có lúc Lầu Năm Góc ủng hộ việc chế tạo vũ khí siêu vượt âm, chỉ để sau đó lại từ bỏ ý định khi đối diện với các trở ngại lớn về mặt kỹ thuật, như hệ thống động lực, hệ thống kiểm soát bay và hệ thống chống tăng nhiệt.

Theo các nhà nghiên cứu, lực cản không khí là trở ngại lớn trong việc chế tạo vũ khí siêu vượt âm. Một phương tiện bay ở tốc độ Mach 5 trong bầu khí quyển sẽ chịu lực cản lớn hơn 25 lần so với khi nó bay ở Mach 1. Trong khi đó, phương tiện bay ở Mach 20 chịu lực cản lớn hơn 400 lần so với Mach 1.

Nghiêm trọng  hơn nữa là tình trạng mất năng lượng khi một phương tiện bay siêu vượt âm phải đẩy không khí sang hai bên để tiến lên. Càng bay nhanh, nó càng mất năng lượng nhanh. Một phương tiện bay ở tốc độ Mach 5 sẽ mất năng lượng nhanh hơn 125 lần so với phương tiện bay ở Mach 1. Ở tốc độ Mach 20, nó sẽ mất năng lượng nhanh hơn 8.000 lần Mach 1.

Chưa dừng lại ở đó, năng lượng động năng từ phương tiện bay sẽ chuyển thành năng lượng nhiệt và sóng xung kích. Các góc cạnh nằm ở đầu phương tiện bay siêu vượt âm có thể tăng nhiệt tới mức hơn 1.700 độ C trong một thời gian dài. Bảo vệ phương tiện bay khỏi nhiệt lớn như vậy là một trong những vấn đề lớn mà các kỹ sư phải đối mặt.

Một ví dụ rõ ràng cho thấy sự thiếu nhất quán của người Mỹ là nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm thời Chiến tranh Lạnh. Trong năm 1963, sau khi tiêu số tiền tương đương 5 tỉ USD theo thời giá hiện nay để phát triển phương tiện bay siêu vượt âm X-20 Dyna, Mỹ đã đột ngột từ bỏ mẫu thiết kế này.

"Bạn chứng kiến rất nhiều hoạt động, rất nhiều đầu tư, rồi sau đó lại thấy kết luận rằng đây là mục tiêu khó với tới", kỹ sư hàng không không gian Mark Lewis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng và kỹ thuật phục vụ hiện đại hóa tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

"Cộng đồng nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm không được cấp đủ tiền và đã bị lãng quên trong nhiều năm", Daniel DeLaurentis, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và cải tiến quốc phòng tại Đại học Purdue chia sẻ với tạp chí Science.

Hiện hai công ty Lockheed Martin và Raytheon Technologies đang nghiên cứu chế tạo các hệ thống vũ khí siêu vượt âm khác nhau cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đề nghị ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm tài khóa 2022 cho nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm là 3,8 tỉ USD, tức đã tăng hơn mức 3,2 tỉ USD so với năm trước.

Hồi tháng 9, Cơ quan phát triển các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã thử thành công một vũ khí siêu vượt âm có khả năng bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Đây là cuộc thử thành công đầu tiên của loại vũ khí này ở Mỹ kể từ năm 2013.

Tuy nhiên tới tháng 10, Lầu Năm Góc đã lên tiếng yêu cầu các nhà thầu trong nước phải cắt chi phí chế tạo vũ khí siêu vượt âm, trong bối cảnh các tên lửa được chế tạo ra theo chương trình này có chi phí lên tới hàng chục triệu USD mỗi quả.

"Chúng ta phải tìm ra cách để chế ra vũ khí siêu vượt âm theo hướng có chi phí chấp nhận được”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách hoạt động nghiên cứu và kỹ thuật, bà Heidi Shyu, nói với các phóng viên tại một cuộc hội thảo ở Washington vào đầu tháng 10.

Theo báo cáo của CRS, so với các hệ thống vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc, phần lớn các vũ khí siêu vượt âm của Mỹ không được thiết kế để sử dụng với đầu đạn hạt nhân. Kết quả là vũ khí của Mỹ sẽ cần độ chính xác cao hơn và đối diện với các thách thức kỹ thuật lớn hơn so với Nga và Trung Quốc.

Những yêu cầu này cũng khiến vũ khí siêu vượt âm của Mỹ chắc chắn sẽ có chi phí nghiên cứu, chế tạo đắt đỏ hơn nhiều so với đối thủ. Và việc Bộ Quốc phòng muốn xiết bớt ngân sách nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu vượt âm chắc chắn sẽ không giúp ích nhiều cho nỗ lực sở hữu thứ vũ khí mang tầm chiến lược này của Mỹ.

Nga tự tin không có đối thủ trong mảng vũ khí siêu vượt âm

Tháng 4,2021, Tổng Giám đốc kiêm Tổng công trình sư Tổng công ty quốc phòng NPO Mashinostroyenia, ông Alexander Leonov, cho biết công ty sẽ bàn giao lô vũ khí siêu vượt âm Avangard mới cho quân đội Nga trong năm nay.

Phát biểu tới báo giới, ông Leonov cũng tự tin khẳng định Nga "không có đối thủ" trong các chương trình chế tạo vũ khí siêu vượt âm. "Việc chúng ta đi trước phần còn lại của thế giới không còn là bí mật nữa", ông nói.

Avangard là một trong 6 vũ khí chiến lược mới của Nga được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu với thế giới vào ngày 1.3.2018.

Nga thử tên lửa Zircon trên biển. Nguồn: AFP
Nga thử tên lửa Zircon trên biển. Nguồn: AFP
Vũ khí siêu vượt âm Avangard, trước đó được biết tới với các tên Đề án 4202, Yu-71 và Yu-74, là một phương tiện có khả năng lướt trên không với tốc độ cao (HGV). Avangard được gắn lên các loại ICBM hạng nặng như UR-100UTTKh, R-36M2 và RS-28 Sarmat trong vai trò đầu đạn. Người ta có thể gắn đầu nổ thông thường hoặc hạt nhân lên Avangard.

Khi giới thiệu Avangard, ông Putin nói rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo hồi năm 2002 đã buộc Nga phải phát triển vũ khí siêu vượt âm để tự vệ. "Chúng tôi phải tạo ra các vũ khí (siêu vượt âm) để đối phó với việc Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa mang tính chiến lược, thứ trong tương lai sẽ có khả năng vô hiệu hóa tất cả các tiềm năng hạt nhân của chúng tôi", ông nói.

Vũ khí siêu vượt âm Avangard được cho là bắt đầu thử nghiệm từ tháng 2.2015 kéo dài sang tháng 6.2016 trên các ICBM UR-100UTTKh bắn đi từ Căn cứ không quân Dombarovsky.  Phương tiện bay này đã đạt tốc độ lên tới 11.200 km/h và đã đánh trúng các mục tiêu nằm ở Bãi thử tên lửa Kura ở Kamchatka. Tháng 10.2016, một cuộc thử nghiệm khác với Avangard đã được thực hiện bằng ICBM R-36M2 và cũng đã thành công.

Cuộc thử nghiệm gần đây nhất được tiến hành vào ngày 26.12.2018. Tên lửa UR-100UTTKh mang theo Avangard đã đánh trúng mục tiêu nằm ở Bãi thử tên lửa Kura. Phó Thủ tướng Nga khi ấy, ông Yury Borisov nói rằng Avangard đã di chuyển với tốc độ nhanh hơn 27 lần vận tốc âm thanh, khiến việc đánh chặn nó là không thể. Tháng 12.2019, tiểu đoàn tên lửa đầu tiên được trang bị các HGV Avangard đã chính thức được triển khai để thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga hiện có 4 tổ hợp Avangard.

Sau khi giới thiệu Avangard vào đầu năm 2018, cuối năm đó ông Putin tiếp tục thông báo Nga đang phát triển thế hệ vũ khí siêu vượt âm mới, chính là các tên lửa Zircon. Khác với Avangard, Zircon có thể được dẫn đường tùy ý trong hành trình bay, do đó trở nên hiệu quả hơn nhiều trong việc chống các mục tiêu di động quan trọng của đối phương, như tàu chiến.

Theo đánh giá của trang tin quân sự Military.com, hiện Mỹ chưa có động cơ đủ mạnh để quan ngại với vũ khí siêu vượt âm của Nga. Nhưng ngay khi Moskva làm chủ công nghệ này, người Nga sẽ nắm trong tay một công cụ với khả năng thay đổi cuộc chơi, buộc Mỹ phải đưa ra các tính toán chiến lược mới, thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bên.

H.LONG

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Nga bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn siêu thanh từ Âu sang Á

Thanh Hà |

Nga bắn tên lửa có khả năng mang đầu đạn siêu thanh từ Châu Âu sang Châu Á trong vụ phóng thử từ tàu ngầm hạt nhân ở vùng Viễn Bắc Nga.

Sửng sốt với tàn tích tên lửa siêu thanh đầu tiên thế giới

Song Minh |

Tàn tích của tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới vừa được khai quật ở Đông Nam nước Anh.

Nga tiết lộ thông tin tên lửa siêu nhẹ đầu tiên sản xuất nội địa

Khánh Minh |

Bộ Quốc phòng Nga công bố hình dáng và đặc điểm kỹ thuật tên lửa siêu nhẹ Irkut đầu tiên sản xuất trong nước.

Trung Quốc tung ra tên lửa cho sứ mệnh phi hành đoàn mới nhất

Nguyễn Hạnh |

Trung Quốc đã đặt tên lửa lên bệ phóng để chuẩn bị đưa 3 phi hành gia lên module lõi Thiên Hà của Trạm vũ trụ Thiên Cung, mặc dù ngày phóng vẫn chưa được tiết lộ.

Nga tung video bắn thử tên lửa siêu thanh đình đám từ tàu ngầm

Thanh Hà |

Nga tuyên bố lần đầu phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon (Tsirkon) từ tàu ngầm.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nga bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn siêu thanh từ Âu sang Á

Thanh Hà |

Nga bắn tên lửa có khả năng mang đầu đạn siêu thanh từ Châu Âu sang Châu Á trong vụ phóng thử từ tàu ngầm hạt nhân ở vùng Viễn Bắc Nga.

Sửng sốt với tàn tích tên lửa siêu thanh đầu tiên thế giới

Song Minh |

Tàn tích của tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới vừa được khai quật ở Đông Nam nước Anh.

Nga tiết lộ thông tin tên lửa siêu nhẹ đầu tiên sản xuất nội địa

Khánh Minh |

Bộ Quốc phòng Nga công bố hình dáng và đặc điểm kỹ thuật tên lửa siêu nhẹ Irkut đầu tiên sản xuất trong nước.

Trung Quốc tung ra tên lửa cho sứ mệnh phi hành đoàn mới nhất

Nguyễn Hạnh |

Trung Quốc đã đặt tên lửa lên bệ phóng để chuẩn bị đưa 3 phi hành gia lên module lõi Thiên Hà của Trạm vũ trụ Thiên Cung, mặc dù ngày phóng vẫn chưa được tiết lộ.

Nga tung video bắn thử tên lửa siêu thanh đình đám từ tàu ngầm

Thanh Hà |

Nga tuyên bố lần đầu phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon (Tsirkon) từ tàu ngầm.