Sputnik đưa tin, các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật quốc gia Voronezh Nga đang phát triển dự thảo thiết kế tàu kéo đưa vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau, sử dụng tên lửa siêu nhẹ, được gọi là BORIS.
Các luận điểm của các chuyên gia Voronezh được công bố trong tuyển tập tài liệu học thuật về vũ trụ.
Theo các nhà phát triển, tàu kéo nặng 80 kg, chở theo 16 kg nhiên liệu lỏng, đủ để kéo theo một số vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau. Đó là lợi thế cạnh tranh so với các tên lửa không có tàu kéo.
Nga đang phổ biến việc sử dụng các tầng tăng tốc, trên thực tế cũng chính là các tàu kéo đưa vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau.
Ngày 22.3, tầng Fregat được sử dụng trong tên lửa Soyuz đã mang theo 38 vệ tinh nước ngoài đến các quỹ đạo khác nhau sau khi quá trình cất cánh bị hoãn 2 lần do các vấn đề kỹ thuật, và vào ngày 25.3 đưa 36 vệ tinh đến các điểm khác nhau trên cùng một quỹ đạo.
Trước đó, Sputnik đã đưa tin, Nga có kế hoạch chi hơn 52 triệu USD cho việc phát triển tàu lai dắt chạy bằng năng lượng hạt nhân để phục vụ các chuyến bay vũ trụ đến các hành tinh trong hệ mặt trời - theo tài liệu của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos.
Dự án sơ bộ này thuộc chương trình chế tạo thử nghiệm mang tên Nuclon. Mục đích của dự án là nghiên cứu phát triển tổ hợp vận tải năng lượng dạng module hoạt động trong vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tháng 7 năm ngoái, Tổng giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết Nga đang tích cực phát triển động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân để trong tương lai đưa tàu vũ trụ hạng nặng đến các hành tinh khác trong hệ mặt trời và xa hơn nữa.
Đội ngũ chuyên gia từ các doanh nghiệp thuộc Roscosmos đang nghiên cứu dự án module vận tải năng lượng (TEM) trên cơ sở trạm điện hạt nhân lớp megawatt. Theo kế hoạch, khu phức hợp kỹ thuật để nghiên cứu chế tạo các vệ tinh TEM sẽ được xây dựng tại sân bay vũ trụ Vostochny và đi vào hoạt động vào năm 2030.