Đưa giá trị di sản vào du lịch

Khánh An |

Cần gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình gìn giữ vốn di sản của cha ông để lại.

85% du lịch Huế là du lịch di sản

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất giàu trầm tích văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, tương ứng với thời kì Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636 - 1775), rồi Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788 - 1945).

Hiện nay, Huế sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh, gần 1.000 công trình được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - cho biết, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cùng với những chính sách hỗ trợ.

Ngày 10.12.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

“Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc: Giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Cố đô Huế phát triển nhanh và bền vững dựa trên đúng thế mạnh và đặc trưng riêng của mình” - ông Hải nhấn mạnh.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống làm nền tảng cho phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa như: Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc; Huế - Kinh đô Áo dài, Huế - Kinh đô Ẩm thực; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao; Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống...

Giám đốc Sở tỉnh này cũng cho hay, khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu toàn xã hội từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỉ trọng cao.

Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu, đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (năm 1995) đã tăng lên trên 12% (năm 2019). Trong đó, đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch di sản.

Điều này cho thấy, di sản Huế có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn, thân thiện của du lịch Việt Nam. Trong tháng 3.2023, báo The Travel của Canada vừa bình chọn Huế là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam mà du khách cần đến khám phá và trải nghiệm. Đồng thời, Huế cũng sở hữu nhiều danh hiệu như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

“Bản sắc văn hoá các dân tộc không chỉ là di sản, mà còn là tài sản”

Tại Lào Cai, sự đa dạng về di sản văn hóa của các dân tộc trở thành đặc điểm nổi bật của tỉnh. Trong đó, điểm nổi bật của văn hóa Lào Cai thể hiện ở các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Với nhiều di tích đặc thù như: Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, Dinh thự Hoàng A Tưởng, Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Đỉnh Fansipan, Ky Quan San, Nhìu Cồ San... Nhiều di tích, danh thắng đã trở thành điểm nhấn cho du lịch của Lào Cai, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng nổi tiếng là tỉnh có nhiều Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi nhận.

Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai - cho biết, trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh Lào Cai luôn xác định bản sắc văn hoá các dân tộc không chỉ là di sản, mà còn là tài sản, nguồn tài nguyên quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Du lịch được xem là “bà đỡ” của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, không thể chỉ bảo tồn một cách thụ động, bảo tồn theo hướng đóng cửa, mà bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng là chủ thể của văn hóa.

Với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú đã góp phần giúp cho du lịch Lào Cai có bước tăng trưởng mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh và được đánh giá là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc.

Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch năm 2019 đạt 19.200 tỉ đồng. Năm 2022, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 4,6 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 16,4 tỉ đồng.

“Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, lấy nhân dân vừa là trung tâm, vừa là người thụ hưởng văn hóa, thụ hưởng những lợi ích mang lại từ hoạt động bảo tồn, vừa gìn giữ vốn di sản văn hóa của cha ông để lại.

Cần gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình bảo vệ. Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ về kĩ thuật, chuyên môn trong đào tạo, tập huấn và nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm văn hóa, thể thao hết sức độc đáo, có giá trị và phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội” - ông Thắng cho hay.

Di sản như một “chiếc ô”

Ông Pascal Duforestel - Đại biểu Hội đồng Vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp), phụ trách hợp tác quốc tế - cho biết, các di sản đang đứng trước những thách thức cấp thiết của phát triển kinh tế. Vì vậy, cần phải bảo tồn di sản kiến ​​trúc, cảnh quan và môi trường trước sự khai thác của các nhà đầu tư; bảo tồn di sản cảnh quan trước áp lực từ du lịch đại chúng; gìn giữ bản sắc địa phương và di sản trong quá trình toàn cầu hóa cũng như tránh dân gian hóa các di sản văn hóa.

Ngoài ra, cần hướng đến mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản cho nhiều đối tượng công chúng khác nhau.

“Di sản không chỉ là một đối tượng để khai thác, nó còn là một công cụ tuyệt vời phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phục vụ người dân địa phương và khách du lịch” - ông Pascal Duforestel nói thêm.

Còn theo bà Melanie Doremus - Tổng Giám đốc Công ty AREP SOUTH ASIA, thay vì coi việc bảo tồn và phát huy di sản là một thành phần trong số những thành phần khác, thì cần coi đó là một “chiếc ô” để định hướng chiến lược phát triển.

“Giải quyết tất cả các vấn đề thông qua lăng kính chung của di sản sẽ giúp chúng ta đưa ra một đề xuất mang ý nghĩa toàn diện và làm cho di sản trở thành động lực của sự phát triển. Thay vì kiểm kê các địa điểm và di tích được phân loại, chúng ta hãy xem xét giá trị di sản dựa trên tất cả các thành phần khác nhau như: cơ sở hạ tầng và cấu trúc đô thị, lịch sử và văn hoá, giá trị về cảnh quan, môi trường...” - bà Melanie Doremus nêu quan điểm.

Khánh An
TIN LIÊN QUAN

Áo dài xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hoàng Văn Minh (thực hiện) |

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế rất xứng đáng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội đền Bà Triệu được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trần Lâm |

Sáng 11.3, Lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (ngày 22.2.248 - 22.22023) và lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu đã diễn ra tại Khu di tích đền Bà Triệu (ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Gìn giữ cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Mai Hương |

Đà Nẵng - Cùng với hệ thống ma nhai, các cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tạo nên nét cuốn hút riêng đối với du khách.

Bỏ túi kinh nghiệm ngắm trọn sông nước Ninh Bình cho kì nghỉ 30.4 và 1.5

Linh Boo |

Chỉ cách Hà Nội một tiếng rưỡi đi xe, Ninh Bình là điểm đến lí tưởng cho kì nghỉ lễ 30.4-1.5 sắp tới khi thời tiết còn dịu mát, cảnh quan xanh tươi...

Dời ngày khánh thành đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến 19.5

DUY TUẤN |

Ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản về kế hoạch lễ khánh thành 2 đoạn cao tốc: Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45 vào ngày 29.4, để người dân đi lại dịp lễ 30.4. Riêng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ mới hoàn thành tuyến chính, nên dời khánh thành đoạn đến ngày 19.5, để bảo đảm tốt nhất về điều kiện an toàn khai thác.

Tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến tuổi thọ thế nào?

Song Minh |

Sau tuổi nghỉ hưu, phụ nữ được cho là sẽ sống thọ hơn nam giới 4 năm.

Điều tra vụ vợ chết, chồng bị thương bất thường tại chung cư ở TPHCM

Chân Phúc |

TP Hồ Chí Minh -  Ngày 24.4, lực lượng chức năng Quận 12 đang điều tra vụ 2 vợ chồng thương vong tại 1 chung cư trên địa bàn.

Chuyện về “người rừng” sống một mình trên đỉnh Đa

Minh Nguyễn |

"Người rừng" Lại Văn Quang sinh sống một mình ở nơi hẻo lánh, hoang vu ở thành phố Hòa Bình.

Áo dài xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hoàng Văn Minh (thực hiện) |

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế rất xứng đáng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội đền Bà Triệu được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trần Lâm |

Sáng 11.3, Lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (ngày 22.2.248 - 22.22023) và lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu đã diễn ra tại Khu di tích đền Bà Triệu (ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Gìn giữ cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Mai Hương |

Đà Nẵng - Cùng với hệ thống ma nhai, các cây di sản tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tạo nên nét cuốn hút riêng đối với du khách.