Độc đáo nghề đan rơm của người Tày

Bài và ảnh KIỀU LÊ |

Khác hẳn với vẻ ồn ào náo nhiệt của thị trấn cao nguyên trắng bởi tấp nập khách du lịch lên Bắc Hà vào ngày chợ phiên, thăm quan khu dinh thự Hoàng A Tưởng, thung lũng hoa Bắc Hà hay những trang trại cây ăn quả ôn đới, rau hoa ở Tả Van Chư, Lùng Phình... vùng cao Bản Liền cách trung tâm thị trấn Bắc Hà chừng hai mươi cây số, với khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hữu tình đã cho miền đất này vẻ đẹp thanh bình.

Đến Bản Liền, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa đồng bào Tày dưới những nếp nhà sàn lá cọ, những tràn ruộng bậc thang uốn lượn, thưởng thức vị chè hữu cơ “uống sương, tắm trăng” trên núi... Nhưng có một điều thú vị mà bất cứ du khách nào đến đây đều muốn tìm hiểu về văn hóa bản địa của đồng bào Tày, trong đó có nghề làm đệm rơm rất độc đáo ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Dù cuộc sống hiện đại đã khiến cho nhiều gia đình làm nhà sàn bằng vật liệu bê tông vững chắc cũng như mua sắm chăn, ga, gối và đệm mút để dùng, nhưng vẫn còn những bà, những mẹ vẫn đau đáu gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, coi đó như một nét văn hóa mong truyền dạy lại cho con cháu đời sau. Bà Vàng Thị Quyên, thôn đội 1, xã Bản Liền năm nay đã 83 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn ở nhà để bện đệm rơm, ghế rơm... Bà Vàng Thị Quyên chia sẻ: Chẳng biết nghề làm đệm rơm, bện ghế rơm có từ bao giờ, nhưng từ khi 15-16 tuổi, bà đã được mẹ đẻ của mình dạy cách làm rồi. Mỗi mùa gặt xong, nhà nào cũng tích trữ một nhà rơm cạnh bếp để lúc nông nhàn mang ra tuốt rồi bện. Cũng vì thời xưa, vùng cao không có chiếu, đệm, nên đồng bào Tày đã dùng rơm và lên rừng lấy dây cây rừng về để bện đệm rơm. Đệm rơm vừa thay chiếu, nằm vừa êm lại vừa ấm vào mùa đông.

Chiếc ghế ngồi được bện từ rơm của người dân tộc Tày.
Chiếc ghế ngồi được bện từ rơm của người dân tộc Tày.

Đệm mới bện vẫn còn thơm mùi của rơm, nhất là rơm nếp, cảm giác nằm trên đệm rất thích thú. Ngày trước, nhà nào cũng làm đệm rơm để dùng. Nhưng cũng vì làm đệm rơm phải rất kỳ công nên nhiều gia đình sau khi đệm rơm đã cũ lại chọn cách mua đệm mút về dùng cho tiện. Chính vì điều này, đến một vài gia đình, chúng tôi bắt gặp, những chiếc đệm rơm đã cũ được tái sử dụng làm miếng che chắn chuồng nuôi gia súc, hoặc nhiều nhà cũng để không, không sử dụng nữa. Tuy nhiên, nhiều người già ở Bản Liền vẫn muốn gìn giữ bảo tồn nghề truyền thống của các bậc tiền nhân, nên cũng còn nhiều người vẫn tranh thủ làm để dùng, để tặng cho họ hàng... Trước đây, ở Bản Liền vẫn còn nhiều người làm ghế  rơm, đệm rơm để bán ở chợ phiên vào thứ 5 hằng tuần, nhưng nay đã ít dần. Bà Lâm Thị Trướng, ở đội 3, xã Bản Liền cho biết: Tôi rất thích đan bện đệm rơm, dù cũng khá cầu kỳ và phải tỉ mẩn qua nhiều công đoạn, phơi tích trữ rơm, tuốt rơm, bện rơm, nhưng mỗi sản phẩm làm ra vẫn mang đặc trưng riêng của đồng bào Tày ở vùng này. Nhất là khi du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển, nhiều gia đình ở đây biết làm homestay, thì những nét văn hóa của tộc người như nghề làm đệm rơm, ghế rơm vẫn cần được bảo tồn và gìn giữ.

Vừa nhanh tay bện rơm cùng cô cháu dâu để làm ghế rơm cho chúng tôi và khách du lịch trải nghiệm, bà Vàng Thị Quyên bảo: Bọn trẻ giờ lớn lên đi học rồi đi làm, bận rộn với công nghệ, ít nhiều không còn quan tâm đến nghề cũ nữa, nhưng tôi vẫn muốn dạy con, dạy cháu giữ nghề truyền thống của tổ tiên truyền lại. Dẫu sao, đó cũng là nét riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày chúng tôi. Làm đệm rơm thì khó hơn, bởi khi đan rơm phải dùng các hòn đá cuội ở suối buộc dây treo lên để tạo sự thăng bằng hai đầu. Còn đan ghế rơm thì đơn giản hơn và cũng nhanh hơn, chỉ cần tết bện lại theo lối vặn thừng, sau đó cuộn tròn và nêm bằng nêm gỗ, hoặc buộc thêm dây chỉ thêu nhiều màu... Để có chiếc đệm rơm đẹp, ngoài tay nghề kỹ thuật khéo léo đan bện của từng người thì điều quan trọng nữa là phải lựa chọn được rơm nếp vừa có mùi thơm, vừa không mốc, lại có độ dai, bóng, khi bện nhìn đều và đẹp. Cũng có nhà chọn cách mua dây dứa về bện, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống lên rừng lấy cây rừng về làm dây bện.

Cũng chính vì vẻ độc đáo bởi làm hoàn toàn chất liệu từ rơm và dây cây rừng, nên nhiều khách du lịch khi đến Bản Liền đã đặt mua những chiếc ghế rơm, đệm rơm về trang trí phòng khách, décor phòng trà hoặc không gian đọc sách của gia đình... Những chiếc đệm rơm, ghế rơm đã làm nên một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày ở Bản Liền. Chị Đỗ Vân Anh, du khách đến từ Quận Ba Đình (Hà Nội) rất thích thú và tỏ ra mãn nguyện khi cùng gia chủ đan bện những chiếc ghế ngồi, vừa được tìm hiểu một nét văn hóa độc đáo, vừa có sản phẩm mang về trang trí không gian nhà của mình. Chị Đỗ Vân Anh tâm sự: Tôi thực sự rất thích những sản phẩm làm bằng tay từ rơm như thế này, vừa mang nét độc đáo, vừa gần gũi thiên nhiên. Thú vị hơn là tôi được đến tận nơi, trải nghiệm và biết thêm cách người dân bản địa làm ra sản phẩm thủ công truyền thống của họ.

Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, nghề làm nón cọ, quạt lá cọ và nghề làm đệm rơm, bện ghế rơm đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của vùng đất này. Sau một thời mai một, nghề làm đệm rơm và ghế rơm đang được đồng bào Tày ở Bản Liền khôi phục lại, gìn giữ và làm theo yêu cầu của khách đặt tỏa đi muôn nơi. Thường thì, nhiều người chọn cách bày ghế rơm xung quanh mâm gỗ, hoặc bàn trà bằng gỗ lũa, hoặc dùng chiếu rơm, đệm rơm để ngồi uống trà, đọc sách... Giá bán một chiếc ghế rơm khoảng 30-50 nghìn đồng/chiếc tùy theo kích cỡ; mỗi chiếc chiếu phải tốn công lâu hơn và nhiều rơm hơn, có giá khoảng 200-300 nghìn đồng/chiếc cũng tùy theo kích cỡ và yêu cầu của khách đặt.

Vượt xa hơn của một nghề truyền thống trước đây chỉ phục vụ nhu cầu của chính người dân ở Bản Liền, giờ đây, du lịch cộng đồng phát triển, nghề làm đệm rơm, bện ghế rơm đã và đang trở thành một sản phẩm góp phần thúc đẩy du lịch của người Tày ở vùng cao Bản Liền phát triển. Không chỉ có vậy, trước nhu cầu tiêu dùng của nhiều du khách, hiện tại, bà con người Tày ở Bản Liền đang có mong muốn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích hơn nữa từ nghề đan rơm độc đáo.

Bài và ảnh KIỀU LÊ
TIN LIÊN QUAN

Nét đẹp của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán qua ống kính nhiếp ảnh

Tiến Trưởng |

Quảng Ninh - Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có trên 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 (sau dân tộc Tày và dân tộc Sán Chỉ). Cuộc sống của người dân nơi đây hiện nhiều sắc màu rực rỡ qua ống kính nhiếp ảnh.

Lễ hội Hoa Ban Điện Biên từ góc nhìn văn hóa dân tộc Thái

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên được tổ chức lần đầu năm 2014. Qua 8 mùa ban nở và 6 lần tổ chức, đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành 1 sản phẩm đặc trưng của du lịch Điện Biên.

Thực hành Then của người Tày, Nùng trong đời sống đương đại

Thạc sĩ Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội |

Then là thực hành tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh của các tộc người này. Với vai trò quan trọng và sự phong phú, đặc sắc ấy nên cuối năm 2019, thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng (và cả tộc người Thái) đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Bất chấp thách thức pháp lý, ông Trump vẫn có thể tranh cử tổng thống Mỹ

Thảo Phương |

Phiên triệu tập đại bồi thẩm đoàn trong vụ xét xử ông Donald Trump đã bị huỷ không rõ lý do và dù có chuyện gì xảy ra, cựu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục tranh cử.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thái Bình

TRUNG DU |

Ông Đinh Văn Khoa - giám định viên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Thái Bình) bị khởi tố, bắt giam để điều tra tội tham ô tài sản.

Phạt 22 triệu đồng người phụ nữ ép 2 con đi bán rong trên vỉa hè Sa Pa

Tô Công |

Lào Cai - UBND thị xã Sa Pa vừa xử phạt 22 triệu đồng đối với trường hợp bà Lù Thị Máy -  là người thường xuyên bắt con đi bán hàng rong.

Đón khách Trung Quốc và cơ hội “làm sạch” thị trường du lịch

Nguyễn Hùng |

Trước dịch COVID-19, các điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại Quảng Ninh luôn là những điểm “nóng” bởi những chiêu trò trốn thuế, gian dối về chất lượng sản phẩm. Tỉnh Quảng Ninh từng huy động các lực lượng mở một “chiến dịch” chấn chỉnh hoạt động của những điểm bán hàng này nhưng sau đâu lại vào đó.

Nét đẹp của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán qua ống kính nhiếp ảnh

Tiến Trưởng |

Quảng Ninh - Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có trên 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 (sau dân tộc Tày và dân tộc Sán Chỉ). Cuộc sống của người dân nơi đây hiện nhiều sắc màu rực rỡ qua ống kính nhiếp ảnh.

Lễ hội Hoa Ban Điện Biên từ góc nhìn văn hóa dân tộc Thái

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên được tổ chức lần đầu năm 2014. Qua 8 mùa ban nở và 6 lần tổ chức, đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành 1 sản phẩm đặc trưng của du lịch Điện Biên.

Thực hành Then của người Tày, Nùng trong đời sống đương đại

Thạc sĩ Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội |

Then là thực hành tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh của các tộc người này. Với vai trò quan trọng và sự phong phú, đặc sắc ấy nên cuối năm 2019, thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng (và cả tộc người Thái) đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.